Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 3657/UB-QLĐT
V/v tăng cường quản lý hoạt động trò chơi điện tử

TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 10 năm 1996

 

Kính gửi:

- Ban Lãnh đạo các cơ quan:
- Sở Văn hóa thông tin thành phố
- Công an thành phố
- Sở Thương mại thành phố
- Chi cục Quản lý thị trường
- Sở Giáo dục và đào tạo thành phố
- Sở Y tế
- Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em TP
- Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện
- Lãnh đạo Mặt trận và các Đoàn thể TP.

 

Trong những năm gần đây, dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử phát triển khá nhanh trên địa bàn thành phố. Mặt tích cực của loại hình này là thiếu niên, nhi đồng tiếp cận được tiến bộ khoa học trong lĩnh vực giải trí, qua đó đáp ứng được một phần nhu cầu vui chơi giải trí. Nhưng mặt khác, loại hình này cũng phát sinh nhiều tiêu cực, phần lớn nội dung mang tính chất kích động bạo lực, ảnh hưởng xấu đến việc rèn luyện, giáo dục nhân cách, thẩm mỹ, sức khỏe cho thiếu niên-nhi đồng. Việc kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử tràn lan trong các khu dân cư đã ảnh hưởng xấu đến việc học tập của học sinh.

Nhằm lành mạnh hóa môi trường vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng, lập lại trật tự trong kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo như sau:

1/ Các Ngành Văn hóa thông tin, Giáo dục, Y tế, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em cùng các Đoàn thể nhân dân và chính quyền Quận-Huyện, Phường-Xã cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng nêu rõ tác hại của trò chơi điện tử, nhất là đối với các trò chơi có nội dung không lành mạnh.

2/ Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Văn hóa thông tin và Ủy ban nhân dân Quận, Huyện, Phường, Xã phải tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý việc nhập khẩu, kinh doanh thiết bị, tổ chức hoạt động trò chơi điện tử trái pháp hoặc có nội dung không lành mạnh.

3/ Tổ chức lại điểm trò chơi điện tử với nội dung lành mạnh, tập trung vào các khu vui chơi giải trí, các trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, nhà thiếu nhi. Giám đốc các đơn vị này chịu trách nhiệm soát xét nội dung và hoạt động trò chơi điện tử tại cơ sở do mình quản lý.

4/ Đối với các hộ kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên địa bàn dân cư, Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện có trách nhiệm qui hoạch, tổ chức thành các tụ điểm, không để tự phát riêng lẻ từng hộ gia đình.

Không cấp giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận kinh doanh đối với các trường hợp như sau:

a) Nơi kinh doanh không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy, trật tự an ninh.

b) Không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các thiết bị, máy trò chơi điện tử.

Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Sở Văn hóa thông tin chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, Phường, Xã bàn biện pháp cụ thể triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 3657/UB-QLĐT về tăng cường quản lý hoạt động trò chơi điện tử do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3657/UB-QLĐT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/10/1996
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/10/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 14/12/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản