Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1885/TCHQ-GSQL
V/v thực hiện các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan, Nghị định 101/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2003

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Ngày 16/4/2003, Bộ Tài chính đã ban hành 02 Thông tư, 06 Quyết định hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Hải quan, Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra giám sát hải quan. Để hiểu rõ và thống nhất các văn bản này, Tổng Cục Hải quan lưu ý các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố một số vấn đề như sau:

I. Những lưu ý chung:

1. Các văn bản trên chỉ hướng dẫn, cụ thể hoá một số nội dung của Luật Hải quan và Nghị định số 101/2001/NĐ-Chính phủ để các đơn vị Hải quan thực hiện được thống nhất. Những nội dung đã được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật Hải quan và Nghị định 101/2001/NĐ-CP thì phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Hải quan và Nghị định.

2. Các văn bản này là 01 hệ thống đồng bộ, thống nhất, bổ sung cho nhau, gắn kết với nhau. Vì vậy, để hiểu thống nhất, phải nghiên cứu tổng thể, không tách rời từng văn bản với nhau.

3. Tại các văn bản, Tổng cục đã phân công, phân cấp rõ ràng cho từng khâu, từng người, từng đơn vị. Mọi công chức, mọi bộ phận, mọi đơn vị phải thực hiện đúng chức trách đã được phân công, tuyệt đối không được né tránh, đùn đẩy công việc cho cấp trên và cho bộ phận khác. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu, các bộ phận trong cùng 01 đơn vị, giữa các đơn vị với nhau.

4. Các khâu, các bộ phận, các đơn vị Hải quan chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau trong trao đổi và xử lý thông tin, đường đi của bộ hồ sơ hải quan nhằm đảm bảo thông tin không bị ách tắc, không bị ngắt quãng, đảm bảo lô hàng đang chịu sự giám sát hải quan phải được theo dõi liên tục cho đến khi giải phóng hàng.

5. Theo quy định tại Luật Hải quan, Nghị định 101/2001/NĐ-CP và hướng dẫn tại các văn bản này, mọi công việc cần làm để thông quan hàng hoá đều được thực hiện ở Chi Cục Hải quan. Vì vậy, Chi cục trưởng Chi Cục Hải quan phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của mình, một mặt, phải tổ chức cho Chi cục của mình thực hiện đúng, có hiệu quả các quy định, mặt khác, phải phối hợp chặt chẽ với các Chi cục Hải quan khác vừa để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, vừa quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

6. Trong điều kiện hiện có, các đơn vị phải tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng tối đa máy móc, thiết bị trong các khâu nghiệp vụ. Những máy móc, thiết bị đã được trang bị nhưng hỏng thì phải sửa chữa. Những máy móc, thiết bị cần phải có nhưng chưa có thì phải trang bị hoặc xây dựng kế hoạch báo cáo Tổng Cục Hải quan để được trang bị.

7. Các đơn vị Hải quan các cấp phải chủ động tổ chức thu thập và xử lý các thông tin về quá trình chấp hành pháp luật hải quan của chủ hàng, các mặt hàng nhạy cảm, thông tin về gian lận thương mại, về giá tính thuế... nhằm đảm bảo việc quyết định các hình thức kiểm tra thực tế, xác định mã số hàng hoá, giá tính thuế chính xác chặt chẽ.

8. Đồng thời với việc cải tiến thủ tục thông quan hàng hoá, các đơn vị Hải quan các cấp phải thực hiện việc kiểm tra sau thông quan và tăng cường chống buôn lậu theo đúng quy định của pháp luật.

9. Trong quá trình thực hiện các văn bản này, yêu cầu từng công chức hải quan, đơn vị hải quan các cấp phải chủ động phát hiện các vấn để nổi cộm, bất hợp lý, sở hở dễ bị lợi dụng để báo cáo kịp thời với Tổng Cục Hải quan.

II. Một số nội dung cần chú ý trong việc thực hiện các văn bản:

1. Thông tư số 32/2003/TT-BTC ngày 16/4/2003 hướng dẫn thực hiện các Điều 29, 30 Luật Hải quan, Điều 8 Nghị định 101/2001/NĐ-CP.

Khi nghiên cứu và thực hiện Thông tư này cần chú ý một số vấn đề mới dưới đây:

1.1. Việc quyết định hình thức kiểm tra về căn bản phải được Chi cục trưởng dự kiến trước khi doanh nghiệp làm thủ tục hải quan cho lô hàng trên cơ sở theo dõi quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, các thông tin trên bản lược khai hàng hoá và các thông tin khác.

1.2. Việc kiểm tra thực tế hàng hoá có thể do công chức hải quan kiểm tra trực tiếp và/hoặc kiểm tra bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật. Ví dụ: Với quyết định kiểm tra toàn bộ lô hàng, công chức thực hiện có thể mở 100% các kiện hàng để kiểm tra; hoặc có thể đưa vào máy kiểm tra 100%; hoặc có thể kết hợp vừa kiểm tra trực tiếp, vừa kiểm tra bằng máy. Khi quyết định hình thức kiểm tra, Chi cục trưởng phải ghi rõ kiểm tra trực tiếp hay kiểm tra bằng máy.

1.3. Thông tư cũng quy định chế tài đối với những doanh nghiệp bị phát hiện lợi dụng hình thức miễn kiểm tra thực tế, kiểm tra xác suất để nhập khẩu không đúng khai báo: Ngoài các mức xử phạt theo quy định, cơ quan Hải quan sẽ không cho doanh nghiệp hưởng hình thức miễn kiểm tra thực tế hoặc kiểm tra xác suất nữa, má áp dụng hình thức kiểm tra toàn bộ đối với các lô hàng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

2. Thông tư số 33/2003/TT-BTC ngày 16/4/2003 hướng dẫn thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh:

Thông tư này có các nội dung mới cần chú ý sau đây:

2.1. Người khai hải quan có thể là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông hoặc chủ hàng.

2.2. Bỏ quy định doanh nghiệp thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan phải chịu trách nhiệm thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan  Hải quan.

2.3. Quy định về thay đổi tờ khai cho đúng loại hình xuất nhập khẩu tại các Điểm 5d, 5đ Mục I.

3. Quyết định số 52/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 ban hành Quy định về điều kiện thành lập, quản lý hoạt động của Địa điểm làm thủ tục hải quan, Địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài cửa khẩu:

Quyết định này có một số quy định mới cần chú ý sau đây:

3.1. Việc thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhằm giải quyết tình trạng hàng hoá bị ách tắc tại cửa khẩu. Vậy chỉ khi nào và nơi nào có tình trạng ách tắc hàng hoá tại cửa khẩu mới được để xuất thành lập địa điểm này. Hải quan các tỉnh, thành phố phải lưu ý tham mưu cho UBND tỉnh,thành phố về vấn đề này mỗi khi các địa phương có ý định xin thành lập. Trong hồ sơ xin thành lập nhất thiết chứng minh được tình trạng ách tắc hàng hoá tại cửa khẩu.

3.2. Về điều kiện quy định tại Điểm 3.2 Điều 4: Trong hồ sơ xin thành lập phải có văn bản đăng ký sẽ làm thủ tục hải quan thường xuyên tại địa điểm của ít nhất 30 doanh nghiệp.

3.3. Yêu cầu quản lý bằng máy vi tính nối mạng giữa doanh nghiệp kinh doanh và Chi cục Hải quan và yêu cầu có đủ điều kiện để cơ quan Hải quan lắp đặt máy móc, thiết bị là những điều kiện bắt buộc, phải có ngay khi địa điểm bắt đầu hoạt động.

4. Quyết định số 53/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 ban hành Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

Quyết định này có một số quy định mới cần chú ý sau đây:

4.1. Xác định trách nhiệm giữ nguyên trạng hàng hoá di chuyển của chủ hàng và người vận chuyển, hải quan không áp tải trực tiếp.

4.2. Xác định quyền của Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong việc thay đổi hình thức kiểm tra hoặc kiểm tra lại hàng hoá.

4.3. Trước đây, tại Quyết định (tạm thời) 1495/2001/QĐ-TCHQ, Tổng Cục Hải quan quy định hàng hoá xuất khẩu miễn kiểm tra phải niêm phong hải quan thì nay, theo quy định tại Quyết định số 53/2003/QĐ-BTC, về nguyên tắc, các lô hàng này không phải niêm phong hải quan (Điểm 4.2 (d) phần I). Tuy nhiên, yêu cầu Hải quan các địa phương theo dõi chặt chẽ việc thực hiện quy định này để phát hiện kịp thời các trường hợp lợi dụng để xuất khẩu đúng khai báo và báo cáo để Tổng Cục Hải quan có chỉ đạo.

4.4. Đối với lô hàng siêu trường, siêu trọng thì không yêu cầu niêm phong nhưng khi chuyển cửa khẩu, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu phải thông báo chi tiết tình hình hàng hoá vận chuyển không niêm phong cho Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu biết (Điểm  phần I).

5. Quyết định số 54/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 quy định quản lý hải quan đối với hàng hoá bán tại cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế:

Quyết định này về căn bản vẫn giữ nguyên các quy định tại Quyết định 1549/2001/QĐ-TCHQ ngày 26/12/2001 của Tổng Cục Hải quan. Khi thực hiện, cần chú ý các vấn đề sau:

5.1. Hải quan không giám sát trực tiếp việc bán hàng và cửa hàng. Việc giám sát được thực hiện bằng biện pháp cơ quan Hải quan theo dõi bán hàng qua máy  vi tính được nối giữa cửa hàng và cơ quan Hải quan, giám sát qua hệ thống camera (nơi nào chưa có dần dần được trang bị), và qua kiểm tra hệ thống sổ sách, chứng từ xuất nhập khẩu và bán hàng. Vì vậy, một yêu cầu bắt buộc là cửa hàng phải nối mạng vi tính với cơ quan Hải quan.

5.2. Khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật, của Bộ Tài chính và Tổng Cục Hải quan về các hoạt động kinh doanh của mình.

5.3. Hàng nội địa đưa vào bán tại cửa hàng miễn thuế cũng phải được Hải quan dán tem “Viet Nam Duty Not Paid”.

6. Quyết định số 55/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 Ban hành Quy chế về thủ tục hải quan, công tác kiểm soát, giám sát hải quan đối với tàu hoả liên vận quốc tế nhập cảnh, xuất cảnh:

Quyết định này có một số nội dung mới sau đây:

6.1. Không yêu cầu niêm phong hải quan đối với hàng cồng kềnh, hàng siêu trường, siêu trọng không đưa vào toa được, không niêm phong được.

6.2. Đối với tàu hoả của Trung Quốc sang Việt Nam đỗ tại ga biên giới rồi quay trở lại ngay Trung Quốc thì không yêu cầu phải nộp tờ khai nhiên vật liệu, lương thực, thực phẩm.

7. Quyết định số 56/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 quy định về hồ sơ hải quan, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán:

Đây là Quyết định ban hành quy trình thủ tục hải quan cơ bản, rất quan trọng Quyết định đã quy định rõ:

7.1. Các bước và nội dung cụ thể từng bước trong quy trình thủ tục hải quan;

7.2. Từng loại giấy tờ phải nộp, phải xuất trình;

7.3. Trách nhiệm, thẩm quyền từng khâu, từng người;

7.4. Đường đi cụ thể của hồ sơ trong quá trình làm thủ tục hải quan;

7.5. Cách kiểm tra thực tế hàng hoá;

7.6. Cách ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá;

7.7. Trách nhiệm cụ thể, cách giải quyết của cơ quan Hải quan, của doanh nghiệp đối với các trường hợp hàng hoá phải chờ kết quả giám đinh: Trường hợp chờ kết quả giám định để xem có được nhập khẩu hay không? Trường hợp chờ giám định chỉ để xác định số thuế phải nộp? Trường hợp mặt hàng đã được giám định lần nhập trước...

8. Quyết định số 57/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 Quy định về thủ tục hải quan đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng và kiểm soát, giám sát hải quan tại các cảng biển và cảng chuyên dùng.

Quyết định này có các nội dung mới sau đây:

8.1. Bộ hồ sơ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 55/2002/QĐ-TTg ngày 23/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển;

8.2. Quy định phối hợp thủ tục hải quan giữa hải quan 02 cảng trong việc quản lý trường hợp tàu chuyển cảng có chở hàng xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan sẽ dỡ hàng xuống cảng đến, sau đó xếp lên tàu khác để xuất khẩu.

8.3. Làm rõ cảng chuyên dùng chưa phải là cửa khẩu Quốc gia, mà về phương diện hải quan, các cảng này chỉ là các địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu;

8.4. Khuyến khích các doanh nghiệp cảng, Đại lý hãng tàu nối mạng vi tính với cơ quan Hải quan để Hải quan có trước, đầy đủ các thông tin về tàu, hàng hoá làm cơ sở cho việc giải phóng nhanh tàu, hàng hoá. Cơ quan Hải quan phải tạo thuận lợi hơn cho các cảng, các hàng tàu đã nối mạng vi tính với cơ quan Hải quan.

Tổng Cục Hải quan yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức cho toàn thể cán bộ, công chức Hải quan trong đơn vị nghiên cứu kỹ, đầy đủ hệ thống hướng dẫn tại các văn bản này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, yêu cầu các đơn vị kịp thời báo cáo về Tổng Cục Hải quan để được chỉ đạo, hướng dẫn./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Đặng Văn Tạo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 1885/TCHQ-GSQL ngày 28/04/2003 của Tổng cục Hải quan-Bộ Tài chính về việc thực hiện các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan, Nghị định 101/2001/NĐ-CP

  • Số hiệu: 1885/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/04/2003
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Đặng Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/04/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản