Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 1484/BTC-TCT
V/v: xử lý thuế đối với khoản tiền đặt cọc vỏ bình ga.

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2009

 

Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương    

Bộ Tài chính nhận được một số kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn xử lý về thuế và hạch toán kế toán đối với khoản tiền đặt cọc vỏ bình ga theo hướng dẫn tại công văn 7640 TC/TCT ngày 21/06/2005. Về vấn đề này, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thống nhất như sau:

1. Phân bổ chi phí đối với vỏ bình ga khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:

Vỏ bình ga của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ga loại có giá trị dưới 10 triệu đồng/vỏ được coi là công cụ, dụng cụ phục vụ sản suất kinh doanh, thực hiện phương thức hạch toán phân bổ chi phí như sau: thời gian phân bổ giá trị đối với các loại vỏ bình đựng ga loại có giá trị dưới 10 triệu đồng/vỏ tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh tối đa là 05 năm. Trường hợp các vỏ bình ga đã tiến hành phân bổ mà thời gian phân bổ còn lại dưới 05 năm thì tiếp tục phân bổ tiếp cho số năm còn lại nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc phân bổ hết giá trị vỏ bình ga tối đa trong 05 năm. Trường hợp các vỏ bình ga đã tiến hành phân bổ mà thời gian phân bổ còn lại lớn hơn 05 năm thì doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh số năm phân bổ còn lại, đảm bảo thời gian phân bổ còn lại tối đa không quá 05 năm.

2. Thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với vỏ bình ga và phương thức kết chuyển thu nhập khác:

- Trường hợp bán vỏ bình ga: các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ga và các cơ sở kinh doanh vỏ bình ga khi thực hiện bán vỏ bình ga phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng, tính thuế giá trị gia tăng, kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với vỏ bình ga bán ra như các loại hàng hóa khác.

- Trường hợp cho thuê vỏ bình ga: các đơn vị kinh doanh bán ga nhưng thực hiện phương thức cho khách hàng thuê vỏ bình ga, phải có hợp đồng cụ thể giữa bên cho thuê và bên thuê, trong hợp đồng phải quy định cụ thể các điều khoản: thời gian cho thuê, số lượng vỏ bình ga cho thuê, giá trị, tiền đặt cọc, chi phí phải trả định kỳ về thuê vỏ bình ga… số tiền thu được từ việc cho thuê vỏ bình ga, đơn vị phải hạch toán vào doanh thu và phải nộp thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu này. Trường hợp số tiền thuê vỏ bình ga được tính trừ vào số tiền đặt cọc vỏ bình ga thì bên cho thuê phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu từ hoạt động cho thuê vỏ bình ga. Khoản tiền đặt cọc từ việc cho thuê vỏ bình ga phải theo dõi riêng, không tính vào doanh thu hay thu nhập.

- Ngoài các trường hợp bán và cho thuê vỏ bình ga nói trên, các trường hợp cho mượn có thu tiền đặt cọc, ký cược vỏ bình, kể cả trường hợp có phiếu cam kết trả lại tiền khi khách hàng trả lại vỏ bình, thì xác định thu nhập và chi phí để tính thuế TNDN như sau: khi các công ty sản xuất và kinh doanh ga, các đại lý bán ga (đơn vị sở hữu vỏ bình ga) nhận tiền ký cược, đặt cọc vỏ bình ga của khách hàng, các đơn vị hạch toán khoản tiền ký cược, đặt cọc vỏ bình ga vào tài khoản theo dõi tiền đặt cọc. Khi thực hiện phân bổ hết chi phí đối với giá trị vỏ bình ga (tối đa 05 năm như hướng dẫn tại Điểm 1 công văn này), đơn vị phải kết chuyển toàn bộ khoản tiền đặt cọc không phải trả lại khách hàng vào thu nhập khác khi xác định thuế TNDN.

Khi thanh lý các hợp đồng cho thuê, cho mượn vỏ bình ga (có thu tiền đặt cọc), sau khi trừ đi các chi phí phát sinh có liên quan, đơn vị sở hữu vỏ bình ga hạch toán khoản tiền thu được hoặc phải trả từ việc thanh lý hợp đồng cho thuê, cho mượn vỏ bình vào thu nhập (hoặc chi phí phát sinh trong kỳ) khi xác định thuế TNDN. Trường hợp phát sinh phải trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng trong khi chưa thực hiện phân bổ hết thì đơn vị thực hiện trích từ khoản tiền đặt cọc của khách hàng (trước khi kết chuyển thu nhập khác).

Đối với trường hợp tiền đặt cọc, ký cược vỏ bình đã thu được nhưng đơn vị chưa hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí qua nhiều năm mà còn treo nguyên tại tài khoản tiền đặt cọc thì được xử lý như sau:

- Đối với tiền đặt cọc, đặt cược của số vỏ bình phát sinh trong 05 năm kể từ ngày công văn này có hiệu lực về trước thì thực hiện kê khai doanh thu, thu nhập, chi phí theo hướng dẫn trên.

- Đối với số tiền từ phát sinh từ năm thứ 06 trở về trước được hạch toán toàn bộ vào thu nhập và kê khai thuế TNDN theo quy định.

Công văn này thay thế công văn số 7640 TC/TCT ngày 21/06/2005 của Bộ Tài chính và có hiệu lực kể từ ngày ký. Các trường hợp đã thực hiện kết chuyển vào doanh thu phát sinh trước đây theo hướng dẫn tại công văn số 7640 TC/TCT ngày 21/06/2005 thì không điều chỉnh lại nữa. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị các Cục thuế báo cáo về Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC, CST, CĐKT;
- Ban PC, HT
- Lưu VT, TCT (VT, CS-4b)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 1484/BTC-TCT về việc xử lý thuế đối với khoản tiền đặt cọc vỏ bình ga do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 1484/BTC-TCT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/02/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/02/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản