Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 947/BTTTT-TTĐN
V/v hướng dẫn hoạt động thông tin đối ngoại năm 2024

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2024

 

Kính gửi: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Năm 2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực: kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định". Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, bài bản, liên tục, thành công toàn diện và là điểm sáng nổi bật năm 2023, với sự kết hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Nhiều thành tựu đối ngoại quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới để phát triển đất nước. Tuy nhiên, quá trình tổ chức một số hoạt động thông tin đối ngoại (TTĐN) cũng bộc lộ hạn chế về công tác phối hợp và trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin của các cơ quan, do đó, làm hạn chế phần nào nỗ lực và thành tựu TTĐN của cả nước.

Dự báo trong năm 2024, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Cạnh tranh nước lớn không ngừng tăng nhiệt, tình hình biến đổi khí hậu vẫn vô cùng phức tạp. Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm 2024, so với mức tăng trưởng ước tính vượt dự báo 2,7% trong năm 2023. Trong nước, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời, là năm bứt phá, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của Chính phủ.

Căn cứ Kết luận số 57-KL/TW; Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động TTĐN; Thông tư số 02/2019/TT- BTTTT ngày 08/3/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) hướng dẫn hoạt động TTĐN của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là Bộ), tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn công tác TTĐN

Thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới; Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư về đối ngoại nhân dân; Hướng dẫn số 127- HD/BTGTW ngày 19/12/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024; văn bản số 132-HD/BTGTW ngày 29/12/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác TTĐN năm 2024.

2. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng làm công tác TTĐN

- Chủ động trong ký kết các chương trình phối hợp về TTĐN hoặc chuyên đề/ theo đề án, nhiệm vụ giữa các cơ quan[1] và giữa các cơ quan với các báo, đài trong truyền thông chính sách và truyền thông đối ngoại thuộc lĩnh vực quản lý.

- Thực hiện nghiêm và chủ động trong phát ngôn, báo cáo, chia sẻ thông tin theo Thông tư số 02/2019/TT-BTTTT ngày 08/3/2019 của Bộ TTTT.

3. Chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác TTĐN của các Bộ

Phối hợp với Bộ TTTT tham gia Hội thảo - Tập huấn truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam, tỉnh/thành phố, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới theo Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị trong năm 2024.

4. Đổi mới nội dung và các phương thức TTĐN

Ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức truyền thông mới trong hoạt động TTĐN. Đối với các sự kiện quảng bá hình ảnh quốc gia ở ngoài nước, đề nghị các Bộ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ TTTT theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 02/2019/TT-BTTTT ngày 08/3/2019 của Bộ TTTT.

5. Nâng cao hiệu quả và tính chủ động trong giải thích, làm rõ và đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch thuộc lĩnh vực quản lý

Chủ động tổ chức nắm bắt, xây dựng tư liệu, tài liệu, hồ sơ, lập luận nhằm giải thích, làm rõ, đấu tranh với các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của quốc gia và lĩnh vực quản lý của Bộ. Thực hiện hiệu quả cơ chế người phát ngôn được quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Khi nhận được đề nghị bằng văn bản của Bộ TTTT đối với các thông tin sai lệch ảnh hưởng uy tín quốc gia liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý, đề nghị các Bộ chủ động cung cấp tư liệu, tài liệu, hồ sơ, lập luận gửi Bộ TTTT để phối hợp triển khai các biện pháp thông tin, tuyên truyền, TTĐN để bảo vệ uy tín, hình ảnh quốc gia theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 02/2019/TT-BTTTT ngày 08/3/2019 của Bộ TTTT hướng dẫn về quản lý hoạt động TTĐN của các Bộ.

Đối với một số vụ việc nóng liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các Bộ, đề nghị các Bộ phối hợp với Bộ TTTT cung cấp thông tin tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và TTĐN do Bộ TTTT tổ chức.

6. Triển khai tích cực các đề án, dự án đã được Chính phủ/ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

6.1. Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và TTĐN góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển:

Bộ TTTT đã có công văn số 3890/BTTTT-TTĐN ngày 08/10/2020 hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Quyết định số 1191/QĐ-TTg.

6.2. Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người:

- Xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định số 1079/QĐ-TTg[2] gửi về Bộ TTTT để theo dõi, điều phối chung.

- Năm 2024 tập trung vào kết quả thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), nộp Báo cáo quốc gia thực thi Công ước Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người (CAT) và dự kiến bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR): các Bộ được giao chủ trì các công ước, Báo cáo chủ động xây dựng đề án/kế hoạch truyền thông, tài liệu định hướng tuyên truyền để phối hợp với Bộ TTTT định hướng báo chí, điều hướng dư luận trước, trong và sau phiên Bảo vệ báo cáo. Đồng thời, phối hợp với Bộ TTTT truyền thông các thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số; phòng, chống mua bán người; bảo đảm quyền của người lao động trong và ngoài nước; kết quả triển khai thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người.

- Các Bộ chủ động phát triển dữ liệu truyền thông về các Công ước/ các nhóm quyền được giao chủ trì, lưu trữ, sẵn sàng tích hợp sau khi Bộ TTTT hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu truyền thông về quyền con người.

- Chủ động, phối hợp với Bộ TTTT triển khai các biện pháp truyền thông giải thích làm rõ, đấu tranh với các thông tin chống phá Việt Nam về các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc tôn giáo...

7. Phối hợp với Bộ TTTT triển khai hiệu quả một số hoạt động

- Tổ chức sự kiện Happy Việt Nam - Ngày hội của những người Việt Nam cùng cất tiếng nói về cuộc sống hạnh phúc năm 2024.

- Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 72/2015/NĐ- CP của Chính phủ về quản lý hoạt động TTĐN giai đoạn 2015 - 2024 và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định (nếu có).

- Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ tại một số bộ: Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương.

Căn cứ Hướng dẫn của Bộ TTTT và các văn bản liên quan, đề nghị các Bộ triển khai thực hiện và xây dựng Kế hoạch hoạt động TTĐN năm 2024 (theo biểu mẫu được quy định tại Phụ lục số 01 - Thông tư số 02/2019/TT-BTTTT), đề xuất Bộ Tài chính bố trí kinh phí triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ TTTT trước ngày 30/11/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ TTTT (qua đầu mối Cục Thông tin đối ngoại - Điện thoại: 024.3767.6666) để phối hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Lưu: VT, TTĐN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Lâm

 



[1] Bộ TTTT hiện đã ký chương trình phối hợp về công tác TTĐN với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Công an; đưa nội dung TTĐN vào các chương trình phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo… Hiện Bộ TTTT (Cục TTĐN) đang dự thảo chương trình phối hợp với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư pháp.

[2] Bộ TTTT mới nhận được Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg của 05 Bộ gồm: Quốc phòng; Tư pháp; Nội vụ; Thanh tra Chính phủ; Đài Truyền hình Việt Nam.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 947/BTTTT-TTĐN hướng dẫn hoạt động thông tin đối ngoại năm 2024 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 947/BTTTT-TTĐN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/03/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Thanh Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/03/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản