Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 4140/LĐTBXH-LĐVL
V/v chính sách đối với người lao động đã nhận trợ cấp thôi việc một lần theo Quyết định số 176/HĐBT.

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2007

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thời gian gần đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được nhiều đơn kiến nghị của người lao động đã nhận trợ cấp thôi việc một lần theo Quyết định số 176/HĐBT ngày 09/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét điều chỉnh chế độ đối với họ. Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo như sau:

1. Tình hình thực hiện Quyết định số 176/HĐBT đối với người lao động

Quyết định số 176/HĐBT ngày 09/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) được thực hiện trong 4 năm (1989-1992) đã giải quyết thôi việc hưởng trợ cấp một lần cho khoảng 72 vạn lao động ra khỏi doanh nghiệp nhà nước (DNNN), với tổng kinh phí chi trả tại thời điểm đó là khoảng 300 tỷ đồng, trong đó phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khoảng 168 tỷ đồng (bằng 56% tổng kinh phí chi trả), bình quân một người lao động nhận được 420.000 đồng/người (chưa kể khu vực hành chính sự nghiệp có khoảng 6 vạn người về nghỉ theo Quyết định số 111/HĐBT).

Tại thời điểm thực hiện, Quyết định số 176/HĐBT đã được đánh giá là quyết định có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế và xã hội, đã tháo gỡ một phần khó khăn đối với các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà có nhiều lao động không bố trí, sắp xếp được việc làm.

Khi chính sách được ban hành, nhiều người lao động đã tự nguyện làm đơn xin thôi việc để hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 176/HĐBT, với lý do quyền lợi của người lao động theo Quyết định này cao hơn so với chế độ thôi việc theo quy định hiện hành, cũng tại thời điểm này tỷ lệ lãi suất tiết kiệm khá cao (12%/tháng) nên người lao động sử dụng số tiền được hưởng để gửi tiết kiệm có thể đảm bảo cuộc sống của họ với mức sống trung bình của xã hội.

Sau một thời gian, nền kinh tế có những bước phát triển nên tỷ lệ lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm mạnh; đồng thời, với việc ban hành Bộ luật Lao động, chính sách, chế độ đối với người lao động có sự thay đổi, khi người lao động nghỉ việc được hưởng 02 chế độ là chế độ trợ cấp thôi việc (hoặc mất việc làm) và chế độ bảo hiểm xã hội (có thể chờ hưu, bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội), đặc biệt khi có chính sách giải quyết lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ thì mức trợ cấp mất việc làm rất cao, bình quân một lao động nhận được khoảng 32 triệu đồng/người, thậm chí có người nhận được 60 triệu đến 70 triệu đồng mà vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Như vậy, người lao động nghỉ việc theo Quyết định số 176/HĐBT ngày càng gặp khó khăn và thiệt thòi nhiều so với những người nghỉ việc theo chế độ sau này, đặc biệt là những người tuổi cao, có thời gian công tác từ 25 đến 35 năm, họ có những đóng góp nhất định vào hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

2. Những kiến nghị của người lao động

Từ những vấn đề trên, một số người lao động đã gửi đơn thư, gặp trực tiếp cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Nội dung chủ yếu của các đơn thư (kèm theo một số đơn thư của người lao động) như sau:

- Sự đổi mới của đất nước, nền kinh tế phát triển dẫn đến đời sống của các tầng lớp dân cư không ngừng được cải thiện, mức sống của người lao động, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người được hưởng chế độ hưu trí cao hơn trước rất nhiều. Sự thay đổi này không bỗng dưng có được mà phải có quá trình tích lũy, hy sinh phấn đấu của các thế hệ đi trước, trong đó có một phần công sức của người lao động đã nghỉ việc theo Quyết định số 176/HĐBT.

- So sánh quyền lợi của những người lao động nghỉ việc hiện nay, nhất là chính sách lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ và Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ thì người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 176/HĐBT quá thiệt thòi.

- Một số người lao động già yếu, hết khả năng lao động, bệnh tật phát sinh không có tiền để khám, chữa bệnh vì không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, hưu trí hàng tháng mà con, cháu không có điều kiện về kinh tế để chu cấp. Hơn nữa, trong số này có những người trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, nhưng do tính toán giản đơn thấy lợi ích trước mắt đã đồng ý nghỉ việc để hưởng chính sách của Nhà nước. Song do cơ chế chính sách của Nhà nước thay đổi quá nhanh dẫn đến họ bị thiệt thòi nhiều và gặp khó khăn trong cuộc sống.

Xuất phát từ các nội dung trên, người lao động đã đề nghị:

- Được khôi phục quyền lợi bảo hiểm xã hội trong thời gian mà người lao động đã tham gia công tác được hưởng như những người lao động khác.

- Người lao động tình nguyện trả lại số tiền đã nhận trợ cấp một lần kể cả khoản tiền lãi suất tiết kiệm từ trước đến nay để khôi phục thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hoặc có chế độ hỗ trợ hàng tháng khi người lao động hết tuổi lao động.

3. Đề xuất hướng giải quyết

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng nếu theo hướng dẫn đề nghị của người lao động là giải quyết chế độ hưu trí đối với những người đã nghỉ việc và nhận trợ cấp một lần theo Quyết định số 176/HĐBT sẽ rất phức tạp, vì:

- Quá trình thực hiện Quyết định số 176/HĐBT đã được đánh giá cao cả về kinh tế xã hội. Thời gian thực hiện chính sách này đã quá lâu nên hồ sơ của người lao động có thể không được lưu giữ đầy đủ (Thông tư số 19/LĐTBXH-TT ngày 21/10/1989 hướng dẫn thi hành Quyết định số 176/HĐBT thì hiệu lực thi hành được tính đến hết ngày 31/12/1990).

- Theo ước tính của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nếu chỉ 30% số người lao động nghỉ việc hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 176/HĐBT được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, với mức lương bình quân là 800.000 đồng/tháng thì ngân sách nhà nước phải cấp khoảng hơn 2.000 tỷ đồng/năm.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị giữ nguyên chế độ đã thực hiện theo Quyết định số 176/HĐBT và tiếp tục thực hiện Công văn số 3168/LĐTBXH ngày 24/9/1993 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc người lao động đã thôi việc hưởng trợ cấp một lần (có văn bản kèm theo). Tuy nhiên, cần nghiên cứu để bổ sung thêm một trong các đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, với mức trợ cấp có thể chấp nhận được.

Thực hiện theo hướng này có ưu điểm và nhược điểm như sau:

- Ưu điểm

+ Tạo thêm một “giá đỡ” để thực hiện chính sách đã ban hành và không làm xáo trộn lớn đến các đối tượng của Quyết định số 176/HĐBT;

+ Đối tượng được hưởng sẽ không nhiều;

+ Các thủ tục không rườm rà, hạn chế tối đa việc tiêu cực khi giải quyết.

- Nhược điểm

+ Vẫn còn chênh lệch lớn về quyền lợi bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc đối với người lao động thực hiện theo Quyết định số 176/HĐBT ngày 09/10/1989 và Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ;

+ Vẫn còn dư âm không tốt trong xã hội do người lao động vẫn chưa thỏa mãn với đề nghị của họ.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, đoàn thể, địa phương về dự kiến chính sách nêu trên đối với những người lao động nghỉ việc nhận trợ cấp một lần theo Quyết định số 176/HĐBT.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Nguyên Thanh Hòa (để biết);
- TT Đàm Hữu Đắc (để biết);
- Vụ Bảo trợ xã hội
- Lưu VT, Vụ LĐ-VL.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Ngân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 4140/LĐTBXH-LĐVL về việc chính sách đối với người lao động đã nhận trợ cấp thôi việc một lần theo Quyết định số 176/HĐBT do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 4140/LĐTBXH-LĐVL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/11/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản