Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 912/TCHQ-GSQL
V/v thực hiện Thông tư 01/2014/TT-BCT

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Ngày 15/01/2014, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BCT quy định về việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Campuchia; Để đảm bảo thống nhất thực hiện, ngày 22/01/2014, Tổng cục Hải quan đã tổ chức cuộc họp liên ngành với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ (Vụ I), Bộ Công an (A86 - Tổng cục An ninh), Bộ Công Thương (Cục XNK), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Lâm nghiệp); Trên cơ sở ý kiến tham gia của đại diện các Đơn vị và để kịp thời ngăn chặn việc doanh nghiệp quay vòng sử dụng văn bản xuất khẩu gỗ của Campuchia, Tổng cục Hải quan hướng dẫn về thủ tục hải quan nhập khẩu, TNTX và gửi kho ngoại quan đối với mặt hàng gỗ nguyên liệu có nguồn gốc từ Campuchia như sau:

1. Về thủ tục hải quan:

a) Trách nhiệm Cục Hải quan tỉnh, thành phố:

- Chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu:

+ Đối với các lô gỗ nhập khẩu sau ngày Thông tư 01/2014/TT-BCT nêu trên có hiệu lực, khi doanh nghiệp xuất trình đầy đủ hồ sơ theo quy định, các Chi cục Hải quan căn cứ quy định hiện hành làm thủ tục hải quan.

+ Đối với quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2014/TT-BCT ngày 15/01/2014 của Bộ Công thương: Khi người khai hải quan xuất trình văn bản thông báo ý kiến của Chính phủ Campuchia, Bộ Thương mại hoặc cơ quan có thẩm quyền thuộc Chính phủ Campuchia về việc xuất khẩu gỗ của thương nhân Campuchia (bản dịch có công chứng) để chứng minh việc tuân thủ đúng quy định pháp luật Campuchia thì các Chi cục hải quan thực hiện làm thủ tục theo quy định. Trường hợp có nghi ngờ báo cáo kịp thời về Tổng cục Hải quan (qua Cục GSQL) để hướng dẫn xử lý.

+ Người khai hải quan tự chịu trách nhiệm về tính trung thực của các chứng từ nộp cho cơ quan hải quan.

- Sau khi làm thủ tục nhập khẩu, báo cáo về Tổng cục Hải quan (Cục GSQL): số tờ khai, loại hình nhập khẩu xuất khẩu, tên doanh nghiệp nhập khẩu, tên doanh nghiệp xuất khẩu, tên gỗ, số lượng theo hợp đồng, số lượng thực tế nhập khẩu xuất khẩu, trị giá, kho chứa hàng (trường hợp gửi kho ngoại quan)

b) Trách nhiệm Cục Giám sát quản lý về Hải quan:

- Theo dõi hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu gỗ theo từng loại hình qua các báo cáo của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

- Sau khi nhận được báo cáo nhập khẩu, xuất khẩu gỗ từ các địa phương, có thông báo ngay cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để phối hợp theo dõi lượng gỗ nhập khẩu, xuất khẩu của doanh nghiệp.

- Đầu mối tiếp nhận vướng mắc của địa phương và phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan giải quyết theo đúng quy định.

2. Về giám định xác định chủng loại gỗ:

Cơ quan Hải quan làm thủ tục thông quan theo quy định. Trường hợp có nghi ngờ về tên gọi, chủng loại gỗ thì trưng cầu giám định tại các cơ quan giám định khoa học Cites hoặc tổ chức giám định, kiểm tra chuyên ngành thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước.

3. Về đơn vị đo:

Khi làm thủ tục tạm nhập dùng đơn vị đo nào thì khi làm thủ tục tái xuất sử dụng đơn vị đo đó để kiểm tra, giám sát hàng hóa.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết, thực hiện. Trường hợp có vướng mắc phát sinh thì báo cáo Tổng cục để được hướng dẫn xử lý./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện);
- Bộ Tài chính:
+ BT Đinh Tiến Dũng (để báo cáo);
+ TT Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ: Công an, Công Thương, NN&PTNT (để phối hợp);
- TCT Nguyễn Ngọc Túc (để báo cáo);
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 912/TCHQ-GSQL năm 2014 thực hiện Thông tư 01/2014/TT-BCT do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 912/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/01/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản