Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 3752/BHXH-CĐCS
V/v: Hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách BHXH theo NĐ số 132/2007/NĐ-CP .

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2007

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thi hành Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 của Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 02/2007/TTLT-BNV-BTC ngày 24/9/2007 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các cơ quan hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cấp huyện; các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, giao, bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn; nông trường, lâm trường quốc doanh được sắp xếp lại theo quy định của pháp luật, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn để thực hiện chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế theo quy định của Nghị định và Thông tư nêu trên như sau:

I. VỀ THU BẢO HIỂM XÃ HỘI :

1. Khoản 3 Điều 5 Nghị định 132/2007/NĐ-CP và điểm c khoản 1 Mục III Thông tư số 02/2007/TTLT-BNV-BTC quy định cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại điểm a, c, d khoản 1 Mục I Thông tư số 02/2007/TTLT-BNV-BTC đủ 55 tuổi đến đủ 59 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 54 tuổi đối với nữ và đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Mục I Thông tư số 02/2007/TTLT-BNV-BTC đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 19 năm 6 tháng đến dưới 20 năm, thì cơ quan, đơn vị sẽ đóng một lần bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu, với mức đóng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động trước khi tinh giản biên chế vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.

Theo quy định trên, việc đóng một lần bảo hiểm xã hội của cơ quan, đơn vị cho thời gian còn thiếu của người lao động thuộc đối tượng tinh giản biên chế vào quỹ hưu trí, tử tuất được thực hiện như sau:

a. Đối với người thuộc diện tinh giản biên chế từ ngày 5 tháng 9 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2009:

Số tiền đóng BHXH của các tháng còn thiếu

=

Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH

x 16% x

Số tháng còn thiếu

b. Đối với người thuộc diện tinh giản biên chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 đến ngày 31 tháng 12 năm 2011:

Số tiền đóng BHXH của các tháng còn thiếu

=

Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH

x 18% x

Số tháng còn thiếu

Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nêu trên là mức tiền lương của tháng liền kề gần nhất trước khi người lao động thuộc diện tinh giản biên chế nghỉ việc bao gồm tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) sau khi đã tính theo mức lương tối thiểu chung tại thời điểm thu bảo hiểm xã hội.

2. Điều 8 Nghị định 132/2007/NĐ-CP và khoản 5 Mục III Thông tư số 02/2007/TTLT-BNV-BTC quy định cán bộ, công chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc bầu cử. Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu 6 tháng.

Với quy định trên, tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức bao gồm cả phụ cấp chức vụ trước khi thôi giữ chức cho đến khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm, bầu cử hoặc trong thời hạn 6 tháng đối với trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm còn dưới 6 tháng.

Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố căn cứ vào quy định về quản lý thu BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 902/QĐ-BHXH ngày 26/6/2007 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tổ chức thu bảo hiểm xã hội. Để làm căn cứ thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, nội dung xác nhận trong sổ bảo hiểm xã hội phải ghi rõ: Thu bổ sung theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ; thời gian và số tiền thu bảo hiểm xã hội; tháng, năm đã thu đủ bảo hiểm xã hội 20 năm. Trường hợp thu bảo hiểm xã hội có phụ cấp chức vụ của người thôi giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức thì ghi rõ thu phụ cấp chức vụ bảo lưu theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP .

II. VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BHXH:

1. Thực hiện chế độ hưu trí:

Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố căn cứ vào bản sao danh sách và kinh phí chi trả của những người nghỉ hưu trước tuổi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thủ tục hồ sơ hưởng chế độ hưu trí quy định tại Quyết định số 815/QĐ-BHXH ngày 6/6/2007 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để giải quyết chế độ hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế, cụ thể như sau:

a- Đối với người nghỉ hưu trước tuổi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2007/NĐ-CP và điểm a, điểm b khoản 1 Mục III Thông tư số 02/2007/TTLT-BNV-BTC thì chế độ hưu trí thực hiện theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội hiện hành nhưng không có điều kiện về biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do về hưu trước tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật bảo hiểm xã hội.

b- Đối với người nghỉ hưu trước tuổi quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 132/2007/NĐ-CP và điểm c khoản 1 Mục III Thông tư số 02/2007/TTLT-BNV-BTC thì chế độ hưu trí thực hiện như nêu tại điểm a trên, nhưng thời điểm hưởng lương hưu hàng tháng được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn G, 59 tuổi, có 19 năm 7 tháng đóng BHXH (tính đến hết tháng 11/2007), thuộc diện tinh giản biên chế từ ngày 01/12/2007, đơn vị đóng BHXH một lần cho 5 tháng ông G còn thiếu để đủ 20 năm (từ tháng 12/2007 đến tháng 4/2008). Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố tiếp nhận hồ sơ của Ông G từ khi đơn vị sử dụng lao động đóng đủ một lần bảo hiểm xã hội cho 5 tháng còn thiếu và lập đủ hồ sơ theo quy định, thực hiện giải quyết chế độ hưu trí đối với ông G và trong Quyết định hưởng chế độ hưu trí ghi thời điểm hưởng lương hưu của ông G kể từ ngày 01/5/2008.

Trường hợp trong thời gian từ khi nghỉ việc đến tháng được hưởng lương hưu theo quy định nêu trên mà đối tượng bị chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành đối với người đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Về thủ tục hồ sơ: Bổ sung vào Quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 815/QĐ-BHXH ngày 6/6/2006 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phần căn cứ dòng: "Căn cứ Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 của Chính phủ", đồng thời góc trên bên phải Quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, thay cụm từ "HƯU TRÍ" bằng cụm từ "HƯU TRÍ - NĐ.132".

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế thôi việc ngay hoặc thôi việc sau khi đi học quy định tại Điều 7 Nghị định số 132/2007/NĐ-CP và khoản 3, khoản 4 Mục III Thông tư số 02/2007/TTLT-BNV-BTC thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội được bảo lưu trên sổ bảo hiểm xã hội để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Việc xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định về cấp, quản lý và sử dụng sổ bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Chế độ bảo hiểm xã hội và quy định về hồ sơ, quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của đối tượng này được thực hiện theo quy định đối với trường hợp bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên sổ bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố căn cứ hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội nêu tại khoản 1 và khoản 2 trên để giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP.

III. Về thời gian thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội:

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 132/2007/NĐ-CP và khoản 1 Mục VI Thông tư số 02/2007/TTLT-BNV-BTC , chế độ chính sách bảo hiểm xã hội đối với đối tượng tinh giản biên chế được thực hiện từ ngày 5 tháng 9 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2011.

Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP là chủ trương lớn của đảng và Nhà nước. Để thực hiện tốt chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với đối tượng này, đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố căn cứ vào quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành, Nghị định số 132/2007/NĐ-CP , Thông tư số 02/2007/TTLT-BNV-BTCN và hướng dẫn về nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương để tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội được kịp thời, thuận tiện, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TGĐ, các phó TGĐ;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Công an;
- Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- Lưu VP, CĐCS (2b).

TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Huy Ban

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 3752/BHXH-CĐCS về việc hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 3752/BHXH-CĐCS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/10/2007
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Huy Ban
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản