Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 971/LĐTBXH-PCTNXH
Về việc hướng dẫn tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội năm 2002

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 971/LĐTBXH-PCTNXH NGÀY 4 THÁNG 4 NĂM 2002 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI NĂM 2002

Kính gửi: Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Năm 2001, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình, các Chương trình hành động phòng chống ma tuý, phòng chống tệ nạn mại dâm theo Quyết định số 150 và 151/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bước đầu đạt kết quả nhất định. Nhận thức của mọi người dân trong xã hội về hiểm hoạ ma tuý, mại dâm ngày càng được nâng cao. Xuất hiện nhiều mô hình phòng chống tệ nạn xã hội gắn với các chương trình kinh tế, xã hội, gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được các địa phương trong cả nước tổng kết, nhân rộng. Nhiều địa bàn trọng điểm về tệ nạn xã hội chuyển hoá tích cực.

Tuy có cố gắng nhất định, song nhìn chung tệ nạn xã hội chưa giảm. Những kết quả vừa qua sẽ thiếu vững chắc nếu không thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, buông lỏng quản lý, các tệ nạn xã hội sẽ gia tăng, gây lo ngại cho mọi gia đình, bức xúc cho toàn xã hội.

Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã xác định: "Đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đối với tình trạng mãi dâm, ma tuý trên địa bàn. Phát huy vai trò của từng người dân, từng cộng đồng tham gia đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội đặc biệt là tệ nạn nghiện ma tuý". Vì vậy, công tác tuyên truyền - giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội năm 2002 cần tập trung vào những vấn đề sau:

1. Yêu cầu:

- Tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội phải tiến hành thường xuyên, sâu rộng, đặc biệt coi trọng ở những địa bàn, cơ sở có nguy cơ cao vi phạm tệ nạn xã hội.

- Nội dung của công tác tuyên truyền vừa đảm bảo tính khoa học phổ thông, vừa bám sát thực tế gắn với các mô hình kinh nghiệm.

2. Nội dung công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội

- Tuyên truyền về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản hướng đẫn của các ngành, tổ chức, đoàn thể nhằm khẳng định trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể, của gia đình trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

- Tuyên truyền về bản chất của tệ nạn xã hội, tác hại của nó đối với mỗi người, gia đình, cộng đồng. Thông tin cập nhật thực trạng, nguyên nhân phát sinh, tồn tại và phát triển tệ nạn xã hội ở những địa bàn trọng điểm nhằm phát động nhân dân nâng cao trách nhiệm, tìm cách làm phù hợp góp phần chuyển hoá địa bàn.

- Tuyên truyền, hướng dần cách phát hiện sớm và các biện phấp giáo dục, xử lý hành vi có liên quan đến tệ nạn mại dâm, nghiện ma tuý.

- Tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt, kinh nghiệm điển hình để khuyến khích mọi người, mọi tổ chức đoàn thể tham gia.

- Tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội ở nơi làm việc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ và trong các trường học với phương châm giáo dục phòng ngừa là chính.

3. Biện pháp tổ chức tuyên truyền

- Có kế hoạch thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí, đài phát thanh, truyền hình xây dựng các chuyên đề, chuyên mục; ưu tiên tuyên truyền, giáo dục dối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là những người có nguy cơ cao về tệ nạn xã hội.

- Tổ chức các chiến dịch tuyên ruyền ra quân thông qua các đoàn thực, tổ chức xã hội, trường học.

- Tổ chức nói chuyện toạ đàm, giao lưu, tập huấn trao đổi kinh nghiệm về phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh giảm tác hại của tệ nạn xã hội ngay tại cộng đồng, cơ quan, cơ sở sản xuất, trường học.

- Phối hợp với các đoàn thể, nhà trường xây dựng các mô hình câu lạc bộ, Đội hoạt động xã hội tình nguyện. Xây dựng, từng bước nhân rộng mô hình "tư vấn" ngay tại cộng đồng.

- Phối hợp xây dựng tài liệu hướng dẫn các văn bản pháp luật, tài liệu kinh nghiệm, mô hình, kỹ năng tuyên truyền và tư vấn giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội (như Bản tin PCTNXH, các tài liệu tham khảo) và ưu tiên cung cấp tài liệu cho xã, phường, khu dân cư.

- Những địa bàn có điều kiện cần tổ chức các hoạt động thông qua hệ thông đài phát thanh xã, phường.

- Tổ chức ký cam kết phòng chống tệ nạn mại dâm và ma tuý gắn với xây dựng xã, phường văn hoá.

- Ngành Lao động thương binh và Xã hột địa phương kết hợp chặt các với Ban khoa giáo Tỉnh ủy tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc tuyên truyền, triển khai thực hiện các Chỉ thị 33, Chỉ thị 64 của Ban bí thư Trung ương Đảng.

4. Tổ chức thực hiện

Để triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma tuý, ngành lao động Thương binh và Xã hội cần làm tốt những việc sau:

- Chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền về phòng chống tệ nạn mại dâm và cai nghiện phục hồi, tạo điều kiện cho các ngành, đoàn thể và cơ quan báo chí phối hợp thực hiện.

- Thường xuyên giới thiệu thông tin cập nhật và tổ chức tập huấn cho dội ngũ cộng tác viên trên địa bàn về kỹ năng tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội.

- Định kỳ (hàng quý, 6 tháng) thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời kết quả công tác tuyên truyền về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục phòng chống tệ nạn xã hội) và coi đó là một trong những nội dung và chỉ tiêu của phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội năm 2002

 

Đàm Hữu Đắc

(Đã ký)

.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 971/LĐTBXH-PCTNXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội

  • Số hiệu: 971/LĐTBXH-PCTNXH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/04/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đàm Hữu Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/04/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản