Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12962 TC/TCT
V/v hướng dẫn một số vướng mắc trong quyết toán thuế của NHTM

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2003

 

Kính gửi:

 

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương
- Các Ngân hàng thương mại

Vừa qua, theo phản ánh của một số Ngân hàng thương mại và cơ quan thuế địa phương về một số vướng mắc trong quá tình quyết toán thuế đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng. Vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Căn cứ Thông tư số 82/2002/TT-BTC ngày 18 tháng 9 năm 2002 và Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 79/2002/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT);

Căn cứ Thông tư số 75/2003/TT-BTC ngày 4 tháng 8 năm 2003 và Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20 tháng 2 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/2001/NĐ-CP ngày 4 tháng 6 năm 2001 của Chính phủ và Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN);

Căn cứ vào chính sách thuế hiện hành; Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm như sau:

1. Đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ:

1.1. Cơ sở phải kê khai tính thuế riêng hoạt động này theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT và được xác định theo công thức sau:

Số thuế GTGT phải nộp = GTGT đối với kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ (I) x Thuế suất (II)

Trong đó:

(I) = Doanh số bán ra vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ - Giá vốn của vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ bán ra

(II): Thuế suất thuế GTGT đối với hoạt động mua bán ngoại tệ là 10%, đối với hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý là 20% (từ 1/1/2004 là 10%).

- Đối với hoạt động kinh doanh ngoại tế, giá vốn là giá bình quân mua vào của ngoại tệ bán ra. Hàng tháng các đơn vị phải mở sổ sách hạch toán chi tiết giá mua, bán thực tế, lượng mua, bán của từng loại ngoại tệ, cuối tháng tổng hợp chênh lệch để xác định giá trị gia tăng. Trường hợp bán trước ngoại tệ thì lượng bán trước này được kê khai và nộp thuế GTGT theo quy định, khi xác định giá vốn của ngoại tệ bán ra tương ứng căn cứ vào tỷ giá mua thực tế bình quân của tháng đó, nếu trong tháng không có thì lấy tỷ giá mua thực tế bình quân tháng trước.

- Trường hợp mua ngoại tệ nhưng chưa bán thì tổng hợp vào doanh nghiệp mua vào để xác định giá vốn ngoại tệ bán ra.

1.2. Căn cứ Khoản 9, Mục II phần C Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2000 của Bộ Tài chính thì: “Trường hợp kê khai thuế phải nộp của tháng phát sinh giá trị gia tăng âm (-) thì không phải nộp thuế GTGT, giá trị gia tăng âm được kết chuyển để bù trừ vào GTGT của tháng phát sinh tiếp sau để tính thuế GTGT phải nộp và quyết toán thuế cả năm nhưng không được kết chuyển phần GTGT của năm quyết toán thuế sang năm sau”.

Quy định này chỉ cho phép chuyển chênh lệch âm sang tháng sau, không cho chuyển chênh lệch âm cho các tháng trước mặc dù chênh lệch âm này vẫn thuộc năm tài chính.

Ví dụ: Tháng 1/2002 phát sinh chênh lệch là 100 triệu đồng, thuế GTGT phải nộp là 10 tr.đ; từ tháng 2 đến tháng 11 không phát sinh chênh lệch nên không phát sinh thuế GTGT; tháng 12 năm 2002 phát sinh chênh lệch âm (-) 80 tr.đ. Như vậy, chênh lệch âm của tháng 12/năm 2002 không được bù trừ với chênh lệch dương của tháng 1 năm 2002.

Công văn này thay thế công văn số 1788 TCT/NV2 ngày 29 tháng 4 năm 2002 và công văn số 2292 TCT/NV2 ngày 25 tháng 6 năm 2003 của Tổng cục thuế.

1.3. Đối với hoạt động chuyển đổi ngoại tệ: thuộc nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ nên việc kê khai, nộp thuế GTGT đối với hoạt động này theo hướng dẫn tại Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2000 của Bộ Tài chính và hướng dẫn tại Điểm 1.1, Mục I công văn này. Việc hạch toán nghiệp vụ chuyển đổi ngoại tệ được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 1242/CV-KTTC2 “V/v hạch toán chuyển đổi ngoại tệ” ngày 18 tháng 9 năm 2002 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (bản photocopy đính kèm). Theo đó thì hoạt động kinh doanh chuyển đổi ngoại tệ cũng phải thực hiện quy đổi ra đồng Việt Nam thông qua các Tài khoản kinh doanh ngoại tệ (4911 và 4912).

Do vậy đối với những tổ chức tín dụng đã thực hiện chuyển đổi ngoại tệ như hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước thì việc xác định giá trị gia tăng toàn bộ hoạt động kinh doanh ngoại tệ chỉ căn cứ vào tài khoản kinh doanh ngoại tệ. Đối với những tổ chức tín dụng chưa thực hiện chuyển đổi theo đúng hướng dẫn trên của Ngân hàng Nhà nước, khi quyết toán thuế năm phải căn cứ vào quy trình hạch toán chuyển đổi ngoại tệ cụ thể của tổ chức tín dụng để xác định đúng giá trị gia tăng của hoạt động chuyển đổi ngoại tệ.

2. Đối với các Ngân hàng có hạch toán thu lãi, chi lãi nội bộ:

Doanh thu để tính tỷ lệ (%) phân bố thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (trong trường hợp ngân hàng không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào được khấu trừ) không tính doanh thu về thu lãi cho vay nội bộ.

3. Về hoá đơn chứng từ:

Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ Ngân hàng khi thu phí dịch vụ, các Ngân hàng dược sử dụng hoá đơn GTGT để cấp cho khách hàng theo một trong các hình thức sau:

- Sử dụng hoá đơn GTGT theo quy định tại Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2000 của Bộ Tài chính để cấp cho khách hàng.

- Trường hợp các Ngân hàng sử dụng chứng từ thanh toán thu phí dịch vụ ngân hàng in bằng máy vi tính nếu đã bổ sung thêm mã số thuế, số tiền dịch vụ, thuế GTGT và tổng số tiền thanh toán, ký hiệu, số chứng từ, chữ ký và đóng dấu theo quy định cũng được coi là hoá đơn GTGT. Các Ngân hàng sử dụng chứng từ theo đúng nội dung quy định nêu trên thì không phải làm thủ tục đăng ký số lượng sử dụng với cơ quan thuế địa phương.

4. Về khấu từ thuế tại nguồn đối với lãi tiền gửi:

Việc khấu từ thuế tại nguồn của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với lãi tiền vay tại các Ngân hàng tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã có công văn số 4245 TC/TCT ngày 10 tháng 5 năm 2001 hướng dẫn cụ thể như sau:

“Căn cứ theo quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Thông tư số 169/1998/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 1998 của Bộ Tài chính, lãi tiền vay bao gồm cả lãi tiền gửi, thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Các Ngân hàng có trách nhiệm khấu từ thuế TNDN trước khi chi trả lãi cho các đối tượng gửi tiền tại Ngân hàng. Việc khấu từ thuế TNDN áp dụng đối với các khoản lãi tiền gửi phát sinh kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2001.

Riêng lãi tiền gửi phát sinh từ tài khoản đứng tên của các cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, để khuyến khích các cá nhân gửi tiền tại các Ngân hàng tại Việt Nam, tạm thời chưa thu thuế TNDN đối với các khoản lãi tiền gửi này của các cá nhân nước ngoài:.

Về kiến nghị không thu thuế TNDN đối với các khoản lãi tiền gửi của các tổ chức nước ngoài gửi tiền vào ngân hàng tại Việt Nam, Bộ Tài chính ghi nhận và báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét khi ban hành văn bản hướng dẫn Luật thuế TNDN sửa đổi.

Trên đay là một số điểm hướng dẫn của Bộ Tài chính về giải đáp vướng mắc chính sách thuế của các ngân hàng thương mại. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc gì đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

 

 

TL/ BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Thị Cúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 12962 TC/TCT ngày 09/12/2003 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số vướng mắc trong quyết toán thuế của NHTM

  • Số hiệu: 12962TC/TCT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/12/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Thị Cúc
  • Ngày công báo: Không có
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản