Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4498 TM-PC

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2002

 

BÁO CÁO TÓM TẮT VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VƯỚNG MẮC TẠI KHU THƯƠNG MẠI LAO BẢO, TỈNH QUẢNG TRỊ

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Ngày 23 tháng 10 năm 2002, tại Hà Nội, Bộ Thương mại đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì họp với đại diện các cơ quan có liên quan gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan), Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Bộ Công an để nghe UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo về tình hình phát triển của Khu Thương mại Lao Bảo, nêu một số vướng mắc và bàn các giải pháp nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh tại Khu Thương mại Lao Bảo theo đúng định hướng của Chính phủ.

Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị (có văn bản báo cáo số 58/BC-UB ngày 18 tháng 10năm 2002 của UBND tỉnh Quảng Trị kèm theo), các yêu cầu trao đổi tại cuộc họp đều đánh giá cao Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 1998 ban hành Quy chế Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, Quyết định số 08/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg nói trên và thống nhất nhận định theo thời gian và cùng với đà phát triển của Khu Thương mại Lao Bảo, Nhà nước ta ngày càng có những quyết định ưu đãi phù hợp hơn nhằm hình thành và tạo ra một Khu thương mại phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện và trên thực tế đã hình thành nên một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ, phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, thương mại tại khu vực này.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, chủ yếu về công tác quản lý, điều hành cần được tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ. Cụ thể, bên cạnh các vấn đề thuộc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan được nêu tóm tắt tại văn bản báo cáo này, xin đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về 2 vấn đề sau:

Thứ nhất, về vấn đề hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại Khu Thương mại Loa Bảo có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cấu thành trong hàng hóa đó và được giảm 10% mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với từng loại nguyên liệu, linh kiện.

Đây là vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của một văn bản điều ước quốc tế giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào và đã được Nhà nước ta quan tâm giải quyết từ giữa năm 2001  (cụ thể là Chính phủ đã có văn bản báo cáo số 400/CP-QHQT ngày 14 tháng 5 năm 2001 của UBTV Quốc hội và UBTV Quốc hội đã có văn bản số 319 UBTVQH10 ngày 23 tháng 6 năm 2001 nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc ký Nghị định thư giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Lào nhưng do điều kiện khách quan từ phía Lào lúc đó chưa có quy định về Khu Thương mại Đen-xa-vẳn nên chưa giải quyết dứt điểm được. Đến nay phía Lào đã có quy định và cho triển khai thực hiện tại Khu Thương mại Đen xa vẳn. Vì vậy, Bộ Thương mại nhất trí với ý kiến đề nghị cần tiếp tục  đàm phán với phía Lào để ký Nghị định thư theo đúng sự chỉ đạo của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội và của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do khâu tính toán quá phức tạp, không cần thiết nên phía Lào đề nghị không nên chỉ giảm thuế đối với phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cấu thành trong hàng hóa đó mà yêu cầu cho giảm 10% đối với chính hàng hóa đó, vì vậy, Bộ Thương mại đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này trước khi đàm phán với phía Lào.

Thứ hai, về vấn đề đề nghị không áp dụng việc thu thuế VAT đối với hàng hóa là nông sản được sản xuất tại Lao Bảo nhập khẩu vào nội địa Việt Nam.

Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã có quy định tại Khoản 2 Điều 25 Quyết định số 08/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2002 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Khu Thương mại Lao Bảo tỉnh Quảng Trị ban hành kèm theo Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 1998 như sau: "hàng hóa, dịch vụ từ Khu Thương mại Lao Bảo đưa vào nội địa Việt Nam phải chịu thuế giá trị gia tăng" và Bộ Tài chính đã có hướng dẫn tại Điểm 4 Khoản 1 Mục A Phần II Thông tư số 16/2002/TT-BTC ngày 08 tháng 02 năm 2002 như sau: "hàng hóa, dịch vụ từ Khu Thương mại Lao Bảo nhập vào nội địa Việt Nam phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện hành về thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu". Bộ Thương mại cho rằng các quy định và hướng dẫn nói trên chưa có sự phân định giữa hàng hóa nói chung với hàng hóa là nông sản. Vì vậy, để khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất hàng nông sản tại Khu Thương mại Lao bảo, cần thiết phải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về việc không thu thuế VAT đối với hàng hóa là nông sản được sản xuất tại Khu Thương mại Lao Bảo nhập khẩu vào nội địa Việt Nam.

Các vấn đề khác thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đã được thảo luận và giải quyết tại cuộc họp, bao gồm các vấn đề chủ yếu sau đây:

1.- Về việc UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Thương mại giao cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch nhập khẩu đối với hàng hóa tiêu dùng được phép nhập khẩu vào Khu Thương mại Lao Bảo.

Xuất phát từ định hướng của Chính phủ là ưu tiên phát triển kinh tế thương mại tại khu vực thuộc loại đặc biệt khó khăn này và theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì các loại hàng hóa, trừ hàng hóa cấm nhập khẩu, đều được nhập khẩu miễn thuế vào Khu Thương mại Lao Bảo và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Khu vực này đều được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo nhu cầu kinh doanh  của doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Thương mại cho rằng không nên đặt ra vấn đề này và theo các quy định của pháp luật hiện hành cũng không có cơ sở pháp lý để Bộ Thương mại giao trách nhiệm phê duyệt kế hoạch nhập khẩu hàng hóa theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị.

2.- Về việc UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản tạm dừng nhập khẩu một số hàng hóa tiêu dùng vào Khu Thương mại Lao Bảo; kiến nghị việc tăng cường công tác quản lý hải quan đồng thời xem xét thêm về hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường tại Khu Thương mại Lao Bảo.

Việc UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản tạm dứng nhập khẩu một số hàng hóa tiêu dùng gồm: nước giải khát các loại: phụ tùng xe 2 bánh gắn máy (bao gồm cả vành xe HONDA); rượu các loại; đường kính; mỳ chính; cốc, ly thuỷ tinh các loại và sau đó là "nồi cơm điện" là một giải pháp tính thế trong điều kiện một số cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có cơ quan Hải quan chưa kịp đổi mới tổ chức và hoạt động tại Khu vực này. Để bảo đảm ổn định tình hình  và hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp tại Khu Thương mại Lao Bảo, Bộ Thương mại nhất trí với ý kiến xác định cơ quan Hải quan phải là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc chống hàng hóa nhập khẩu trái phép vào  nội địa Việt Nam và đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) có chỉ đạo để tăng cường thêm tổ chức và công tác quản lý hải quan, đặc biệt cần nhận thức đầy đủ về Khu Thương mại "tự do" Lao Bảo để tăng cường tổ chức cũng như hoạt động của cơ quan Hải quan tại cửa khẩu Lao Bảo với nội địa (cổng B) thay vì trước đây chỉ tập trung tại cửa khẩu Lao Bảo với Lào (cổng A).

Do tính chất "tự do" của Khu Thương mại Lao Bảo, vì vậy, Bộ Thương mại cho rằng cần tăng cường thêm một số chức năng, nhiệm vụ cho Ban Quản lý Khu Thương mại Lao Bảo đồng thời  giảm bớt về tổ chức,hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường tại Khu Thương mại.

3.- Về việc đề nghị cho áp dụng quy định định lượng hàng hóa được phép mua miễn thuế tại Khu Thương mại (tiêu chuẩn hành lý) đối với những người không cư trú tại Lao Bảo

Đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan cho rằng chỉ có những người xuất cảnh, nhập cảnh quan cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền    của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp mới được hưởng tiêu chuẩn hành lý miễn thuế. Về nguyên tắc, Bộ Thương mại tán thành với ý kiến của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, cần có phân biệt hành lý của những người không cư trú tại Lao Bảo ra vào Khu Thương mại Lao Bảo với tiêu chuẩn hành lý miễn thuế theo quy định được áp dụng đối với những người đi từ nước ngoài về qua Khu Thương mại Lao Bảo nhưng không cư trú tại Lao Bảo.

4.- Về việc đăng ký các loại phương tiện vận tải (xe ô tô, xe 2 bánh gắn máy) tại Khu thương mại Lao Bảo

Đây là vấn đề đã được trao đổi ý kiến  giữa UBND tỉnh Quảng Trị và Bộ Công an. Đề nghị cần được tiếp tục nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong nội bộ Khu Thương mại và trong phạm vi tỉnh Quảng Trị. Trước mắt, Bộ Thương mại tán thành với ý kiến đề nghị cho đăng ký các loại phương tiện vận tải với biển số riêng cho Khu Thương mại Lao Bảo và được phép lưu hành trong phạm vi Khu Thương mại Lao Bảo.

5.- Về việc uỷ quyền cho Ban Quản lý Khu Thương mại Lao Bảo xét duyệt kế hoạch và quản lý hoạt động XNK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Lao Bảo.

Trước đây Bộ Thương mại đã có ý kiến bằng văn bản và UBND tỉnh Quảng Trị đã uỷ quyền cho Giám đốc Sở Thương mại, nay do tính chất "tự do" của Khu Thương mại Lao Bảo, Bộ Thương mại đề nghị không nên đặt ra vấn đề xét duyệt kế hoạch này tại Khu Thương mại  Lao Bảo và như vậy sẽ không có chế định uỷ quyền xét duyệt kế hoạch của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Lao Bảo.

6.- Về các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý Khu Thương mại Lao Bảo (sửa đổi   Điều 37 Quy chế Khu Thương mại Lao Bảo banhành kèm theo Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là một trong những vấn đề lớn cần tiếp tục có sự phối hợp giữa Bộ Thương mại, UBND tỉnh Quảng Trị và các cơ quan có liên quan  rà soát lại các quy định hiện hành và đối chiếu với tình hình thực tiễn tại Lao Bảo để có kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Với tinh thần trách nhiệm đầy đủ trong việc tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ các vướng mắc tại điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển kinh tế, thương mại tại Khu Thương mại Lao Bảo theo định hướng của Chính phủ, Bộ Thương mại sẽ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 219/1998/QĐ-TTg để:

Một là, tổng kết việc triển khai thực hiện, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được và chỉ ra những hạn chế, bất cập cần giải quyết để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển kinh tế, thương mại tại Khu vực này;

Hai là, trên cơ sở rà soát lại toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về Khu Thương mại Lao Bảo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ  xem xét hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về Khu Thương mại quan trọng này.

Thứ ba, xác định rõ hơn và làm minh bạch hóa các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý Khu Thương mại Lao Bảo để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Trên đây là báo cáo tóm tắt về việc giải quyết các vướng mắc tại Khu Thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị,Bộ Thương mại xin trình và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về một số vấn đề không thuộc thẩm quyền  giải quyết của các  cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để triển khai thực hiện.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Mai Văn Dâu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 4498 TM-PC ngày 31/10/2002 của Bộ Thương mại về báo cáo tóm tắt về việc giải quyết vướng mắc tại Khu Thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị

  • Số hiệu: 4498TM-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 31/10/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Mai Văn Dâu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/10/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản