Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 497/NHNN-QLNH3 | Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2006 |
Kính gửi: | - Giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố |
Ngày 18 tháng 10 năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/08/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/11/2005). Để thực hiện nghiêm túc và thống nhất nguyên tắc tự do hoá các giao dịch vãng lai đã được quy định tại Nghị định số 131/NĐ-CP của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố; Tổng giám đốc, Giám đốc các Ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối (Ngân hàng được phép) thực hiện một số nội dung sau:
1. Khi thực hiện việc bán, chuyển hoặc xác nhận việc mang ngoại tệ ra nước ngoài cho Người không cư trú, Người cư trú để phục vụ các nhu cầu thanh toán vãng lai, các Ngân hàng được phép không cần phải yêu cầu xuất trình các chứng từ hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt nam.
2. Người cư trú là công dân Việt Nam được liên hệ với ngân hàng được phép để mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích sau đây mà không cần phải xin giấy phép của Ngân hàng Nhà nước:
a) Chi phí cho việc học tập, chữa bệnh cho bản thân hoặc cho thân nhân;
b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
c) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;
d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
e) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
f) Đi định cư ở nước ngoài;
g) Các mục đích chuyển tiền vãng lai một chiều khác.
3. Ngân hàng được phép căn cứ vào các nhu cầu ngoại tệ nêu tại điểm 2 nói trên, trừ khoản d, để quy định cụ thể về các loại giấy tờ cần thiết chứng minh cho mục đích sử dụng của người đề nghị mua, chuyển, mang ngoại tệ, quy định việc xem xét, kiểm tra, các qui trình bán, chuyển ngoại tệ hoặc xác nhận để cá nhân mang ngoại tệ ra nước ngoài được thực hiện theo nguyên tắc đơn giản, thuận tiện. Người đề nghị mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ liên quan dùng để chứng minh cho mục đích sử dụng ngoại tệ.
Các Ngân hàng được phép có trách nhiệm lưu giữ đầy đủ chứng từ theo quy định của pháp luật về chế độ lưu trữ chứng từ và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình đối với các giao dịch đã được thực hiện.
Mức ngoại tệ giải quyết cho các nhu cầu mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài được căn cứ theo nhu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch.
4. Riêng đối với mục đích trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài nêu tại điểm 2(d), Ngân hàng được phép xem xét cho mua, chuyển, mang ngoại tệ theo mức bình quân là 7.000USD/người/năm. Trường hợp đặc biệt, Ngân hàng được phép có thể xem xét giải quyết theo mức cao hơn nếu người đề nghị xuất trình được các giấy tờ chứng minh nhu cầu vượt mức nêu trên là cần thiết, hợp lý.
5. Đối với trường hợp công dân Việt Nam có nhu cầu mang ngoại tệ cho các mục đích nêu tại điểm 2 với số lượng vượt mức phải khai báo Hải quan cửa khẩu, Ngân hàng được phép xác nhận việc mang ngoại tệ ra nước ngoài trên cơ sở giấy đề nghị của người có nhu cầu ghi rõ số tiền, mục đích sử dụng để làm căn cứ xuất trình cho Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh (theo mẫu đính kèm).
Công dân Việt Nam có ngoại tệ được liên hệ các Ngân hàng được phép để xin chuyển ngoại tệ ra nước ngoài hoặc xác nhận để mang ngoai tệ ra nước ngoài phục vụ các mục đích nêu tại điểm 2 công văn này trên cơ sở xuất trình các giấy tờ theo quy định của Ngân hàng được phép. Ngân hàng được phép có trách nhiệm xác nhận việc mang ngoại tệ ra nước ngoài theo đề nghị của người có nhu cầu và có thể thực hiện thu phí đối với dịch vụ này.
6. Theo quy định của Luật ban hành các văn bản qui phạm pháp luật, các qui dịnh trước đây trái với Nghị định số 131/2005/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố, Tổng giám đốc, Giám đốc các Ngân hàng được phép chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung nêu tại công văn này. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề nghị báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Trung ương để kịp thời xử lý.
Nơi nhận: | KT.THỐNG ĐỐC |
NGÂN HÀNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Thành phố (tỉnh), ngày …. tháng …..năm ….. |
GIẤY XÁC NHẬN MANG NGOẠI TỆ RA NƯỚC NGOÀI
(Áp dụng cho các trường hợp Người cư trú là công dân Việt Nam mang ngoại tệ ra nước ngoài qua cửa khẩu cho các mục đích đi học, chữa bệnh, trợ cấp vv…..)
Ông (Bà) : …………………………………
Sinh ngày: …………….……… Nơi sinh: …………….…….
Nơi thường trú: ……………………………………………………
Hộ chiếu số: ……………… Cấp ngày: ……….. Tại: ……………
Xác nhận số ngoại tệ tiền mặt dưới đây:
- Bằng số: …………………………………..
- Bằng chữ: …..............................................
- Có nguồn gốc ngoại tệ từ: …………………..
+ Mua của Ngân hàng
+ Rút ngoại tệ tiền mặt từ tài khoản cá nhân.
+ Ngoại tệ tự có
Mang qua cửa khẩu: ……………………
Mục đích đề nghị mang ngoại tệ ra nước ngoài: ……………………………………
Giấy xác nhận này có hiệu lực đến hết ngày: …………………………
Ông (bà) phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý ngoại hối trong việc mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài.
Nơi nhận: | (TỔNG) GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG |
Công văn số 497/NHNN-QLNH3 của Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 131/2005/NĐ-CP của Chính phủ
- Số hiệu: 497/NHNN-QLNH3
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 25/01/2006
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/01/2006
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra