Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13058TC/VT | Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2002 |
Kính gửi: | Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố, Cơ quan TW của các tổ chức Đoàn thể. |
Thời gian vừa qua, việc thực hiện Quyết định 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý, sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Chỉ thị số 11/2002/CT-TTg ngày 17/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài và Thông tư số 70/2001/TT-BTC ngày 24/8/2001 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại đã có những chuyển biến tích cực, đã góp phần phát huy tốt hơn hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ,phần lớn các khoản viện trợ đã được ghi chép phản ánh trong Ngân sách Nhà nước các cấp.
Tuy nhiên, tại một số Bộ ngành, địa phương vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, chưa thực sự coi đó là nguồn thu của ngân sách và chưa quan tâm chỉ đạo, quản lý thoả đáng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này; các quy định về quản lý tài chính không được thực hiện đầy đủ; các hồ sơ trình xin cấp trên phê duyệt dự án, khoản viện trợ thường không đầy đủ các thông tin cần thiết để có thể trình được ngay...........
Nguyên nhân của tình hình nói trên chủ yếu là thông tin pháp lý từ trên xuống, đặc biệt ở cấp cơ sở còn yếu, thiếu, không được cập nhật kịp thời; cơ quan đầu mối của Bộ ngành, địa phương chưa hướng dẫn đầy đủ các quy định hiện hành cho cơ sở; đồng thời bản thân đơn vị cơ sở khi khai thác, vận động viện trợ chưa quan tâm tìm hiểu các quy phạm pháp luật chi phối công việc của mình. mặt khác, ngay trong nội bộ một số Bộ ngành, địa phương sự phối hợp trong việc quản lý, cung cấp thông tin cho nhau giữa các bộ phận quản lý liên quan còn yếu, đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý tài chính các cấp tham gia vào quá trình quản lý nguồn vốn viện trợ chưa thực sự được coi trọng.
Để khắc phục những tồn tại này trong công tác quản lý nói chung và quản lý tài chính nói riêng đối với nguồn viện trợ không hoàn lại nhằm tạo lòng tin với nhà tài trợ, tranh thủ viện trợ phi chính phủ nước ngoài, đề nghị các Bộ ngành, địa phương, cơ quan Trung ương các đoàn thể chỉ đạo về yêu cầu các đơn vị thuộc ngành, địa phương mình phụ trách chấn chỉnh một số mặt công tác cụ thể như sau:
- Tiếp tục phổ biến và chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc các quy định về quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Quyết định số 64 và Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tránh tình trạng phê duyệt dự án, khoản viện trợ dự án không đúng thẩm quyền quy định tại điều 6, Quyết định 64, hoặc hồ sơ trình cấp trên phê duyệt không đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định hiện hành. Các Quyết định phê duyệt phải gửi kèm hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính . Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
- Đối với hàng hoá đã qua sử dụng cần thực hiện nghiêm chỉnh điều 18 Quyết định 64 và Điểm 2 của Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ. Các trường hợp không thực hiện đúng quy định sẽ không được nhận hàng theo quy chế hàng viện trợ mà phải nhận theo quy chế nhập khẩu hàng hoá phi mậu dịch đối với những mặt hàng không thuộc diện cấm nhập khẩu.
- Chỉ đạo cơ quan tài chính thuộc Bộ ngành ( vụ Tài chính kế toán) và địa phương ( Sở Tài chính Vật giá) thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại, đảm bảo mọi khoản viện trợ phải được phản ánh đầy đủ kịp thời vào ngân sách, lập báo cáo quyết toán hàng năm khi kết thúc chương trình dự án.
- Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối của Bộ ngành, địa phương với cơ quan tài chính trực thuộc nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai nghiệp vụ quản lý tài chính đối với các nguồn viện trợ từ khâu tổ chức phổ biến, hướng dẫn tập huấn cụ thể cho các đơn vị cấp dưới nhất là cấp cơ sở toàn bộ các nội dung quản lý tài chính như: Thông tư 70/2001/TT-BTC ngày 24/8/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại và Thông tư số 109/2001/TT-BTC ngày 27/11/2001 của Bộ tài chính hướng dẫn chế độ kế toán nguồn viện trợ không hoàn lại và một số quy định về ưu đãi thuế đối với viện trợ không hoàn lại quy định trong các văn bản pháp luật về thuế.
Các trường hợp vướng mắc chưa được nêu rõ trong các văn bản pháp quy hiện hành đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp xử lý./.
| KT BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Quyết định 64/2001/QĐ-TTg về Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2Thông tư 70/2001/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại do Bộ Tài Chính ban hành
- 3Chỉ thị 11/2002/CT-TTg về chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Công văn số 13058TC/VT ngày 20/12/2002 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài
- Số hiệu: 13058TC/VT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 20/12/2002
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Lê Thị Băng Tâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/12/2002
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra