Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 417/CV-NH14 | Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 1997 |
CÔNG VĂN
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 417/CV-NH14 NGÀY 31 THÁNG 5 NĂM 1997 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NHỮNG GIẢI PHÁP CẤP BÁCH CỦA CHÍNH PHỦ VÀ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
Kính gửi: | - Tổng giám đốc các Ngân hàng thương mại quốc doanh, |
Ngày 6/5/1997, Chính phủ ban hành Văn bản số 49/CP-m về Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 1997; Trong đó Chính phủ quyết định một số giải pháp cấp bách để đảm bảo thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1997. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản sau đây:
- Văn bản số: 959/KTTH ngày 3/3/1997 và Văn bản số 1753/KTTH ngày 11/4/1997 về thực hiện kế hoạch cho vay trung và dài hạn năm 1997.
- Quyết định số: 140/TTg ngày 7/3/1997 và số: 141/TTg ngày 8/3/1997, Văn bản số: 1603 ngày 04/4/1997; Văn bản số: 2117/KTTH ngày 29/4/1997 về thu mua lúa, gạo xuất khẩu, tạm giữ và nhập khẩu phân bón.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc thực hiện các văn bản nói trên như sau:
1. Quán triệt và chấp hành nghiêm túc các quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề có liên quan đến công tác tín dụng ngân hàng:
1.1. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho hệ thống Ngân hàng có trách nhiệm bảo đảm đủ vốn, cho vay kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.
Các Ngân hàng thương mại có trách nhiệm triển khai các biện pháp về huy động vốn cũng như cho vay vốn theo yêu cầu bảo đảm đủ vốn và kịp thời đối với các dự án của các doanh nghiệp và hộ sản xuất theo nội dung các quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp có khó khăn phải báo cáo kịp thời để được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết.
1.2. Về các điều kiện vay vốn, Chính phủ đã quyết định như sau:
a. Các doanh nghiệp nhà nước vay vốn của các Ngân hàng thương mại quốc doanh không phải thế chấp, không giới hạn theo tỷ lệ vốn điều lệ của doanh nghiệp, mà căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp bị lỗ từ các năm trước, nhưng chưa được xử lý nếu có phương án kinh doanh có hiệu quả và được Bộ (doanh nghiệp TW) hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (doanh nghiệp địa phương) chấp thuận, thì Ngân hàng cho vay tiếp.
b. Một số đối tượng dưới đây (thuộc doanh nghiệp nhà nước) được các Ngân hàng thương mại quốc doanh cho vay hoặc bảo lãnh đối với một khách hàng theo nhu cầu thực tế không phụ thuộc vào giới hạn 10% vốn tự có và quỹ dự trữ của một Ngân hàng:
- Cho vay trung và dài hạn theo kế hoạch Nhà nước (được Chính phủ giao trong kế hoạch).
- Cho vay hoặc bảo lãnh nhập khẩu phân bón các loại được Chính phủ giao hạn ngạch.
- Cho vay thu mua lúa gạo xuất khẩu, theo hạn ngạch được Chính phủ giao.
c. Đối với hộ nông dân, nếu các hộ nông dân đã vay vốn Ngân hàng gặp khó khăn thì các Ngân hàng thương mại được xem xét cho giãn nợ cũ và tiếp tục cho vay mới để sản xuất.
Từng Ngân hàng thương mại quốc doanh cần chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đối với các chi nhánh của mình, quán triệt yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh; đồng thời bảo đảm an toàn vốn cho vay. Trong mọi trường hợp, đơn vị vay phải có phương án sản xuất kinh doanh được các cấp chủ quản (Bộ, UBND tỉnh, thành phố) chấp thuận, chịu trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, cam kết trả nợ vay Ngân hàng đúng hạn.
2. Tín dụng đối với một số đối tượng cụ thể:
2.1. Về tín dụng trung và dài hạn theo kế hoạch Nhà nước:
a. Các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển 3.000 tỷ đồng vốn ngắn hạn sang cho vay trung và dài hạn từ quý IV/1996 cho đến hết năm 1997 đối với các dự án do Chính phủ chỉ định và được hưởng cơ chế bù lãi suất.
Những nội dung triển khai cụ thể được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ tại Công văn: 959/KTTH ngày 03/3/1997 và các công văn hướng dẫn số 201/CV-NH14 ngày 18/3/1997 và Công văn 299/CV-NH14 ngày 19/4/1997 của Ngân hàng Nhà nước Trung ương.
Các Ngân hàng thương mại quốc doanh được giao nhiệm vụ trên tổ chức triển khai trong từng Ngân hàng, cho vay kịp thời đối với các dự án xét thấy có hiệu quả và đủ điều kiện vay vốn. Dự án nào không đủ các điều kiện cho vay cần báo lại cho đơn vị, đồng gửi cấp chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng nhà nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b. Riêng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tiếp tục triển khai cho vay theo cơ chế hiện hành trong phạm vi mức vốn được giao 2.000 tỷ đồng, bao gồm cho vay theo chương trình đánh bắt cá xa bờ theo các danh mục chỉ định (ngoài danh mục chỉ định cho vay từ nguồn vốn ngắn hạn như được nêu tại điểm a trên đây).
2.2. Về tín dụng ngắn hạn:
a. Cho vay thu mua lương thực:
a.1. Đối với cho vay thu mua lúa hàng hoá vụ Đông - Xuân năm 1997 ở Đồng bằng Sông Cửu Long: Các Ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai cho vay theo Công văn số 251/CV-NH14 ngày 4/4/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cho vay thu mua lúa và gạo theo hạn ngạch xuất khẩu đã được Chính phủ giao.
a.2. Về cho vay thu mua lúa gạo tạm trữ, được giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai cho vay đối tượng này theo nội dung Công văn số 365/CV-NH1 ngày 10/5/1997.
b. Về cho vay và bảo lãnh nhập khẩu phân bón các loại:
b.1. Các Ngân hàng thương mại xem xét cho vay hoặc bảo lãnh nhập phân bón trả chậm đối với doanh nghiệp Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ chỉ định và giao hạn ngạch không yêu cầu phải thế chấp tài sản, không phụ thuộc giới hạn 10% vốn tự có và quỹ dự trữ của một Ngân hàng; thực hiện ký quỹ phù hợp với khả năng thực tế của đơn vị, nhưng ký quỹ tối thiểu phải đạt 5%.
b.2. Đối với các doanh nghiệp trước đây kinh doanh phân bón bị lỗ có phát sinh nợ quá hạn, nếu doanh nghiệp có phương án nhập khẩu phân bón mới có hiệu qả, được Bộ chủ quản (nếu là doanh nghiệp TW) hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (doanh nghiệp địa phương) chấp thuận, đơn vị cam kết sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ vay Ngân hàng đúng hạn, thì các Ngân hàng thương mại xem xét quyết định việc cho vay và bảo lãnh.
c. Về cho vay thu mua hạt điều:
- Về nguyên tắc, các Ngân hàng thương mại quốc doanh cho các doanh nghiệp quốc doanh vay vốn để thu mua hạt điều chế biến xuất khẩu, được thực hiện theo quy định tại điểm 1 mục 1.1; 1.2 (phần a) của văn bản này. Các nội dung khác phải thực hiện theo đúng chế độ đã hướng dẫn.
3. Một số vấn đề về tổ chức chỉ đạo thực hiện.
3.1. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các Ngân hàng thương mại quốc doanh có trách nhiệm triển khai nghiêm túc và có kết quả việc thực hiện các quyết định của Chính phủ liên quan đến công tác tín dụng Ngân hàng và chịu trách nhiệm trước Thống đốc về nhiệm vụ được giao cũng như hiệu quả tín dụng.
3.2. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước giám sát việc triển khai đối với các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn, về thực hiện các quyết định nói trên, phối hợp, xử lý những vướng mắc cụ thể, tổng hợp kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền và Ngân hàng Nhà nước Trung ương những vấn đề cần giải quyết.
3.3. Các Vụ chức năng (thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương) giúp Thống đốc theo dõi, chỉ đạo, kịp thời những vấn đề có liên quan, báo cáo và trình Thống đốc những vấn đề cần phải xem xét giải quyết cho các Ngân hàng thương mại theo nhiệm vụ được Thống đốc giao.
Trên đây là nội dung triển khai thực hiện một số quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề có liên quan đến công tác tín dụng Ngân hàng nói trên. Yêu cầu Tổng giám đốc các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện gấp.
| Cao Sĩ Kiêm (Đã ký) |
- 1Quyết định 140-TTg năm 1997 về chủ trương, biện pháp điều hành kinh doanh lương thực và phân bón do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 2Công văn về việc hướng dẫn triển khai kế hoạch tín dụng đầu tư theo công văn số 959/KTTH ngày 3/3/97 của Chính phủ
- 3Công văn cho vay vốn mua lúa hàng hóa phục vụ đông xuân năm 1997 ở đồng bằng sông Cửu Long
- 4Công văn về việc chỉ đạo một số nội dung cụ thể trong công tác tín dụng quý III/1997
- 5Công văn về việc hướng dẫn thực hiện điểm 1.3, công văn số 417/CV-NH14 ngày 31/5/97
- 6Chỉ thị 02/1998/CT-NHNN1 về cho vay vốn để mua lúa xuất khẩu gạo và lúa dự trữ năm 1998 do Ngân hàng Nhà nước ban hành
Công văn hướng dẫn thực hiện những giải pháp cấp bách của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác tín dụng ngân hàng
- Số hiệu: 417/CV-NH14
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 31/05/1997
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Cao Sĩ Kiêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra