Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 537-TC/QLCS | Hà Nội, ngày 28 tháng 2 năm 1998 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ |
Để thống nhất thực hiện Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và được xác lập sở hữu Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 100 TC/QLCS ngày 23/01/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể một số quy định trong Quy chế này như sau:
1. Các tài sản quy định tại Điều 1 của Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và được xác lập sở hữu Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 100 TC/QLCS ngày 23/01/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính bao gồm:
a. Tài sản được sử dụng để vi phạm hành có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06/7/1995 bao gồm hàng hoá phương tiện và tiền tệ, vàng bạc, đá quý là tang vật bị xử phạt vi phạm hành chính.
b. Tài sản do cơ quan Toà án và cơ quan có thẩm quyền xử lý tịch thu sung quỹ Nhà nước là những tài sản đã có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước của cơ quan Toà án và chuyển giao cho cơ quan thi hành án theo quy định tại Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 26/4/1993.
c. Tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo thời hiệu được quy định tại Bộ luật dân sự, bao gồm:
- Các tài sản là bất động sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu, sau 5 năm kể từ ngày thông báo công khai vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu.
- Các tài sản bị chôn dấu, bị chìm đắm được tìm thấy nếu không có hoặc không xác định ai là chủ sở hữu là cổ vật, là di tích lịch sử, văn hoá và các tài sản khác có giá trị lớn từ 10 triệu đồng trở lên.
- Các vật do các cá nhân nhặt được do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không biết địa chỉ của người đánh rơi là cổ vật, là di tích lịch sử, văn hoá và các tài sản khác có giá trị từ 10 triệu trở lên sau một năm kể từ ngày thông báo công khai, không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người tới nhận.
- Các tài sản là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối quyền hưởng di sản.
d. Các tài sản do chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân trong nước hiến tặng, cho các tổ chức cơ quan Nhà nước hoặc cá nhân được xác lập quyền sở hữu Nhà nước của cấp có thẩm quyền.
Các tài sản kê biên, tài sản tạm giữ, tài sản cầm giữ hàng hải, tài sản vô thừa nhận của ngành bưu điện, tài sản là vật chứng vụ án chưa có quyết định sung quỹ Nhà nước... không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy chế này.
2. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tài sản và xác lập quyền sở hữu Nhà nước (cơ quan ra quyết định) quy định tại Điều 2 của Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung Quỹ Nhà nước và được xác lập sở hữu Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 100 TC/QLCS ngày 23/01/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính bao gồm:
a. Các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tài sản sung quỹ Nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
b. Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với tài sản có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước của cơ quan Toà án các cấp theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 26/4/1993.
c. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước:
- Uỷ ban nhân dân từ cấp huyện trở lên theo thẩm quyền ra quyết định hoặc văn bản xác lập sở hữu Nhà nước đối với tài sản đến thời hạn xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
- Người đứng đầu hoặc cấp có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước được chủ sở hữu tài sản chuyển quyền sở hữu dưới hình thức cho tặng... ra quyết định hoặc văn bản xác lập sở hữu Nhà nước đối với tài sản đó.
3.1. Việc bàn giao tài sản từ cơ quan quyết định xác lập sở hữu Nhà nước sang cơ quan tài chính ở Điều 4 đều phải tiến hành kiểm kê tài sản thực tế chuyển giao cùng với hồ sơ kèm theo và lập biên bản giao nhận tài sản sung quỹ Nhà nước như hướng dẫn tại Điều 8 của Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và được xác lập sở hữu Nhà nước.
Khi chuyển giao, hồ sơ kèm tang vật bao gồm:
+ Bản chính quyết định xử lý tịch thu tài sản sung quỹ Nhà nước (Bản sao trích lục bản án, quyết định của Toà án và bản sao quyết định thi hành án đối với tài sản sung quỹ Nhà nước của cơ quan chuyển giao tài sản là cơ quan thi hành án);
+ Bản sao biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc biên bản tiếp nhận tài sản không rõ chủ sở hữu và văn bản xác lập sở hữu Nhà nước đối với tài sản đó;
+ Các hồ sơ tài liệu, chứng từ khác kèm theo (nếu có).
3.2. Việc chuyển gao tài sản được thực hiện theo một trong hai phương thức sau:
a. Trường hợp cơ quan tài chính có đủ điều kiện bảo quản đối với tài sản đó, thì chuyển giao toàn bộ tài sản hay một phần tài sản bị tịch thu sung quỹ Nhà nước kèm theo hồ sơ cho cơ quan tài chính bảo quản.
b. Trường hợp cơ quan tài chính chưa có điều kiện bảo quản tài sản hoặc việc di rời tài sản để chuyển giao gây tốn kém, mất mát, giảm chất lượng (hàng hoá cồng kềnh, hàng dễ vỡ, hàng vụn, hàng rời...) hoặc điều kiện vận tải khó khăn làm tăng nhiều chi phí, thì chuyển giao hồ sơ sang cơ quan tài chính, còn tài sản để lại kho bãi của cơ quan ra quyết định để tiếp tục bảo quản. Cơ quan tài chính tiến hành các thủ tục giao nhận tài sản sung quỹ Nhà nước, đồng thời uỷ quyền bảo quản tài sản sung quỹ Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và được xác lập sở hữu Nhà nước.
3.3. Việc chuyển giao, xử lý tài sản đều phải thực hiện theo các quy định tại Chương II của Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và được xác lập sở hữu Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 100 TC/QLCS ngày 23/01/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tuy nhiên, do đặc điểm quản lý riêng của loại tài sản hoặc do đặc thù của một số ngành và cấp xử lý mà việc chuyển giao, xử lý đối với một số loại tài sản được thực hiện như sau:
a. Đối với tài sản sung quỹ Nhà nước là tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng bạc đá quý, kim loại quý quy định tại khoản 3 Điều 5 và khoản 2 Điều 6 của Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và được xác lập sở hữu Nhà nước, cơ quan ra quyết định phải tiến hành nộp ngay vào Kho bạc Nhà nước quản lý, song cơ quan tài chính các cấp và các cơ quan liên quan phải thực hiện một số việc như sau:
- Đối với tài sản sung quỹ Nhà nước là tiền Việt Nam, ngoại tệ: thực hiện thu nộp vào Ngân sách Nhà nước theo đúng quy định tại Thông tư số 24 TC/KBNN ngày 13/5/1997 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ tập trung, quản lý các khoản thu Ngân sách Nhà nước qua KBNN.
- Đối với tài sản sung quỹ Nhà nước là vàng bạc, kim loại quý, đá quý: sau khi tiếp nhận hồ sơ xác lập sở hữu Nhà nước các tài sản và các tài liệu, chứng từ về việc gửi tài sản này vào Kho bạc Nhà nước, cơ quan tài chính trình UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước để tiến hành giám định chất lượng, định giá và tổ chức bán đấu giá đối với số tài sản đó. Thành phần của Hội đồng định giá và bán đấu giá vàng bạc đá quý gồm đại diện Sở Tài chính - Vật giá làm Chủ tịch Hội đồng, cơ quan ra quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và xác lập sở hữu Nhà nước làm Phó Chủ tịch Hội đồng, thành viên Hội đồng là Kho bạc Nhà nước và một số cơ quan khác có liên quan.
Tiền thu được từ bán vàng bạc, đá quý, kim loại quý thông qua tài khoản tạm giữ chờ xử lý của cơ quan tài chính để nộp vào Ngân sách Nhà nước sau khi trừ đi các chi phí về giám định chất lượng, kiểm kê, định giá, tổ chức bán đấu giá và chi thưởng cho cơ quan ra quyết định hoặc người có công phát hiện theo quy định hiện hành.
b. Đối với tài sản sung quỹ Nhà nước có quyết định chuyển giao cho cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng được nêu tại khoản 4 Điều 5 và khoản 4 Điều 6, việc tổ chức chuyển giao phải được lập biên bản giao nhận tài sản sung quỹ Nhà nước theo hướng dẫn tại Điều 8 của Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và được xác lập sở hữu Nhà nước, cụ thể:
- Đối với tài sản sung quỹ Nhà nước là bất động sản: Cơ quan tài chính tổ chức đo vẽ, lập hồ sơ nhà đất và xác định giá trị còn lại của nhà, vật kiến trúc trên đất, thực hiện hạch toán qua Ngân sách Nhà nước bằng hình thức ghi thu, ghi chi cho cơ quan Nhà nước được nhận tài sản và quản lý, sử dụng theo quy định của Nhà nước.
- Đối với tài sản sung quỹ Nhà nước là động sản: cơ quan tài chính tổ chức giám định, xác định giá trị còn lại của động sản và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ và hướng dẫn đơn vị nhận tài sản làm các thủ tục đăng ký quyền sở hữu (đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu) theo đúng quy định của Nhà nước và cũng được hạch toán qua Ngân sách Nhà nước giống như đối với bất động sản.
Cơ quan tài chính có trách nhiệm thực hiện các thủ tục hạch toán qua Ngân sách Nhà nước về giá trị và hiện vật đối với tài sản sung quỹ Nhà nước được chuyển giao đó cho cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Nhà nước.
c. Đối với mọi tài sản có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước của cơ quan Toà án và đã được cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án thực hiện trách nhiệm thông báo và chuyển giao tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước cho cơ quan tài chính cùng cấp để cơ quan tài chính tổ chức bán đấu giá thu tiền cho Ngân sách Nhà nước.
d. Đối với tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước là hàng hoá lâm sản do vi phạm hành chính về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản:
- Đối với gỗ, lâm sản quý hiếm, sản phẩm chế biến từ gỗ và gỗ thông thường có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên đối với mỗi quyết định xử lý và phương tiện bị tịch thu thì Chi cục Kiểm lâm chuyển giao cho Sở Tài chính - Vật giá tổ chức bán đấu giá.
- Đối với gỗ, lâm sản quý hiếm kém phẩm chất từ 50% trở lên, hoặc lô hàng có quyết định tịch thu có số lượng ít, phân tán, giá trị nhỏ hơn 50 triệu đồng, thì cơ quan kiểm lâm phối hợp với cơ quan tài chính bán cho các đối tượng được phép sử dụng theo giá do UBND tỉnh quy định.
- Đối với lâm sản khác (không thuộc loại kể trên) và động vật rừng còn sống, căn cứ vào từng loại thú rừng cụ thể, cơ quan kiểm lâm phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức thả vào rừng hoặc bán cho cá nhân, tổ chức được phép kinh doanh, gây nuôi phát triển, nghiên cứu khoa học, phục vụ nhu cầu văn hoá theo giá thị trường địa phương.
- Trường hợp một Hạt kiểm lâm quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn nhiều huyện tịch thu được lâm sản đang trên đường vận tải thì lâm sản tịch thu thuộc huyện nào, Hạt kiểm lâm phối hợp với Phòng tài chính huyện đó tổ chức xử lý. Nếu Hạt kiểm lâm tịch thu lâm sản không thuộc các địa phương mình quản lý thì Hạt kiểm lâm phối hợp với Phòng tài chính huyện nơi Hạt kiểm lâm tịch thu lâm sản để xử lý bán.
e. Đối với tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước được phép tái suất, sau khi tiếp nhận tài sản, cơ quan tài chính trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng định giá và bán tài sản sung quỹ Nhà nước để tổ chức bán đấu giá hoặc bán chỉ định cho tổ chức, đơn vị có giấy phép xuất khẩu đối với loại tài sản đó.
g. Đối với tài sản do cơ quan có thẩm quyền cấp xã, phường, thị trấn (gọi là cấp xã) ra quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước được thực hiện theo đúng khoản 1 Điều 4 của Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và được xác lập sở hữu Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 100 TC/QLCS ngày 23/01/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trường hợp các xã ở xa trung tâm huyện, các xã giáp biên thường xuyên xử lý hàng nhập lậu hoặc tài sản tịch thu là loại hàng hoá nông sản, thực phẩm tươi sống khó bảo quản hoặc hàng hoá khác có giá trị nhỏ dưới 500.000 đồng trên một lô hàng xử lý, thì Uỷ ban nhân dân xã thành lập Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản sung quỹ của Nhà nước theo đúng các quy định về bán đấu giá tài sản của Nhà nước và trình Chủ tịch UBND huyện quyết định cho phép xã được mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước huyện để quản lý các khoản thu, chi có liên quan đến quản lý và xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước do lực lượng xã phát hiện, bắt giữ, xử lý.
4.1. Thành lập và giải thể Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước quy định tại Điều 11:
- Cơ quan tài chính có trách nhiệm trình UBND cùng cấp ra quyết định thành lập Hội đồng giám định giá và bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước cho từng cuộc bán đấu giá. Sau khi bán đấu giá và thanh lý hợp đồng mua bán tài sản sung quỹ Nhà nước, Hội đồng định giá và bán đấu giá của cuộc bán đấu giá đó chấm dứt hoạt động và tự giải tán mà không cần phải có quyết định giải thể của cấp có thẩm quyền.
- Trong trường hợp cơ quan ra quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước hoặc xác lập sở hữu Nhà nước là UBND các cấp thì Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước bao gồm:
+ Đại diện cơ quan tài chính làm Chủ tịch Hội đồng.
+ Đại diện cơ quan đề nghị UBND các cấp ra quyết định tịch thu tài sản sung quỹ Nhà nước làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
- Hội đồng định giá và bán đấu giá đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước (như cổ vật, di tích lịch sử văn hoá, tài sản vô chủ là nhà, đất; tàu, thuyền được trục vớt...) gồm các thành phần sau:
+ Đại diện cơ quan tài chính làm Chủ tịch Hội đồng.
+ Đại diện cơ quan tiếp nhận hoặc cơ quan chức năng có văn bản đề nghị UBND tỉnh ra quyết định làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
- Đối với các địa phương có khối lượng tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước lớn và thường xuyên, thì cơ quan tài chính trình UBND tỉnh thành lập Hội đồng định giá và bán đấu giá theo từng cơ quan chuyên ngành với thời hạn hoạt động của Hội đồng được quy định cụ thể trong quyết định thành lập. Căn cứ vào quyết định Hội đồng, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá mời các thành viên Hội đồng cụ thể cho từng cuộc bán đấu giá.
4.2. Về đối tượng tham giá đấu giá đối với cuộc bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước tại quy định tại Điều 12:
- Đối với tài sản tịch thu là hàng hoá thông thường thì mọi đối tượng thuộc các thành phần kinh tế đều được tham gia đấu giá.
- Đối với tài sản tịch thu là hàng hoá chuyên dùng hoặc là vàng bạc, kim khí, đá quý hoặc thuộc loại hàng hoá hạn chế sử dụng, thì Hội đồng bán đấu giá có thể quy định cụ thể đối tượng được tham gia đấu giá đối với từng cuộc bán đấu giá.
4.3. Trình tự một cuộc bán đấu giá tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước:
- Công bố Quyết định thành lập Hội đồng định giá và bán đấu giá, quyết định bán tài sản sung quỹ Nhà nước hoặc Quyết định uỷ quyền bán tài sản sung quỹ Nhà nước.
- Giới thiệu thành phần Hội đồng và người điều hành cuộc bán đấu giá, người giúp việc trong cuộc bán đấu giá.
- Điểm danh số người đăng ký tham gia đấu giá, hoàn tất những thủ tục đăng ký cuối cùng trước khi tiến hành đấu giá.
- Phổ biến quy chế của cuộc bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước hoặc các quy định cụ thể liên quan đến cuộc bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước và giải đáp các ý kiến thắc mắc của những người tham gia đấu giá.
- Tiến hành điều hành cuộc bán đấu giá: Giới thiệu tài sản, nhắc lại giá khởi điểm, yêu cầu trả giá, nhắc lại giá đã trả, tổ chức rút thăm (nếu có), công bố người mua được tài sản bán đấu giá, xử lý các vi phạm quy chế bán đấu giá hoặc các vấn đề phát sinh trong cuộc bán đấu giá.
- Lập văn bản bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước: Biên bản bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước; biên bản rút thăm (nếu có); biên bản xử lý vi phạm quy chế bán đấu giá (nếu có); biên bản bán đấu giá không thành (nếu có)...
Để việc xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước được thuận lợi và thống nhất, Bộ Tài chính phát hành các biểu mẫu, văn bản phục vụ cho công tác xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước để các địa phương sử dụng.
4.4. Về việc đăng ký quyền sở hữu đối với các tài sản có nguồn gốc xác lập sở hữu Nhà nước quy định tại khoản 6 Điều 14 của Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và được xác lập sở hữu Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 100 TC/QLCS ngày 23/01/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Hội đồng bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ và hướng dẫn người mua được tài sản bán đấu giá làm các thủ tục đăng ký quyền sở hữu theo đúng quy định của Nhà nước.
Các hồ sơ, giấy tờ cung cấp cho người mua được tài sản sung quỹ Nhà nước bán đấu giá bao gồm:
- Bản chính quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước hoặc văn bản xác lập quyền sở hữu Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền. (Đối với ô tô, xe máy, nếu nhiều xe chung một quyết định thì phải có bản sao có công chứng Nhà nước hoặc có chứng nhận của UBND cấp huyện nơi không có Phòng công chứng Nhà nước).
- Bản chính Biên bản bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước do cơ quan tài chính cấp huyện trở lên lập. Trường hợp cơ quan ra quyết định được cơ quan tài chính uỷ quyền bán tài sản sung quỹ Nhà nước thì phải có giấy uỷ quyền bán tài sản sung quỹ Nhà nước của cơ quan tài chính kèm theo.
- Bản chính quyết định bán tài sản thu sung quỹ Nhà nước. Nếu tài sản bán là bất động sản thì phải có quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc của Thủ tướng Chính phủ.
- Bản chính Hợp đồng mua bán tài sản sung quỹ Nhà nước (đối với hợp đồng mua bán tài sản sung quỹ Nhà nước là bất động sản phải có công chứng Nhà nước chứng thực).
- Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho do Bộ Tài chính phát hành.
Trên đây là một số hướng dẫn cụ thể để thực hiện Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và xác lập quyền sở hữu Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 100 TC/QLCS ngày 23/01/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (những quy định cụ thể về quản lý thu chi tài chính của việc quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước, tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước có văn bản hướng dẫn riêng). Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) để xem xét, xử lý.
| Phạm Văn Trọng (Đã ký) |
- 1Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993
- 2Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995
- 3Bộ luật Dân sự 1995
- 4Quyết định 100-TC/QLCS năm 1997 về Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và được xác lập quyền sở hữu Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 5Thông tư 24-TC/KBNN-1997 về chế độ tập trung, quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước qua kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
Công văn SỐ 537 TC/QLCS của bộ tài chính hướng dẫn quy chế quản lý và sử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung công quỹ Nhà nướcvà được xác lập quyền sở hữu Nhà nước
- Số hiệu: 537-TC/QLCS
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 28/02/1998
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Phạm Văn Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra