Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4480TM-TTTN
V/v: Quy chế kinh doanh thép xây dựng

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2005 

 

Kính gửi:  Hiệp hội thép Việt Nam

 

Ngày 15 tháng 8 năm 2005 Bộ Thương mại đã có Quyết định số 2212/2005/QĐ-BTM ban hành “Quy chế kinh doanh thép xây dựng". Ngày 08 tháng 9 năm 2005, Bộ Thương mại đã nhận được văn bản số 38/2005- HHTVN ngày 6 tháng 9 của Hiệp hội Thép Việt Nam nêu các ý kiến của Hiệp hội và một số doanh nghiệp thành viên về Quy chế này. Hầu hết các ý kiến tập trung vào 3 nội dung:

- Căn cứ pháp lý và thẩm quyền của Bộ Thương mại trong việc ban hành Quy chế kinh doanh thép xây dựng.

- Các quy định đối với quyền và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức kinh doanh thép nêu trong dự thảo đã trói buộc doanh nghiệp và doanh nghiệp không thể thực hiện được, nhất là việc ấn định giá và chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với kinh doanh, chất lượng và giá bán thép xây dựng.

- Bộ Thương mại không có quyền đưa ra các hình thức xử phạt.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thương mại xin được giải thích với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội như sau:

1. Về căn cứ pháp lý và thẩm quyền ban hành Quy chế kinh doanh thép xây dựng

- Nghị định 29/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại, theo đó Bộ trưởng Bộ Thương mại có quyền ban hành các Quyết định, Chỉ thị, Thông tư về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

- Quy chế kinh doanh thép xây dựng hoàn toàn dẫn chiếu và dựa trên các quy phạm pháp luật hiện hành, thể hiện sự thống nhất và đồng thuận với các quy phạm pháp luật đó, như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Giá và các Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và Thông tư có liên quan khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ.

- Trong thực tế, qua diễn biến phức tạp và bất thường của thị trường thép xây dựng năm 2003 và 2004, từ kết luận của việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thể khẳng định: giá thép xây dựng tăng đột biến trên thị trường nội địa, gây ảnh hưởng bất lợi cho nhu cầu phát triển của nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội nước ta, ngoài nguyên nhân chính là tác động của việc tăng đột biến giá phôi thép và thép trên thế giới, thì sự yếu kém của khâu phân phối thép trong nước cũng là một nguyên nhân đáng phải quan tâm thừa nhận và tìm cách khắc phục. Thể hiện rõ rệt nhất là yếu kém trong việc tổ chức thị trường, tổ chức phân phối thép xây dựng của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc thiết lập hệ thống phân phối thép cho mình và sử dụng đa dạng các phương thức buôn bán. Do không tổ chức được hệ thống phân phối như vậy nên cũng không thể kiểm tra, giám sát được về chất lượng và giá cả hàng hoá do chính mình làm ra hoặc nhập về, dẫn đến tình trạng mua bán vòng vèo, qua nhiều tầng nấc, “đội” chi phí lên một cách phi lý, tuỳ tiện nâng giá, đầu cơ găm hàng…làm sai lệch thực chất tương quan cung cầu, làm méo mó giá cả, làm gay gắt, căng thẳng và phức tạp thêm tình hình mà lẽ ra, nếu có các hệ thống phân phối vững mạnh với các phương thức kinh doanh phù hợp thì thị trường thép xây dựng trong nước chắc chắn sẽ phải dịu đi và ít bất ổn hơn bởi được “che đỡ” và “hóa giải” bớt các tác động nóng bỏng của thị trường thế giới.

- Lường trước được tình hình đó, trong Chỉ thị số 30/2004/CT-TTg ngày 05/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ đã ghi rõ (tại Mục i): “Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp Bộ Thương mại chỉ đạo Tổng công ty Thép Việt Nam và Hiệp hội thép Việt Nam trong tháng 8 năm 2004 hoàn thiện hệ thống cung ứng thép, tăng cường năng lực điều hành quản lý thị trường, chống đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết độc quyền về giá thép; sớm ban hành quy chế điều hành thị trường thép trong nước áp dụng cho cả doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ. Chỉ đạo Tổng công ty Thép Việt Nam sớm hình thành hệ thống đại lý và mạng lưới kinh doanh thép nhằm bảo đảm các mục tiêu ổn định giá thép, tránh lợi dụng việc điều chỉnh thuế để nâng giá thép và liên kết bất hợp pháp giữa các nhà sản xuất và phân phối để nâng giá thép tuỳ tiện; kiểm tra và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp không chấp hành quy định trong khâu lưu thông thép”.

- Tiếp đó, tại Thông báo số 84/TP-VPCP ngày 25/4/2005 truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải cũng ghi rõ: “Giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp khẩn trương xây dựng cơ chế điều hành thị trường thép nhằm hoàn thiện hệ thống phân phối”.

Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về giá bán các sản phẩm trọng yếu như điện, than, thép, xi măng, phân bón.

Các Tổng công ty có mặt hàng tiêu thụ lớn cần củng cố và phát trỉển hệ thống phân phối trong nước (nhất là những mặt hàng thiết yếu: thép xây dựng, phân bón, xi măng…) trong đó lưu ý rà soát và tổ chức tốt hệ thống đại lý, hệ thống khách hàng, không bán khối lượng lớn sản phẩm cho các doanh nghiệp, cá nhân có khả năng thao túng thị trường, cũng như áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ giá bán trên thị trường (gắn kết đại lý và các nhà sản xuất, các nhà phân phối lớn để bảo đảm kiểm soát được giá)”.

Với những viện dẫn trên đây, Bộ Thương mại khẳng định với Quý Hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội rằng, Quy chế kinh doanh thép xây dựng do Bộ Thương mại ban hành là hoàn toàn đủ căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.

2. Về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thép xây dựng

Hiệp hội Thép cho rằng các quy định này là áp đặt, trói buộc và can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, làm khó cho doanh nghiệp, thủ tiêu hình thức “mua đứt, bán đoạn” hiện đang phổ biến trong kinh doanh thép xây dựng.

Tinh thần của Quy chế là đề cao và tôn trọng quyền tự do kinh doanh, quyền tự do lựa chọn phương thức kinh doanh của doanh nghiệp theo các quy định hiện hành của pháp luật; các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Quy chế không bắt buộc nhà cung ứng, nhà phân phối phải lập hệ thống kinh doanh thép trực thuộc hoặc hệ thống tổng đại lý, đại lý bán thép cho mình; mọi phương thức giao dịch, mua bán thép đều do các doanh nghiêp tự nguyện thoả thuận theo các quy định hiện hành của pháp luật, theo tập quán và thói quen thương mại và được thể hiện trong hợp đồng kí kết cụ thể. Chỉ có điều đã là đại lý phải đúng là đại lý; đã lập hệ thống thì phải kiểm tra, giám sát được hệ thống do mình lập ra.

Hiệp hội Thép Việt Nam luôn nhấn mạnh việc “chịu trách nhiệm về tính pháp lý ....”. Theo Bộ Thương mại, đây là yêu cầu có tính nguyên tắc mà bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải chấp hành. Cụ thể là:

- Trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động kinh doanh: kinh doanh đúng pháp luật, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước về thuế, bình ổn giá….

- Trách nhiệm pháp lý đối với chất lượng sản phẩm: nhà cung ứng sản xuất, nhập khẩu thép xây dựng phải kinh doanh các chủng loại thép bảo đảm chất lượng phù hợp với TCVN, không cung ứng hàng sai quy cách, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái….

- Trách nhiệm pháp lý về giá bán thép xây dựng:

+ Nếu một nhà cung ứng ( hoặc nhà phân phối) tự thành lập mạng lưới phân phối thép trực thuộc như chi nhánh, xí nghiệp, cửa hàng bán lẻ thì nhà cung ứng phải quản lý các đơn vị trực thuộc mình không được bán thép xây dựng sai với giá do mình quy định – Quy định này đã khẳng định quyền và vị thế của nhà cung ứng ( nhà phân phối ) đối với hệ thống của mình. Điều đó là đương nhiên vì nhà cung ứng là chủ hàng và chủ quản lý hệ thống của mình.

+ Nếu một nhà cung ứng ( hoặc nhà phân phối) thành lập hệ thống tổng đại lý, đại lý bán lẻ mà trong hợp đồng đại lý ghi rõ bán theo giá do nhà cung ứng ( hoặc nhà phân phối) ấn định thì nhà cung ứng ( hoặc nhà phân phối) phải bảo đảm hệ thống đại lý bán thép xây dựng theo đúng giá do mình (bên giao đại lý) ấn định (Luật Thương mại 1997 Điều 120, Mục2 và Điều 123 Mục 1 về giá bán hàng hoá đại lý, Luật Thương mại 2005, Mục 4 từ Điều 166 đến Điều 177). Điều này cũng đương nhiên vì có như vậy mới là đại lý theo quy định của pháp luật. Hàng hoá trong các tổng đại lý, đại lý bán lẻ vẫn thuộc quyền sở hữu của bên giao đại lý. Nhà cung ứng, nhà phân phối vừa là chủ hàng và chủ quản hệ thống tổng đại lý, đại lý bán lẻ do mình lập ra.

Việc xác định quyền được ấn định giá của nhà cung ứng, nhà phân phối thép chính là một lần nữa thể hiện sự tôn trọng quyền tự do kinh doanh, quyền độc lập, tự chủ và tự quyết của doanh nghiệp.

+ Trong trường hợp nhà cung ứng ( hoặc nhà phân phối) thực hiện mua đứt bán đoạn với các nhà phân phối khác thì vẫn phải chấp hành các quy định hiện hành của pháp luật về giá, như:

a) Pháp lệnh Giá :các hành vi bị cấm theo Điều 28, các nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 30 và các biện pháp bình ổn giá của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Luật cạnh tranh: các hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 Khoản 1, Điều 13, Điều 45 Khoản 3 Mục a.

c) Các quy định khác của pháp luật về giá.

Vì vậy, nếu các doanh nghiệp thép kinh doanh lành mạnh, nghiêm túc, không vi phạm các quy định cụ thể của pháp luật hiện hành về bán sai giá theo hợp đồng quy định, bán phá giá, liên kết độc quyền về giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng ... thì không vi phạm pháp luật và do đó không phải chịu bất cứ hình phạt nào.

3. Về chế tài xử phạt

Quy chế này không đưa ra các hình thức chế tài xử phạt các hành vi vi phạm các quy định của Quy chế cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan vì các hành vi vi phạm cần xử lý đã được nêu rõ trong các quy định cụ thể của Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Giá... và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn mà các doanh nghiệp khi vi phạm sẽ bị dẫn chiếu để xử lý.

Tóm lại, việc ban hành Quy chế kinh doanh thép xây dựng là thực hiện chủ trương của Chính phủ củng cố, phát triển ngành thép Việt Nam lớn mạnh, có hệ thống phân phối vững chắc và được kiểm soát chặt chẽ với các phương thức kinh doanh đa dạng theo hướng tiên tiến, hiện đại nhằm tạo lực lượng vật chất để tham gia bình ổn thị trường thép xây dựng, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đồng thời cũng tạo lực lượng vật chất đủ mạnh, đủ tầm trên thị trường nội địa, bảo đảm cạnh tranh thắng lợi trong môi trường kinh doanh tới đây khi ngành thép (cũng như các ngành khác) bước vào hội nhập với khu vực và thế giới. Đó là mong muốn chung của cả nước, trong đó có Bộ Thương mại.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chia sẻ của Quý Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội Thép Việt Nam.

 

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH TTTN



 
HOÀNG THỌ XUÂN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 4480TM-TTTN của Bộ Thương mại về quy chế kinh doanh thép xây dựng

  • Số hiệu: 4480TM-TTTN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/09/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Hoàng Thọ Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản