Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 481/TTg-KTTH
V/v tăng cường các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và bảo đảm cân đối, quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2008

 

Kính gửi:

- Bộ Công Thương;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Y tế;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

Xét báo cáo của các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong cuộc họp ngày 27 tháng 3 năm 2008 bàn về các nhóm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và bảo đảm cân đối các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế trong năm 2008, ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, của các chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, giá cả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu hàng đầu hiện nay là kiểm soát lạm phát, bên cạnh việc áp dụng các nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ - tài chính, chính sách tài khoá, chính sách hỗ trợ khu vực dân cư nghèo có thu nhập thấp, cần phải khẩn trương tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp về thúc đẩy xuất khẩu điều tiết nhập khẩu, cân đối, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân, đồng thời phải tăng cường quản lý thị trường, chống đầu cơ trục lợi, nâng giá thị trường.

2. Đồng ý về nguyên tắc các nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu do Bộ Công Thương đề nghị đối với các lĩnh vực dự báo thị trường, thông tin; các chính sách tài chính - tín dụng hỗ trợ xuất khẩu không trái các nguyên tắc của WTO; các giải pháp về điều hành tỷ giá, lãi suất trong khu vực sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu.

Để triển khai cụ thể các giải pháp trên, yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cần làm việc cụ thể với các tập đoàn sản xuất, các Tổng công ty, Hiệp Hội ngành hàng để rà soát xây dựng các đề án, chương trình phát triển xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất cung ứng các sản phẩm cho sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu đối với từng ngành hàng; đồng thời, bàn, phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt các đề án, chương trình phát triển xuất khẩu để từ năm 2008 tăng trưởng xuất khẩu 25%. Những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, các Bộ, cơ quan cần chủ động bàn với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xử lý kịp thời; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền các cơ quan.

Trong quá trình triển khai công việc, các Bộ, cơ quan cần chú trọng những nội dung cụ thể sau đây:

a) Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cần khẩn trương chỉ đạo các tập đoàn, Tổng công ty, công ty và xí nghiệp sản xuất thực hiện các biện pháp giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm các nguồn năng lượng, vật tư, chi phí lưu thông để nâng cao sức cạnh tranh đối với từng ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu.

b) Bộ Công Thương chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều phối lượng gạo xuất khẩu ở mức 4 triệu tấn cho cả năm 2008; rà soát số lượng gạo của các hợp đồng đã ký đến hết quý I năm 2008 để có biện pháp giảm mạnh hoặc ngừng giao dịch ký hợp đồng mới trong quý II năm 2008; chưa áp dụng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng lúa, gạo.

c) Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo để bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn vay cho khu vực sản xuất hàng xuất khẩu; bảo đảm mua hết và kịp thời ngoại tệ thu từ xuất khẩu; kiểm soát các loại phí trái quy định.

d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 4 năm 2008 việc đánh thuế dầu thô xuất khẩu; điều chỉnh thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng than đá và một số khoáng sản khác.

đ) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển xuất khẩu phù hợp các nguyên tắc của WTO, trình Thủ tướng Chính phủ trong đầu quý II năm 2008.

3. Đồng ý về nguyên tắc việc phân loại hàng nhập khẩu thành ba nhóm hàng (thiết yếu; cần kiểm soát; cần hạn chế) để có các giải pháp hữu hiệu, hạn chế nhập siêu.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, phân loại kỹ hơn các nhóm hàng, nhất là hai nhóm hàng cần kiểm soát và cần hạn chế. Trong đó, nhất thiết cần điều tiết hạn chế nhập khẩu các mặt hàng: Ô tô nguyên chiếc dưới 12 chỗ ngồi và bộ linh kiện lắp ráp xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi; các loại hàng điện tử, điện lạnh; xe gắn máy hai, ba bánh nguyên chiếc, bộ linh kiện lắp ráp xe gắn máy hai, ba bánh, xe đạp điện và bộ linh kiện lắp ráp xe đạp điện; một số loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ và các mặt hàng khác theo phân loại chi tiết của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Việc hạn chế nhập khẩu hai nhóm hàng trên được điều tiết bằng các biện pháp tăng thuế suất thuế nhập khẩu, hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vay ngoại tệ nhập khẩu, sử dụng hàng rào kỹ thuật hoặc áp dụng kết hợp các biện pháp trên, tùy từng nhóm mặt hàng.

4. Yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải xây dựng các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu và nguyên tắc áp dụng hàng rào kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, phù hợp các nguyên tắc của WTO, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5 năm 2008.

5. Để bảo đảm cân đối các mặt hàng thiết yếu cho hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân, yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo:

a) Các tổ chức sản xuất, lưu thông phân phối thuộc ngành quản lý bảo đảm cung cấp đủ và không gián đoạn các mặt hàng: điện năng, than, xăng dầu, xi măng, phân bón, sắt thép xây dựng, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm thiết yếu.

b) Các Hiệp Hội ngành hàng cần tăng cường phối hợp cùng các cơ quan Chính phủ tuyên truyền, tham gia thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế giá cả, kiểm soát lạm phát; phát huy và thể hiện cụ thể vai trò tham gia điều tiết thị trường, như việc cam kết duy trì giá bán hiện nay đến hết tháng 6 năm 2008, các mặt hàng theo chỉ đạo dưới đây của Thủ tướng Chính phủ; chống đầu cơ trục lợi; thực hiện việc niêm yết và kiểm soát giá cả theo quy định hiện hành.

c) Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chưa tăng giá đến hết tháng 6 năm 2008 các mặt hàng: xăng dầu, điện năng, than, thép, xi măng, giấy các loại, phân bón, thuốc chữa bệnh, nước sạch, học phí, viện phí, giá các loại vận chuyển đường không, đường sắt, vận chuyển xe buýt công cộng.

6. Yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan và Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo nghiêm và giám sát công tác thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu công về xăng dầu, điện, nước; đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân cùng ủng hộ và thực hiện.

7. Trong quá trình tổ chức và thực hiện các nhóm giải pháp nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên nắm bắt thực tiễn, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề nảy sinh vượt thẩm quyền, không để gây ách tắc công việc./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
các Vụ Cục đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 481/TTg-KTTH về việc tăng cường các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và bảo đảm cân đối, quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 481/TTg-KTTH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 31/03/2008
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/03/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản