Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9457/BTC-CST
V/v điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng phân bón

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2014

 

Kính gửi:

- Bộ Công Thương;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Hội Nông dân Việt Nam.

Bộ Tài chính nhận được công văn số 581/HCVN-KHKD ngày 29/4/2014 của Tập đoàn hóa chất Việt Nam đề nghị tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, trong đó đề xuất về điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng phân bón.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính xin trao đổi với quý cơ quan, đơn vị như sau:

1. Nội dung kiến nghị của Tập đoàn hóa chất:

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Tập đoàn hóa chất Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung đẩy mạnh sản xuất, tiết giảm chi phí, mở rộng thị trường, giảm hàng tồn kho, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu cho ngân sách, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động và tích cực tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, các chỉ tiêu chính về sản xuất công nghiệp, doanh thu đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó sản xuất phân bón đạt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (trong 4 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013, giá trị sản xuất kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm 5,8%; doanh thu giảm 10,6%; tồn kho 685 nghìn tấn trong đó, ure tồn 138 nghìn tấn, tăng gần 900%, NPK tồn kho 274 nghìn tấn, tăng 19%). Nguyên nhân chính như sau:

- Thứ nhất: Lượng phân bón ure và NPK nhập khẩu cuối năm 2013 và đầu năm 2014 tăng mạnh so với cùng kỳ trong khi sản lượng ure của 4 nhà máy trong nước đã dư khoảng 300 nghìn tấn/năm.

- Thứ hai: Sản xuất phân bón NPK trong nước chưa được kiểm soát tốt. Tình trạng doanh nghiệp sản xuất NPK có quy mô rất nhỏ, chủ yếu là sản xuất thủ công; không có thiết bị, con người để kiểm tra chất lượng sản phẩm; sản xuất phân bón giả diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

- Thứ ba: Nhà máy sản xuất phân đạm ure của Tập đoàn tại Ninh Bình công suất 560 nghìn tấn/năm mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2012 nên các chi phí khấu hao, lãi vay chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm. Hơn nữa, than - nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá thành sản phẩm phải mua với giá cao hơn rất nhiều so với giá được tính toán trong dự án đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định vào tháng 12 năm 2007, trong khi giá bán ure tăng không đáng kể.

Tập đoàn kiến nghị về thuế nhập khẩu phân bón như sau:

- Đề nghị tăng thuế suất thuế nhập khẩu ure (mã 3102.10.00) từ mức 0-4,5% lên mức chung là 7%.

- Đề nghị tăng thuế suất thuế nhập khẩu NPK (mã 3105.20.00) từ mức 0-6% lên mức chung là 8%.

- Đề nghị tăng thuế suất thuế nhập khẩu DAP (mã 3105.30.00) từ mức 0-4,5% lên mức chung là 8%.

2. Thông tin về tình hình sản xuất, nhập khẩu phân bón 4 tháng đầu năm 2014

- Kim ngạch nhập khẩu: Theo số liệu của TCHQ, kim ngạch nhập khẩu phân bón cả năm 2013 đạt 4,67 triệu tấn về lượng và 1,70 tỷ đô la Mỹ về giá trị, tăng 14,3% về lượng nhưng giảm 2,4% về giá trị so với năm 2012. Trong đó: phân Ure là 798 nghìn tấn, tăng mạnh 58,3%; phân NPK: 421 nghìn tấn, tăng 23,5% và phân bón loại khác là 3,54 triệu tấn, giảm nhẹ 0,9% so với năm 2012.

Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc: 2,53 triệu tấn, tăng 18,4% và chiếm 54% tổng lượng phân bón nhập về của cả nước; Nhật Bản: 289 nghìn tấn, giảm 5,4%; Bêlarút: 289 nghìn tấn, giảm 1,3%...và từ một số nước ASEAN: 307 nghìn tấn.

- Tính đến ngày 15/5/2014, tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu gần 1,24 triệu tấn, tăng 3,9%. Trị giá nhập khẩu là 386 triệu USD, giảm 20,4% (do giá nhập khẩu bình quân giảm 23,4%). Trong đó, lượng phân bón ure nhập khẩu trong hơn 4 tháng đầu năm 2014 là 29,576 tấn (tương đương 8,9 triệu USD), giảm 69% về lượng và 72% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013; lượng nhập khẩu phân NPK trong hơn 4 tháng đầu năm 2014 là 41.228 tấn (tương đương 18,5 triệu USD); lượng nhập khẩu phân DAP trong hơn 4 tháng đầu năm 2014 là 276.337 tấn (tương đương 122.672 triệu USD). Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam trong 4 tháng/2014 với 540 nghìn tấn, tăng 19,7% và chiếm 47% tổng lượng phân bón cả nước nhập về; tiếp theo là Nga: 122 nghìn tấn, tăng mạnh 103,4%; Nhật Bản: 125 nghìn tấn, tăng 39%... so với cùng kỳ năm 2013 và nhập từ ASEAN là 44 nghìn tấn.

- Về tình hình sản xuất, tính chung 4 tháng đầu năm, sản xuất được 739 nghìn tấn phân đạm urê, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2013; khoảng 724,2 nghìn tấn phân NPK, giảm 2,8%; khoảng 544,9 nghìn tấn phân lân (của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), tăng 6,7%; khoảng 81,1 nghìn tấn phân bón DAP (của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), giảm 9,3%.

3. Chính sách thuế nhập khẩu hiện hành đối với mặt hàng phân bón

Khung thuế suất thuế nhập khẩu, cam kết WTO, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do trong ASEAN (Atiga), ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Nhật Bản, Việt Nam-Nhật Bản năm 2014 và cam kết cuối cùng đối với mặt hàng phân bón Urê, NPK và DAP như sau:

a) Đối với mặt hàng phân Urê (mã hàng 3102.10.00):

- Khung thuế suất của UBTVQH: 0-7%.

- Theo cam kết WTO thì mặt hàng cam kết ở mức 6,5% và là cam kết cuối cùng;

- Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng urê được điều chỉnh tăng từ 0% lên 3% áp dụng từ 01/01/2014 (Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013).

- Theo Hiệp định ATIGA: năm 2014 là 0% (đây cũng là cam kết cuối cùng trong ATIGA).

- Theo Hiệp định ASEAN-Trung Quốc: Mặt hàng phân bón Urê hiện nay không cam kết cắt giảm thuế quan, mà giữ trong danh mục nhạy cảm. Vì vậy, hiện nay mặt hàng Urê khi nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN, mức MFN hiện hành là 3%).

- Theo Hiệp định ASEAN-Nhật Bản: Mặt hàng phân bón Urê không cam kết cắt giảm thuế quan và được đưa vào danh mục loại trừ. Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN-Nhật Bản áp dụng cho mặt hàng Urê khi nhập khẩu từ Nhật Bản được thực hiện theo mức thuế MFN (mức MFN hiện hành là 3%).

- Theo Hiệp định Việt Nam-Nhật Bản: Mức thuế suất cam kết theo lộ trình như sau:

+ Từ 1/4/2014 đến 31/3/2015 là 4%.

+ Từ 1/4/2015 đến 31/3/2018 là 3%.

+ Từ 1/4/2018 trở đi sẽ giảm dần xuống 0% vào 2024.

b) Đối với mặt hàng phân NPK (mã hàng 3105.20.00):

- Khung thuế suất của UBTVQH: 0-8%.

- Theo cam kết WTO thì mặt hàng cam kết ở mức 6,5% và là mức cam kết cuối cùng;

- Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC là 6%.

- Theo Hiệp định ATIGA: Năm 2014 là 0% (đây cũng là cam kết cuối cùng trong ATIGA).

- Theo Hiệp định ASEAN-Trung Quốc: Mặt hàng phân bón NPK có mức cam kết năm 2014 là 0%. Tuy nhiên theo Hiệp định ASEAN-Trung Quốc thì cam kết 0% đối với mặt hàng phân bón NPK không áp dụng đối với Trung Quốc. Theo đó, mặt hàng phân bón NPK nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng mức thuế suất MFN (mức MFN hiện hành là 6%).

- Theo Hiệp định ASEAN-Nhật Bản; Mặt hàng phân bón NPK không cam kết cắt giảm thuế quan trong Hiệp định ASEAN-Nhật Bản. Theo đó, mức thuế suất áp dụng cho mặt hàng phân bón NPK khi nhập khẩu từ Nhật Bản được thực hiện theo mức thuế suất của MFN (mức MFN hiện hành là 6%).

- Theo Hiệp định Việt Nam-Nhật Bản: Mức thuế suất cam kết theo lộ trình như sau:

+ Từ 1/4/2014 đến 31/3/2016 là 2%.

+ Từ 1/4/2016 đến 31/3/2018 là 1%.

+ Từ 1/4/2018 trở đi cắt giảm xuống 0% vào 2023.

c) Đối với mặt hàng phân DAP (mã hàng 3105.30.00):

- Khung thuế suất của UBTVQH: 0-8%.

- Theo cam kết WTO thì mặt hàng cam kết ở mức 6,5% và là cam kết cuối cùng;

- Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng DAP được điều chỉnh tăng từ 0% lên 3% áp dụng từ 01/01/2014 (Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013).

- Theo Hiệp định ATIGA: năm 2014 là 0% (đây cũng là cam kết cuối cùng trong ATIGA).

- Theo Hiệp định ASEAN-Trung Quốc: Mặt hàng phân bón DAP hiện nay không cam kết cắt giảm thuế quan, mà giữ trong danh mục nhạy cảm. Vì vậy, hiện nay mặt hàng DAP khi nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN, mức MFN hiện hành là 3%).

- Theo Hiệp định ASEAN-Nhật Bản: Mặt hàng phân bón DAP không cam kết cắt giảm thuế quan và được đưa vào danh mục loại trừ. Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN-Nhật Bản áp dụng cho mặt hàng DAP khi nhập khẩu từ Nhật Bản được thực hiện theo mức thuế MFN (mức MFN hiện hành là 3%).

- Theo Hiệp định Việt Nam-Nhật Bản: Mức thuế suất cam kết theo lộ trình như sau:

+ Từ 1/4/2014 đến 31/3/2015 là 4%.

+ Từ 1/4/2015 đến 31/3/2018 là 3%.

+ Từ 1/4/2018 trở đi sẽ giảm dần xuống 0% vào 2024.

4. Ý kiến của Bộ Tài chính:

- Đối với mặt hàng phân ure: Thuế suất của mặt hàng urê được điều chỉnh tăng từ 0% lên 3% áp dụng từ 01/01/2014 (Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013) để khuyến khích sản xuất phân ure. Theo số liệu của TCHQ, lượng phân bón ure nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2014 là 24,958 tấn (tương đương 8,3 triệu USD), giảm 69% về lượng và 72% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu urê từ 0% lên 3% đã góp phần làm cho lượng nhập khẩu Urê giảm. Mặt hàng phân urê trong nước đã sản xuất được, khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước đang dần được cải thiện. Theo thông tin của Tập đoàn Hóa chất: tổng số phân bón tồn kho là 685 nghìn tấn, trong đó, phân ure tồn 138 nghìn tấn, tăng gần 900% so với cùng kỳ năm 2013, vì vậy, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng phân ure từ 3% lên 6% (bằng với mức trần cam kết WTO).

- Đối với mặt hàng phân NPK: Mức thuế nhập khẩu hiện hành là 6%, thấp hơn mức mức trần cam kết WTO (6,5%) tuy nhiên, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành không quy định mức thuế suất lẻ (0,5%). Vì vậy, mức 6% được coi là mức cao nhất theo cam kết WTO. Kiến nghị điều chỉnh tăng thuế suất của mặt hàng này lên 8% là không phù hợp với cam kết WTO.

- Đối với mặt hàng phân DAP: Thuế suất của mặt hàng DAP được điều chỉnh tăng từ 0% lên 3% áp dụng từ 01/01/2014 (Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013) để khuyến khích sản xuất phân DAP. Hiện nay, năng lực sản xuất mặt hàng DAP đã sản xuất được 250.000 tấn/năm. Mặt khác theo số liệu của TCHQ, lượng nhập khẩu phân DAP trong hơn 4 tháng đầu năm 2014 là 276.337 tấn (tương đương 122.672 triệu USD), trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 243.889 tấn (tương đương 106.763 triệu USD). Như vậy, lượng phân bón DAP được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc (nhập khẩu từ Trung Quốc đang thực hiện theo thuế nhập khẩu ưu đãi MFN), theo đó, để khuyến khích sản xuất phân DAP trong nước, đồng thời hạn chế nhập khẩu phân DAP từ Trung Quốc đặc biệt trong tình hình hiện nay, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng phân DAP từ 3% lên 6% (bằng với mức trần cam kết WTO).

Đề nghị quý đơn vị có ý kiến tham gia về nội dung nêu trên và gửi lại Bộ Tài chính trước ngày 22/7/2014.

Trân trọng sự phối hợp công tác của đơn vị.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đồng chí Bộ trưởng (để báo cáo);
- Tổng cục Hải quan;
- Vụ Pháp chế;
- Vụ Hợp tác quốc tế;
- Lưu: VT, CST (PXNK).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Công Nghiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 9457/BTC-CST năm 2014 điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng phân bón do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 9457/BTC-CST
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/07/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Công Nghiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản