Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/LĐLĐ-CSPL
V/v tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể

TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi:

- Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức, quận, huyện;
- Công đoàn ngành, sở, khối, Tổng Công ty và cấp trên tương đương;
- Công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố.

Thực hiện công văn số 3649/TLĐ-QHLĐ ngày 15/02/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Để chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quan hệ lao động, phòng ngừa, tham gia giải quyết hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần ổn định việc làm, đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đời sống, việc làm của người lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 69/KH-LĐLĐ ngày 12/7/2019 của Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công giai đoạn 2019 - 2023, trong đó chú trọng triển khai các giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn, lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp và ngược lại, phát triển doanh nghiệp là cơ sở đế tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của người lao động.

3. Tăng cường chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo vụ việc theo quy định của pháp luật và Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

4. Thiết lập kênh trao đổi thông tin giữa các Chủ tịch công đoàn cơ sở qua mạng Zalo hoặc hình thức phù hợp nhằm kịp thời chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình. Chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, hỗ trợ, tăng cường trao đổi thông về tình hình doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng, chế độ đối người lao động; tổ chức các hoạt động đối thoại, thương lượng và triển khai đồng thời các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể khi cần thiết.

5. Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để xảy ra ngừng việc tập thể kéo dài, lây lan.

6. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố, Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức, quận, huyện rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN lập danh sách đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời xử lý.

7. Phối hợp với các cấp chính quyền, Phòng Lao động - thương binh và Xã hội thành phố Thủ Đức, quận, huyện; Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất và Ban quản lý Khu công nghệ cao rà soát lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra.

8. Định kỳ ngày 20 tây hàng tháng tổng hợp, báo cáo tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công về Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh (qua Ban Chính sách Pháp luật) để tổng hợp báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban QHLĐ TLĐ;
- Ban DVTU “để b/cáo”
- Thường trực LĐLĐ TP “để b/cáo”;
- Lưu VT, CSPL.

TM. BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Chí Tâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 91/LĐLĐ-CSPL năm 2022 về tăng cường thực hiện giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 91/LĐLĐ-CSPL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/02/2022
  • Nơi ban hành: Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phạm Chí Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản