BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1907/BXD-HTĐT | Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2005 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 5932 BKH/TĐ&GSĐT ngày 31/8/2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị góp ý dự án và Tờ trình số 1347/UBND ngày 12/8/2005 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình về Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án vệ sinh môi trường các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình, sau khi nghiên cứu Bộ xây dựng có ý kiến như sau:
Thành phố Đồng Hới là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Quảng Bình đồng thời là một trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Trung. Hiện nay tình hình đầu tư xây dựng thành phố Đồng Hới đang phát triển hết sức nhanh chóng. Tuy nhiên trong thời gian qua việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, đã không đáp ứng nhu cầu. Do vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom xử lý nước thải và chất thải rắn góp phần cải thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cao đời sống nhân dân, giảm thiệt hại trong sản xuất do ngập úng, cải tạo điều kiện vệ sinh môi trường là cần thiết. Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình với các nội dung cơ bản sau:
- Mục tiêu dự án: Giảm thiểu ngập úng và ô nhiễm môi trường cho thành phố Đồng Hới, thu gom và xử lý nước thải, rác thải của thành phố phù hợp với các quy định hiện hành về môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và Định hướng phát triển thoát nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Phạm vi dự án: Trên toàn thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình bao gồm 10 phường nội thành và 6 xã ngoại thành.
- Các chỉ tiêu thiết kế:.
- Hệ thống thoát nước thành phố Đồng Hới được chia làm 2 phần:
khu vực Thành phố cũ bao gồm các phường Đồng Phú, Đồng Mỹ, Hải Đình là hệ thống thoát chung, xây dựng hệ thống cống bao và giếng tách để thu nước thải đưa về khu xử lý.
Khu vực còn lại bao gồm các phường Đồng Sơn, Phú Hải, Hải Thành, Nam Lý, Bắc Lý và các xã ngoại thành xây dựng hệ thống thoát nước riêng.
- Cốt ngập lụt chung cho thành phố lấy 2,8m, chu kỳ ngập lụt tính toán lấy 2 năm cho mạng cấp III, 5 năm cho mạng cấp I và cấp II.
- Lưu lượng nước thải tính bình quân đầu người là 110 l/ngđ cho năm 2010 và 150 l/ngđ cho năm 2020 đối với nội thành; 90 l/ngđ năm 2010 và 110 l/ngđ năm 2020 đối với ngoại thành.
- Tỷ lệ dân sử dụng dịch vụ thoát nước khu vực khu phố cũ là 80%, cho năm 2010, 90% cho năm 2020, các khu vực còn lại là 80% cho năm 2020.
- Hệ số pha loãng nước mưa k=2
- Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 7222-2002 “Yêu cầu chung về môi trường đối với các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung” cấp độ 2 cột 3
- Lượng rác thải phát sinh là 0,7kg/ng,ngđ năm 2010, 1kg/ng,ngđ năm 2020 tỷ lệ thu gom rác thải là 70% năm 2010, 95% năm 2020.
- Quy mô đầu tư:
- Cải tạo và xây kè cho sông Cầu Rào, mương Phóng Thủy, hồ điều hòa Nam Lý trong thành phố đồng thời cải tạo, xây dựng mới các tuyến cống thoát nước mưa, nước thải,
- Xây dựng các tuyến cống bao, giếng tách để thu gom nước thải khu vực phố cũ (khu vực I), xây dựng các trạm bơm dâng để đưa nước thải về trạm xử lý.
- Xây dựng trạm xử lý nước thải tại xã Đức Ninh, gần sông Lệ Kỳ có công suất là 8.000m3/ngđ, dây chuyền công nghệ mương Oxy hóa
- Mua sắm trang thiết bị cho công tác quản lý vận hành hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom và quản lý chất thải rắn.
- Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý vận hành hệ thống thoát nước và môi trường đô thị.
(Các số liệu cụ thể cần xác định chính xác trong báo cáo nghiên cứu khả thi)
- Tiến độ thực hiện:
Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2006 và kết thúc vào năm 2013 và được chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn I: Từ năm 2006 đến năm 2011 tiến hành công tác cải tạo và xây dựng hoàn chỉnh các tuyến cống thu gom nước mưa và nước thải khu vực Thành phố cũ bao gồm các phường Đồng Phú, Đồng Mỹ, Hải Đình. Cải tạo các sông kênh thoát lũ của Thành phố như sông Cầu Rào, mương Phóng Thủy, hồ điều hòa Nam Lý.
Mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ công tác vận hành hệ thống thoát nước, công tác thu gom và xử lý chất thải rắn. Tiến hành công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.
- Giai đoạn II: từ năm 2008 đến năm 2013 hoàn chỉnh công tác đầu tư xây dựng theo mục tiêu của dự án.
Một số lưu ý: Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án vệ sinh môi trường các thành phố Duyên hải-Tiểu dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới được thực hiện tại khu vực có diện tích rất lớn, địa hình phức tạp, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều, quy hoạch xây dựng Thành phố chưa ổn định, để dự án có tính khả thi, đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Chủ đầu tư thực hiện tiếp những công việc sau:
- Thành lập Ban quản lý dự án thoát nước và vệ sinh môi trường, tiến tới thành lập cơ quan quản lý thoát nước Tỉnh nhằm thống nhất quản lý hệ thống thoát nước mưa, nước thải của thành phố Đồng Hới và các đô thị khác của tỉnh để có thể lập kế hoạch đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống thoát nước, đồng thời lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố phù hợp với yêu cầu phát triển thực tế của đô thị và phê duyệt theo quy định hiện hành.
- Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới hiện mới chỉ triển khai xây dựng và cải tạo các tuyến sông, mương, các tuyến cống thoát nước chính, các tuyến cống bao, hệ thống giếng tách, trạm bơm dâng, trạm xử lý nước thải, trong khi chưa có kế hoạch cải tạo và xây dựng các tuyến cống thu gom, hệ thống ống nối vào các hộ gia đình , do vậy cần sớm triển khai dự án cải tạo và xây dựng mới hệ thống cống thu gom nước thải đến các hộ gia đình.
- Xác định vị trí trạm xử lý, các trạm bơm đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, giảm tối đa công tác giải phóng mặt bằng và sớm có quyết định giao đất của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.
- Cần xem xét lại công suất của trạm xử lý cho phù hợp với lưu lượng nước thu gom khi có mưa.
- Theo báo cáo thuỷ văn, chế độ thuỷ triều khu vực Đồng Hới diễn biến khá phức tạp, cần xem xét kỹ chế độ thủy triều khi thiết kế các cống ngăn triều.
- Các hồ của thành phố Đồng Hới vừa có tác dụng điều hoà nước mưa, vừa tạo cảnh quan môi trường, cần tính toán để xây dựng thêm các hồ điều hòa mới, chú ý đến việc xây dựng thêm các hồ tại khu vực trạm xử lý và ngã ba giữa mương Phóng thủy và sông Cầu Rào.
- Trong quá trình cải tạo sông Cầu Rào, mương Phóng Thủy cần xây dựng đồng bộ giữa mương thoát nước, đường ven sông, cống bao và các cơ sở hạ tầng khác.
- Hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nhiều vật tư thiết bị phục vụ hệ thống thoát nước như các loại ống, bơm. Trong quá trình mua sắm vật tư thiết bị, Ban quản lý Dự án cần có sự lựa chọn phù hợp, khuyến khích sử dụng vật tư trong nước để giảm giá thành đầu tư.
- Trong thời gian qua, các công ty tư vấn trong nước đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, có khả năng thực hiện công tác tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát nhiều công trình thoát nước đô thị, do vậy để giảm chi phí công tác tư vấn cần có kế hoạch giảm tư vấn nước ngoài và tăng tư vấn trong nước.
- Trong quá trình thực hiện dự án có nhiều hộ gia đình bị di dời hoặc bị ảnh hưởng, do đó công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là vấn đề hết sức quan trọng, Chủ đầu tư cần thực hiện đúng chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư cũng như có chính sách tạo việc làm cho nhân dân trong diện di dời.
- Thành phố Đồng Hới đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, nhiều công trình lớn như sân bay, cảng đang được đầu tư xây dựng, Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới mới giải quyết được một khu vực nhỏ của thành phố. Vì vậy thành phố cần sớm lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị để có cơ sở lập kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và chất thải rắn hoàn chỉnh
- Thời gian thực hiện dự án theo dự kiến là rất dài, diện tích phục vụ lớn, có nhiều hạng mục công trình phức tạp, Chủ đầu tư cần sớm có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo lực lượng cán bộ quản lý, giám sát và vận hành dự án.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định
| K/T BỘ TRƯỞNG |
Công văn số 1907/BXD-HTĐT về việc góp ý Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (nay là Báo cáo đầu tư) Dự án vệ sinh môi trường các thành phố Duyên hải-Tiểu dự án TP. Đồng Hới tỉnh Quảng Bình do Bộ Xây dựng ban hành
- Số hiệu: 1907/BXD-HTĐT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 23/09/2005
- Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
- Người ký: Nguyễn Tấn Vạn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/09/2005
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực