Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
----------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 527/TCT-CS
V/v cưỡng chế thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký KD.

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2008

 

Kính gửi: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời Công văn số 7454/SKHĐT-ĐKKD ngày 20/11/2007 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại Khoản 1, Điều 102 Luật Quản lý thuế quy định về cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quy định: “1. Biện pháp cưỡng chế theo quy định tại điều này được thực hiện khi cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 93 của Luật này nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt”;

- Tại Điều 93 Luật Quản lý thuế quy định: “1. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bao gồm:

a) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; yêu cầu phong toả tài khoản;

b) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;

c) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu đủ tiền thuế, tiền phạt;

d) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;

đ) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu;

e) Thu hồi mã số thuế; đình chỉ việc sử dụng hóa đơn;

g) Thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

2. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định tại khoản 1 Điều này chấm dứt hiệu lực, kể từ khi tiền thuế, tiền phạt đã được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.”

- Tại Điều 3, Luật Doanh nghiệp năm 2004 quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản

Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản.”

Căn cứ các quy định nêu trên, biện pháp cưỡng chế thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ áp dụng đối với cơ sở kinh doanh không còn tiền, tài sản, hàng hoá, nhà, đất để thực hiện các biện pháp cưỡng chế: trích tiền từ tài khoản tiền gửi; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức cá nhân khác nắm giữ; dừng thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, theo thứ tự quy định tại điểm a, b, c, d, đ, Khoản 1, Điều 93 Luật Quản lý thuế hoặc đã áp dụng nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt.

Như vậy, cơ sở kinh doanh bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong tình trạng cơ sở kinh doanh đó đặc biệt khó khăn về tài chính, không có khả năng thanh toán các khoản nợ, bao gồm cả nợ thuế, nên không có khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh được nữa và lâm vào tình trạng phá sản, nên không ảnh hưởng xấu tới quá trình triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp.

Thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Luật Doanh nghiệp, trên cơ sở hồ sơ đề nghị của cơ quan thuế chuyển đến.

Tổng cục Thuế trả lời để Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố;
- Vụ Pháp chế, CST;
- Ban PC, HT, TTTĐ;
- Lưu: VT , CS (3b)

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 527/TCT-CS về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 527/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/01/2008
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phạm Duy Khương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản