BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1272 TM-CSTNTN | Hà Nội , ngày 08 tháng 4 năm 2002 |
Kính gửi: | - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường |
Thị trường nội địa hiện đang lưu thông các sản phẩm dầu chủ yếu sau đây: xăng (RON 83, RON 90, RON 92, RON 95), diesel: (0,5%S, 1%S), dầu hoả và mazut. Căn cứ vào chất lượng, mục đích sử dụng và chính sách tiêu dùng trong từng thời kỳ, Nhà nước quy định giá bán lẻ tối đa (giá trần) các sản phẩm dầu, cụ thể như sau:
- Xăng RON 83: 4900 đ/lít, - Diesel 0,5%S: 4100 đ/lít,
- Xăng RON 90: 5100 đ/lít, - Diesel 1%S: 400 đ/lít,
- Xăng RON 92: 5300 đ/lít, - Dầu hoả: 3800 đ/lít,
- Xăng RON 95: 5600 đ/lít, - Mazut 3,5%S: 2500 đ/kg (bán buôn)
(do doanh nghiệp quy định giá)
Do giá bán các sản phẩm đều có chênh lệch, nhất là xăng thông dụng và xăng cao cấp, dầu hoả và các sản phẩm xăng. Xăng và dầu hoả đều cùng màu; các sản phẩm xăng đều cùng một mục đích sử dụng, có thể thay thế nhau trong quá trình sử dụng và việc phân biệt chất lượng xăng không thể bằng mắt thường mà phải dùng máy móc thiết bị chuyên dùng. Lợi dụng thực tế này và nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời thì sẽ có thể dẫn đến các hành vi gian lận: pha xăng thông dụng vào xăng cao cấp, pha dầu hoả vào xăng (với một tỷ lệ hợp lý) để kiếm lời bất chính; mặc dù tại mỗi cửa hàng đều niêm yết giá bán của từng sản phẩm.
Việc pha màu vào một số sản phẩm xăng, dầu hoả để chống các hành vi gian lận thương mại, giữa việc sử dụng xăng chì và xăng không pha chì, chống lấy cắp, giữ uy tín chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường... nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và rất hiệu quả.
Năm nay và những năm tiếp theo, nhu cầu xăng phục vụ giao thông, đi lại của dân sinh mỗi năm một tăng (năm 2001 là: 1,594 triệu tấn, năm 2002 dự kiến: khoảng gần 2 triệu tấn); với 4000 cửa hàng bán xăng dầu của các thành phần kinh tế, bố trí rải rác trên phạm vi toàn quốc thì cho dù điều kiện kinh phí, phương tiện kỹ thuật kiểm tra chất lượng cho phép cũng không thể thực hiện được và đó cũng không phải là biện pháp hữu hiệu. Đối với việc điều chỉnh giá trần để giảm bớt độ chênh lệch giữa các sản phẩm xăng, giữa xăng và dầu hoả, hiện nay vẫn chưa xử lý được vì ảnh hưởng tới giá dầu vào của sản xuất và chính sách đối với đồng bào các dân tộc miền núi. Do vậy, ngoài việc tiến hành kiểm tra kiểm soát như lâu nay đã làm, thì việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa cần phải được đặt ra trước hết và cấp bách, nhằm phòng chống các hành vi gian lận, bảo đảm an toàn cho các loại động cơ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Với tinh thần đó, Bộ Thương mại chủ trương pha màu đối với sản phẩm xăng có giá trị thấp (xăng không chì RON 83, xăng RON 90) và dầu hoả; vì những sản phẩm này rất dễ xẩy ra hành vi gian lận đối với khách hàng. Thông qua việc pha màu các sản phẩm, giúp người tiêu dùng phân biệt nhanh chất lượng, giá cả sản phẩm xăng mình cần mua, phát hiện kịp thời hành vi gian lận để cơ quan quản lý có biện pháp xử lý kịp thời.
Màu chỉ định (dự kiến) đối với từng sản phẩm, cụ thể như sau:
- Xăng không chì RON 83: Màu đỏ, cấp độ (độ màu) B, hàm lượng màu, bình quân: 15-20mg/lít.
- Xăng không chỉ RON 90: Màu xanh, cấp độ B, hàm lượng màu, bình quân: 5-10 mg/lít.
Dầu hỏa: Màu tím, cấp độ B, hàm lượng màu, bình quân: 10 - 15 mg/lít.
Màu pha vào xăng (kể cả xăng sản xuất trong nước) và dầu hoả phải theo tiêu chuẩn quy định, được áp dụng thống nhất trong các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Màu pha vào các sản phẩm không làm ảnh hưởng xấu đến độ bền của động cơ, sức khoẻ con người và môi trường; giá bán các sản phẩm đã pha màu không vượt giá bán tối đa Nhà nước quy định.
Đối với dầu hoả làm dung môi, nguyên liệu, nhiên liệu cho một số ngành sản xuất: dệt, tẩy, gốm sứ... nếu màu pha làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thì ngành sản xuất có thể đăng ký nhu cầu với doanh nghiệp đầu mối để nhập khẩu riêng theo tầu, hoặc theo lô hàng, đồng thời thông báo cho cơ quan Hải quan biết để kiểm tra, giám sát các lô hàng nhập riêng này.
Hiện nay, xăng không chì có trị số octane từ 90 trở lên và dầu hoả phải nhập từ nước ngoài. Riêng xăng không chì RON 83 được sản xuất trong nước từ nguyên liệu condensate. Do có 2 nguồn cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa nên việc pha màu được tiến hành theo 2 phương thức sau đây:
Phương thức 1: Xăng RON 90 và dầu hoả khi nhập khẩu về cảng Việt Nam đều phải được pha màu, do nhà cung cấp thực hiện tại nước ngoài theo tiêu chuẩn Việt Nam quy định.
Phương thức này, có ưu điểm hiệu quả chống gian lận cao do toàn bộ lượng sản phẩm nhập về được pha màu triệt để, các doanh nghiệp khó có thể lợi dụng để pha màu khác; có nhược điểm chi phí pha màu cao hơn so trong nước.
Phương thức 2: Xăng RON 90 và dầu hoả sau khi nhập về doanh nghiệp tự tổ chức pha màu ngay tại kho đầu mối của mình. Đối với xăng RON 83, doanh nghiệp tự tổ chức pha màu ngay sau khi pha chế. Việc pha màu phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định.
Phương thức này có ưu điểm, chi phí pha màu thấp so pha màu tại nước ngoài; có nhược điểm là hiệu quả chống gian lận không cao do doanh nghiệp có thể lợi dụng pha lại mà khác.
Trên cơ sở những nội dung đã trình bày, Bộ Thương mại rất mong quý Bộ giành thời gian góp ý cho một số nội dung chủ yếu dưới đây:
a. Về màu và độ màu (gam màu) đối với từng sản phẩm?
b. Việc pha màu vào xăng có ảnh hưởng đến độ bền của động cơ, thiết bị?
c. Việc pha màu vào dầu hoả có ảnh hưởng gì đến chất lượng sản phẩm?
Văn bản góp ý xin gửi về Bộ Thương mại, chậm nhất là ngày 20/4/2002. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các Bộ ngành, Bộ Thương mại sẽ hoàn chỉnh phương án pha màu các sản phẩm để đưa vào áp dụng thực tế trong thời gian sớm nhất./.
Xin cảm ơn quý Bộ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Công văn số 1272 TM-CSTNTN ngày 08/04/2002 của Bộ Thương mại về việc góp ý về pha màu xăng, dầu hoả
- Số hiệu: 1272 TM-CSTNTN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 08/04/2002
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Hồ Huấn Nghiêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/04/2002
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết