Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 1831/TĐC-ĐL
V/v: Hướng dẫn thi hành Quyết định số 20/2006/QĐ-BKHCN; Quyết định số 21/2006/QĐ-BKHCN; Quyết định số 22/2006/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2006

 

Kính gửi:

- Trung tâm Đo lường Việt Nam,
- Các Trung tâm kỹ thuật 1, 2, 3,
- Trung tâm Đào tạo,
- Các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố,
- Các tổ chức kiểm định phương tiện đo

 

Ngày 10 tháng 11 năm 2006, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành: Quyết định số 20/2006/QĐ-BKHCN quy định về công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo; Quyết định số 21/2006/QĐ-BKHCN quy định về chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường; Quyết định số 22/2006/QĐ-BKHCN quy định về việc phê duyệt mẫu phương tiện đo. Các quyết định trên đã được đăng Công báo số 29 ngày 27/11/2006, có hiệu lực từ ngày 12/12/2006.

Để chấp hành triệt để quy định của các Quyết định trên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn chi tiết một số điều khoản sửa đổi, bổ sung để các đơn vị thực hiện, cụ thể như sau:

I. QUYẾT ĐỊNH SỐ 20/2006/QĐ-BKHCN BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG NHẬN KHẢ NĂNG KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN ĐO

Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 20/2006/QĐ-BKHCN ngày 10/11/2006 có một số điểm chính được sửa đổi, bổ sung so với Quyết định số 29/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 17/05/2002 như sau:

1. Để tránh nhầm lẫn về chức năng quản lý, không thực hiện việc uỷ quyền kiểm định mà áp dụng thống nhất cơ chế công nhận khả năng kiểm định trên cơ sở đánh giá năng lực (chuẩn đo lường, trang thiết bị kiểm định, kiểm định viên, điều kiện làm việc, hệ thống quản lý...) của tổ chức kiểm định.

2. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2, một điều kiện để được công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo (bất kỳ hình thức công nhận lần đầu, công nhận lại hay công nhận mở rộng) là tổ chức đề nghị phải xây dựng, áp dụng các quy định quản lý hoạt động kiểm định theo quy định tại Phụ lục V để đảm bảo tính trung thực, khách quan trong hoạt động kiểm định của tổ chức.

3. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 2, nhân viên kiểm định của tổ chức đề nghị chỉ cần có giấy chứng nhận đã hoàn thành khoá đào tạo kiểm định viên đúng phạm vi kiểm định đề nghị công nhận.

4. Theo quy định tại Chương III, để công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo (bất kỳ hình thức công nhận lần đầu, công nhận lại hay công nhận mở rộng) đều phải tổ chức việc đánh giá tại chỗ đối với phạm vi kiểm định đề nghị (trừ trường hợp được miễn theo quy định tại Điều 12).

Việc thành lập Đoàn đánh giá tại chỗ, thành phần Đoàn, nội dung tiến hành đánh giá, hồ sơ đánh giá, kinh phí cho việc đánh giá tại chỗ...được quy định tại các Điều 9 đến Điều 11 của Quyết định này.

5. Các Quyết định công nhận/uỷ quyền lần đầu hoặc gia hạn đã ban hành vẫn áp dụng thời hạn hiệu lực đã ghi trong Quyết định.

6. Khi lập hồ sơ công nhận lại cho Quyết định nêu ở Mục 5 nói trên, tổ chức kiểm định phải tổng hợp phạm vi kiểm định đã ghi trong Quyết định này và trong các quyết định công nhận mở rộng/ mở rộng uỷ quyền đã cấp cho tổ chức kiểm định trong khoảng thời gian hiệu lực của Quyết định nêu ở Mục 5.

Ví dụ:

Tổ chức kiểm định A có Quyết định công nhận khả năng kiểm định ký ngày 30/04/2002 có thời hạn hiệu lực đến ngày 30/04/2007 với phạm vi kiểm định như trong bảng 1

Bảng 1

TT

Tên phương tiện đo

Phạm vi đo

Cấp chính xác

Chế độ kiểm định

1

Cân ô tô

đến 30 t

3

Định kỳ, bất thường

2

Cột đo nhiên liệu

đến 90 L/min

0,5

Ban đầu, định kỳ, bất thường

Trong thời gian từ 30/04/2002 đến 30/04/2007, Tổ chức kiểm định A ở trên có thêm Quyết định công nhận mở rộng khả năng kiểm định với phạm vi kiểm định như ở bảng 2

Bảng 2

TT

Tên phương tiện đo

Phạm vi đo

Cấp chính xác

Chế độ kiểm định

1

Cân ô tô

đến 60 t

3

Ban đầu, định kỳ, bất thường

2

Công tơ điện 1 pha (kiểu cảm ứng và kiểu điện tử)

U: 220 V

I: đến 100 A

1

Ban đầu, định kỳ, bất thường

Hồ sơ đề nghị công nhận lại của tổ chức kiểm định A phải gửi về Tổng cục trước ngày 28/02/2006 với phạm vi kiểm định tổng hợp đề nghị như ở bảng 3:

Bảng 3

TT

Tên phương tiện đo

Phạm vi đo

Cấp chính xác

Chế độ kiểm định

1

Cân ô tô

đến 60 t

3

Ban đầu, định kỳ, bất thường

2

Cột đo nhiên liệu

đến 90 L/min

0,5

Ban đầu, định kỳ, bất thường

3

Công tơ điện 1 pha (kiểu cảm ứng và kiểu điện tử)

U: 220V

I: đến 100A

1

Ban đầu, định kỳ, bất thường

II. QUYẾT ĐỊNH SỐ 21/2006/QĐ-BKHCN BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CHỨNG NHẬN VÀ CẤP THẺ KIỂM ĐỊNH VIÊN ĐO LƯỜNG

Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 21/2006/QĐ-BKHCN ngày 10/11/2006 có một số điểm chính được sửa đổi, bổ sung so với Quyết định số 58/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 17/5/2002 như sau:

1. Để đảm bảo nguyên tắc tổ chức kiểm định có trước, kiểm định viên có sau, theo quy định tại Điều 3, người được xem xét để chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên phải có đề nghị của tổ chức kiểm định.

Theo quy định của Quyết định 20/2006/QĐ-BKHCN, tổ chức kiểm định là viết tắt của tổ chức được công nhận khả năng kiểm định với phạm vi kiểm định cụ thể. Ngoài phạm vi kiểm định được công nhận, tổ chức này không là tổ chức kiểm định.

Như vậy, tổ chức kiểm định phải căn cứ vào phạm vi kiểm định được công nhận để đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên cho nhân viên của mình.

2. Theo quy định tại Điều 7, người đứng đầu tổ chức kiểm định chịu trách nhiệm quản lý đội ngũ kiểm định viên do tổ chức kiểm định đề nghị.

3. Quyết định chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường có thời hạn hiệu lực theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 10.

4. Thời hạn hiệu lực (05 năm) áp dụng cho các quyết định chứng nhận đã ban hành trước đây. Vì vậy, các quyết định chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường đã ban hành trước ngày 12/12/2001 là hết hiệu lực, các quyết định chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường đã ban hành từ ngày 12/12/2001 đến ngày 12/01/2002 chuẩn bị hết hiệu lực. Để chứng nhận lại (nếu đề nghị) đối với các kiểm định viên theo các quyết định nêu ở trên, tổ chức kiểm định phải lập hồ sơ đề nghị chứng nhận lại theo quy định và chuyển về Tổng cục trước ngày 12/02/2007.

5. Các quyết định chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường đã ban hành từ ngày 12/12/2001 đến trước ngày 12/12/2006 chỉ có thời hạn hiệu lực là năm (05) năm kể từ ngày ký. Việc chứng nhận lại (nếu có đề nghị) được thực hiện theo quy định của Quyết định này.

6. Khi lập hồ sơ đề nghị chứng nhận lại cho kiểm định viên, tổ chức kiểm định phải tổng hợp phạm vi kiểm định đã chứng nhận (bao gồm cả chứng nhận lần đầu, chứng nhận bổ sung) để Tổng cục xem xét, ra Quyết định chứng nhận lại.

III. QUYẾT ĐỊNH SỐ 22/2006/QĐ-BKHCN BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT MẪU PHƯƠNG TIỆN ĐO

Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 22/2006/QĐ-BKHCN ngày 10/11/2006 có một số điểm chính được sửa đổi, bổ sung so với Quyết định số 28/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 17/5/2002 như sau:

1. Bổ sung hình thức phê duyệt mẫu đối với loại (type) phương tiện đo. Định nghĩa loại (type), yêu cầu kỹ thuật đo lường cho các phương tiện đo trong cùng một loại, quy trình thử nghiệm để phê duyệt mẫu loại phương tiện đo sẽ được quy định trong các tiêu chuẩn quốc gia, các quy chuẩn kỹ thuật ban hành thời gian tới.

2. Không có quy định miễn việc phê duyệt mẫu, chỉ quy định các trường hợp được miễn thử nghiệm mẫu.

3. Các quyết định phê duyệt mẫu sẽ có thời hạn hiệu lực là 10 năm kể từ ngày ký.

4. Mẫu phương tiện đo đã phê duyệt được lưu dưới dạng hình ảnh. Tổng cục sẽ tổ chức đưa cơ sở dữ liệu về mẫu đã phê duyệt (bao gồm cả hình ảnh) lên Website của Tổng cục để các cơ quan thanh tra, kiểm tra, các tổ chức kiểm định sử dụng trong hoạt động liên quan.

5. Các chứng chỉ (bao gồm các quyết định, thông báo, công văn...) về phê duyệt mẫu (còn thời hạn hiệu lực) đã ký trước ngày 12/12/1996 theo các quy định trước đây của nhà nước về phê duyệt mẫu là hết hiệu lực, các chứng chỉ như trên được ký từ ngày 12/12/1996 đến trước ngày 12/01/1997 chuẩn bị hết thời hạn hiệu lực. Để tiếp tục nhập khẩu, sản xuất phương tiện đo theo các chứng chỉ nêu trên, hồ sơ đăng ký gia hạn hiệu lực của tổ chức, cá nhân liên quan phải chuyển về Tổng cục trước ngày 12/02/2007.

6. Các chứng chỉ về phê duyệt mẫu được ký, ban hành từ 12/12/1996 đến trước ngày 12/12/2006 chỉ có thời hạn hiệu lực là mười (10) năm kể từ ngày ký.

7. Với hồ sơ đề nghị gia hạn hiệu lực cho mẫu đã phê duyệt trước đây:

- Phải tổng hợp tất cả các đặc trưng kỹ thuật đo lường theo các chứng chỉ về phê duyệt mẫu đã cấp liên quan đến mẫu này (ví dụ: Đặc trưng kỹ thuật đo lường của mẫu trong Quyết định phê duyệt và trong các công văn của Tổng cục đồng ý mở rộng cấu hình của mẫu này...).

- Ngoài hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Quy định, cơ sở phải bổ sung hồ sơ về hình ảnh của mẫu theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 của Quy định kèm theo Quyết định 22/2006/QĐ-BKHCN.

Tổng cục thông báo, hướng dẫn những điểm chính được sửa đổi, bổ sung của các Quyết định mới ban hành để các Chi cục, các tổ chức kiểm định, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo thực hiện và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện đúng quy định của các Quyết định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị gửi ý kiến về Tổng cục để được hướng dẫn chi tiết thêm.

Trân trọng.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để b/cáo);
- Vụ Pháp chế;
- Thanh tra TC;
- Lưu VP; ĐL.

TỔNG CỤC TRƯỞNG

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 1831/TĐC-ĐL về việc hướng dẫn thi hành Quyết định số 20/2006/QĐ-BKHCN; Quyết định số 21/2006/QĐ-BKHCN; Quyết định số 22/2006/QĐ-BKHCN do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ban hành

  • Số hiệu: 1831/TĐC-ĐL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/12/2006
  • Nơi ban hành: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản