Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1436/NHNN-CSTT
V/v hướng dẫn cụ thể một số điểm về cơ chế hỗ trợ lãi suất 

Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2009

 

Kính gửi:

- Các ngân hàng thương mại
- Các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Từ đầu tháng 02/2009 đến nay, các ngân hàng thương mại đã triển khai kịp thời và thực hiện việc cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/2009/TT-NHNN ngày 03 tháng 02 năm 2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 52/TB-VPCP ngày 18 tháng 02 năm 2009 và theo ý kiến của một số ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điểm cụ thể về tổ chức thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất như sau:

1. Đối với các ngân hàng thương mại:

1.1. Việc lập giấy xác nhận hỗ trợ lãi suất, khi thực hiện giảm trừ số lãi tiền vay hỗ trợ lãi suất cho khách hàng:

- Giấy xác nhận hỗ trợ lãi suất có những nội dung theo hợp đồng tín dụng đã được ký kết: Số hợp đồng tín dụng và thời điểm ký kết; tên và địa chỉ của khách hàng vay, ngân hàng thương mại nơi cho vay; số tài khoản của khách hàng vay; mục đích sử dụng vốn vay; kỳ hạn tính thu lãi cho vay (khoảng thời gian tính thu lãi); thời hạn cho vay và thời hạn được hỗ trợ lãi suất; lãi suất cho vay; dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất; số lãi tiền vay phải trả tính theo lãi suất cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng; số lãi tiền vay đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay (ghi bằng số và bằng chữ); ký tên và đóng dấu của khách hàng vay, ngân hàng thương mại (ký tên đối với khách hàng vay là cá nhân, hộ gia đình).

- Giấy xác nhận hỗ trợ lãi suất là chứng từ để kiểm tra, giám sát và lập báo cáo tình hình thực hiện hỗ trợ lãi suất tiền vay theo mẫu 03, 04 Phụ lục Thông tư số 02/2009/TT-NHNN ; giấy xác nhận hỗ trợ lãi suất được lập thành 02 bản, 01 bản lưu giữ vào hồ sơ tín dụng, 01 bản gửi cho khách hàng vay.

- Lập giấy xác nhận hỗ trợ lãi suất đối với từng lần thu lãi cho vay và giảm trừ số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất hoặc lập theo định kỳ hàng tháng phù hợp với thời hạn gửi báo cáo hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

1.2. Phản ánh kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Chính sách tiền tệ) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi ngân hàng thương mại cho vay để xử lý các vấn đề liên quan theo quy định của pháp luật.

1.3. Kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất phù hợp với quy định của pháp luật; bảo đảm chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và mục tiêu định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2009; chấp hành đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh và quản lý ngoại hối.

1.4. Trả lời bằng văn bản cho khách hàng đối với trường hợp từ chối cho vay, từ chối hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật, trong đó nêu rõ lý do từ chối. Các văn bản từ chối này được lưu giữ vào hồ sơ tín dụng và gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 01 bản để xử lý các vấn đề liên quan.

1.5. Chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc thực hiện việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay đối với các khoản vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-NHNNkhoản 5 Điều 1 Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03 tháng 02 năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

1.6. Chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc tăng cường kiểm toán nội bộ đối với các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất; nếu phát hiện có dấu hiệu lợi dụng cơ chế hỗ trợ lãi suất để trục lợi, thì ngừng cho vay và hỗ trợ lãi suất, đồng thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định của pháp luật.

1.7. Thực hiện việc thông tin, tuyên truyền cơ chế hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của pháp luật; tránh hiện tượng tuyên truyền, quảng bá gây nên tình trạng thiếu cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

1.8. Theo dõi hàng ngày số dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất và số lãi tiền vay hỗ trợ lãi suất; cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số liệu cho vay hỗ trợ lãi suất theo mẫu Điện báo kèm theo văn bản này.

1.9. Xử lý các trường hợp về hỗ trợ lãi suất phù hợp với quy định tại Quyết định số 131/QĐ-TTg và Thông tư số 02/2009/TT-NHNN như sau:

a) Các khoản cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất phù hợp với quy định tại Quyết định số 131/QĐ-TTgkhoản 3 Điều 1 Thông tư số 02/2009/TT-NHNN.

- Các khoản cho vay theo phương thức cho vay lưu vụ của ngân hàng thương mại đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng chuyên canh trồng lúa và ở các vùng xen canh trồng lúa với các cây trồng ngắn hạn khác mà khoản vay đó sử dụng để chi phí sản xuất cho các mùa vụ trong năm 2009.

- Các khoản cho vay theo cơ chế cho vay thông thường bằng nguồn vốn được tài trợ, ủy thác.

- Các khoản cho vay theo cơ chế cho vay thông thường được bảo lãnh theo Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại.

- Các khoản cho vay theo cơ chế cho vay thông thường thuộc chương trình trỗ trợ lãi suất bằng ngân sách nhà nước cấp tỉnh theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Các khoản cho vay phát sinh trong ngày 01 và ngày 02 tháng 02 năm 2009, trước ngày Thông tư số 02/2009/TT-NHNN có hiệu lực thực hiện; ngân hàng thương mại hướng dẫn khách hàng vay gửi giấy đề nghị hỗ trợ lãi suất tiền vay.

- Các khoản cho vay thuộc lĩnh vực xã hội hóa theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008, thì thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để làm vốn lưu động cho các Cơ sở thực hiện xã hội hóa theo Danh mục quy định tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

- Các khoản cho vay được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ.

- Các khoản cho vay để mua hàng hóa, chi phí sản xuất – kinh doanh được thanh toán theo phương thức chậm trả, nếu hàng hóa hoặc sản phẩm đó chưa được tiêu thụ.

- Các khoản cho vay mà khách hàng vay chậm trả lãi tiền vay nhưng nợ vay gốc chưa chuyển sang nợ quá hạn.

- Các khoản cho vay để thực hiện phương án sản xuất – kinh doanh ở trong nước, kể cả thực hiện ở khu chế xuất và khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam (trừ các khoản cho vay để kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng theo quy định tại điểm b khoản 1.9 văn bản này).

b) Các khoản cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất phù hợp với quy định tại Quyết định số 131/QĐ-TTgkhoản 4 Điều 1 Thông tư số 02/2009/TT-NHNN:

- Các khoản cho vay để nhập khẩu từ nước ngoài và khu chế xuất, khu phi thuế quan, kinh doanh ở trong nước và trong khu chế xuất, khu phi thuế quan đối với các mặt hàng tiêu dùng theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 1 Thông tư số 02/2009/TT-NHNN: Cho vay để mua ngoại tệ thanh toán tiền nhập khẩu; cho vay để thanh toán tiền ủy thác nhập khẩu; cho vay để kinh doanh, làm nguyên vật liệu sản xuất mà ngân hàng thương mại xác định các mặt hàng tiêu dùng này có nguồn gốc từ nhập khẩu; cho vay để kinh doanh giữa khu chế xuất, khu phi thuế quan với bên ngoài.

- Các khoản cho vay để nộp các loại tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

- Các khoản cho vay để chế tác, mua bán, kinh doanh vàng, bạc và đá quý.

- Các khoản cho vay đối với các chủ đầu tư tự thi công các dự án để hình thành tài sản cố định; các khoản cho vay đối với chủ đầu tư để dự trữ vật tư, thanh toán cho bên thi công mà theo hợp đồng kinh tế được ký kết, thì chủ đầu tư không có trách nhiệm thực hiện các chi phí xây lắp đó.

- Các khoản cho vay để nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ theo phương thức tạm nhập tái xuất.

c) Xử lý các trường hợp khác:

- Các khoản cấp tín dụng bằng đồng Việt Nam theo các hình thức không phải là cho vay như bao thanh toán, cho thuê tài chính, chiết khấu giấy tờ có giá, cho vay bắt buộc theo cơ chế bảo lãnh, thì không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất.

- Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng đồng Việt Nam được cầm cố hoặc bảo lãnh bằng giấy tờ có giá, sổ tiết kiệm và các hình thức bằng tiền khác (gọi chung là giấy tờ có giá) mà khoản vay đó thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất: Đối với giấy tờ có giá được mua hoặc đã có (phát sinh) trước ngày 01 tháng 02 năm 2009, thì ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất cho toàn bộ dư nợ phát sinh; đối với giấy tờ có giá được mua hoặc đã có (phát sinh) kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2009, thì ngân hàng thương mại yêu cầu khách hàng tính toàn bộ giá trị giấy tờ có giá là vốn tự có ghi trong phương án sản xuất, kinh doanh và chỉ thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với phần dư nợ cho vay bằng chênh lệch giữa số dư nợ cho vay và vốn tự có của khách hàng (bao gồm cả giá trị giấy tờ có giá).

- Việc giảm trừ số lãi tiền vay hỗ trợ lãi suất được thực hiện đồng thời với việc thu lãi tiền vay của ngân hàng thương mại. Trường hợp đến kỳ hạn thu lãi tiền vay mà khách hàng chưa có khả năng trả nợ lãi, thì chưa thực hiện việc giảm trừ số lãi tiền vay hỗ trợ lãi suất.

- Chứng từ để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất do ngân hàng thương mại quy định trong Quy trình kiểm tra, giám sát vốn vay của khách hàng theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bao gồm: Hóa đơn mua bán hàng hóa theo quy định của Bộ Tài chính, phiếu hoặc bảng kê xuất – nhập hàng hóa có xác nhận của các bên liên quan; bộ chứng từ xuất khẩu … Trường hợp các chi phí sản xuất – kinh doanh mà pháp luật không quy định bắt buộc phải có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính, thì ngân hàng thương mại phải kiểm tra tại chỗ và lập biên bản kiểm tra, có xác nhận của ngân hàng thương mại và bên vay để xác định cụ thể những chi phí sản xuất – kinh doanh phù hợp với giá trị tài sản thực tế được hình thành từ vốn vay.

- Văn bản pháp lý về Hệ thống ngành kinh tế quốc dân ban hành là căn cứ để xây dựng các chỉ tiêu thống kê cho vay theo ngành kinh tế tại Quyết định số 477/2004/QĐ-NHNN ngày 28 tháng 4 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bao gồm: Nghị định số 75/CP ngày 27 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế quốc dân; Quyết định số 143 TCTK/PPCĐ ngày 22 tháng 12 năm 1993 của Tổng cục Thống kê về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế cấp II, cấp III và cấp IV và danh mục hệ thống ngành kinh tế quốc dân. Các ngân hàng thương mại căn cứ vào quy định tại các văn bản này và Quyết định số 477/2004/QĐ-NHNN để xác định các khoản vay thuộc đối tượng hoặc không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất.

- Số lượng khách hàng vay được hỗ trợ lãi suất theo mẫu 03, 04 Phụ lục Thông tư số 02/2009/TT-NHNN được thống kê theo địa điểm của ngân hàng thương mại nơi cho vay; đơn vị tiền thống kê của các mẫu này là đồng Việt Nam (thay cho đơn vị tỷ đồng) để thống nhất với đơn vị tiền ghi trong giấy xác nhận hỗ trợ lãi suất.

- Các khoản cho vay theo phương thức đồng tài trợ, nếu thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất, thì các ngân hàng thương mại đồng tài trợ trực tiếp giải ngân và hạch toán số dư nợ cho vay thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật.

1.10. Đối với trường hợp công ty tài chính và các khoản cho vay được thống kê theo ngành công nghiệp khai thác mỏ liên quan đến cơ chế hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các ngân hàng thương mại và khách hàng vay thực hiện.

2. Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Thực hiện kịp thời các nhiệm vụ được giao tại điểm đ khoản 2 Điều 4 Thông tư số 02/2009/TT-NHNN.

b) Chủ động tiếp nhận và xử lý các vấn đề liên quan đến cơ chế hỗ trợ lãi suất theo phản ánh, khiếu nại của ngân hàng thương mại và khách hàng vay trên địa bàn tỉnh, thành phố.

c) Định kỳ chậm nhất là ngày 10 hàng tháng, gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Chính sách tiền tệ) về tình hình thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh, thành phố của tháng trước, bao gồm: Mẫu 03 Phụ lục Thông tư số 02/2009/TT-NHNN ; tình hình thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất và đề xuất biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh.

3. Văn bản này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày ký. Đối với các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất mà không phù hợp với quy định tại điểm b và c khoản 1.9 nêu trên, thì các ngân hàng thương mại và khách hàng vay tiến hành điều chỉnh hợp đồng tín dụng kể từ ngày văn bản này có hiệu lực thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng và PTT Nguyễn Sinh Hùng (để báo cáo);
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Các Vụ: Tín dụng, Tài chính – Kế toán, Các Ngân hàng, Pháp chế, Sở Giao dịch, Thanh tra NHNN;
- Lưu: VP, Vụ CSTT.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Đồng Tiến

 

TÊN NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI: ……………..

BÁO CÁO SỐ LIỆU CHO VAY ĐƯỢC HỖ TRỢ LÃI SUẤT CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

(Đến ngày …… tháng ……. năm 2009)

Đơn vị: tỷ đồng

Chỉ tiêu

Số lũy kế đến ngày thứ 6 của tuần trước liền kề

Số lũy kế đến ngày thứ 6 kỳ báo cáo

1. Dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất

 

 

2. Số lãi tiền vay đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay

 

 

 

Lập biểu

……….., ngày …… tháng …….. năm 2009
Tổng Giám đốc

 

Hướng dẫn lập biểu:

- Thời hạn gửi báo cáo: Định kỳ vào 15h ngày thứ 6 hàng tuần.

- Đơn vị nhận báo cáo: Vụ Chính sách tiền tệ (Email: phongcstd@sbv.gov.vn, fax: 04.38246953 - 38240132, điện thoại: 04.38246955).

- Ngân hàng thương mại gửi báo cáo bằng văn bản, fax, email. Trường hợp cung cấp số liệu qua gọi điện thoại trực tiếp, thì ngân hàng thương mại đăng ký trước bằng văn bản về họ và tên, chức danh của người gọi điện thoại.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 1436/NHNN-CSTT về việc hướng dẫn cụ thể một số điểm về cơ chế hỗ trợ lãi suất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1436/NHNN-CSTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/03/2009
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/03/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản