BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2673/TCT-ĐTNN | Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2005 |
Kính gửi: Công ty TNHH D.C.V.T Hải Dương
Trả lời công văn số 38/KC ngày 28/07/2005 của Công ty TNHH D.C.V.T Hải Dương về chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Căn cứ tính thuế:
Căn cứ Điều 52 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/07/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Mục V, Phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính, trường hợp Công ty D.C.V.T 100% vốn nước ngoài chuyển nhượng vốn pháp định cho Công ty khác thì thu nhập Công ty D.C.V.T thu được từ hoạt động chuyển nhượng vốn này thuộc đối tượng chịu thuế TNDN với mức thuế suất 28%.
Thuế TNDN phải nộp được xác định như sau:
Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập chịu thuế x 28%
Thu nhập chịu thuế = Giá chuyển nhượng – Giá trị ban đầu của phần vốn chuyển nhượng – Chi phí chuyển nhượng
Trong đó:
-Giá trị chuyển nhượng được xác định bằng tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán đã không được xác định theo giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá trị thanh toán của hợp đồng trên cơ sở tham khảo giá thị trường hoặc giá có thể bán cho bên thứ ba và các hợp đồng chuyển nhượng tương tự.
-Giá trị ban đầu của phần vốn chuyển nhượng được xác định trên cơ sở sổ sách, chứng từ kế toán về vốn góp của chủ đầu tư tại thời điểm chuyển nhượng vốn đã được kiểm toán.
-Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng theo chứng từ gốc được cơ quan thuế công nhận. Trường hợp chi phí chuyển nhượng phát sinh ở nước ngoài thì các chứng từ gốc đó phải được một cơ quan công chứng hoặc kiểm toán độc lập của nước có chi phí phát sinh xác nhận. Chi phí chuyển nhượng bao gồm: chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.
Trường hợp không phát sinh thu nhập chịu thuế thì Công ty không phải nộp thuế TNDN theo quy định.
2. Ưu đãi thuế TNDN:
Căn cứ quy định tại Điểm 7.2, Mục IV, Phần E Thông tư số 128/2003/TT-BTC nêu trên thì: Giảm 50% số thuế phải nộp cho phần thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, trường hợp Công ty D.C.V.T chuyển nhượng vốn góp cho doanh nghiệp nước ngoài không được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam thì không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trên.
Trường hợp mọi hoạt động liên quan đến việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng vốn cũng như việc thanh toán giữa các bên chuyển nhượng được thực hiện ở nước ngoài thì một trong hai bên có trách nhiệm kê khai, nộp thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn với cơ quan thuế Việt Nam cũng như phải chịu trách nhiệm về tính chính xác khi xác định thu nhập chịu thuế.
Tổng cục Thuế trả lời để Công ty biết và thực hiện.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Công văn số 1859 TCT/ĐTNN ngày 18/06/2004 của Tổng cục thuế về việc thuế chuyển nhượng vốn của Công ty JVPC
- 2Công văn số 2534 TCT/ĐTNN ngày 11/08/2004 của Tổng cục Thuế về việc thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn
- 3Nghị định 24/2000/NĐ-CP Hướng dẫn Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- 4Thông tư 128/2003/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 164/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
Công văn số: 2673/TCT-ĐTNN về chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 2673/TCT-ĐTNN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 08/08/2005
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Phạm Văn Huyến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/08/2005
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực