Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2186 TM/CSTNTN

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2002

 

TÌNH HÌNH GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG THÁNG 5/2002

I/ NHẬN ĐỊNH CHUNG:

Nhìn chung tình hình lưu thông hàng hóa trong cả nước tương đối ổn định, các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón... phục vụ sản xuất và đời sống đều được đáp ứng. Các biện pháp kích cầu được triển khai tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng, về xuất khẩu tháng 5/2002 ước đạt 1.400 triệu USD tăng 7,6% so với tháng 4/2002 và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2001, 5 tháng đầu năm ước đạt 5.885 triệu USD, bằng 33,5% kế hoạch năm và bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2001. Về nhập khẩu tháng 5/2002 ước đạt 1.550 triệu USD, tăng 1,6% so với tháng 4/2002 và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2001, 5 tháng đầu năm ước đạt 6.847 triệu USD, bằng 39,1% kế hoạch năm và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2001. Vấn đề đáng quan tâm trong thời gian qua là sức mua của nông dân tuy còn thấp so với mục tiêu đề ra, song đã được cải thiện, do giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống và lương thực tăng. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 5/2002 ước đạt 22.600 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 4, 5 tháng ước đạt 112.700 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2001.

Giá cả thị trường trong tháng tương đối ổn định, tuy một số mặt hàng có nhích tăng. Giá thực phẩm tươi sống nhìn chung duy trì ở mức cao, một vài mặt hàng tiếp tục tăng (thịt lợn, thịt bò, gà...), giá lương thực tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu có dấu hiệu giảm vào cuối tháng, trong khi đó các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tăng, giá cà phê tăng vào những ngày cuối tháng, giá xi măng sau khi tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng đã bắt đầu giảm tại một số địa bàn, giá vàng tăng mạnh, giá đô la Mỹ tăng nhẹ.

Do giá một số mặt hàng tăng, nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2002 so với tháng 4/2002 tăng ở mức 0,3% (riêng khu vực nông thôn tăng 0,2%). Trong cơ cấu chỉ số giá tháng 5 có 4 nhóm hàng tăng từ 0,2 - 0,5% (trong đó nhóm lương thực giảm 0,5%). Giá vàng tăng 2,6%, giá đô la Mỹ tăng 0,2%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2002 chỉ số giá tiêu dùng tăng là 2,8% trong đó lương thực tăng 3,2%, thực phẩm tăng 7,3%, các nhóm còn lại có mức tăng, giảm không lớn, giá vàng tăng 11,6%, giá đô la Mỹ tăng 1%. Chỉ số giá tại thời điểm hiện nay so với cùng thời điểm này năm 2001 tăng 4,1%, trong đó lương thực tăng 14,6%, thực phẩm tăng 7,7%, giá vàng tăng 18,7%, giá đô la Mỹ tăng 4,8%.

Qua diễn biến chỉ số giá 5 tháng đầu năm cho thấy, năm nay diễn biến giá cả có những dấu hiệu khác với những năm trước, những năm trước giá tiêu dùng từ tháng 3 giảm liên tục nhiều tháng liền, nhưng năm nay chỉ có tháng 3 chỉ số giá giảm 0,8%, tháng 4 ổn định, tháng 5 tăng 0,3%, diễn biến 2 nhóm lương thực - thực phẩm tăng thấp hơn, thậm chí có những tháng lại giảm (những năm trước giá lương thực - thực phẩm, đặc biệt giá lương thực giảm liên tục, còn phi lương thực - thực phẩm lại tăng lên) làm cho cánh kéo giá đã thu hẹp dần theo hướng có lợi cho nông dân.

Dự kiến thời gian tới giá một số mặt hàng sẽ ổn định dần, do vậy chỉ số giá tiêu dùng ít có khả năng tăng.

II/ GIÁ CẢ MỘT SỐ MẶT HÀNG CHÍNH:

1/ Giá lương thực:

Các tỉnh phía Bắc lúa Đông xuân phát triển khá tốt, nhiều nơi cho năng suất, sản lượng cao, tuy vẫn trong thời kỳ giáp vụ, nhưng nguồn cung trên thị trường khá dồi dào, cuối tháng một vài nơi bắt đầu thu hoạch sớm vụ lúa Đông xuân. Giá lương thực trên thị trường khá ổn định, một vài nơi gần cuối tháng giảm nhẹ, các tỉnh phổ biến ở mức: lúa tẻ thường từ 2.200 - 2.500 đ/kg, gạo tẻ từ 3.500 - 4.000 đ/kg (cùng thời điểm này năm 2001: lúa từ 1.550 - 1.650 đ/kg, gạo tẻ từ 3.000 - 3.050 đ/kg).

Các tỉnh miền Trung Đông Nam bộ một vài nơi giá lúa, gạo tăng từ 50 - 100 đ/kg, phổ biến ở mức: lúa từ 1.700 - 1.900 đ/kg, gạo tẻ từ 3.300 - 3.700 đ/kg.

Các tỉnh ĐBSCL đang triển khai gieo cấy lúa Hè Thu, nguồn lương thực trên thị trườn chiều hướng giảm, trong khi nhu cầu xuất khẩu gạo tiếp tục tăng, do các doanh nghiệp phải thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký, cùng với giá gạo trên thị trường Thế giới tăng và trong dân có tâm lý hạn chế bán ra, nhưng nhân tố này đã hỗ trợ cho giá lương thực trong nước tiếp tục tăng từ 100 - 200 đ/kg, các tỉnh phổ biến ở mức: lúa tẻ thường từ 1.750 - 1.800 đ/kg, lúa tốt từ 1.850 - 1.900 đ/kg, gạo tẻ thường từ 2.900 - 3.200 đ/kg (cùng thời điểm này năm 2001 giá lúa 1.250 - 1.350 đ/kg, gạo 2.300 - 2.450 đ/kg). Như vậy vụ Đông Xuân 2001/2002 tuy sản lượng đạt 8,2 triệu tấn, tăng 300.000 tấn so với vụ Đông xuân 2000/2001, nhưng giá lương thực năm nay trong thời gian thu hoạch luôn trong chiều hướng tăng, nguyên nhân quan trọng hỗ trợ giá lương thực tăng cao do giá gạo trên thị trường Thế giới tăng, mặt khác thời tiết khô hạn kéo dài trên diện rộng, tạo tâm lý dự trữ, hạn chế bán ra trong dân.

Trên thị trường Thế giới nhu cầu nhập khẩu gạo tiếp tục tăng từ các nước Châu Á, Trung Đông và Châu Phi, trong khi nguồn cung chiều hướng giảm, giá gạo trên thị trường Thế giới tiếp tục tăng: tại Thái Lan gạo 100% B từ 199 - 201 USD/T lên 207 USD/T, 5% tấm từ 193 - 194 USD/T tăng lên 201 USD/T, riêng gạo 25% tấm dao động từ 174 - 175 USD/T. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao: gạo 5% tấm từ 185 - 186 USD/T tăng lên 195 USD/T; 25% tấm từ 167 - 168 USD/T tăng lên 175 USD/T (cùng thời điểm này năm 2001 gạo 5% tấm 154 USD/T; 25% tấm từ 136 - 137 USD/T). Ước lượng gạo xuất khẩu tháng 5/2002 đạt 350.000 tấn, đưa tổng số gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt khoảng 1,17 triệu tấn. Do giá gạo thị trường trong nước tăng cao, nên các doanh nghiệp chủ yếu tập trung thực hiện các hợp đồng cấp Nhà nước, việc ký các hợp đồng xuất khẩu mới bị ảnh hưởng.

Thời gian tới nguồn cung gạo trên thị trường sẽ giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ gạo tăng, giá gạo trên thị trường sẽ giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ gạo tăng, giá gạo trên thị trường thế giới và trong nước khả năng tiếp tục duy trì ở mức cao, tình hình trên sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như việc triển khai ký các hợp đồng xuất khẩu mới.

2/ Giá nông sản - thực phẩm:

- Giá thực phẩm tươi sống: Tuy bước vào hè nhu cầu tiêu thụ giảm hơn, nhưng giá một số thực phẩm tươi sống vẫn trong xu hướng tăng (thịt lợn, thịt bò, gà...).

+ Giá thịt lợn: Do giá thịt lợn trước đây giảm thấp trong thời gian dài, nên tốc độ tăng trưởng đàn lợn đều giảm (năm 2000 tăng 6,9%, năm 2001 chỉ tăng 3,1% và QI/2002 tăng có 2,9%), nguồn cung tăng chưa tương xứng với nhu cầu tiêu thụ, nên giá thịt lợn từ sau Tết Nguyên đán tăng liên tục. Trong tháng nhu cầu tiêu thụ tuy có giảm hơn, nhưng giá thịt lợn tiếp tục tăng tại một số địa bàn từ 500 - 1.000 đ/kg. Các tỉnh phổ biến ở mức: lợn hơi 11.000 - 13.000 đ/kg (phía Bắc) và 15.500 - 17.000 đ/kg (phía Nam), thịt lợn mông sấn từ 23.000 - 25.000 đ/kg (phía Bắc) và 28.000 - 31.000 đ/kg (phía Nam).

Giá một số loại thực phẩm như: thịt bò, gà, cá tiếp tục tăng từ 500 - 1.000 đ/kg.

+ Giá các loại rau quả: Vừa qua tình trạng hạn hán đã được khắc phục dần tại nhiều nơi, tạo điều kiện cho các loại rau phát triển, nhiều loại rau vào vụ, nguồn cung trên thị trường lớn, giá giảm từ 10 - 15%. Tại các tỉnh Nam Bộ nhiều loại hoa quả vào vụ, giá giảm dần, một số loại ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2001 từ 20 - 30%, chôm chôm chỉ có 3.000 - 4.000 đ/kg, măng cụt 10.000 - 11.000 đ/kg. Năm nay nhiều loại hoa quả được mùa, việc tìm đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, vấn đề này nếu không được các ngành, các doanh nghiệp quan tâm giải quyết hỗ trợ, sẽ tác động bất lợi tới sản xuất vụ sau.

- Giá nông sản một vài loại như lạc, đậu xanh tăng từ 500 - 1.000 đ/kg, riêng giá nông sản liên quan đến xuất khẩu (cà phê, hạt tiêu, hạt điều) tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp.

+ Giá cà phê tại các vùng sản xuất sau khi tiếp tục giảm trong 20 ngày đầu tháng từ 100 - 200 đ/kg, còn ở mức 6.800 - 7.000 đ/kg, đã bắt đầu tăng trở lại những ngày cuối tháng lên mức 7.400 - 7.600 đ/kg.

Trên thị trường Thế giới giá cà phê sau khi giảm trong 15 ngày đầu tháng đã bắt đầu hồi phục: tại Luân Đôn cà phê Robusta giao tháng 7/2002 từ 517 USD/T giảm còn 480 USD/T, sau đó tăng trở lại ở mức 539 USD/T. Giá cà phê Robusta xuất khẩu của Việt Nam sau khi tiếp tục giảm từ 480 - 490 USD/T còn 460 USD/T, đã tăng trở lại những ngày cuối tháng ở mức 480 - 490 USD/T.

Thời gian tới giá cà phê có thể giảm, do vụ thu hoạch cà phê 2002/2003 của Braxin chuẩn bị bước vào thu hoạch với sản lượng đạt mức kỷ lục từ 40 - 40,5 triệu bao tăng 43 - 44% so với vụ trước, đây sẽ là sức ép tác động bất lợi tới giá cà phê của Việt Nam trong niên vụ tới.

+ Giá hạt tiêu tại các vùng sản xuất giảm từ 1.000 - 1.500 đ/kg ở mức 20.000 - 21.000 đ/kg. Theo dự báo của Tổ chức cà phê Thế giới năm 2002, lượng hạt tiên Thế giới có thể tăng từ 13 - 14%, trong khi nhu cầu nhập khẩu chỉ tăng khoảng 7%, do vậy xu hướng giá hạt tiêu Thế giới sẽ giảm.

+ Giá hạt điều: Hiện nay đang vụ thu hoạch, sản lượng hạt điều thô của niên vụ 2001/2002 đạt khoảng 150.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với vụ trước, tuy sản lượng tăng nhưng vẫn không đủ cung ứng cho 70 cơ sở chế biến hạt điều, với tổng năng lực chế biến khoảng 210.000 tấn. Để đảm bảo cho các cơ sở chế biến hạt điều, Hiệp hội điều VN dự kiến nhập khẩu khoảng 50.000 tấn hạt điều nguyên liệu.

Do giá điều trên thị trường Thế giới vẫn ở mức thấp, nên giá thu mua điều thô trong nước ở mức thấp từ 6.000 - 6.500 đ/kg (Hiệp hội điều dự kiến giá mua bình quân 7.000 đ/kg).

- Giá đường kính trên thị trường trong tháng tương đối ổn định, trừ một vài tỉnh cuối tháng giảm từ 100 - 150 đ/kg, các tỉnh phổ biến ở mức: đường RE từ 6.500 - 7.000 đ/kg. Trong năm nguồn cung đường sản xuất trong nước nhìn chung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, tuy nhiên do giá đường nội địa cao hơn đường Thế giới, nên tình trạng đường nhập lậu vào thị trường trong nước vẫn tiếp diễn, việc tiêu thụ đường trong nước ít nhiều bị ảnh hưởng. Trước thực trạng đường nhập lậu vào thị trường trong nước gia tăng, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, thực hiện biện pháp ngăn chặn đường nhập lậu, từng bước giảm giá thành sản phẩm, trên cơ sở tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn cung ứng, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật...

3/ Giá vật tư:

- Giá phân bón: Nhu cầu phân bón trong nước không tăng, trong khi nguồn cung lớn, giá phân bón tương đối ổn định, trừ một vài tỉnh tăng, giảm từ 100 - 150 đ/kg, các tỉnh phổ biến ở mức: phân urê từ 2.300 - 2.400 đ/kg.

Trên thị trường Thế giới do nhu cầu nhập khẩu giảm, giá phân bón giảm, tại Trung Đông giá chào bán urê rời chỉ còn 92 - 93 USD/T.

- Giá xăng dầu trên thị trường Thế giới tiếp tục trong chiều hướng tăng: tại Luân Đôn dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 7 từ 25 USD/thùng tăng lên 26,5 USD/thùng (có thời điểm lên 27,5 USD/thùng). Giá xăng dầu trên thị trường trong nước khá ổn định. Từ 20/5/2002 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thương mại đã ra Quyết định điều chỉnh giá bán lẻ tối đa dầu hỏa là 4.100 đ/l và giá bán buôn tối đa dầu Mazut là 2.700 đ/kg.

Trước tình hình giá xăng dầu Thế giới tăng, ngày 17/5/2002 Bộ Tài chính đã có Quyết định số 59/QĐ-BTC tiếp tục điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, trong đó thuế nhập khẩu dầu hỏa chỉ còn 10%.

Thời giá tới giá xăng dầu trên thị trường Thế giới khả năng chiều hướng tăng, do tình hình chiến sự ở Trung Đông vẫn căng thẳng, Mỹ đe dọa tấn công IRAC.

+ Giá gas: Do giá gas nhập khẩu vào thị trường trong nước tăng 30 USD/T, cùng với việc nhà máy Dinh Cố điều chỉnh tăng giá bán, nên các đại lý đã điều chỉnh giá bán lẻ gas tăng từ 400 - 500 đ/kg.

- Giá vật liệu xây dựng: Tuy các tỉnh phía Bắc đang bước vào mùa mưa, song nhu cầu xây dựng trong cả nước vẫn ở mức cao, nguồn cung ứng một số loại vật liệu xây dựng có thời điểm không đáp ứng được nhu cầu (xi măng, gạch, cát, sỏi...), nên giá một số loại tăng.

+ Giá xi măng: Nhu cầu tiêu thụ xi măng tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu có chiều hướng giảm từ giữa tháng, trong khi các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng mạnh, tuy các nhà máy đã phấn đấu đạt công suất tối đa, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu, đã xảy ra tình trạng khan hàng ở một số địa bàn. Giá xi măng trên thị trường tiếp tục tăng trong 15 ngày đầu tháng, có thời điểm xi măng đen PC30 tại Hà Nội lên mức 770.000 - 780.000 đ/T, các tỉnh miền Trung 750.000 - 760.000 đ/T, TPHCM và các vùng phụ cận 940.000 - 950.000 đ/T, các tỉnh ĐBSCL 865.000 - 890.000 đ/T. Những ngày cuối tháng giá xi măng bắt đầu giảm dần.

Trước tình hình nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu, giá xi măng tăng, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ có liên quan trình Chính phủ cho nhập khẩu thêm Clinke, đồng thời bỏ phụ thu Clinke nhập khẩu, mặt khác chỉ đạo TCTy xi măng điều gấp 20.000 tấn xi măng (trong kế hoạch điều 50.000 - 60.000 tấn) từ phía Bắc vào phía Nam, phối hợp với các liên doanh trong việc điều hoà cung ứng lực lượng, kiểm tra, giám sát các đại lý bán xi măng trong việc thực hiện giá bán.

Thời gian tới nhu cầu xi măng sẽ giảm do bước vào mùa mưa, giá xi măng khả năng ổn định trở lại.

+ Giá thép xây dựng: Trong tháng lượng thép tiêu thụ tăng cao, nhưng nguồn cung ứng đáp ứng được nhu cầu. Do giá thép và phôi thép nhập khẩu tăng (tăng 15 - 20 USD/T so với đầu năm), nên giá bán ra của các doanh nghiệp thép tăng 100.000 đ/T (thép cuộn) và 50.000 đ/T (thép thanh). Các tỉnh phổ biến thép phi 6 từ 4.650 - 4.800 đ/kg.

Trên thị trường Thế giới giá thép tăng, do các nhà sản xuất lớn cắt giảm sản lượng, giá phôi thép nhập khẩu dao động từ 190 - 195 USD/T. Thời gian tới khả năng giá phôi thép sẽ tăng lên mức 200 - 210 USD/T, tình hình này sẽ tác động tới giá thép trong nước.

4/ Giá vàng và đô la Mỹ:

- Giá vàng Thế giới trong gần 20 ngày đầu tháng dao động ở mức 309 - 310 USD/Ounce, từ 20/5 trở đi giá vàng bắt đầu tăng cao lên mức 324 - 325 USD/Ounce. Giá vàng trong nước nhìn chung biến đọng theo giá vàng Thế giới trong tháng tăng từ 25.000 - 30.000 đ/chỉ, đạt mức giá cao 590.000 - 595.000 đ/chỉ. Giá vàng trong nước tăng do tác động của giá vàng Thế giới tăng, nguyên nhân chủ yếu tình hình Trung Đông vẫn căng thẳng, đồng đô la Mỹ tiếp tục mất giá so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường Thế giới, tạo tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư và dân chúng. Khả năng giá vàng Thế giới còn duy trì ở mức cao.

- Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do tiếp tục chiều hướng tăng trong 20 ngày đầu tháng từ 15.230 - 15.250 đ/USD tăng lên 15.270 - 15.280 đ/USD.

Tỷ giá mua, bán ngân hàng Ngoại thương tiếp tục điều chỉnh tăng dần, giá bán ra từ 15.220 đ/USD tăng lên 15.252 đ/USD.

III/ DỰ KIẾN GIÁ THỜI GIAN TỚI:

- Giá lương thực: Các tỉnh phía Bắc bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân, nguồn lương thực gia tăng cùng vụ thu hoạch, giá lương thực chiều hướng giảm nhẹ. Các tỉnh phía Nam một vài nơi bắt đầu thu hoạch lúa Hè Thu, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn do nguồn cung hạn chế, cùng với giá gạo trong nước ở mức cao, khả năng giá lương thực sẽ chững lại và giảm nhẹ khi bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu.

- Giá nông sản - thực phẩm: Bước vào hè nhu cầu tiêu thụ một số mặt hàng thực phẩm tươi sống chững lại và giảm dần, do giá nhiều loại thực phẩm thời gian qua ở mức cao, khả năng sẽ chững lại và giảm dần trong thời gian tới. Nhu cầu tiêu thụ đường đang gia tăng (đặc biệt nhu cầu Tết Trung thu đến gần), giá đường kính ít có khả năng tăng, do nguồn cung ứng trong nước đảm bảo. Giá nông sản liên quan đến xuất khẩu, biến động theo giá thị trường Thế giới, khả năng còn duy trì ở mức thấp,

- Giá hàng công nghiệp tiêu dùng và giá vật tư tương đối ổn định, riêng giá một số loại vật liệu xây dựng khả năng sẽ tăng (thép, gạch, cát...)

- Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng Thế giới, khả năng còn duy trì ở mức cao. Giá đô la Mỹ dao động trong xu hướng tăng nhẹ.

 

TL/ BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
KT/ VỤ TRƯỞNG VỤ CSTNTN
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Thị Kim Ngân

 

 

 

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG

CHỈ SỐ GIÁ VÀNG VÀ CHỈ SỐ GIÁ ĐÔLA MỸ CẢ NƯỚC
Tháng 5 năm 2002

 

Mã số

Chỉ số tháng 5 năm 2002 so với (%)

Kỳ gốc năm 2000

Tháng 5 năm 2001

Tháng 12 năm 2001

Tháng 4 năm 2002

A

B

1

2

3

4

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG

O

104,2

104,1

102,8

100,3

I. Lương thực - Thực phẩm

0

107,6

108,8

105,5

100,7

Trong đó: 1- Lương thực

01

108,5

114,6

103,2

99,5

                 2- Thực phẩm

02

107,9

107,7

107,3

101,3

II. Đồ uống và thuốc lá

1

102,4

100,6

101,2

100,4

III. May mặc, mũ nón, giầy dép

2

102,1

100,7

100,5

99,8

IV. Nhà ở và vật liệu xây dựng

3

103,4

100,7

100,2

100,3

V. Thiết bị và đồ dùng gia đình

4

101,8

101,0

100,5

100,0

VI. Dược phẩm, y tế

5

103,0

99,3

100,4

100,2

VII. Phương tiện đi lại, bưu điện

6

94,5

96,3

100,0

99,9

VIII. Giáo dục

7

104,1

101,6

98,9

99,9

IX. Văn hóa, thể thao, giải trí

8

100,6

97,4

99,7

99,8

X. Đồ dùng và dịch vụ khác

9

103,6

102,4

100,9

99,8

CHỈ SỐ GIÁ VÀNG

V

115,3

118,7

111,6

102,6

CHỈ SỐ GIÁ ĐÔLA MỸ

U

107,2

104,8

101,0

100,2

 

 

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG

CHỈ SỐ GIÁ VÀNG VÀ CHỈ SỐ GIÁ ĐÔLA MỸ CÁC NƯỚC KHU VỰC NÔNG THÔN CẢ NƯỚC
Tháng 5 năm 2002

 

 

Mã số

Chỉ số tháng 5 năm 2002 so với (%)

Kỳ gốc năm 2000

Tháng 5 năm 2001

Tháng 12 năm 2001

Tháng 4 năm 2002

A

B

1

2

3

4

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG

O

103,6

104,2

102,8

100,2

I. Lương thực - Thực phẩm

0

107,4

109,2

105,6

100,5

Trong đó: 1- Lương thực

01

109,0

114,6

103,3

99,4

                 2- Thực phẩm

02

107,3

107,3

107,4

101,2

II. Đồ uống và thuốc lá

1

101,5

99,9

101,3

100,4

III. May mặc, mũ nón, giầy dép

2

101,6

100,4

100,4

99,8

IV. Nhà ở và vật liệu xây dựng

3

102,7

101,0

100,1

100,1

V. Thiết bị và đồ dùng gia đình

4

101,1

101,0

100,2

100,0

VI. Dược phẩm, y tế

5

102,3

98,6

100,4

100,1

VII. Phương tiện đi lại, bưu điện

6

92,9

95,9

100,0

99,9

VIII. Giáo dục

7

101,9

101,3

100,1

100,0

IX. Văn hóa, thể thao, giải trí

8

99,6

98,7

99,9

100,0

X. Đồ dùng và dịch vụ khác

9

103,4

102,5

100,5

99,8

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2186 TM/CSTNTN ngày 06/06/2002 của Bộ Thương mại về tình hình giá cả thị trường/05/2002

  • Số hiệu: 2186TM/CSTNTN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/06/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Lê Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/06/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản