Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4313/TCT-DNK
V/v: Trả lời chính sách thuế

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2005 

 

 

Kính gửi : Công ty TNHH Tân Thiên Phú

Trả lời công văn số 05/CVT-TTP ngày 1/11/2005 của Công ty về việc chứng từ thanh toán để xét hoàn thuế đối với hàng xuất khẩu, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1- Về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào.

Tại Điểm 2, Mục V Thông tư số 82/2002/TT-BTC ngày 18/9/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 hướng dẫn thi hành Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) quy định:

“Trường hợp hoàn thuế theo quy định tại Điểm 1.b, Mục I, Phần D Thông tư số 122/2000/TT-BTC (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và của doanh nghiệp chế xuất) thì phải có bảng kê các hồ sơ có chữ ký và đóng dấu của cơ sở. Bảng kê ghi rõ:

………

+ Số, ngày chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ xuất khẩu, hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và của doanh nghiệp chế xuất qua Ngân hàng, ghi rõ hình thức và đồng tiền thanh toán”.

Theo quy định trên: trường hợp, năm 2003 Công ty có xuất bán lô hàng cho khách nước ngoài (Malaysia), đến nay bên nhập khẩu mới chỉ thanh toán qua ngân hàng cho Công ty được một phần tiền (có chứng từ thanh toán qua ngân hàng) thì Công ty chỉ được xét hoàn thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần giá trị tiền hàng đã thanh toán qua ngân hàng.

Đối với phần thuế GTGT đầu vào còn lại tương ứng với số tiền do bên nhập khẩu hàng của Công ty không có khả năng thanh toán (nợ khó đòi). Công ty không được xét hoàn thuế, Công ty được hạch toán vào chi phí kinh doanh khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

2- Về xử lý khoản nợ phải thu không đòi được

Bộ Tài chính đã có Thông tư số 107/2001/TT-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, giảm giá chứng khoán đầu tư, dự phòng nợ khó đòi tại doanh nghiệp tại Điểm 4.d Mục II Thông tư số 107/2001/TT-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ Tài chính quy định:

Giá trị tổn thất thực tế của khoản nợ không thu hồi được cho phép xóa nợ, doanh nghiệp hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.

Các khoản nợ phải thu sau khi có quyết định xóa nợ, doanh nghiệp vẫn phải theo dõi riêng trên sổ sách trong thời hạn tối thiểu là 5 năm và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ. Nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc thu hồi nợ, doanh nghiệp hạch toán vào thu nhập bất thường”.

Căn cứ vào quy định trên, Công ty xác định khoản nợ không có khả năng thu hồi để hạch toán và xử lý nợ.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty biết và thực hiện./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục thuế tỉnh Đồng Nai;
- Lưu: VT, DNK (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG



 
Phạm Văn Huyến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 4313/TCT-DNK của Tổng cục Thuế về việc chứng từ thanh toán để xét hoàn thuế đối với hàng xuất khẩu

  • Số hiệu: 4313/TCT-DNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/11/2005
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phạm Văn Huyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/11/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản