Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 2472/BGDĐT-GDCN
V/v: hướng dẫn tuyển sinh TCCN năm 2008

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2008

 

Kính gửi:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo,
- Các Trường Trung cấp chuyên nghiệp,
- Các Trường Đại học, Cao đẳng và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp.

 

Để đảm bảo cho công tác tuyển sinh Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) năm 2008 được thực hiện nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế và đạt hiệu quả cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn các Sở GD&ĐT, các trường TCCN, trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo TCCN (gọi chung là các trường) một số nội dung cụ thể về kỳ tuyển sinh TCCN năm 2008 như sau:

1. Về hình thức tuyển sinh

Năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thống nhất việc tuyển sinh TCCN được tiến hành theo hình thức xét tuyển (trừ các ngành đào tạo năng khiếu). Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tổ chức nghiên cứu, quán triệt kỹ tới từng Hội đồng tuyển sinh trường để triển khai công tác tuyển sinh TCCN năm 2008 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh.

2. Về đối tượng tuyển sinh

a) Đối tượng tuyển sinh vào học TCCN là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc tương đương, đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) hoặc tương đương (tuỳ theo đối tượng tuyển của từng trường), có đủ điều kiện dự tuyển vào TCCN theo quy định của Quy chế tuyển sinh TCCN hiện hành.

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường xét tuyển những thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp được vào học TCCN. Khi đăng ký dự tuyển vào TCCN những thí sinh này là những đối tượng đã tốt nghiệp THCS, khi được xét tuyển vào học TCCN thì cơ sở đào tạo TCCN xét công nhận, chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện ở phổ thông (trên cơ sở lấy kết quả chung cả năm ở lớp 12 của thí sinh) và miễn trừ cho học sinh không phải học lại, thi lại các môn văn hoá phổ thông (theo yêu cầu của ngành đào tạo TCCN) có điểm tổng kết từ 5,0 trở lên.

Những môn thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT trùng với môn thi tốt nghiệp văn hoá theo yêu cầu của ngành đào tạo TCCN mà học sinh có kết quả thi tốt nghiệp phổ thông đạt từ 5,0 điểm trở lên, cơ sở đào tạo TCCN xét công nhận, chuyển đổi kết quả thi tốt nghiệp và miễn trừ cho học sinh không phải học và thi lại.

Các trường hướng dẫn ôn tập, bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho học sinh nhằm đảm bảo trình độ văn hóa để học sinh có thể tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp khi vào học TCCN. Việc tổ chức thi hết môn học, thi tốt nghiệp các môn văn hóa phổ thông có kết quả dưới 5,0 được thực hiện theo quy định của Quy chế đào tạo TCCN hệ chính quy ban hành kèm theo Quyết định số 40/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 01/8/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và quy định của chương trình khung trung học chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 21/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 06/06/2001của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Việc xác định nội dung ôn tập, bồi dưỡng kiến thức, công nhận, chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện, kết quả thi tốt nghiệp và miễn trừ cho học sinh không phải học lại, thi lại các môn văn hoá do Hiệu trưởng nhà trường quyết định.

Căn cứ năng lực đào tạo của trường và nhu cầu của người học, các trường tạo điều kiện để xét tuyển những học sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp vào học TCCN, các trường cần có các biện pháp phù hợp như xếp lớp học cùng nhóm đối tượng, tổ chức tuyên truyền, tư vấn về ngành nghề đào tạo, về hình thức đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ, ĐH (Quyết định số 06/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 13/02/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học), nhằm giúp các em sớm xác định động cơ để yên tâm học tập, đồng thời các trường cần tổ chức bồi dưỡng thêm các nội dung kiến thức cần thiết theo ngành nghề đào tạo và tăng cường đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thư viện để đảm bảo chất lượng đào tạo.

c) Những thí sinh đã tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008, khi đăng ký dự tuyển vào TCCN, xếp vào đối tượng đã tốt nghiệp THPT.

3. Về việc tổ chức xét tuyển (không tổ chức thi) để tuyển sinh

Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường căn cứ Quy chế tuyển sinh TCCN hiện hành, thành lập các ban giúp việc (Ban Thư ký, Ban Phúc khảo…) cho Hội đồng tuyển sinh để tiến hành việc xét tuyển.

a) Tùy theo đối tượng tuyển, đặc điểm, yêu cầu của ngành đào tạo và tình hình cụ thể của từng trường, các trường có thể lựa chọn trong các tiêu chí sau đây để xét tuyển, trong đó có thể tính hệ số đối với môn học cần ưu tiên:

- Điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, THCS hoặc tương đương của thí sinh;

- Điểm tổng kết các môn học 3 năm THPT hoặc tương đương, 4 năm THCS hoặc tương đương của thí sinh;

- Điểm tổng kết các môn học năm cuối cấp THPT hoặc tương đương, THCS hoặc tương đương của thí sinh;

- Điểm thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2008 của thí sinh.

b) Với đối tượng quy định tại khoản b, mục 2 của văn bản này, khi đăng ký dự tuyển vào TCCN, tiêu chí xét tuyển là điểm tổng kết các môn học lớp 12 hoặc điểm tổng kết các môn học 3 năm học THPT, bổ túc THPT của thớ sinh.

c) Với đối tượng quy định tại khoản c, mục 2 của văn bản này, khi đăng ký dự tuyển vào TCCN, tiêu chí xét tuyển là điểm thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2008 của thí sinh hoặc điểm tổng kết các môn học ở THPT, bổ túc THPT của thí sinh, tùy theo tiêu chí xét tuyển của từng trường.

d) Nếu một trường xét tuyển nhiều loại đối tượng, nhiều loại tiêu chí, thì phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể cho từng loại đối tượng, từng loại tiêu chí và chỉ xác định điểm chuẩn tuyển chọn khi xét tuyển trên cùng một loại tiêu chí.

e) Việc xác định đối tượng tuyển sinh, tiêu chí xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh cho từng loại đối tượng, từng loại tiêu chí do Hiệu trưởng nhà trường quyết định và phải thông báo công khai trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của thí sinh.

g) Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh khi xét tuyển vào TCCN được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh TCCN hiện hành.

h) Quy trình xét tuyển gồm các bước công việc cụ thể như sau:

- Nhận hồ sơ dự tuyển và phân loại hồ sơ dự tuyển theo tiêu chí xét tuyển;

- Nhập dữ liệu đăng ký dự tuyển;

- Kiểm dò danh sách đăng ký dự tuyển;

- Nhập điểm theo tiêu chí xét tuyển của trường, việc nhập điểm phải do 2 cán bộ thực hiện (một người đọc điểm, một người nhập điểm);

- Kiểm dò kết quả điểm đã được nhập, việc kiểm dò phải do 2 cán bộ thực hiện (một người đọc điểm, một người kiểm dò). Việc nhập điểm và việc kiểm dò phải được thực hiện độc lập và đảm bảo không trùng lặp cán bộ;

- In bảng thống kê điểm. Cả cán bộ nhập điểm, cán bộ kiểm dò đều phải ký vào bảng điểm và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bảng điểm;

- Xây dựng các phương án xác định điểm tuyển chọn;

- Xác định điểm tuyển chọn;

- Gọi thí sinh nhập học.

Để đảm bảo tính thống nhất, quá trình nhập dữ liệu xét tuyển, xử lý dữ liệu (tính điểm tổng hoặc tính điểm trung bình, làm tròn điểm hoặc không làm tròn điểm), in bảng điểm,…vv phải được thực hiện theo phần mềm tuyển sinh TCCN của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008 và các quy định của Quy chế tuyển sinh TCCN hiện hành để quyết định điểm tuyển chọn và triệu tập thí sinh trúng tuyển sao cho thí sinh trúng tuyển đến trường nhập học không vượt quá chỉ tiêu.

Khi thí sinh trúng tuyển đến trường nhập học còn thiếu so với chỉ tiêu, các trường hạ điểm xét tuyển để tuyển đủ chỉ tiêu. Trường nào định điểm xét tuyển không hợp lý dẫn đến vượt nhiều so với chỉ tiêu đã được xác định sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

Hội đồng tuyển sinh các trường phải gửi biên bản xác định điểm tuyển chọn (kể cả biên bản hạ điểm tuyển chọn) về Bộ GD&ĐT (Vụ Giáo dục chuyên nghiệp), Sở GD&ĐT sở tại, cơ quan chủ quản để có cơ sở theo dõi, kiểm tra và quản lý, đồng thời phải thông báo công khai điểm tuyển chọn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau kỳ tuyển sinh, các trường phải thực hiện nghiêm chỉnh việc tự kiểm tra kết quả trúng tuyển, hồ sơ dự tuyển của tất cả các thí sinh được gọi nhập học theo quy định, phải kiểm tra đối chiếu với hồ sơ gốc của từng thí sinh. Hồ sơ gốc của thí sinh phải đầy đủ theo quy định, không được tự tẩy xóa, chỉnh sửa, chắp nối. Mọi thí sinh vi phạm quy chế và các quy định hiện hành đều bị xử lý. Những cán bộ làm sai quy chế và các quy định hiện hành đều phải chịu trách nhiệm và tuỳ theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.

Việc bổ sung, sửa đổi đối tượng và khu vực ưu tiên của thí sinh, việc giải quyết thắc mắc và đơn thư khiếu nại liên quan đến kỳ tuyển sinh do Hội đồng tuyển sinh các trường, căn cứ quy chế tuyển sinh hiện hành, xử lý theo thẩm quyền.

4. Về việc tổ chức thi để tuyển chọn

Các trường có tổ chức thi tuyển để tuyển sinh (thi tuyển chỉ thực hiện đối với ngành đào tạo năng khiếu hoặc chỉ thi môn của ngành đào tạo có tính đặc thù nhưng phải có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo) tiếp tục thực hiện việc chủ động tự ra đề thi theo quy định. Hội đồng tuyển sinh các trường cần chỉ đạo chặt chẽ các khâu ra đề thi theo đúng các quy định của quy chế tuyển sinh TCCN và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trong đó cần đặc biệt coi trọng việc lựa chọn cán bộ tham gia Ban đề thi, quy trình làm đề và việc vận chuyển bảo mật đề thi.

Chủ tịch HĐTS các trường cần chuẩn bị chu đáo về nhân lực và cơ sở vật chất cho kỳ thi tuyển sinh; chủ động phối hợp với chính quyền và các ban, ngành địa phương, đảm bảo mọi điều kiện cần thiết cho kỳ thi, đặc biệt là đảm bảo trật tự an toàn tại các khu vực thi và xung quanh phòng thi. Phải chú ý khâu lựa chọn Trưởng điểm thi, cán bộ coi thi. Tổ chức tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi, đặc biệt là quy trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân đối với Trưởng điểm thi, cán bộ Ban Thư ký và từng cán bộ coi thi, giám sát phòng thi. Những thí sinh mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi. Chú ý kiểm tra, ngăn chặn việc thí sinh mang máy điện thoại di động hoặc các thiết bị thu phát thông tin vào phòng thi.

Việc chấm thi phải thực hiện theo đúng quy trình hai vòng độc lập. Mọi thành viên tham gia Ban chấm thi tuyển sinh đều phải tuân thủ theo các quy định của quy chế tuyển sinh TCCN và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nếu sai phạm sẽ bị xử lý theo quy chế.

5. Về việc khai và nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển TCCN

Hồ sơ đăng ký dự tuyển TCCN năm 2008 do các Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm in và phát hành tại địa phương theo mẫu thống nhất của Bộ GD&ĐT.

Việc thu nhận, chuyển giao hồ sơ, lệ phí ĐKDT, phiếu báo thi, phiếu báo kết quả, giấy báo trúng tuyển được thực hiện theo các phương thức sau:

- Thông qua hệ thống dịch vụ tuyển sinh theo trình tự các bước:

Thí sinh à Sở GD&ĐT à Trường à Sở GD&ĐT à Thí sinh.

- Khi hết hạn nộp hồ sơ theo quy định của Sở GD&ĐT, thí sinh nộp phiếu ĐKDT và lệ phí ĐKDT trực tiếp cho trường, đồng thời nhà trường phải có trách nhiệm gửi các loại giấy báo cho thí sinh. Thời gian và hình thức thu nhận hồ sơ do Hiệu trưởng quyết định.

Đối với những hồ sơ ĐKDT nhà trường thu trực tiếp của thí sinh, các trường phải có trách nhiệm chuyển phần lệ phí tuyển sinh thuộc quỹ tuyển sinh Trung ương về Bộ GD&ĐT để phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo tuyển sinh trong toàn quốc.

6. Về việc thu nhận, bàn giao hồ sơ và lệ phí ĐKDT

a) Về thời hạn thu nhận hồ sơ

- Theo hệ thống các Sở GD&ĐT: từ 25/3/2008 đến 30/5/2008.

- Tại các trường: thời hạn thu nhận hồ sơ do Hiệu trưởng nhà trường quyết định tuỳ theo kế hoạch tuyển sinh cụ thể của từng trường.

b) Về việc bàn giao hồ sơ và lệ phí ĐKDT

Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT và các trường trực tiếp bàn giao hồ sơ và lệ phí đăng ký dự tuyển TCCN tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh theo quy định và lịch dưới đây:

Về nội dung bàn giao hồ sơ và lệ phí ĐKDT

· Đối với các sở Giáo dục và Đào tạo

Các Sở Giáo dục và Đào tạo bàn giao cho các trường

- Hồ sơ ĐKDT đã được sắp xếp theo mã đơn vị ĐKDT, ngành học đúng thứ tự trong máy tính.

- Các Sở GD&ĐT bàn giao lệ phí dự tuyển cho các trường như sau:

+ Đối với hồ sơ đăng ký dự thi: 29.500 đ/hồ sơ nhân với tổng số hồ sơ ĐKDT vào trường.

+ Đối với hồ sơ đăng ký xét tuyển: 19.500 đ/hồ sơ nhân với tổng số hồ sơ ĐKDT vào trường.

Khi bàn giao hồ sơ và lệ phí ĐKDT các Sở GD&ĐT phải lập biên bản bàn giao cho từng trường, trong đó ghi rõ số lượng thí sinh ĐKDT và tổng số lệ phí ĐKDT. Các Sở GD&ĐT chỉ bàn giao hồ sơ và lệ phí ĐKDT cho người nhận khi xác định rõ người đó là của trường nhận bàn giao.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo bàn giao cho Bộ GD&ĐT:

- Biên bản đã bàn giao hồ sơ và lệ phí ĐKDT cho các trường;

- Bảng tổng hợp số lượng hồ sơ và lệ phí ĐKDT của Sở GD&ĐT bàn giao cho các trường (có chữ ký của lãnh đạo Sở và đóng dấu của Sở GD&ĐT);

- Đĩa ghi dữ liệu ĐKDT tương ứng với số lượng hồ sơ ĐKDT đã bàn giao cho các trường;

- Lệ phí tuyển sinh Trung ương: số tiền lệ phí nộp về Bộ bằng 4.000 đ/hồ sơ nhân với tổng số hồ sơ ĐKDT mà Sở GD&ĐT đã thu nhận và bàn giao cho các trường (kể cả trung ương và địa phương).

· Đối với các trường

+ Để đảm bảo an toàn trong việc bàn giao hồ sơ và lệ phí ĐKDT, đại diện các trường phải mang theo giấy giới thiệu, giấy chứng minh nhân dân (hoặc giấy tờ tùy thân). Sau khi nhận đủ hồ sơ và lệ phí ĐKDT, các trường giao cho các Sở GD&ĐT giấy biên nhận, phiếu thu có ký tên và đóng dấu của trường.

+ Sau khi kết thúc nhận hồ sơ trực tiếp của thí sinh đăng ký dự tuyển tại trường, các trường báo cáo về Bộ kết quả tổng hợp số lượng thí sinh ĐKDT vào trường (thu qua Sở GD&ĐT và trực tiếp tại trường) và trích nộp về Bộ GD&ĐT khoản lệ phí tuyển sinh trung ương (4.000 đ/hồ sơ nhân với tổng số hồ sơ ĐKDT nhận trực tiếp tại trường).

Về phương thức bàn giao hồ sơ và lệ phí ĐKDT

· Đối với các trường địa phương:

Các Sở GD&ĐT bàn giao trực tiếp cho các trường thuộc địa phương mình tại địa điểm do Sở GD&ĐT quy định.

· Đối với các trường trung ương:

Các Sở GD&ĐT bàn giao trực tiếp cho các trường Trung ương tại địa điểm quy định do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

· Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố: (trừ Sở GD&ĐT Hà Nội và TP Hồ

Chí Minh) có thể bàn giao hồ sơ và lệ phí ĐKDT trực tiếp cho các trường trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố mình tại địa điểm do Sở GD&ĐT quy định (tương tự như bàn giao cho các trường địa phương). Sở GD&ĐT nào định gửi hồ sơ và lệ phí ĐKDT qua bưu điện cần báo cáo cho Bộ GD&ĐT biết, đồng thời thông báo cho các trường để các trường chủ động tiếp nhận.

· Đối với những hồ sơ của học sinh ở phía bắc ĐKDT vào các trường

ở phía nam và ngược lại, các Sở GD&ĐT gửi hồ sơ và lệ phí ĐKDT qua bưu điện cho các trường. Các Sở GD&ĐTcần lưu ý phải đảm bảo an toàn và kịp thời để hồ sơ và lệ phí đăng ký dự tuyển của thí sinh đến được các trường, đồng thời phải thông báo cho các trường chủ động trong việc tiếp nhận, không để xảy ra thất lạc, chậm trễ.

c) Về địa điểm và thời gian bàn giao hồ sơ, lệ phí ĐKDT

· Các tỉnh, thành phố phía bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra), bàn giao tại

Khách Sạn Kim Liên (Nhà hàng Hoa sen 1) - Số 7 Đào Duy Anh, Đống Đa-Hà Nội, thời gian từ 7h30 đến 11h30 ngày 13 tháng 6 năm 2008.

- Các Sở GD&ĐT tập kết hồ sơ ĐKDT tại nơi đã được bố trí cho từng Sở GD&ĐT trong Hội trường Nhà hàng Hoa sen 1- Khách sạn Kim Liên trước 7h30 ngày13 tháng 6 năm 2008 để bàn giao cho các trường.

- Các đơn vị có nhu cầu về phòng nghỉ, liên hệ với Khách sạn Kim Liên, điện thoại: 04-5770328, 04-8522522 hoặc 0989955155.

· Các tỉnh, thành phố phía nam (từ TP. Đà Nẵng trở vào), bàn giao tại

Khách Sạn Kỳ Hoà , số 12 đường 3/2, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh, thời gian từ 7h30 đến 11h30 ngày 16 tháng 6 năm 2008.

- Các Sở GD&ĐT tập kết hồ sơ ĐKDT tại nơi đã được bố trí cho từng Sở GD&ĐT trong Hội trường Nhà hàng Đông Hồ thuộc khuôn viên Khách Sạn Kỳ Hoà trước 7h30 ngày 16 tháng 6 năm 2008 để bàn giao cho các trường.

- Các đơn vị có nhu cầu về phòng nghỉ, tự liên hệ với các khách sạn Kỳ Hũa, Điện thoại: 08.8658151 – fax: 08.8655333.

(Các chi phí đi lại, ăn, ở do các Sở GD&ĐT và các trường tự thanh toán)

7. Về lệ phí tuyển sinh TCCN

a) Mức thu lệ phí tuyển sinh đối với các trường tổ chức thi tuyển vẫn thực hiện theo các Thông tư liên tịch: Thông tư liên tịch số 28/2003/TTLT/ BTC - BGD&ĐT ngày 4/4/2003, Thông tư liên tịch số 71/2004/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 14/7/2004 của Liên Bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo và văn bản hướng dẫn số 12228/KHTC ngày 24/12/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b) Mức thu lệ phí tuyển sinh đối với các trường tổ chức xét tuyển (không tổ chức thi) vẫn thực hiện theo Thông tư liên tịch số 69/2005/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 29/8/2005 của Liên Bộ Tài chính-Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể như sau:

- Mức thu lệ phí tuyển sinh đối với các trường thực hiện hình thức xét tuyển để tuyển sinh (không tổ chức thi) là 30.000 (ba mươi ngàn) đồng/1 thí sinh/1hồ sơ. Số tiền lệ phí này nếu Sở GD&ĐT trực tiếp thu hồ sơ thì được phân phối như sau:

+ Trích nộp Bộ GD&ĐT 4000 (bốn nghìn) đồng/1 thí sinh/1 hồ sơ để bổ sung kinh phí cho việc triển khai công tác tuyển sinh của Bộ.

+ Trích để lại Sở GD&ĐT 6.500 (sáu nghìn năm trăm) đồng/1 thí sinh/1 hồ sơ để bổ sung kinh phí cho việc triển khai công tác tuyển sinh ở địa phương.

+ Số tiền lệ phí còn lại chuyển cho cơ sở giáo dục-đào tạo nơi thí sinh đăng ký dự tuyển theo quy định.

- Nếu các trường TCCN và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo TCCN trực tiếp thu hồ sơ và lệ phí tuyển sinh thì phải trích nộp về Bộ GD&ĐT 4000 (bốn nghìn) đồng/1 thí sinh/1 hồ sơ để bổ sung kinh phí cho việc triển khai công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, số tiền còn lại để chi cho công tác tuyển sinh tại cơ sở đào tạo TCCN.

- Các sở GD&ĐT, các trường TCCN, trường ĐH, CĐ và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo TCCN chuyển khoản tiền lệ phí tuyển sinh trích nộp về Bộ GD&ĐT 4000 (bốn nghìn) đồng/1 thí sinh/1 hồ sơ theo hình thức chuyển tiền là: nộp trực tiếp cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục-Bộ GD&ĐT (Địa chỉ: phòng 402, nhà 8c, ngõ 30, phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội) hoặc chuyển về tài khoản của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục-Bộ GD&ĐT, số tài khoản: 934.01.095 Kho bạc Nhà nước Hai Bà Trưng-Hà Nội (nội dung chuyển tiền phải ghi rõ chuyển tiền lệ phí theo số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển trung cấp chuyên nghiệp năm 2008).

8. Về việc tập huấn sử dụng phần mềm máy tính trong tuyển sinh

Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm máy tính trong tuyển sinh TCCN năm 2008 cho cán bộ, chuyên viên làm công tác tuyển sinh của các Sở GD&ĐT và các trường. Thời gian và địa điểm tập huấn Bộ GD&ĐT sẽ có thông báo cụ thể sau.

9.Về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh

Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát tuyển sinh cần phải được tăng cường hơn nữa ở từng cơ sở giáo dục và trong toàn ngành nhằm duy trì, giữ vững trật tự, kỷ cương, đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh. Bộ GD&ĐT, các Bộ, Ngành có trường, các Sở GD&ĐT có kế hoạch kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008 theo tiêu chí đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT ban hành, kiểm tra, giám sát các khâu: thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí tuyển sinh, tổ chức thi, chấm thi, kể cả chấm phúc khảo, thực hiện quy trình xét tuyển, xây dựng điểm trúng tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập trường, đồng thời xử lý nghiêm minh và kịp thời những trường hợp vi phạm quy chế.

Nhận được văn bản này, yêu cầu các Sở GD&ĐT, các trường TCCN, các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo TCCN tổ chức phổ biến rộng rãi đến các trường THPT, THCS, đồng thời quán triệt đầy đủ đến từng cán bộ tham gia công tác tuyển sinh, nhằm tổ chức kỳ tuyển sinh TCCN năm 2008 thật sự nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, HĐTS các trường cần trực tiếp báo cáo kịp thời về Bộ GD&ĐT (Vụ Giáo dục chuyên nghiệp), Sở GD&ĐT địa phương và cơ quan chủ quản để có phương án giải quyết kịp thời.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg, Bộ trưởng (để báo cáo);
- Ban Tuyên giáo TW (để báo cáo);
- VP Chính phủ (để báo cáo);
- UBVHGD TTNNĐ của QH (để báo cáo);
- Các Bộ, Ngành có trường;
- Website của Bộ GD&ĐT;
- Các Vụ: KHTC, ĐH&SĐH, GDTrH, GDTH, TTra GD, Cục KT&KĐCLGD;
- Lưu: VT, Vụ GDCN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Bành Tiến Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2472/BGDĐT-GDCN về việc hướng dẫn tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp năm 2008 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 2472/BGDĐT-GDCN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/03/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Bành Tiến Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/03/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản