Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2660/TM-KHTK
V/v: Tham gia chuẩn bị Bản Cáo bạch phục vụ phát hành trái phiếu quốc tế

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2002

 

Kính gửi: Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại)

 

Phúc công văn của Quý Bộ số 7251 TC/TCĐN ngày 2 tháng 7 năm 2002 về việc tham gia ý kiến về bản dự thảo Cáo bạch phục vụ cho phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, Bộ Thương mại có ý kiến như sau:

Về dự thảo Bản Cáo bạch, phần liên quan đến chính sách thương mại, Bộ Thương mại đã sửa trực tiếp vào bản dự thảo như kèm theo. Bộ Thương mại tập trung vào các nội dung liên quan đến chính sách phi thuế, còn những nội dung liên quan đến chính sách thuế, đề nghị Quý Bộ tham chiếu ý kiến của Tổng cục Thuế, các ý kiến tham gia của Bộ Thương mại chỉ để tham khảo.

Về các số liệu kèm theo dự thảo Bản Cáo bạch, nhiều số liệu nêu trong dự thảo không khớp với những số liệu Bộ Thương mại đã cung cấp cho Quý Bộ các số liệu thống kê về thương mại tại công văn số 0797/TM-KHTK ngày 8 tháng 3 năm 2002.

Về các câu hỏi “Quan hệ Quốc tế và Thương mại”, Bộ Thương mại trả lời như sau:

Câu 84: Các biện pháp tự do hóa thương mại được thực hiện với sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á được nêu trong Biểu 1 “Các biện pháp tự do hóa thương mại thực hiện do các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế hỗ trợ”. Các cam kết này đều được thực hiện đúng về mặt thời hạn và nội dung. Cho đến nay, chưa có chương trình giải ngân nào bị chậm lạ do chưa đạt được mục tiêu tự do hóa thương mại.

Câu 85: Quan hệ thương mại Việt Nam với Trung Quốc và Nhật Bản

- Với Nhật Bản:

Nhật Bản vẫn là nước dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong các đối tác thương mại của Việt Nam. Tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam chiến trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ 0,5% lên 0,7% vẫn khá nhỏ bé so với các nước khác trong khu vực (năm 1999, trong kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản từ Việt Nam là 0,6%, trong khi của Trung Quốc là 11,9%, của Hàn Quốc là 5,2%).

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, bên cạnh những mặt hàng đóng góp vào diện mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nhật như dầu thô, cà phê, chè, gạo, hàng dệt may, hải sản có kim ngạch tương đối ổn định. Một số mặt hàng mới xuất hiện nhưng đã đạt kim ngạch đáng khích lệ là dầu ăn, dây điện và cáp điện, đồ chơi trẻ em, mỳ gói, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm sữa... Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm: thủy sản, dệt - may, dầu thô và than đá, thường xuyên chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản. Về nhập khẩu biến động ít hơn so với xuất khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu gồm chủ yếu là các mặt hàng phục vụ cho đầu tư vào sản xuất như tân dược, linh kiện vi tính và điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, sắt thép, xăng dầu, phân bón...

Theo thoả thuận giữa hai Chính phủ vào tháng 3 năm 1999, mức thuế nhập khẩu áp dụng chung đối với Việt Nam là mức Nhật Bản đang áp dụng với các thành viên của WTO. Việt Nam hiện cũng là nước được hưởng chế độ thuế ưu đãi GSP, mà Nhật Bản đang dành cho 149 nước và 15 lãnh thổ thuộc các nước đang phát triển. Trong năm 2001, mức thuế bình quân được áp dụng đối với toàn bộ hàng hóa là 2,5%, trong đó đối với sản phẩm nông nghiệp là 9,1% (11,1% đối với sản phẩm nông nghiệp trừ hải sản, 4,4% đối với hải sản), công nghiệp là 1,5%.

Mặc dù mức thuế bình quân của Nhật Bản được đánh giá là tương đối thấp. Nhưng Nhật Bản có xu hướng ngày càng gia tăng các hàng rào bảo hộ mang tính kỹ thuật. Hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn không chỉ trong quá trình thâm nhập thị trường mà trong cả việc đáp ứng những đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục nhập khẩu... để duy trì và mở rộng kim ngạch. Hiện nay, Nhật Bản đang xem xét và điều tra về yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng khăn bông chủ yếu nhập từ Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng Nhật Bản đã phải lùi thời hạn ra quyết định có áp dụng hay không biện pháp tự vệ và kéo dài thời hạn điều tra tới tháng 10 năm nay do lượng tăng xuất khẩu mặt hàng này đã được kiềm chế không gây đột biến. Việc Nhật Bản áp dụng chính sách thương mại có phân biệt đối xử gây khó khăn cho Việt Nam trong việc xuất khẩu (như gạo). Việt Nam đang đề nghị Nhật Bản có chính sách ưu tiên Việt Nam hơn trong quan hệ thương mại, tạo điều kiện dễ dàng nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, trước mắt là gạo.

Mặc dù đã cam kết cho nhau hưởng mức thuế ưu đãi, Việt Nam vẫn đang xúc tiến ký Hiệp định thương mại với Nhật nhưng phía Nhật Bản có ý chờ đàm phán song phương Việt Nam gia nhập WTO.

Nhật Bản vẫn còn là bạn hàng số một của Việt Nam. Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách thắt chặt quan hệ giữa Nhật Bản và các nước ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc đang xúc tiến thành lập khu vực mậu dịch Trung Quốc - ASEAN.

- Với Trung Quốc:

Hai nước đã ký kết trên 20 Hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại phát triển ổn định, vững chắc. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng khá nhanh và ổn định có nhiều khả năng đạt tới kim ngạch hai chiều ở mức 5 tỷ USD vào năm 2005. Trung Quốc là bạn hàng lớn của Việt Nam đối với các mặt hàng: dầu thô, gỗ, nông sản nhiệt đới, thủy hải sản, cao su, khoáng sản... Về nhập khẩu, phía Trung Quốc đang tích cực vận động Việt Nam tăng nhập khẩu các mặt hàng: điện gia dụng, thiết bị điện, vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị cho các ngành xây dựng, khai khoáng, dệt may và linh kiện xe máy... trong khi Việt Nam vận động Trung Quốc nhập khẩu đối với các mặt hàng cao su, nông sản, thủy sản...

Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu hai bên có sự thay đổi lớn, hàng xuất của Việt Nam tuy vẫn là hàng nông lâm, hải sản thuộc dạng thô chưa qua sơ chế, nhưng chất lượng đã được tăng lên rõ rệt. Một số hàng tiêu dùng, thực phẩm đã mở rộng thị phần trên đất Trung Quốc. Về hàng nhập khẩu, tỷ lệ hàng tiêu dùng đã giảm đáng kể, hàng nguyên liệu phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải tăng đáng kể.

Phương thức mậu dịch và thanh toán có nhiều chuyển biến to lớn. Tỷ lệ buôn bán theo chính ngạch tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp hai bên đang chuyển dần từ buôn bán thuần tuý sang hợp tác liên doanh, sản xuất, lắp ráp tiêu thụ hàng hóa tại thị trường hai nước và xuất khẩu sang nước thứ ba.

Từ năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo ưu thế cạnh tranh so với Việt Nam trên các lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Mặt khác, Trung Quốc đã dành cho Việt Nam quy chế MFN theo chuẩn mực của WTO đối với thương mại hàng hóa (nhìn chung thuế suất giảm 20-25%). Đồng thời, Trung Quốc đang nỗ lực đàm phán với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam về việc hình thành khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN.

Câu 86: Đề nghị Tổng cục Thuế trả lời.

Câu 87: Đề nghị chuyển Trung tâm Trọng tài Quốc tế, bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trả lời.

Trên đây là một số ý kiến của Bộ Thương mại về bản dự thảo Bản Cáo bạch phục vụ cho phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, xin gửi để Quý Bộ tham khảo và tổng hợp để làm việc với các công ty tư vấn quốc tế.

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Lương Văn Tự

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2660/TM-KHTK ngày 10/07/2002 của Bộ Thương mại về việc tham gia chuẩn bị Bản Cáo bạch phục vụ phát hành trái phiếu quốc tế

  • Số hiệu: 2660/TM-KHTK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/07/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Lương Văn Tự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản