Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2850/LĐTBXH-TL
V/v chuyển xếp lương đối với CBVC thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2003

 

Kính gửi: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Trả lời công văn số 192/ĐS-TCCBLĐ ngày 6 tháng 8 năm 2003 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc ghi tại trích yếu, sau khi xem xét, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thoả thuận để Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc chuyển xếp lương đối với cán bộ, viên chức thuộc Tổng Công ty như sau:

1. Đối với thành viên Hội đồng quản trị

Thực hiện xếp lương theo quy định tại quyết định số 83/1998/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Tổng Công ty Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước độc lập quy mô lớn và Thông tư hướng dẫn số 06/1998/TTLT-BTCCBCP-BLĐTBXH-BTC ngày 20 tháng 10 năm 1998 của Liên tịch Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ  (nay là Bộ Nội vụ) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội -Bộ Tài chính.

2. Đối với viên chức quản lý Tổng Công ty và các doanh nghiệp thành viên:

a. Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Tổng Công ty xếp lương theo bảng lương chức vụ quản lý doanh nghiệp hạng đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ. Việc chuyển xếp lương thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/LĐ-TT ngày 25 tháng 6 năm 1996 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn xếp hạng đặc biệt với doanh nghiệp nhà nước và xếp lương đối với viên chức quản lý doanh nghiệp được Nhà nước xếp hạng đặc biệt.

b. Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập xếp lương theo hạng doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định theo bảng lương chức vụ quản lý doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ. Việc xếp hạng doanh nghiệp, xếp lương thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/1998/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31 tháng 12 năm 1998 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn xếp hạng doanh nghiệp Nhà nước.

c. Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng doanh nghiệp thành viên hạch toán phụ thuộc chưa được xếp hàng doanh nghiệp thì xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ ở các doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 05 năm 1993 của Chính phủ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định tại công văn số 2055/LĐTBXH-TL ngày 01 tháng 7 năm 2002 của Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong năm 2003, đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Liên Bộ xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng các doanh nghiệp thành viên để làm căn cứ xếp lương đối với viên chức quản lý các doanh nghiệp thành viên này.

3. Đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ:

a. Xếp lương theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ ở các doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ theo nguyên tắc làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở ngạch, bậc nào thì chuyển xếp lương vào ngạch, bậc mới tương ứng, khi tiến hành chuyển xếp lương không được kết hợp với việc nâng ngạch lương, cụ thể như sau:

- Trường hợp hệ số mức lương của bậc hiện hưởng bằng hệ số mức lương của bậc mới tương ứng thì đang ở bậc lương nào xếp vào bậc lương đó. Thời gian xét nâng bậc lần sau tính từ khi xếp bậc lương cũ.

- Trường hợp hệ số mức lương của bậc hiện hưởng lớn hơn hệ số mức lương của bậc mới tương ứng thì:

+ Nếu thời gian giữ bậc lương cũ từ 2 năm (tròn 24 tháng) trở lên (đối với ngạch có thời hạn nâng bậc lương 3 năm) hoặc 1 năm (tròn 12 tháng) trở lên (đối với ngạch có thời hạn nâng bậc lương 2 năm) thì xếp vào bậc trên liền kề, thời gian xét nâng bậc lần sau tính từ khi có quyết định xếp bậc lương mới;

+ Nếu thời gian giữ bậc cũ dưới 2 năm (đối với ngạch có thời hạn nâng bậc lương 3 năm) hoặc dưới 1 năm (đối với ngạch có thời hạn nâng bậc lương 2 năm) thì xếp vào bậc mới tương ứng, đến khi đủ 2 năm hoặc đủ 1 năm như trường hợp nêu trên thì được Điều chỉnh lên bậc trên liền kề, thời gian xét nâng bậc lần sau tính từ khi được Điều chỉnh lên bậc trên liền kề.

- Trường hợp hệ số mức lương của bậc hiện hưởng cao hơn hệ số mức lương bậc cao nhất của ngạch mới tương ứng thì xếp vào bậc cao nhất của ngạch đó và hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu.

Ví dụ I: Ông Nguyễn Văn A, đang xếp lương bậc 4/9, hệ số 4,19, ngạch chuyên viên chính, bảng lương hành chính (01 ban hành kèm theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ, thời gian giữ bậc cũ (bậc 4, hệ số 4,19) là 2 năm, việc chuyển xếp lương đối với ông A như sau:

Bậc 4, bảng lương hành chính (01) có hệ số là 4,19, trong khi đó bậc 4, ngạch chuyên viên chính, bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ trong doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ có hệ số là 4,10 (4,19 > 4,10), ông A đã có thời gian giữ bậc cũ (bậc 4, hệ số 4,19) được 2 năm, do đó được chuyển xếp vào bậc 5, hệ số 4,38, ngạch chuyên viên chính. Thời gian xét nâng bậc lần sau tính từ khi có quyết định xếp bậc lương mới, hệ số 4,38.

Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn B đang xếp lương 9/10, hệ số 3,81, ngạch chuyên viên, bảng lương hành chính (01) ban hành kèm theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ, việc chuyển xếp lương đối với ông B như sau:

Chuyển xếp vào ngạch chuyên viên, bậc 8 (bậc cao nhất), hệ số 3,48, bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ ở doanh nghiệp và ông B được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,33 (3,81 - 3,48 = 0,33).

b. Trưởng phòng, phó trưởng phòng và các chức năng tương đương ở Tổng Công ty, doanh nghiệp thành viên được xếp lương theo ngạch, bậc chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ.

Khi thực hiện chuyển xếp lương mới theo quy định nói trên mà tổng hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với hệ số phụ cấp chức vụ hiện hưởng cao hơn tổng hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với hệ số phụ cấp chức vụ mới thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu.

Ví dụ 3: Ông Nguyễn Văn C, Trưởng phòng TCCB hiện đang xếp lương bậc 7/9, hệ số 5,03, ngạch chuyên viên chính, bảng lương hành chính (01) ban hành kèm theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ và hưởng phụ cấp chức vụ 0,7 tổng hệ số được hưởng là 5,73 (5,03 + 0,7), việc chuyển xếp lương đối với ông C như sau:

Chuyển xếp vào ngạch chuyên viên chính, bậc 6/6, hệ số 4,66, bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ ở doanh nghiệp và hưởng phụ cấp chức vụ 0,6, tổng hệ số được hưởng là 5,26 (4,66 + 0,6), ông C được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,47 (5,73 - 5,26).

4. Đối với lao động trực tiếp:

Lái xe chuyển xếp lương và bảng lương B - 15; Bảo vệ cơ quan chuyển xếp lương vào bảng lương B - 16 quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ.

Việc chuyển xếp lương đối với lái xe và bảo vệ cơ quan thực hiện theo nguyên tắc nêu tại Tiết a, Điểm 3 nói trên.

5. Quyết định chuyển xếp lương đối với cán bộ, viên chức của Tổng Công ty từ ngày nào thì hưởng lương từ ngày đó.

Đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện chuyển xếp lương theo đúng quy định của Nhà nước và gửi văn bản về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, kiểm tra.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Lê Duy Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2850/LĐTBXH-TL ngày 20/08/2003 của Bộ Lao động, thương binh và Xã hội về việc chuyển xếp lương đối với cán bộ viên chức thuộc tổng công ty Đường sắt Việt Nam

  • Số hiệu: 2850/LĐTBXH-TL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/08/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Duy Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/08/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản