Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1166/CV-KTTC2
V/v hạch toán nghiệp vụ uỷ thác cho vay vốn của các TCTD

Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 2003

Kính gửi: Các tổ chức tín dụng

Thời gian vừa qua, một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản hướng dẫn cụ thể hạch toán nghiệp vụ uỷ thác và nhận uỷ thác cho vay vốn của các TCTD theo Quyết định số 742/QĐ-NHNN ngày 17 tháng 7 năm 2002 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy định uỷ thác và nhận uỷ thác cho vay vốn của TCTD. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn như sau:

1. Nguyên tắc hạch toán nghiệp vụ uỷ thác và nhận uỷ thác cho vay vốn giữa TCTD: theo quy định hiện hành, các rủi ro do các nguyên nhân khách quan, chủ quan từ phía khách hàng gây nên không trả được nợ (gốc, lãi) do Bên uỷ thác chịu trách nhiệm xử lý, vì vậy, trong quan hệ uỷ thác và nhận uỷ thác cho vay vốn giữa các TCTD với nhau, việc hoạch toán kế toán thực hiện như sau:

- TCTD uỷ thác cho vay vốn phải hạch toán số tiền uỷ thác cho vay đã chuyển cho TCTD nhận uỷ thác như khoản phải thu; Hạch toán kịp thời số tiền mà TCTD nhận uỷ thác đã cho vay (giải ngân) đối với khách hàng vào tài khoản cho vay thích hợp và trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro cho vay theo đúng quy định hiện hành;

- TCTD nhận uỷ thác cho vay vốn phải hạch toán số tiền uỷ thác và cho vay vốn đã nhận được từ TCTD uỷ thác như khoản phải trả; Hạch toán số tiền đã cho vay (giải ngân) các đối tượng khách hàng quy định như Khoản phải thu từ TCTD uỷ thác cho vay (không được hạch toán vào tài Khoản cho vay của tổ chức mình) và hạch toán ngoại bảng chi tiết các khoản cho vay, thu nợ theo từng khách hàng vay vốn uỷ thác (mở Sổ theo dõi cho vay theo từng khách hàng).

- TCTD uỷ thác và TCTD nhận uỷ thác cho vay vốn được thoả thuận về định kỳ đối chiếu, xác nhận và thanh toán các khoản phải thu, phải trả về uỷ thác và nhận uỷ thác cho vay vốn, nhưng phải đảm bảo thanh toán kịp thời, đầy đủ cho nhau trước thời điểm lập Báo cáo tài chính năm theo chế độ quy định (tài khoản phải thu, phải trả về hoạt động uỷ thác và nhận uỷ thác cho vay vốn phải hết số dư).

2. Hạch toán kế toán nghiệp vụ uỷ thác và nhận uỷ thác cho vay vốn của các TCTD:

2.1. Trường hợp Bên uỷ thác cho vay vốn là TCTD:

a. Tại TCTD uỷ thác cho vay vốn:

- Khi chuyển tiền cho TCTD nhận uỷ thác cho vay, hạch toán:

Nợ TK 2004 “Vốn uỷ thác cho vay”

Có TK thích hợp (tiền mặt, tiền gửi...)

- Khi nhận được (các Bảng kê số tiền đã cho khách hàng vay, số tiền thu nợ và rủi ro phát sinh trong cho vay (nếu có), kèm theo các chứng từ, tài liệu theo quy định tại Hợp đồng uỷ thác do TCTD nhận uỷ thác chuyển sang, sau khi kiểm soát khớp đúng, chính xác, TCTD uỷ thác cho vay xử lý và hạch toán:

+ Đối với số tiền TCTD nhận uỷ thác đã cho vay đến các đối tượng khác hàng

Nợ TK Cho vay thích hợp

Có TK 204 “Vốn uỷ thác cho vay”

+ Đối với rủi ro do các nguyên nhân khách quan, chủ quan từ phía khách hàng gây nên không trả được nợ (gốc, lãi) do TCTD uỷ thác chịu trách nhiệm xử lý: Thực hiện ngay việc trích lập dự phòng cho khoản vay có rủi ro theo đúng quy định hiện hành của Thống đốc NHNN.

+ Đối với số tiền TCTD nhận uỷ thác thu nợ khách hàng vay, hạch toán:

Nợ TK 204 “Vốn uỷ thác cho vay”: Nếu có thoả thuận cho TCTD nhận uỷ thác được sử dụng số tiền thu nợ để tái cho vay (quay vòng vốn vay).

hoặc Nợ TK thích hợp (tiền mặt, tiền gửi...): Nếu thoả thuận chuyển trả ngay.

Có TK Cho vay thích hợp

b. Tại TCTD nhận uỷ thác cho vay vốn:

- Khi nhận được tiền uỷ thác cho vay vốn, hạch toán:

Nợ TK Thích hợp (tiền mặt, tiền gửi)

Có TK 469 “Các khoản chờ thanh toán khác”

- Khi cho vay, thu nợ đến đối tượng khách hàng quy định, hạch toán:

+ Khi cho vay (giải ngân), ghi:

Nợ TK 369 “Cá khoản khác phải thu” (Lưu ý: mở tiều khoản cho từng TCTD uỷ thác cho vay vốn để thuận tiện cho việc đối chiếu, thanh toán).

Có TK Thích hợp (tiền mặt hoặc tiền gửi của khách hàng...)

+ Khi thu nợ, ghi:

Nợ TK. Thích hợp của khách hàng trả nợ

Có TK 469 “Các khoản chờ thanh toán khác”

TCTD nhận uỷ thác phải hạch toán ngoại bảng chi tiết các khoản cho vay, thu nợ theo từng khách hàng vay vốn uỷ thác (mở Sổ theo dõi theo từng khách hàng vay), lập, lưu giữ đầy đủ các chứng từ, sổ sách kế toán cho vay theo đúng quy định hiện hành nhằm theo dõi quá trình cho vay, thu nợ, thu lãi và các rủi ro phát sinh, làm cơ sở để đối chiếu, thanh toán với TCTD uỷ thác cho vay theo đúng thoả thuận tại Hợp đồng uỷ thác cho vay vốn.

- Khi thanh toán với TCTD uỷ thác về số tiền đã cho khách hàng vay hoặc hoàn trả vốn uỷ thác cho vay, hạch toán:

Nợ TK 469 “Các khoản chờ thanh toán khác”

Có TK 369 “Các khoản khác phải thu”: Nếu là thanh toán số tiền đã cho khách hàng vay hoặc có TK thích hợp (tiền mặt, tiền gửi): Nếu là hoàn trả vốn uỷ thác cho vay.

2.2. Trường hợp Bên uỷ thác cho vay là Chính phủ, các tổ chức kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, các cá nhân trong và ngoài nước:

a. Bên uỷ thác cho vay sẽ thực hiện việc theo dõi, giám sát và hạch toán nguồn vốn uỷ thác cho vay và việc sử dụng nguồn vốn này (cho vay) theo quy định của Pháp luật.

b. Tại TCTD nhận uỷ thác cho vay vốn:

Nếu Hợp đồng uỷ thác cho vay vốn có nội dung quy định về việc TCTD nhận uỷ thác cho vay vốn phải chịu toàn bộ các rủi ro liên quan đến cho vay đối tượng khách hàng là phải hoàn trả Bên uỷ thác cho vay vốn toàn bộ nguồn vốn uỷ thác cho vay sau một khoảng thời gian đã quy định thì xử lý như sau:

- Khi nhận vốn uỷ thác cho vay, hạch toán:

Nợ TK Thích hợp (Tiền mặt, tiền gửi...)

Có TK 45 “Vốn tài trợ, uỷ thác đầu tư”

- Khi cho vay đến các đối tượng khách hàng, hạch toán:

Nợ TK Cho vay khách hàng thích hợp

Có TK Thích hợp (tiền mặt, tiền gửi...)

TCTD nhận uỷ thác cho vay vốn phải thực hiện chuyển nợ quá hạn cũng như trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý các rủi ro phát sinh trong việc cho vay khách hàng theo đúng quy định hiện hành của Thống đốc ngân hàng Nhà nước.

- Khi đến hạn hoàn trả vốn uỷ thác cho vay cho Bên uỷ thác, hạch toán:

Nợ TK 45 “Vốn tài trợ, uỷ thác đầu tư”

Có TK thích hợp (tiền mặt, tiền gửi...)

Nếu Hợp đồng uỷ thác cho vay vốn quy định TCTD nhận uỷ thác cho vay vốn không phải chịu các rủi ro liên quan đến cho vay khách hàng (các rủi ro này do Bên uỷ thác chịu trách nhiệm xử lý) thì việc hạch toán nhận tiền uỷ thác cho vay và cho vay, thu nợ đến đối tượng khác hàng quy định được thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm b,2.1 công văn này. Riêng việc thanh toán với Bên uỷ thác về số tiền đã cho khách hàng vay, về rủi ro cho vay và các khoản thu, chi liên quan, được thực hiện theo thoả thuận với Bên uỷ thác cho vay phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

3. Về hạch toán phí uỷ thác cho vay:

- Khi trả phí uỷ thác cho TCTD nhận uỷ thác cho vay vốn, TCTD uỷ thác cho vay sử dụng tài khoản 829 “Các khoản chi về hoạt động khác” để hạch toán.

- Khi nhận được phí uỷ thác do TCTD uỷ thác trả, TCTD nhận uỷ thác sử dụng tài khoản 724 “Thu từ nghiệp vụ uỷ thác và đại lý” để hạch toán.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các TCTD phản ánh về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Kế toán - Tài chính) để có hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

 

 

TL. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ KẾ TOÁN - TÀI CHÍNH
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Phạm Hoàng Đức

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 1166/CV-KTTC2 ngày 03/09/2003 của Ngân hàng nhà nước về việc hạch toán nghiệp vụ uỷ thác cho vay vốn của các tổ chức tín dụng

  • Số hiệu: 1166/CV-KTTC2
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/09/2003
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Phạm Hoàng Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/09/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản