Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

  -----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  --------

Số: 4322/UB-NCVX
V/v ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ủy ban về việc triển khai thực hiện chỉ thị 05/CT-TU ngày 17/10/1996 của Thành ủy về “Quản lý dân nhập cư”.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 07  tháng 12 năm 1996

 

Kính gởi:

- Sở Lao động thương binh xã hội TP
- Công an thành phố
- Cục thống kê TP
- Sở Tài chánh thành phố
- Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

Ngày 23/4/1996 Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành chỉ thị số 11/CT-UB-NC về việc thực hiện quản lý dân nhập cư thành phố. Bước đầu các cấp và các ngành đã triển khai thực hiện đạt kết quả tương đối tốt.

Nay tình hình dân nhập cư thành phố diễn biến phức tạp. Thành ủy đã ra chỉ thị 05/CT-TU ngày 17/10/1996 “Về tổ chức quản lý dân nhập cư thành phố”. Để triển khai thực hiện chỉ thị của Thành ủy lập lại trật tự trong công tác quản lý dân nhập cư, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo:

1/ Đối với Công an thành phố:

Trên cơ sở số liệu dân nhập cư đã điều tra, tổng hợp, phân tích, đề xuất biện pháp xử lý, giải quyết cụ thể đối với từng đối tượng như: xét cho nhập hộ khẩu theo quy định của Chính phủ, xét đăng ký tạm trú xử lý các trường hợp cư trú trái phép theo Nghị định 49/CP về xử phạt hành chánh phối hợp với các quận, huyện, Sở Lao động thương binh xã hội và các ngành có liên quan giải tỏa các hộ chiếm cư, cư trú bất hợp pháp.

- Nghiên cứu đề xuất quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục đăng ký tạm trú. Quy trình quản lý cư trú từ Thành phố đến Quận, Huyện, Phường, xã. Dự thảo quy định của Thành phố về việc đăng ký và quản lý hộ khẩu phù hợp với đặc điểm địa phương.

2/ Cục Thống kê thành phố - Trung tâm Xử lý thông tin thống kê:

- Báo cáo Tiểu ban quản lý dân nhập cư và Ủy ban nhân dân thành phố số liệu, tổng hợp, phân tích tình hình dân nhập cư theo chỉ thị 11/CT-UB ngày 24/4/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố (thời gian hoàn thành 20/11/1996). Thiết kế toàn bộ hệ thống nghiệp vụ thống kê, hệ thống xử lý thông tin và tổ chức thành cơ sở dữ liệu.

- Nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy chế tố chức hệ thống thông tin về dân nhập cư ở phường xã (bổ sung quy chế số 6904/QĐ-UB ngày 20/9/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố về cập nhật biến động dân số bằng hệ thống máy tính); kết hợp ngành Công an thực hiện công tác cập nhật quản lý dân nhập cư.

- Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố đầu tư kinh phí trang bị phương tiện làm việc và chuyển giao dữ liệu thông tin về phường xã thực hiện quản lý dân số và cập nhật biến động dân số - lao động.

3/ Sở Lao động thương binh xã hội thành phố:

- Nghiên cứu dự thảo quy định của thành phố về yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng và quản lý lao động người các tỉnh, thành phố khác đến thành phố làm việc. Đề xuất Bộ lao động thương binh xã hội những biện pháp hỗ trợ Thành phố thực hiện tốt các yêu cầu này.

- Phối hợp với Sở Tài chánh thành phố, Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố nghiên cứu phương án quy định mức thu lệ phí đối với các doanh nghiệp tuyển lao động là người ở tỉnh, thành phố khác để bổ sung vào quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố.

- Nghiên cứu xây dựng phương án giải quyết số dân nhập cư đang ở tại thành phố không đủ điều kiện cư trú (như người sống lang thang vỉa hà, nơi công cộng, người không đủ tiêu chuẩn ở thành phố…). Phối hợp Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố xây dựng phương án đưa dân đi các vùng kinh tế mới, phương án tái bố trí lại dân cư từ nội thành ra ngoại thành; phát triển các vùng kinh tế mới gắn khu sản xuất công nông nghiệp ở các tỉnh để bố trí lại dân cư các tỉnh đã đến thành phố. Kiến nghị Chính phủ bố trí ngân sách giải quyết việc làm và trợ giúp xóa đói giảm nghèo cho số dân nhập cư thành phố.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố tuyển dụng số lượng lớn người không có hộ khẩu thành phố, kịp thời đề xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp xử lý.

4/ Sở Thương mại thành phố:

- Phối hợp các ngành liên quan như: Nhà đất, Địa chính, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định các vùng dân cư được tổ chức nhà trọ, nhà cho thuê trên địa bàn thành phố; quy định điều kiện, thủ tục đăng ký xin cấp phép mở nhà trọ, nhà cho thuê.

- Phối hợp Công an thành phố tổ chức kiểm tra xử lý, giải tỏa hoặc rút giấy phép các nhà trọ, nhà cho thuê trái phép, trước mắt tập trung các khu vực nhà ở đang tổ chức cho thuê làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, vệ sinh môi trường; điều kiện ăn ở vượt quá điều kiện sống tối thiểu cho phép.

5/ Sở Nhà đất thành phố:

Phối hợp các ngành liên quan như: Xây dựng, Địa chính tổ chức điều tra nắm tình hình các nhà ở do chiếm đất, chiếm cư xây dựng bất hợp pháp. Nghiên cứu đề xuất phương án xử lý, giải tỏa.

6/ Ban Tổ chức chính quyền thành phố:

Phối hợp Sở Lao động thương binh xã hội báo cáo đáng giá tình hình điều động cán bộ, viên chức, công nhân kỹ thuật, cán bộ hưu trí từ các tỉnh, thành phố vào thành phố trong 5 năm qua. Đề xuất các yêu cầu của thành phố cần kiến nghị Chính phủ và biện pháp chấn chỉnh quản lý.

7/ Sở Tư pháp thành phố và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố:

Sở Tư pháp phối hợp với các Sở Lao động thương binh xã hội, Tổ chức chính quyền thành phố, Công an thành phố: Dự thảo Quy định điều kiện tiêu chuẩn nhập cư thành phố, thể chế hóa các thủ tục mua bán, xây dựng nhà ở và văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Chính phủ chủ trì hội nghị với các tỉnh – thành để bàn thống nhất quy định việc di dân từ các tỉnh nhập cư vào thành phố. Kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật cư trú.

- Cử chuyên viên tham gia với các ngành được phân công thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng các quy định của thành phố về quản lý dân nhập cư, cùng chịu trách nhiệm về văn bản pháp quy của ngành dự thảo trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

8/ Sở Tài chánh và Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố:

Xem xét kế hoạch đầu tư cho các chương trình của đề án có điều kiện thực hiện.

9/ Đối với các Quận, Huyện:

- Quận – Huyện ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện có kế hoạch tổ chức triển khai quán triệt chỉ thị 05/CT-TU của Thành ủy đến tận các cấp ngành trực thuộc.

- Xây dựng đề án quản lý dân nhập cư phù hợp tình hình đặc điểm địa phương mình. Phối hợp với các sở, ngành thành phố đề xuất biện pháp hợp lý quản lý dân nhập cư và tái bố trí lại dân cư trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các biện pháp định hướng quy hoạch dân số của thành phố năm 1996 – 2000 và 2010, báo cáo cập nhật tình hình dân số - lao động kịp thời theo định kỳ cho Trung tâm xử lý thông tin thống kê và Tiểu ban chỉ đạo quản lý dân nhập cư thành phố (cơ quan thường trực là Sở Lao động thương binh xã hội).

10/ Ủy ban nhân dân phường, xã:

Là cấp trực tiếp quản lý dân nhập cư, phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định pháp luật để mọi người dân cư trú trên địa bàn phải chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương của Nhà nước và thành phố, phải thường xuyên nắm chắc số lượng dân số - lao động biến động di chuyển đi – đến, báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân quận, huyện xin chủ trương giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời.

11/ Tiến độ thời gian thực hiện:

Các sở, ngành, quận, huyện được phân công xây dựng các phương án chuyên đề, dự thảo văn bản quy định của Ủy ban nhân dân thành phố phải hoàn thành trước ngày 30/12/1996 gởi về Tiểu ban chỉ đạo quản lý dân nhập cư thành phố (bộ phận thường trực Sở Lao động thương binh xã hội, 159 Pasteur, quận 3).

Tiểu ban quản lý dân nhập cư có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tổ chức các hội thảo góp ý hoàn chỉnh các nội dung chuyên đề và bố trí lịch thông qua Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong tháng 01/1997.

Yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, Tiểu ban quản lý dân nhập cư thành phố tổ chức thực hiện đạt kết quả nội dung và tiến độ thời gian theo quy định tại văn bản này.

(Đính kèm chỉ thị 05/CT-TU ngày 17/10/1996).

 

  

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Phương Thảo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 4322/UB-NCVX về ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ủy ban về việc triển khai thực hiện chỉ thị 05/CT-TU ngày 17/10/1996 của Thành ủy về “Quản lý dân nhập cư” do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 4322/UB-NCVX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/12/1996
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phạm Phương Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/12/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 14/12/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản