Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9075/BTC-TH | Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2025 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương; |
Thực hiện nhiệm vụ được giao Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/06/2025 về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Bộ Tài chính hướng dẫn việc phê duyệt đầu tư các dự án, nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số vừa và nhỏ tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương như sau:
1. Về các nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên
Đối với các hoạt động xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và thuê dịch vụ công nghệ thông tin (sẵn có, không sẵn có trên thị trường) từ kinh phí chi thường xuyên vốn ngân sách nhà nước thì thực hiện trình tự, thủ tục lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán theo quy định tại Nghị định số 98/2025/NĐ-CP[1] ngày 06/5/2025 của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Đối với các dự án thực hiện chuyển đổi số sử dụng vốn đầu tư công
a) Về phân cấp thẩm quyền trong lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công
Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thể chế hóa, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm thay đổi tư duy và phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ “quản lý” sang “quản lý cho kiến tạo phát triển” và “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” ...
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 9 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công nhằm:
- Tiếp tục phân cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thẩm quyền giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
- Quy định hạn mức để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động đánh giá, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các dự án thực hiện trong kỳ trung hạn tiếp theo, không phải chờ có thông báo dự kiến vốn trung hạn giai đoạn sau, giúp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có thể hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án từ sớm ngay trong giai đoạn trung hạn hiện tại, nhất là các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có cơ chế phê duyệt và triển khai nhanh chóng.
Do đó, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động thực hiện thẩm quyền của mình trong phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, giao kế hoạch đầu tư công hằng năm.
b) Về các bước thiết kế
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 được sửa đổi bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024, cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án lựa chọn, quyết định thiết kế 01 bước hoặc 02 bước[3]. Do đó, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án chủ động lựa chọn, quyết định thực hiện thiết kế 01 bước hoặc thiết kế 02 bước để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hiệu quả quản lý thực hiện dự án theo quy định.
3. Đối với công tác giám sát, hậu kiểm
Sau khi phân bổ dự toán, các bộ, cơ quan trung ương: (1) Gửi hồ sơ, tài liệu đến cơ quan tài chính để kiểm tra phân bổ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 98/2025/NĐ-CP; (2) Quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 98/2025/NĐ-CP và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm toàn diện về hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ, về lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 98/2025/NĐ-CP ngày 06/5/2025 của Chính phủ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân thuộc các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện có vi phạm trong quá trình thực hiện theo quy định tại Nghị định số 98/2025/NĐ-CP ngày 06/5/2025 của Chính phủ.
Trong quá trình triển khai, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ để phối hợp xử lý theo quy định./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2025/NĐ-CP của Chính phủ: “3. Đối với nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; nhiệm vụ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng; nhiệm vụ thuê hàng hóa, dịch vụ và các nhiệm vụ cần thiết khác sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác (nếu có, ngoài quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này): Các cơ quan, đơn vị áp dụng quy định tại Nghị định này về trình tự, thủ tục lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí chi thường xuyên và thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan để tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định”.
[3] Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 10:
“2. Thiết kế 01 bước được áp dụng đối với các dự án mua sắm dự phòng, thay thế các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống thông tin hiện có; mua sắm thiết bị không cần lắp đặt; mua sắm phần mềm thương mại; mua sắm thiết bị phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu không thuộc hoạt động quy định tại khoản 24 Điều 3 Nghị định này, trừ trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư thấy cần thiết và yêu cầu phải thiết kế 02 bước và trừ dự án quan trọng quốc gia.
3. Đối với các dự án đầu tư hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 24 Điều 3 Nghị định này, cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định thiết kế 01 bước hoặc 02 bước bảo đảm hiệu quả quản lý thực hiện dự án, trừ dự án quan trọng quốc gia”.
- 1Quyết định 1169/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh truyền thông thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2060/QĐ-BTC năm 2025 về Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 71/NQ-CP sửa đổi cập nhật Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW
- 3Thông báo 315/TB-VPCP năm 2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp về triển khai Kế hoạch 02-KH/BCĐTW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Văn phòng Chính phủ ban hành
Công văn 9075/BTC-TH năm 2025 phê duyệt đầu tư dự án, nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số vừa và nhỏ do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 9075/BTC-TH
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 24/06/2025
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Đỗ Thành Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/06/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra