Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10964/YT-K2ĐT | Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2003 |
Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Ngày 1 tháng 7 năm 2003, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Thông tư liên tịch số 30/2003/TTLT/BGD&ĐT-BYT về chuyển đổi giữa các văn bằng và trình độ đào tạo sau đại học trong lĩnh vực y tế nhằm hướng dẫn thi hành Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 200 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục. Sau khi có văn bản số 10826/ĐH&SĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất các nội dung hướng dẫn thực hiện thông tư liên tịch nói trên, Bộ Y tế hướng dẫn việc thực hiện Thông tư liên tịch số 30/2003/TTLT/BGD&ĐT-BYT như sau:
1.1. Việc chuyển đổi giữa các văn bằng và trình độ đào tạo sau đại học trong lĩnh vực y tế chỉ thực hiện đối với những người có nhu cầu học chuyển đổi để phù hợp với nhu cầu công tác.
1.2. Việc tổ chức đào tạo chuyển đổi này được thực hiện theo kế hoạch đào tạo hàng năm và chỉ được thực hiện ở những trường đại học (sau đây được gọi là cơ sở đào tạo) được phép đào tạo sau đại học.
1.3. Người có nhu cầu học chuyển đổi chấp hành các quy định về thi tuyển, học bổ sung và đánh giá tốt nghiệp theo quy định.
1.4. Chuyển đổi trong cùng chuyên ngành và ở cùng trình độ tương ứng.
2.1. Thi tuyển sinh bổ sung các môn thi còn thiếu
2.1.1. Môn thi
- Từ chuyên khoa cấp I chuyển đổi sang thạc sĩ: Thi môn Toán và môn Ngoại ngữ.
- Từ thạc sĩ chuyển đổi sang chuyên khoa cấp I: Thi môn chuyên ngành (của chuyên ngành) mà thí sinh đăng ký học chuyển đổi. Trong trường hợp thí sinh đã thi và đạt điểm quy định môn chuyên ngành trong kỳ thi cao học thì không phải thi môn này.
- Từ chuyên khoa cấp II chuyển đổi sang tiến sỹ: Thi môn Toán, môn cơ sở và bảo vệ đề cương luận án nghiên cứu sinh (đề cương luận án của nghiên cứu sinh do nhà trường đề nghị theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
- Từ tiến sỹ chuyển đổi sang chuyên khoa cấp II không phải thi tuyển sinh bổ sung.
- Từ bác sĩ nội trú bệnh viện sang thạc sĩ không phải thi tuyển sinh bổ sung.
2.1.2. Thời điểm thi và nội dung thi
+ Thời điểm thi: Tổ chức thi cùng ngày với kỳ thi tuyển sinh sau đại học hàng năm ở những cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ tuyển sinh sau đại học.
+ Nội dung thi: Thi cùng đề thi với đối tượng dự thi vào chuyên ngành mà thí sinh sẽ chuyển đổi.
+ Bảo vệ đề cương luận án tiến sỹ cấp cơ sở
2.1.3. Đối tượng tự thi
- Thực hiện như Điểm I của Thông tư.
- Học viên có thể đăng ký dự thi ở bất kỳ trường đại học nào có tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành chuyên môn phù hợp với nguyện vọng của học viên.
2.1.4. Điều kiện trúng tuyền
- Các môn thi phải đạt từ điểm 5 trở lên.
- Điểm trúng tuyển được xây dựng căn cứ vào kết quả thi và chỉ tiêu kế hoạch đào tạo chuyển đổi của cơ sở đào tạo được giao hàng năm.
- Việc công nhận trúng tuyển thực hiện như quy định của Thông tư
2.1.5. Đối với các đối tượng khác
Người đã có bằng hoặc giấy chứng nhận (sau đây gọi tắt là bằng) chuyên khoa cấp II đồng thời có bằng thạc sĩ xin chuyển đổi lấy bằng tiến sỹ; người có bằng tiến sỹ đồng thời có bằng bác sĩ nội trú bệnh viện xin chuyển đổi lấy bằng chuyên khoa cấp II và những trường hợp tương tự khác thì cơ sở đào tạo xem xét cụ thể để quyết định môn thi và môn học cho phù hợp.
2.2. Học bổ sung các học phần còn thiếu
2.2.1. Học viên phải kê khai các môn học hoặc học phần đã học khi đăng ký thi tuyển sinh và phải học bổ sung các môn học còn thiếu theo kế hoạch của từng cơ sở đào tạo.
2.2.2. Cơ sở đào tạo xác định các môn học mà học viên sẽ học bổ sung theo quy chế đào tạo hiện hành ở từng chuyên ngành, ở từng trình độ đào tạo.
2.2.3. Cơ sở đào tạo tiến hành xây dựng chương trình đào tạo chuyển đổi cho từng chuyên ngành ở từng trình độ, trình Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy chế hiện hành.
2.3. Điều kiện công nhận tốt nghiệp
2.3.1. Từ chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp II và bác sĩ nội trú bệnh viện sang thạc sĩ, tiến sĩ:
- Có đủ các chứng chỉ hoặc điểm các môn học hoặc học phần học bổ sung và đạt từ 5 điểm trở lên;
- Bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sỹ.
2.3.2. Từ thạc sỹ, tiến sỹ sang chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II:
- Có đủ các chứng chỉ hoặc điểm các môn học hoặc học phần học bổ sung và đạt từ 5 điểm trở lên;
- Thi tốt nghiệp môn chuyên ngành theo quy chế đào tạo chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp II hiện hành.
2.3.3. Việc công nhận tốt nghiệp thực hiện như Thông tư
2.4. Xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo chuyển đổi
2.4.1. Các cơ sở đào tạo xây dựng chỉ tiêu đào tạo chuyển đổi hàng năm cùng với xây dựng kế hoạch đào tạo chung dựa trên cơ sở năng lực đào tạo thực tế của cơ sở.
2.4.2. Việc đào tạo chuyển đổi bắt đầu thực hiện từ năm 2004.
3. Học phí và kinh phí đào tạo
3.1. Học viên phải đóng học phí đào tạo theo quy định hiện hành của Nhà nước.
3.2. Học viên đang công tác tại các cơ sở y tế công lập được nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo.
3.3. Học viên đang công tác tại các cơ sở y tế ngoài công lập phải đóng kinh phí đào tạo, mức thu tối đa bằng định mức kinh phí nhà nước giao ở cùng thời điểm.
4.1. Đơn xin học của người có nhu cầu học chuyển đổi.
4.2. Công văn của cơ quan cử người đi học chuyển đổi:
- Đối với học viên đang công tác tại cơ sở y tế công lập do Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố ký công văn cử người đi học.
- Đối với học viên công tác tại các cơ sở y tế ngoài công lập do đơn vị trực tiếp sử dụng lao động cử đi học và có xác nhận của Sở Y tế địa phương nơi đăng ký hành nghề y - dược tư nhân.
4.3. Bảng điểm hoặc chứng chỉ các môn học.
4.4. Chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp ở trình độ sau đại học của người có nhu cầu học chuyển đổi.
4.5. Giấy chứng nhận có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định hiện hành.
5.1. Co sở được phép đào tạo chuyển đổi có trách nhiệm quản lý hồ sơ học viên, kết quả học tập, quản lý học việc trong quá trình học tập theo đúng các quy định hiện hành về đào tạo sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.
5.2. Thực hiện công tác báo cáo theo quy định.
5.3. Cơ quan cử người đi học tham gia giám sát theo dõi học viên trong quá trình học tập.
5.4. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giám sát, kiểm tra công tác đào tạo của các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo và tiến hành thanh tra khi xét thấy cần thiết.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở đào tạo y, dược được phép đào tạo sau đại học khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết; thông báo công khai cùng thông báo tuyển sinh sau đại học hàng năm các chuyên ngành sẽ đào tạo chuyển đổi; xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức thực hiện công tác đào tạo chuyển đổi theo đúng Thông tư liên tịch số 30/2003/TTLT/BGD& ĐT-BYT của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế ngày 1 tháng 7 năm 2003, các quy định tại Quy chế đào tạo sau đại học hiện hành và công văn hướng dẫn này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Công văn số 10964/YT-K2ĐT ngày 20/11/2003 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 30/2003/TTLT/BGD&ĐT-BYT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế ngày 1/7/2003
- Số hiệu: 10964/YT-K2ĐT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 20/11/2003
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Trần Thị Trung Chiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra