Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3527/BHXH-CĐCS | Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2007 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện công văn số 3131/LĐTBXH-BHXH ngày 31/8/2007 của Bộ Lao động - Thương binh & xã hội và trả lời một số nội dung chưa rõ trong quá trình triển khai thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội; Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 và Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007, Bảo hiểm xã hội Việt nam hướng dẫn cụ thể một số Điểm để thực hiện như sau:
1. Trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi mà có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi, nhưng không nghỉ việc để nuôi con thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần khi nhận nuôi con nuôi quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, không được hưởng chế độ theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Về tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính hưởng chế độ thai sản:
2.1. Tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc để tính hưởng chế độ thai sản đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì được tính theo các tháng hưởng chế độ tương ứng với tiền lương tối thiểu chung, cụ thể là:
- Hệ số lương tính mức bình quân tiền lương tháng là hệ số lương đã đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc;
- Tiền lương tối thiểu chung tính mức bình quân tiền lương tháng là tiền lương tối thiểu chung tại thời Điểm của tháng hưởng chế độ theo quy định.
Ví dụ 1: Chị A làm việc trong một cơ quan hành chính Nhà nước, nghỉ việc sinh con từ ngày 1/11/2007, có hệ số lương đóng BHXH 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc sinh con như sau:
- Từ tháng 5/2007 đến tháng 7/2007 (3 tháng) đóng BHXH với hệ số lương 3,00 ;
- Từ tháng 8/2007 đến tháng 10/2007 (3 tháng) đóng BHXH với hệ số lương 3,33.
Chị A được nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định là 4 tháng từ tháng 11/2007 đến hết tháng 2/2008. Giả sử từ tháng 1/2008 tiền lương tối thiểu chung quy định là 500.000 đồng, thì trợ cấp thai sản của chị A được tính hưởng như sau:
* Mức trợ cấp thai sản tháng 11/2007 và tháng 12/2007, mỗi tháng là:
(3,00 x 3 tháng + 3,33 x 3 tháng ) x 450.000 đồng | x 100% = 1.424.250 đồng |
6 tháng |
* Mức trợ cấp thai sản tháng 01/2008 và tháng 02/2008, mỗi tháng là:
(3,00 x 3 tháng + 3,33 x 3 tháng ) x 500.000 đồng | x 100% = 1.582.500 đồng |
6 tháng |
Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai, khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai nhưng đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì hệ số lương tính mức bình quân tiền lương tháng là hệ số lương đã đóng BHXH của số tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc và tiền lương tối thiểu chung tính mức bình quân tiền lương tháng là tiền lương tối thiểu chung tại thời Điểm của tháng hưởng chế độ theo quy định.
Ví dụ 2: Chị B làm việc trong một doanh nghiệp Nhà nước, nghỉ việc do thai chết lưu ở tháng thứ 4 từ ngày 15/12/2007, có hệ số lương đóng BHXH 4 tháng liền kề gần nhất: từ tháng 8/2007 đến tháng 11/2007 là 2,34. Chị B được nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định là 40 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần) từ 15/12/2007 đến hết ngày 23/1/2008. Giả sử từ tháng 1/2008 tiền lương tối thiểu chung quy định là 500.000 đồng, thì trợ cấp thai sản của chị B được tính hưởng như sau:
* Mức trợ cấp thai sản của các ngày thuộc tháng 12/2007:
+ Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 4 tháng liền kề trước khi nghỉ việc tính hưởng trợ cấp thai sản tháng 12/2007:
(2,34 x 4 tháng x 450.000 đồng) : 4 tháng = 1.053.000 đồng/tháng
+ Tiền trợ cấp thai sản 17 ngày của tháng 12/2007 (từ 15/12 đến 31/12/2007) là:
1.053.000 đồng : 26 ngày x 100% x 17 ngày = 688.500 đồng
* Mức trợ cấp thai sản của các ngày thuộc tháng 1/2008:
+ Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 4 tháng liền kề trước khi nghỉ việc tính hưởng trợ cấp thai sản tháng 1/2008:
(2,34 x 4 tháng x 500.000 đồng) : 4 tháng = 1.170.000 đồng/tháng
+ Tiền trợ cấp thai sản 23 ngày của tháng 1/2008 (từ 1/1 đến 23/1/2008) là:
1.170.000 đồng : 26 ngày x 100% x 23 ngày = 1.035.000 đồng
2.2. Tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất (hoặc các tháng trong trường hợp chưa đủ 6 tháng theo quy định đối với trường hợp khi đi khám thai, khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai ) trước khi nghỉ việc đối với người lao động tính hưởng chế độ thai sản vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính theo công thức sau:
Mbqtl = | Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định | + | Tổng số tiền lương, tiền công của các tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người SDLĐ quyết định |
6 tháng (hoặc số tháng trong trường hợp đóng BHXH chưa đủ 6 tháng) |
Ví dụ 3: Chị C làm việc trong doanh nghiệp liên doanh, nghỉ việc sinh con từ ngày 1/11/2007, 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc sinh con có quá trình đóng BHXH như sau:
- Từ tháng 5/2007 đến tháng 8/2007 (4 tháng), là công chức Nhà nước, đóng BHXH với hệ số lương 3,33 (1 tháng) và 3,66 (3 tháng);
- Từ tháng 9/2007 đến tháng 10/2007 (2 tháng), là viên chức công ty liên doanh, đóng BHXH với mức lương 2.500.000 đồng/tháng.
Chị C được nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định là 4 tháng từ tháng 11/2007 đến hết tháng 2/2008. Giả sử từ tháng 1/2008 tiền lương tối thiểu chung quy định là 500.000 đồng, thì trợ cấp thai sản của chị C được tính hưởng như sau:
* Mức trợ cấp thai sản tháng 11/2007 và tháng 12/2007, mỗi tháng là:
[(3,33 x 1 tháng + 3,66 x 3 tháng ) x 450.000 đ] + 2.500.000 đ x 2 tháng | x 100% = 1.906.583 đồng |
6 tháng |
* Mức trợ cấp thai sản tháng 01/2008 và tháng 02/2008, mỗi tháng là:
[(3,33 x 1 tháng + 3,66 x 3 tháng ) x 500.000 đ] + 2.500.000 đ x 2 tháng | x 100% = 2.025.833 đồng |
6 tháng |
Ví dụ 4: Chị D làm việc trong một doanh nghiệp Nhà nước, nghỉ việc do thai chết lưu ở tháng thứ 4 từ ngày 15/12/2007, có quá trình đóng BHXH như sau:
- Từ tháng 8/2007 đến tháng 9/2007 (2 tháng), là viên chức công ty liên doanh, đóng BHXH với mức lương 2.000.000 đồng/tháng.
- Từ tháng 10/2007 đến tháng 11/2007 (2 tháng), là viên chức doanh nghiệp Nhà nước, đóng BHXH với hệ số lương 2,34 (2 tháng);
Chị D được nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định là 40 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần) từ 15/12/2007 đến hết ngày 23/1/2008. Giả sử từ tháng 1/2008 tiền lương tối thiểu chung quy định là 500.000 đồng, thì trợ cấp thai sản của chị D được tính hưởng như sau:
* Mức trợ cấp thai sản của các ngày thuộc tháng 12/2007:
+ Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 4 tháng:
(2,34 x 450.000 đ x 2 tháng + 2.000.000 đ x 2 tháng) : 4 tháng = 1.526.500 đồng
+ Tiền trợ cấp thai sản 17 ngày của tháng 12/2007 (từ 15/12 đến 31/12/2007) là:
1.526.500 đồng : 26 ngày x 100% x 17 ngày = 998.096 đồng.
* Mức trợ cấp thai sản của các ngày thuộc tháng 1/2008:
+ Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 4 tháng:
(2,34 x 500.000 đ x 2 tháng + 2.000.000 đ x 2 tháng) : 4 tháng = 1.585.000 đồng
+ Tiền trợ cấp thai sản 23 ngày của tháng 1/2008 (từ 1/1 đến 23/1/2008) là:
1.585.000 đồng : 26 ngày x 100% x 23 ngày = 1.402.115 đồng.
2.3. Trường hợp người lao động sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng, nếu có đóng BHXH của tháng đó và cả tháng đóng BHXH đó mới đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, nhận nuôi con nuôi thì tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất bao gồm cả tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng này.
3. Tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ quy định khi tính mức hưởng BHXH một lần, nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là nửa năm; từ trên 6 tháng đến 12 tháng tính tròn là 1 năm.
Theo quy định trên, trường hợp người lao động đóng BHXH từ đủ 3 tháng đến dưới 1 năm, nếu đủ Điều kiện hưởng BHXH một lần theo quy định thì mức hưởng BHXH một lần được tính bằng 0,75 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH nếu đã đóng BHXH từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng; bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH nếu đã đóng BHXH từ trên 6 tháng đến 12 tháng.
4. Tại Khoản 4 Điều 28 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ quy định mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu tính theo số năm đã đóng BHXH, kể từ năm thứ 31 trở đi đối với nam,và năm thứ 26 trở đi đối với nữ; cứ mỗi năm đóng BHXH tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH và Khoản 5 Điều 28 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP quy định khi tính mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là nửa năm; từ trên 6 tháng đến 12 tháng tính tròn là 1 năm.
Theo quy định trên, trường hợp người lao động đóng BHXH từ đủ 30 năm 3 tháng đến đủ 31 năm đối với nam, từ đủ 25 năm 3 tháng đến đủ 26 năm đối với nữ thì mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính bằng 0,25 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm 3 tháng đến đủ 30 năm 6 tháng đối với nam, từ đủ 25 năm 3 tháng đến đủ 25 năm 6 tháng đối với nữ; bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH nếu đã đóng BHXH từ trên 30 năm 6 tháng đến 31 năm đối với nam, từ trên 25 năm 6 tháng đến 26 năm đối với nữ
5. Tại Khoản 1 Mục V Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/1/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn khi tính mức trợ cấp tuất một lần quy định tại Khoản 1 Điều 39 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP thì được tính như quy định tại Khoản 5 Điều 28 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, cụ thể: Dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là nửa năm; từ trên 6 tháng đến 12 tháng tính tròn là 1 năm.
Với quy định trên, trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 3 tháng thì chưa thuộc diện được tính mức hưởng trợ cấp tiền tuất một lần; trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH từ đủ 3 tháng đến dưới 2 năm do khi tính hưởng có mức trợ cấp thấp hơn 3 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH nên được hưởng với mức bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH theo quy định.
Đối với trường hợp người lao động chết trong thời gian truy đóng BHXH thì không thực hiện giải quyết theo hướng dẫn trên.
6. Khoản 2 Điều 64 Luật BHXH quy định thân nhân đủ Điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định (trừ trường hợp là con) phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Với quy định này, trường hợp người đang hưởng 1 mức trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định của Điều lệ BHXH có mức thu nhập (kể cả Khoản trợ cấp tiền tuất đang hưởng) thấp hơn mức lương tối thiểu chung, từ 01/01/2007 trở đi có người thứ 2 chết thì thân nhân được hưởng thêm 1 mức trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định của Luật BHXH.
7. Trong khi chờ hướng dẫn thực hiện Điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật BHXH, thì phần tiền lương tháng đã đóng BHXH ghi trong sổ BHXH bằng ngoại tệ trước ngày 01/01/2007 được chuyển sang tiền Việt Nam theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời Điểm ngày 02 tháng 01 năm 2007 để tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng BHXH.
8. Trong khi chờ hướng dẫn thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng ở nơi có phụ cấp khu vực theo quy định Thông tư Liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT, việc giải quyết hưởng phụ cấp khu vực như sau:
8.1. Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trước ngày 01/01/2007, thì từ tháng 1/2007 vẫn tiếp tục được hưởng phụ cấp khu vực theo quy định.
8.2. Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trước ngày 01/01/2007 chuyển nơi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng từ nơi có phụ cấp khu vực đến nơi không có phụ cấp khu vực hoặc nơi có hệ số phụ cấp khu vực thấp hơn thì thực hiện cắt hoặc giảm theo quy định trước đây; chuyển nơi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng từ nơi không có phụ cấp khu vực đến nơi có phụ cấp khu vực thì tạm thời chưa chi trả phụ cấp khu vực, trường hợp chuyển đến nơi có hệ số phụ cấp khu vực cao hơn thì giữ nguyên mức hưởng phụ cấp khu vực cũ.
8.3. Người bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng từ ngày 01/01/2007 trở đi thì tạm thời chưa thực hiện chi trả phụ cấp khu vực.
Căn cứ vào hướng dẫn trên, những trường hợp thuộc đối tượng thực hiện theo quy định của Luật BHXH đã giải quyết hưởng chế độ BHXH từ ngày 01/01/2007 trở đi (kể cả đối tượng do Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Quân đội, Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ giải quyết chuyển đến để hưởng chế độ hàng tháng) chưa đúng với hướng dẫn nêu trên, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện Điều chỉnh mức hưởng và thực hiện chi trả hoặc truy thu chênh lệch do Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (riêng trường hợp tại Điểm 8.3 Khoản 8 nêu trên, nếu có các tháng đã chi trả phụ cấp khu vực thì chưa thực hiện truy thu); Tổ chức công tác lưu trữ hồ sơ (đối với hồ sơ hưởng hàng tháng, gửi 01 bản quyết định Điều chỉnh kèm theo danh sách về Trung tâm Lưu trữ Bảo hiểm xã hội Việt Nam để lưu cùng hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội); thực hiện thanh toán, quyết toán và báo cáo theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố báo cáo về Bảo hiểm xã hội Việt nam để xem xét giải quyết.
Nơi nhận: | TL. TỔNG GIÁM ĐỐC |
- 1Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 2Nghị định 152/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
- 3Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT hướng dẫn chế độ phụ cấp khu vực do Bộ Nội vụ - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Uỷ ban Dân tộc ban hành
- 5Công văn số 3131/LĐTBXH-BHXH về hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 6Công văn số 3561/BHXH-CĐCS về việc đính chính công văn số 3527/BHXH-CĐCS ngày 21/9/2007 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
Công văn số 3527/BHXH-CĐCS về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện bảo hiểm xã hội từ 01/01/2007 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 3527/BHXH-CĐCS
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 21/09/2007
- Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Anh Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/09/2007
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra