Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1111/TM-KHTK | Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2003 |
Kính gửi: Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc Hội
Thực hiện yêu cầu của Quý Uỷ ban tại công văn số 218/UBKHTNS ngày 10/3/2003 về việc báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2002 và triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2003, Bộ Thương mại xin gửi tới quý Uỷ ban 70 Bản báo cáo Đánh giá tổng quan tình hình thương mại năm 2002 và việc triển khai thực hiện kế hoạch thương mại năm 2003.
| KT BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
BỘ THƯƠNG MẠI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà nội, ngày tháng 3 năm 2003
ĐÁNH GIÁ
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THƯƠNG MẠI 2002 VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH THƯƠNG MẠI NĂM 2003
Phần thứ nhất :
ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THƯƠNG MẠI 2002
Trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu từng bước phục hồi, thương mại và sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng nhưng còn chưa vững chắc, nền kinh tế nước ta phải đương đầu với nhiều khó khăn và thử thách lớn, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.... đã kịp thời có nhiều biện pháp thiết thực đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ,mở rộng thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, xúc tiến thương mại, giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội.... Nhờ vậy tình hình thực hiện kế hoạch trong những tháng cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực, làm nổi bật những nét tiến bộ của năm 2002.
A. THƯƠNG MẠI TRÊN THỊ TRƯỜNG NGOÀI NƯỚC
I. THƯƠNG MẠI HÀNG HOÁ
1. Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 16,7 tỷ USD. tăng 11,2% so với năm 2001
- Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch khá cao là cao su, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may, nhân điều, than đá, lạc nhân, một số mặt hàng kim ngạch là rau quả, cà phê, hàng điện tử là linh kiện máy tính.
- Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt 210 USD; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu so với năm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 48,7%.
- Tình hình xuất khẩu năm 2002 có 5 đặc điểm nổi bật là:
+ 5 tháng đầu năm, kim ngạch liên tục giảm, từ 6 tháng bắt đầu tăng và đến cuối tháng 9 bằng cùng kỳ quý IV tăng trưởng 31% (Mức cao nhất từ trước tới nay), trên cả năm tăng 11,2%.
+ Khối lượng hàng hoá xuất khẩu tăng 15,6%, trong đó các mặt hàng chủ lực tăng 19,6%.
+ Giá xuất khẩu giảm 4%, trong đó các mặt hàng chủ lực giảm 4,5%.
+ Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tỷ trọng của nhóm hàng chế biến tăng từ 36% năm 2001 lên 39% năm 2002.
+ Cơ cấu thị trường chuyển dịch theo hướng tích cực, so với năm 2001, tỷ trọng của thị trường Châu Mỹ tăng khoảng 7%, trong đó Hoa kỳ tăng khoảng 8%; Châu Đại Dương tăng hơn 1%, Châu á giảm nhẹ, châu á giảm 8%, châu Phi giảm 0,4%.
- Có 3 nguyên nhân 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 92,3% cùng kỳ năm trước là:
+ Khối lượng và giá hàng hoá xuất khẩu đều giảm; kinh tế các nước vốn là thị trường chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng không tăng.
+ Xuất hiện nhiều rào cản đối với hàng của ta, trong khi ta chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó. Năng lực cạnh tranh của ta còn hạn chế. Nhiều nhóm, mặt hàng chất lượng, giá cả, mẫu mã, bao bì...còn bất cập.
+ Tranh chấp thương mại và bảo hộ mậu dịch giữa các nước lớn chưa có chiều hướng gia tăng, Chiến tranh, xung đột sắc tộc ở một số khu vực ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường và các dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm hàng hoá....
- Có 3 nguyên nhân 3 tháng cuối năm tăng đột biến là;
+ Khối lượng và giá cả hàng háo xuất khẩu tăng cao (tương ứng là 23% và 6%).
+ Kinh tế ở một số thị trường chính của ta tăng nhu cầu nhập khẩu.
+ Một số nhóm, mặt hàng đáp ứng thị hiếu của thị trường ngoài nước, nhanh chóng được đẩy mạnh sản xuất, gia tăng khối lượng xuất khẩu.
Có 5 bài học kinh nghiệm chủ yếu trong điều hành xuất khẩu được rút ra là:
+ Thứ nhất, các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển xuất khẩu.
+ Thứ hai, trong điều kiện hội nhập kinh tế, thương mại quốc tế và với thực trạng doanh nghiệp hiện nay thì sự năng động và sức mạnh của doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động xuất khẩu là quyết định.
+ Thứ ba, tổ chức tốt hệ thống chân hàng xuất khẩu, nhất là khâu mua gom chế biến nông sản, xuất khẩu phải gắn với thị trường nội địa, tạo ra mạng lưới thương mại đồng bộ, hợp lý.
+ Thứ tư, tập trung xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu Việt Nam, năng cao khả năng cạnh tranh, đổi mới cơ cấu hàng xuất khẩu.
+ Thứ năm, nhanh chóng ổn định và tập trung thống nhất chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động thương mại để kiện toàn bộ máy và tổ chức hoạt động một cách hiệu quả.
Tóm lại, nhờ sự tăng nhanh khối lượng xuất khẩu và sự hồi phục giá cả ở nhiều mặt hàng, nên xuất khẩu đã đạt mục tiêu của Quốc Hội đặt ra, xuất khẩu trở thành một trong những sự kiện thương mại nổi bật trong năm 2002 nên đã được Thủ tướng Phan Văn Khải so sánh với hình ảnh “lội ngược dòng một cách ngoạn mục”.
2. Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu đạt trên 19,7 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm 2001.
- Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao là vải, linh kiện và phụ tùng ô tô, phôi thép, máy móc, thiết bị, phụ tùng, thép thành phẩm, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm là linh kiện và phụ tùng xe gắn máy, bông, linh kiện điện tử.
- Với kết quả này, kim ngạch nhập khẩu bình quân đầu người đạt gần 250 USD, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu so với GDP đạt 57,5%.
- Có 5 đặc điểm nổi bật trong nhập khẩu hàng hoá năm 2002 là:
+ Nhập khẩu tăng nhanh vào các tháng cuối năm và nhanh hơn tốc độ xuất khẩu.
+ Khối lượng nhập khẩu tăng chủ yếu là các vật tư, máy móc, thiết bị, phụ tùng... mặt hàng giảm nhập khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng, phù hợp với chủ trương điều hành của Nhà nước.
+ Giá nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều tăng.
+ Việc quản lý nhập khẩu linh kiện ô tô và bộ linh kiện xe máy còn có thiếu sót.
+ Cơ cấu thị trường nhập khẩu có sự chuyển biến theo hướng giảm nhập khẩu từ các thị trường thuộc khu vực Châu á-Thái Bình Dương, ổn định ở thị trường Châu Âu và tăng nhập khẩu từ khu vực châu Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ.
- Có 4 nguyên nhân nhập khẩu năm 2002 có tốc độ tăng trưởng nhanh là:
+ Tăng nhu cầu vật tư, nguyên liệu phục vụ cho đầu tư, xây dựng, sản xuất, trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu làm khối lượng nhập khẩu tăng.
+ Giá của một số nhóm, mặt hàng như giấy, phân bón, máy móc, thiết bị... giảm hoặc thấp hơn giá sản xuất trong nước, đã kích thích tăng nhập khẩu.
+ Giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng...
+ Đời sống nhân dân được cải thiện một bước, nhu cầu tiêu dùng tăng nhất là vào dịp cuối năm....
- Có 1 bài học kinh nghiệm chủ yếu trong nhập khẩu hàng hoá năm 2002 được rút ra là:
+ Tốc độ nhập khẩu tăng nhanh nhưng phải có quan hệ tỷ lệ thích hợp với xuất khẩu.
+ Cơ cấu hàng nhập khẩu phải phục vụ đắc lực quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà trước hết là công nghiệp hoá nông thôn.
+ Trong điều kiện giá trên thị trường biến động lớn, cần có quy chế nhập khẩu thích hợp đối với những mặt hàng như xăng dầu, phân bón...
+ Chú trọng xây dựng các rào cản thương mại đối với những mặt hàng hạn chế nhập khẩu.
3. Cán cân xuất- nhập khẩu
- Năm 2002 nhập siêu gần 3.030 triệu USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu liên tục ở mức cao trong các tháng đầu , còn các tháng quý IV giảm do xuất khẩu tăng nhanh. So với mọi năm, tỷ lệ nhập siêu năm 2002 ở mức cao, nhưng có thể chấp nhận được, chủ yếu là do tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng.
3 nguyên nhân chủ yếu là: (1) xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn nhập khẩu, (2) Giá của nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng, (3) Nhiều mặt hàng tăng khối lượng nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của sản xuất và xuất khẩu.
- Có 3 bài học kinh nghiệm chủ yếu trong hoạt động xuất nhập khẩu được rút ra là: Thứ nhất, nhập siêu là cần thiết trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nhưng phải có tỷ lệ và cơ cấu hợp lý, phục vụ đắc lực cho đổi mới kinh tế, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế- thương mại quốc tế, Thứ hai, để giảm nhập siêu, bên cạnh hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng và những hàng hoá sản xuất trong nước, phù hợp với chương trình bảo hộ, cần đẩy mạnh xuất khẩu (thông qua sử dụng triệt để các công cụ thuế). Thứ ba, cần có tỷ lệ nhập siêu thích hợp đối với từng thị trường, nhất là những thị trường có tỷ trọng nhập khẩu lớn.
II. THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ
1. xuất khẩu đạt 2.750 triệu USD, tăng 10,2% so với năm 2001
Số khách du lịch quốc tế đạt 2,6 triệu người, tăng 11,5%, khách nội địa đạt 13 triệu người, tăng 11,6%. Thu nhập từ du lịch đạt 23,500 tỷ đồng, tăng 14,6%. Dịch vụ vận tải hàng không đạt gần 340 triệu USD, tăng khoảng 6%, Dịch vụ viễn thông đạt 240 triệu USD, tăng 12,5%.
2. Nhập khẩu đạt 2.500 triệu USD, tăng 9,4% so với năm 2001.
B. THƯƠNG MẠI TRÊN THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2002 đạt 272.800 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2001 và là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
- Giá tiêu dùng tăng 4% so với năm 2001.
- Có 5 đặc điểm nổi bật là:
+ Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội các tháng trong năm liên tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2001.
+ Giá tiêu dùng có nhiều biến chuyển, đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây, đã có tác dụng kích thích sản xuất, góp phần làm cánh kéo giá cả hàng công nghiệp/ nông nghiệp bước đầu được thu hẹp. Nhờ vậy, sức mua của nông dân được cải thiện: cân đối cung cầu bảo đảm, hàng hoá phong phú, mua bán thuận tiện.
+ Các hình thức tổ chức kinh doanh thương mại được mở rộng.
+ Hệ thống bán lẻ và mua gom nông sản, tuy phát triển nhưng còn nhiều vấn đề bất cập như tranh mua, tranh bán, hoặc không có nơi tiêu thụ.
+ Thương mại miền núi tiếp tục phát triển, bảo đảm được những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào.
- 5 bài học kinh nghiệm chủ yếu trong hoạt động thương mại trên thị trường nội địa năm 2002 được rút ra là:
+ Cần xác lập mối liên kết lâu dài giữa sản xuất và thương mại; giữa nhà nông và nhà buôn trong việc cung ứng vật tư, hàng tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng việc ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản cho nhân dân.
+ Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển, nhất là ở các khâu bán lẻ và thị trường nông thôn; củng cố phát triển hệ thống hợp tác xã thương mại dịch vụ.
+ Xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại ,nhất là mạng lưới chợ và hệ thống thông tin thương mại.
+ Điều chỉnh chính sách trợ cước, trợ giá theo hướng thu hẹp địa bàn, mặt hàng.
+ Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả.
C. ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI LIÊN QUAN ĐẾN THƯƠNG MẠI:
- Năm 2002, cả nước có 700 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép mới, với tổng số vốn đăng ký gần 2.395. triệu USD, tăng 48,9% về số dự án và bằng 56,6 về vốn so với năm 2001. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp tới 47% tổng kinh kim ngạch xuất khẩu (kể cả xuất khẩu dầu thô) và 35,5 % tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
D. HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ.
Năm 2002 đánh dấu một bước chuyển biến tích cực trong công tác hội nhập. Đã hoàn thành 5 phiên họp và hoàn thiện nội dung cho Phiên họp 6 của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO. triển khai tích cực nhiều công việc để thực hiện tốt các cam kết CEPT/AFTA năm 2002, gắn kết chặt chẽ với các phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư để tạo ra hiệu quả kinh tế cao nhất cho quá trình hội nhập. Hợp tác có hiệu quả với IMF, WB về chương trình Tín Dụng hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo, kêu gọi các nhà tài trợ giúp Việt Nam trong các chương trình về cải cách cơ cấu kinh tế, phát triển xuất khẩu.
Năm 2002 cũng là năm điển hình về việc tìm kiếm, mở rộng thị trường. Nhà nước và doanh nghiệp cùng tích cực tìm đối tác, đàm phán, ký kết các Hiệp định, các hợp đồng Chính phủ với Chính phủ và doanh nghiệp với doanh nghiệp (tính đến hết năm 2002, ta đã có quan hệ xuất, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ với khoảng 200 thị trường, ký Hiệp định thương mại với 78 nước và đã có thoả thuận về đối xử tối huệ quốc với 82 nước và vùng lãnh thổ).
Phần thứ hai:
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH THƯƠNG MẠI 2003
A. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ MỤC TIÊU THƯƠNG MẠI NĂM 2003
I. CÁC YẾU TỐ CHÍNH
Kinh tế thế giới tuy khá hơn nhưng chuyển biến chưa mạnh, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Hoạt động xuất nhập khẩu của ta sẽ khó khăn nếu chiến tranh Hoa kỳ-Irắc xẩy ra. Với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, một mặt sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển xuất khẩu, mặt khác, cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn, ngay cả thị trường trong nước, đặc biệt là cạnh tranh với hàng hoá Trung quốc và các nước ASEAN là thành viên của WTO. Việc EU mở rộng sang phía đông buộc chúng ta phải chuyển hướng xuất khẩu vào các nước thành viên mới theo chính sách thương mại chung của EU, kéo theo đó là tiếng nói bảo hộ tăng lên, việc đàm phán sẽ khó khăn hơn. Các Rào cản thương mại tiếp tục được các nước dựng lên buộc các doanh nghiệp của ta phải coi trọng chất lượng, chủ động mở thêm các thị trường mới, không tập trung quá mức vào một thị trường.
Việc triển khai các công trình lớn đặt ra các yêu cầu mới về tổ chức thị trường để cung ứng vật tư cho sản xuất, xây dựng và tiêu thụ sản phẩm.
II. MỤC TIÊU THƯƠNG MẠI NĂM 2003 SO VỚI NĂM 2002:
Xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 8%, đạt kim ngạch khoảng 18 tỷ USD (Bộ trưởng Bộ Thương mại giao cho các cơ quan chức năng trực thuộc điều hành theo hướng phấn đấu đạt 18,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 11%). Nhập khẩu hàng hoá tăng khoảng 4%, đạt kim ngạch khoảng 20,5 tỷ USD.
Xuất khẩu dịch vụ tăng khoảng 9%, đạt kim ngạch khoảng 3 tỷ USD. Nhập khẩu dịch vụ tăng khoảng 10%, đạt kim ngạch khoảng 2,8 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội tăng khoảng 13%, đạt khoảng 308 ngàn tỷ đồng. Giá bán lẻ hàng tiêu dùng tăng khoảng 5%.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chính phủ, Bộ Thương mại, Các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp phải thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp lớn sau đây:
1. Nhóm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập khẩu.
a. Phát triển thị trường xuất khẩu:
Tập trung nghiên cứu thị trường Hoa kỳ theo từng ngành hàng nhằm thiết lập mối quan hệ lâu dài với các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối; lập các trung tâm giới thiệu sản phẩm. Nghiên cứu phát triển rộng sang các thị trường Mehicô, Achentina, Braxin, Chilê.
Tìm hiểu việc Nhật Bản đã bổ sung thêm 118 loại nông sản (trong đó có rau, trái cây nhiệt đới) vào danh mục ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và giảm thuế GSP đối với 60 mặt hàng để tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu vào thị trường này, Chính phủ hỗ trợ kinh phí để duy trì, và phát huy hiệu quả Nhà Việt Nam tại Tokyo, Osaka, tiến tới thành lập trung tâm thương mại tại Nhật Bản, triển khai sớm dự án Nâng cao năng lực kiểm dịch thực vật từ nguồn ODA của Chính phủ Nhật, tích cực vận động ở cấp Chính phủ để Nhật chấp nhận ký Hiệp định Thương Mại toàn diện với ta. Coi trọng xuất khẩu vào Trung Quốc, khai thác Việc Trung quốc dành cho ta chế độ MFN như các thành viên WTO, Triển khai và quản lý tốt hoạt động biên mậu, mậu dịch tiểu ngạch. Phát triển xuất khẩu, đặc biệt là nông sản, thuỷ sản vào các tỉnh phía Tây nam Trung Quốc.
Mở rộng diện mặt hàng, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh để tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU và Châu âu. Kết hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước và cộng đồng người Việt ở LB Nga, Ucraina, Belarussia, các nước Đông âu khác để khai thác tốt hơn các thị trường này.
Mở rộng thị trường Trung đông và Châu phi, tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu từ các nước ASEAN.
b. Tăng cường công tác thông tin và xúc tiến thương mại:
Thiết lập mạng thông tin thị trường, Nâng cao chất lượng, tính định hướng và dự báo của Thông tin. Tạo điều kiện về kinh phí, điều kiện làm việc và nâng cao năng lực cho các tổ chức đối ngoại của ta ở nước ngoài. Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm. Công bố danh mục hàng trọng điểm, thị trường trọng điểm ưu tiên xúc tiến thương mại năm 2003. Gắn kết xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch trong một chương trình chung.
c. Điều chỉnh lại chính sách thuế để nâng cao hàm lượng nội địa và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu:
Có chính sách khuyến khích sử dụng nguyên liệu và thành phẩm trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Xem xét lại phương pháp tính thuế Giá trị gia tăng nhằm xoá bỏ sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư thương.
d. Hoàn thiện cơ chế và tổ chức bảo đảm tín dụng xuất khẩu:
Giao Quỹ hỗ trợ phát triển làm nhiệm vụ cấp tín dụng xuất khẩu mà không thành lập ngân hàng xuất khẩu riêng. mở rộng các hình thức hỗ trợ khác như cung cấp tín dụng cho người mua, bảo đảm rủi ro thanh toán,chiết khấu chứng từ..
e. Tập trung nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa: hỗ trợ các làng nghề tìm thị trường xuất khẩu. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, giảm các chi phí trung gian mà các doanh nghiệp phải hứng chịu.
g. Đổi mới cơ chế thưởng xuất khẩu theo hướng dẫn bãi bỏ các hình thức thưởng xuất khẩu mang tính chất trợ giá, chỉ thưởng các doanh nghiệp có sản phẩm mới, thị trường mới và các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu mà tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của mặt hàng đó, ưu tiên đối với các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
h. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới thiết bị và công nghệ, tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu mới, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu.
i. Quản lý tốt nhập khẩu, hạn chế nhập siêu:
2. Nhóm giải pháp phát triển thương mại trên thị trường nội địa
a. Phát triển mạng lưới mua, bán và đại lý mua, bán của doanh nghiệp trên thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nông thôn. Mở rộng việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Củng cố và xây dựng các hợp tác xã thương mại và dịch vụ, phát triển các hợp tác xã cổ phần ở nông thôn làm nhiệm vụ cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.
b. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, hình thành mạng lưới chợ theo các cấp độ khác nhau, tạo thuận lợi cho việc mua bán và thúc đẩy giao lưu hàng hoá. Thực hiện văn minh thương mại, văn hoá chợ.
c. Điều chỉnh lại chính sách trợ cước, trợ giá theo hướng chỉ áp dụng đối với mặt hàng muối iốt, thuốc chữa bệnh, giấy viết và sách giáo khoa cho học sinh. Các mặt hàng còn lại do địa phương quyết định trong ngân sách trợ cấp, trợ giá cân đối cho địa phương.
d. Thiết lập mạng thông tin thương mại đến các trung tâm kinh tế vùng, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, kho gửi hàng, sàn giao dịch để cung cấp thông tin thị trường, giá cả cho người mua bán.
c. Triển khai mạnh mẽ các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về chống buôn lậu và gian lận thương mại. Hết sức coi trọng công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá lưu thông, chống sản xuất và buôn bán hàng giả, xác lập trật tự thị trường văn minh thương nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng.
3. Nhóm giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế.
a. Tạo ra động lực mới đi đôi với đổi mới công nghệ sản xuất và quản lý để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành.
b. Tăng cường các mối liên kết dọc giữa sản xuất, nhà kinh doanh thương mại, giữa các doanh nghiệp cùng tham gia vào chu trình sản xuất, lưu thông theo nguyên tắc cùng chia sẻ lợi nhuận và theo phương châm “buôn có bạn, bán có phường”. Thiết lập mối liên kết ngang giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề kinh doanh. Phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội ngành hàng.
c. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia.
d. Phát triển công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả kinh doanh.
4. Nhóm giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về thương mại trong điều kiện mới, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc từng bước hoàn thiện chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Thương mại. làm rõ nội dung quản lý Nhà nước của cơ quan thương mại ở địa phương.
B. DỰ BÁO TÌNH HÌNH THƯƠNG MẠI QUÝ I NĂM 2003
I. THƯƠNG MẠI TRÊN THỊ TRƯỜNG NGOÀI NƯỚC
1. THƯƠNG MẠI HÀNG HOÁ
1.1. Xuất khẩu.
a. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4,665 tỷ USD, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2002 và bằng 25,2% kế hoạch năm (18,5 tỷ USD).
b. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng trưởng nhanh so với cùng kỳ năm 2002 gồm có: hàng dệt may 850 triệu USD tăng 90,6%, gạo đạt 844 ngàn tấn, tăng 77,7 %; dầu thô 1,042 triệu USD, tăng 59,8%; điều nhân 42 triệu USD tăng 44,8%, sản phẩm gỗ 102 triệu USD, tăng 39,7%, giày dép 578 triệu USD tăng 32,3%; thuỷ sản 429 triệu, tăng 28,4%, hàng điện tử, linh kiện máy tính 136 triệu USD tăng 19,4%; cà phê 210 ngàn tấn bằng 77,8% nhưng do giá tăng nên kim ngạch tăng 60,3%.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu giảm gồm có: than đá đạt 1,55 triệu tấn, bằng 95, 2%; hạt tiêu 18,2 triệu USD, bằng 92%; rau quả 44 triệu USD, bằng 69% và lạc nhân 7.000 tấn, bằng 33%.
c. Thị trường
- Xuất khẩu vào các thị trường sau đây tiếp tục tăng nhanh: Hoa Kỳ, Mehicô, Canada, Thổ nhĩ kỳ, Hy lạp, Phần lan, Đan Mạch, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Inđônesia, Camphuchia và Myanma... (riêng kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ 2 tháng đầu năm tăng 358% so với cùng kỳ năm 2002, trong đó: hàng dệt may tăng 1,233% (320/24 triệu USD), thuỷ sản 248%,...).
- Xuất khẩu vào thị trường sau đây tiếp tục tăng chậm: Nam phi, Thuỵ Sĩ, Ba lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Thái lan, Philippin, Singapore, Lào.
Nhìn chung, xuất khẩu có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2002, tăng tập trung vào hàng dệt may, dầu thô, giày dép và thủy sản...nhờ đà tăng trưởng của các tháng cuối năm 2002, và sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, của các Bộ, ngành địa phương cùng nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu năm với quyết tâm phấn đấu thắng lợi nhiệm vụ của năm 2003.
1.2. Nhập khẩu:
a. Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 4.86 tỷ USD, tăng 26,2% so với kỳ năm 2002 và bằng 23,7% kế hoạch năm.
b. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng trưởng nhanh so với cùng kỳ năm 2002 gồm: Bộ linh kiện lắp ráp xe máy 72 triệu USD, tăng 33,3%, máy móc, thiết bị, phụ tùng 920 Triệu USD, tăng 23.7%, nguyên phụ liệu dệt may 372 triệu USD, tăng 20%, tân dược 74 triệu USD tăng 13,8%. phân bón UREA 386 ngàn tấn, tăng 12,5%, giấy các loại 85 ngàn tấn, tăng 9%, thép 654 ngàn tấn, tăng 8,3%.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu giảm gồm có: ô tô nguyên chiếc 2802 chiếc USD, bằng 59,7%; xăng dầu 2,25 triệu tấn, bằng 93,7%; chất dẻo nguyên liệu 215 ngàn tấn, bằng 91%; phôi thép 305 ngàn tấn, bằng 76,1%; sợi các loại 51 ngàn tấn, bằng 81%.
c. Thị trường: tiếp tục tăng nhanh nhập khẩu từ các thị trường: Ucraina, Ai len, Đan Mạch, CămPhuchia, Phần Lan, áo, Philipin, Tây Ban Nha, Malaysia, Nga, Italia, Belarutxia, Thuỵ sĩ, ấn độ...
Tóm lại, nhập khẩu có mức trăng trưởng khá cao, chủ yếu do tăng nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị, phụ tùng... phục vụ các nhu cầu của sản xuất hàng xuất khẩu. Mặt khác còn do giá cả hàng hoá nhập khẩu tăng đột biến làm cho kim ngạch nhiều mặt hàng tăng nhanh, trong khi khối lượng lại giảm. Đây là yếu tố trực tiếp làm cho giá nhiều mặt hàng tiêu thụ trong nước tăng cao.
1.3. Cán cân xuất-Nhập khẩu
Nhập siêu hàng hoá 198 triệu USD, bằng 4,2% kim ngạch hàng hoá xuất khẩu. Đây là mức thấp so với mọi năm, chủ yếu do tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá (43,1%) nhanh hơn nhập khẩu (26,2%).
2. Thương mại Dịch vụ:
2.1. Xuất khẩu: ước đạt 710 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2002.
2.2. Nhập khẩu: ước đạt 670 triệu USD, tăng 20,7% so với năm 2002.
II. THƯƠNG MẠI TRÊN THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA:
- Sức mua tăng khoảng 13-14% so với cùng kỳ năm 2002. Sức mua ở khu vực nông thôn tiếp tục tăng có lợi cho nông dân, do nhiều loại nông sản giá đứng ở mức cao.
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội ước đạt 75 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 12-13% so với cùng kỳ năm 2002.
- So với cùng kỳ năm 2002, giá bán lẻ hàng tiêu dùng tăng khoảng 4%, đối với lương thực và thực phẩm có thể ở mức 6-7%.
- Nhìn chung tình hình thị trường Tết Quý Mùi ổn định mức giá trong biên độ thị trường chấp nhận. Đối với các mặt hàng phục vụ Tết, nhìn chung sản lượng sản xuất tháng 2/2003 tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước, đủ lực lượng đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng.
- Riêng xăng dầu trong các ngày từ 15 đến 18/2 ở Hà nội xuất hiện sự khan hiếm giả tạo do một so doanh nghiệp, cửa hàng lợi dụng tình hình chính phủ chuẩn bị có quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 0% và nâng giá trần bán lẻ do giá thế giới tăng, để giảm mức bán ra so với những ngày bình thường để đầu cơ kiếm lời. Bộ Thương mại đã chủ động có công điện yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo mức bán bình thường và đã phối hợp với Bộ Tài chính họp báo, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền chủ trương Nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Sau khi Chính phủ công bố quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 0% và giá trần bán lẻ, thị trường đã trở lại bình thường.
- Giá phân bón và thép tăng nhưng thị trường vẫn ổn định./.
Công văn số 1111/TM-KHTK ngày 20/03/2003 của Bộ Thương mại về bản báo cáo đánh giá tổng quan về tình hình thương mại năm 2002 và việc triển khai thực hiện kế hoạch thương mại năm 2003
- Số hiệu: 1111/TM-KHTK
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 20/03/2003
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Lê Danh Vĩnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra