Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9050/NHNN-TD
V/v báo cáo tình hình cấp tín dụng đối với các lĩnh vực xanh và đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2017

 

Kính gửi: Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ban hành kèm theo Quyết định 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016; nhằm thu thập thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), NHNN đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng) thực hiện:

1. Tổng hợp báo cáo tình hình cấp tín dụng đối với các lĩnh vực xanh theo Biểu số 01 và Hướng dẫn tại Phụ lục; tình hình đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng theo Biểu số 02 đính kèm Văn bản này.

- Định kỳ hằng Quý, các tổ chức tín dụng gửi báo cáo Biểu số 01, Biểu số 02 bằng văn bản về NHNN (thông qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế).

- Thời điểm bắt đầu thực hiện báo cáo: từ kỳ báo cáo Quý 4/2017.

2. Yêu cầu báo cáo theo Biểu số 01 và Biểu số 02 tại Văn bản này thay thế yêu cầu báo cáo quy định tại mục IV.4 Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Thống đốc NHNN kể từ kỳ báo cáo Quý 4/2017.

3. Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức tín dụng báo cáo kịp thời về NHNN (thông qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) để được xem xét xử lý.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi các tổ chức tín dụng để biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thống đốc NHNN (để b/cáo);
- PTĐ Nguyễn Đồng Tiến (để b/cáo);
- Lưu VP, TD, TD5 (2).
Đính kèm:
- Biểu số 01, 02;
SĐT liên hệ: 02438269905.

TL. THỐNG ĐỐC
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ TÍN DỤNG
CÁC NGÀNH KINH TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Hà Thu Giang

 

Biểu số 01

Tên TCTD ………………..

BÁO CÁO TÌNH HÌNH CẤP TÍN DỤNG ĐỐI VỚI CÁC LĨNH VỰC XANH

(Theo Văn bản số 9050/NHNN-TD ngày 03/11/2017)

Quý....năm……

Đơn vị: tỷ đồng, số khách hàng, %/năm

STT

Lĩnh vực xanh

Doanh số giải ngân trong kỳ báo cáo

Dư nợ tín dụng

Lãi suất

Số khách hàng còn dư nợ đến cuối kỳ báo cáo

Tổng số

Trong đó:

Nợ quá hạn

Ngắn hạn

Trung và dài hạn

Ngắn hạn

Trung và dài hạn

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

1

Nông nghiệp xanh

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Lâm nghiệp bền vững

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Công nghiệp xanh

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục sinh thái và phòng chống thiên tai

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn

 

 

 

 

 

 

 

 

9

Công trình xây dựng xanh

 

 

 

 

 

 

 

 

10

Giao thông bền vững

 

 

 

 

 

 

 

 

11

Cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng

 

 

 

 

 

 

 

 

12

Lĩnh vực xanh khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

…….., ngày ….. tháng ….. năm……

LẬP BẢNG
(Ký, ghi rõ họ tên và số điện thoại liên hệ)

KIỂM SOÁT
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

 

1. Đối tượng áp dụng: Các ngân hàng thương mại, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã Việt Nam, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng).

2. Yêu cầu số liệu báo cáo: Trụ sở chính tổ chức tín dụng tổng hợp số liệu toàn hệ thống gửi NHNN.

3. Định kỳ báo cáo: Quý (các kỳ báo cáo tại các thời điểm 31/3, 30/6, 30/9 và 31/12).

4. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất ngày 20 tháng đầu tiên của kỳ báo cáo tiếp theo.

5. Hình thức gửi báo cáo: Bằng văn bản đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế), đồng gửi bản mềm về địa chỉ td5_vtd@sbv.gov.vn.

6. Hướng dẫn lập báo cáo:

6.1. Hướng dẫn chung:

Các quy định về: (1) Tỷ giá áp dụng để lập báo cáo; (2) Nguyên tắc làm tròn số; (3) Khái niệm “dư nợ tín dụng” thực hiện theo hướng dẫn báo cáo tại quy định hiện hành của NHNN về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

6.2. Hướng dẫn cụ thể:

- Báo cáo tình hình cấp tín dụng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng để đầu tư, phục vụ sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực xanh. Việc phân loại dự án, phương án cấp tín dụng theo lĩnh vực xanh được xác định theo mục đích sử dụng cuối cùng của khoản tín dụng của khách hàng.

- Đối với các giao dịch bằng ngoại tệ, số tiền được quy đổi ra VND theo tỷ giá quy định tại mục 6.1 nêu trên.

- Cột (2): Thống kê các lĩnh vực xanh theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Văn bản này.

- Cột (3): Thống kê tổng số tiền giải ngân tính từ ngày làm việc đầu tiên tháng đầu tiên của kỳ báo cáo đến ngày làm việc cuối cùng tháng cuối cùng của kỳ báo cáo. Đơn vị tính: tỷ VND.

- Cột (4), cột (5), cột (6): Thống kê dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của kỳ báo cáo. Đơn vị tính: tỷ VND. Cột (4) = Cột (5) Cột (6).

- Cột (7): bao gồm toàn bộ dư nợ tín dụng quá hạn tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của kỳ báo cáo. Khái niệm “nợ quá hạn” được sử dụng theo quy định hiện hành của NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.

- Cột (8), cột (9): Thống kê mức lãi suất cho vay bằng VND thấp nhất và cao nhất đối với ngắn hạn, trung và dài hạn (ví dụ: 6-9). Đơn vị tính: %/năm (không ghi dấu “%” bên cạnh số liệu báo cáo).

- Cột (10): Thống kê số khách hàng còn dư nợ tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của kỳ báo cáo. Đơn vị tính: số khách hàng.

 

Biểu số 02

Tên TCTD…………………

BÁO CÁO TÌNH HÌNH ĐÁNH GIÁ RỦI RO MT&XH TRONG HOẠT ĐỘNG CẤP TÍN DỤNG

(Theo Văn bản số 9050/NHNN-TD ngày 03/11/2017)

Quý …….năm……

Đơn vị: Tỷ đồng, số món.

STT

Chỉ tiêu

Cấp tín dụng ngắn hạn

Cấp tín dụng trung, dài hạn

Số món

Số tiền

Số món

Số tiền

1

Các đề nghị cấp tín dụng

 

 

 

 

2

Các đề nghị cấp tín dụng bị từ chối sau khi đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội

 

 

 

 

3

Các đề nghị được phê duyệt cấp tín dụng đã thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội

 

 

 

 

4

Dư nợ cấp tín dụng đã thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội

 

 

 

 

5

Dư nợ cấp tín dụng bị tạm dừng vì có rủi ro về môi trường và xã hội

 

 

 

 

6

Tỷ trọng cấp tín dụng đã thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trên tổng dư cấp tín dụng

 

 

 

 

Ngày ….. tháng ….. năm……

LẬP BẢNG
(Ký, ghi rõ họ tên và số điện thoại liên hệ)

KIỂM SOÁT
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

 

1. Đối tượng áp dụng: Các ngân hàng thương mại, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã Việt Nam, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng).

2. Yêu cầu số liệu báo cáo: Trụ sở chính tổ chức tín dụng tổng hợp số liệu toàn hệ thống gửi NHNN.

3. Định kỳ báo cáo: Quý (các kỳ báo cáo tại các thời điểm 31/3, 30/6, 30/9 và 31/12).

4. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất ngày 20 tháng đầu tiên của kỳ báo cáo tiếp theo.

5. Hình thức gửi báo cáo: Bằng văn bản đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế), đồng gửi bản mềm về địa chỉ td4_vtd@sbv.gov.vn.

 

PHỤ LỤC

HƯỚNG DẪN THỐNG KÊ CÁC LĨNH VỰC XANH
(Theo Văn bản số 9050/NHNN-TD ngày 03/11/2017)

Theo Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế; từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Theo Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), nền kinh tế xanh là nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái (2011). OECD định nghĩa “kinh tế xanh” là nền kinh tế tạo ra, phân phối sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo, giao thông và nhiên liệu sạch và công trình xanh, giảm mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nước thông qua chiến lược hiệu quả năng lượng và tài nguyên và chuyển đổi từ các cấu phần các-bon sang không các-bon.

Căn cứ các mục tiêu, giải pháp của Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ban hành kèm theo Quyết định 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ban hành kèm theo Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014; trên cơ sở tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành liên quan; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thống kê các dự án, phương án xanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu là các dự án, phương án thuộc các lĩnh vực sau (sau đây gọi chung là các lĩnh vực xanh):

1. Nông nghiệp xanh: (1) các dự án, phương án sản xuất nông nghiệp hiện đại theo hướng hội nhập như xây dựng năng lực gây giống thương mại hóa, xây dựng năng lực cung cấp giống cho sản xuất (mạng lưới ươm giống, phân phối, vận chuyển, làm đất, mua sắm thiết bị cơ giới hóa, xây dựng đồng bộ các khâu làm khô, lựa chọn, gia công chế biến, cất trữ, kiểm tra giống); (2) các dự án, phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và (3) các dự án, phương án sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm phát thải khí nhà kính (nông nghiệp các bon thấp), thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu thông qua áp dụng công nghệ, quy trình sử dụng tiết kiệm hiệu quả giống, thức ăn, vật tư, tài nguyên (đất, nước,...) trong sản xuất nông nghiệp.

2. Lâm nghiệp bền vững: là các dự án phát triển trồng rừng và tái trồng rừng, trồng rừng kinh tế, bảo tồn rừng chủ yếu liên quan đến việc đầu tư và phát triển các loại giống cây trồng lâm nghiệp, kinh doanh nuôi trồng chăm sóc rừng và các dự án phát triển trồng trọt, chăn nuôi trong rừng với cơ sở là tài nguyên rừng và môi trường sinh thái rừng; lĩnh vực này còn bao gồm cả các dự án, phương án phát triển kinh tế du lịch sinh thái rừng bền vững, có hiệu quả cao.

3. Công nghiệp xanh: là các dự án, phương án tiết kiệm tài nguyên (năng lượng, nước,...), giảm thiểu phát thải thải, tận dụng khí và nhiệt thừa trong sản xuất công nghiệp; các giải pháp, công trình tổng hợp để cải thiện môi trường (làm việc, khuôn viên, xung quanh) trong sản xuất công nghiệp.

4. Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch: (1) là các dự án, phương án đầu tư xây dựng và vận hành các cơ sở vật chất/trang thiết bị sản xuất hoặc sản xuất thiết bị, linh kiện phục vụ sản xuất/tiêu dùng các dạng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, thủy điện nhỏ, các dạng năng lượng mới, năng lượng sạch khác; (2) lĩnh vực này còn bao gồm cả các dự án, phương án điện thông minh, là các dự án điện tập hợp nguồn năng lượng mới, nguyên liệu mới, thiết bị mới và công nghệ thông tin tiên tiến, kỹ thuật kiểm soát, dự trữ năng lượng, nhằm thực hiện quản lý số hóa, quyết sách thông minh và giao dịch linh động trong quá trình phát điện, tải điện, phối hợp, sử dụng và dự trữ điện năng; tối ưu hóa việc phân phối nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu điện năng đa dạng của các hộ dân, đảm bảo an toàn, tin cậy và kinh tế trong cung ứng điện, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường điện.

5. Tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên: là các dự án, phương án tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản; tái chế, tái sử dụng tổng hợp các chất thải rắn thông thường; tái chế, tái sử dụng chất thải trong xây dựng và làm đường; tái chế, tái sử dụng tài nguyên từ rác; tái chế, tái sử dụng các vật liệu tháo dỡ và chế tạo; tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, phế thải trong nông nghiệp, lâm nghiệp; tái sử dụng tài nguyên tái sinh.

6. Xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm: là các dự án, phương án xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm như xử lý nước thải, rác thải, bùn, xử lý chất thải nguy hại và ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước,...

7. Bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục sinh thái và phòng chống thiên tai: là các dự án, phương án xây dựng các khu bảo vệ môi trường tự nhiên (rừng, biển, động thực vật hoang dã, nước ngọt, sa mạc, thảo nguyên), khôi phục sinh thái (biển, vùng ngập mặn,...), các công trình ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu (như bảo vệ và khôi phục nguồn nước ngầm, hệ thống sinh thái nước phòng chống và ứng phó với hạn hán thiên tai, công trình phòng chống bão lụt, gia cố đê điều, công trình xử lý tổng hợp chống xói mòn đất....).

8. Quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn: (1) chỉ các dự án, phương án tiết kiệm nước ở thành phố như cải tạo hệ thống cấp nước sinh hoạt ở thành phố nhằm giảm tỷ lệ thất thoát nước, sử dụng tổng hợp nguồn nước và sử dụng bền vững nước tái chế hoặc nước mưa và các dự án tiết kiệm nước khác ở thành phố; (2) các dự án, phương án xây dựng nhằm giải quyết vấn đề an toàn nguồn nước sinh hoạt tại nông thôn; (3) các dự án, phương án xây dựng hạ tầng thủy lợi dành cho sản xuất nông nghiệp (như hồ điều hòa, trạm bơm tiêu, kênh thủy lợi, công trình kiến trúc đường ống dẫn nước,...).

9. Công trình xây dựng xanh: là các dự án, phương án (1) xây dựng và cải tạo mới công trình dân dụng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên thiên nhiên khác; (2) sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và nước.

10. Giao thông bền vững: (1) chỉ các dự án, phương án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bền vững như đầu tư, nâng cấp các hệ thống, mạng lưới giao thông (tải thủy, cao tốc, đường sắt) tiết kiệm năng lượng, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống giao thông thông minh, có tính kết nối cao (như xây dựng và lắp đặt, cải tạo hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh trong đô thị; phát triển hệ thống kết nối bằng xe buýt, xe điện trung chuyển giữa các cảng vụ, nhà ga, bến bãi bằng các loại hình vận tải công cộng thông minh; xây dựng và vận hành hệ thống giao thông có tính kết nối liên vùng, liên quốc gia cao); (2) các dự án, phương án đầu tư vào các phương tiện vận tải ít phát thải, tiết kiệm nhiên liệu; ứng dụng công nghệ mới, năng lượng mới, năng lượng/nhiên liệu sạch trong giao thông vận tải.

11. Cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên: (1) chỉ các dự án, phương án đầu tư vào các dịch vụ tư vấn về thử nghiệm, nhân rộng ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng; thiết kế kiến trúc và công nghệ tiết kiệm năng lượng; cung cấp dịch vụ tư vấn về đánh giá tiết kiệm, hiệu quả năng lượng,…; (2) dịch vụ điều tra và đánh giá rủi ro môi trường ở khu vực bị ô nhiễm; vận hành và duy trì cơ sở, thiết bị tư vấn, đánh giá an ninh môi trường; đào tạo nhân viên điều tra môi trường; dịch vụ đánh giá hiệu quả sinh thái; dịch vụ dự báo và đánh giá hiệu quả xử lý ô nhiễm;....

12. Các lĩnh vực xanh khác: chỉ các lĩnh vực xanh khác theo đánh giá của tổ chức tín dụng, không thuộc 11 lĩnh vực xanh nêu trên. Trong trường hợp này, tổ chức tín dụng liệt kê rõ tên từng lĩnh vực xanh (hoặc mục đích sử dụng của khoản vay) và bổ sung nội dung ghi chú vào báo cáo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Văn bản này.

Ví dụ tham khảo thống kê các lĩnh vực xanh:

Ngành/lĩnh vực xanh

Cụ thể tiêu chí

Ví dụ tham khảo

Tham chiếu

1. Nông nghiệp xanh

Sản xuất nông nghiệp hiện đại theo hướng hội nhập

Dự án thí nghiệm giống cây trồng và nghiên cứu tạo giống cây tốt.

Cơ sở nuôi, gây giống cây trồng phục vụ thương mại hóa.

Dự án xây dựng hệ thống chuỗi siêu thị hoặc mạng lưới bán lẻ giống cây trồng tại nông thôn.

Dự án xây dựng mạng lưới tiêu thụ giống cây trồng.

Dự án nâng cấp chất lượng giống cây trồng lương thực.

Dự án lai tạo giống gia cầm, gia súc năng suất cao.

- Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

- Quyết định số 738/QĐ-BNN- KHCN ngày 14/3/2017 của. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

- Quyết định số 379/QĐ-BNN- KHCN ngày 28/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn.

- Quyết định số 3824/QĐ-BNN- TCTS ngày 06/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam.

- Quyết định số 4653/QĐ-BNN- CN ngày 10/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAPHP).

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN11041:2015 về Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ.

- Tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam (Hệ thống đảm bảo chất lượng cùng tham gia).

- Thông tư số 48/2013/TT- BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.

- Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Thông tư số 50/2011/TT- BNNPTNT ngày 15/7/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Thông tư số 48/2012/TT- BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

- Luật số 50/2010/QH12 ngày 17/6/2010 về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015 quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

- Thông tư số 19/2013/TT- BNNPTNT ngày 15/03/2013 hướng dẫn biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

- Quyết định số 819/QĐ-BNN- KHCN ngày 14/3/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 3119/QĐ-BNN- KHCN ngày 16/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Dự án đầu tư thực hiện trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập khu.

Dự án trong Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định công nhận Vùng.

Dự án của doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác:

Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp như:

- Công nghệ lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử để tạo ra các giống cây, con mới có các đặc tính ưu việt (năng suất cao hơn, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu);

- Công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp và môi trường: phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng, chế phẩm xử lý môi trường;

- Công nghệ sinh học trong giám định, chẩn đoán bệnh hại cây trồng, vật nuôi; công nghệ sản xuất và ứng dụng các bộ KIT chẩn đoán nhanh bệnh hại cây trồng và vật nuôi; thuốc thử, que thử, đoạn mồi, kháng thể;

- Công nghệ nhân giống bằng vật nuôi cấy tế bào, đột biến phóng xạ;

- Công nghệ tế bào động vật trong đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử, phân biệt giới tính, thụ tinh ống nghiệm sản xuất giống vật nuôi;

- Công nghệ vi sinh, enzym và protein ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm sinh học dùng trong dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng, vật nuôi;

- Công nghệ sinh học, công nghệ viễn thám trong quản lý và phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng nông lâm nghiệp;

- Công nghệ sản xuất vắc - xin thú y để phòng bệnh cho vật nuôi;

- Công nghệ sinh học phân tử và miễn dịch học, vi sinh vật học trong phòng, trị một số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với thủy sản.

Dự án ứng dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản như:

- Ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất: thủy canh, khí canh, trồng cây trên giá thể, màng dinh dưỡng;

- Ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động;

- Ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động;

- Ứng dụng công nghệ chiếu xạ, công nghệ xử lý hơi nước nóng, công nghệ xử lý nước nóng, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản;

- Ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và chế biến nông sản: công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát; công nghệ bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất hấp thụ etylen để bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ tạo màng trong bảo quản rau, quả, thịt, trứng; công nghệ lên men, công nghệ chế biến sâu, công nghệ sinh học và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học và các chất màu, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản;

- Ứng dụng công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản an toàn theo VietGAP;

- Ứng dụng công nghệ nuôi thâm canh, nuôi siêu thâm canh thủy sản;

- Ứng dụng công nghệ xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Dự án ứng dụng công nghệ tự động hóa trong nông nghiệp như:

- Công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nông sản;

- Công nghệ tự động hóa trong tưới tiêu, kết hợp dinh dưỡng trong canh tác cây trồng quy mô hàng hóa;

- Công nghệ tự động hóa, bán tự động trong quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, thâm canh nuôi trồng thủy sản, trồng trọt;

- Công nghệ tự động, bán tự động trong đánh bắt hải sản.

Dự án ứng dụng công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp như:

- Công nghệ nano trong sản xuất các chế phẩm nano như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm dinh dưỡng cho cây trồng vật nuôi;

- Công nghệ sản xuất giá thể, vật tư nông nghiệp, chất bảo quản, màng bao quả, màng phủ nông nghiệp, vật liệu phụ trợ cho hệ thống nhà màng, hệ thống nhà kính, hệ thống tưới;

- Công nghệ biến tính gỗ, công nghệ sấy sinh thái, công nghệ ngâm, tẩm để bảo quản gỗ; công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm bảo quản, chế phẩm chống mối, mọt thế hệ mới cho sản phẩm gỗ; công nghệ sản xuất các màng phủ thân thiện với môi trường cho sản phẩm gỗ;

- Công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa nhằm tiết kiệm nguyên liệu, thời gian và nâng cao hiệu quả sử dụng gỗ;

- Công nghệ dự báo, tích trữ và khai thác nguồn nước; công nghệ thu trữ nước để cung cấp nước ổn định, hiệu quả phục vụ đa mục tiêu;

- Công nghệ thi công công trình thủy lợi; công nghệ lọc và cấp nước ngọt cho các vùng đất nhiễm mặn, ven biển, hải đảo;

- Công nghệ vật liệu mới, giải pháp kết cấu mới, thiết bị mới phục vụ thi công công trình thủy lợi;

- Công nghệ xử lý nước thải và vệ sinh môi trường nông thôn;

- Công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý, điều hành công trình thủy lợi, khai thác nguồn lợi hải sản, vùng nuôi trồng thủy sản, giám sát và đánh giá mùa màng.

Nông nghiệp sạch

Dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.

Dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Dự án của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Thông tư số 50/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/7/2011 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận VietGAP theo Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương (vietGAP, GlobalGAP, ASC, IMC,...).

Nông nghiệp hữu cơ

Dự án trồng trọt hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia về hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ (TCVN 11041:2015) hoặc tiêu chuẩn hữu cơ khác được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam công nhận (PGS Việt Nam,...).

Dự án chăn nuôi hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia về hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ (TCVN 11041:2015) hoặc tiêu chuẩn hữu cơ khác được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam công nhận (PGS Việt Nam,...).

Dự án chế biến nông sản hữu cơ.

Nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính (nông nghiệp các bon thấp), thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu

Áp dụng công nghệ, quy trình sử dụng tiết kiệm hiệu quả giống, thức ăn, vật tư, tài nguyên (đất, nước....) trong sản xuất nông nghiệp.

Phổ biến rộng rãi công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp tạo ra thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm nguyên liệu công nghiệp, biogas, phân bón hữu cơ,...

2. Lâm nghiệp bền vững

Đầu tư, phát triển các loại giống cây trồng lâm nghiệp

Dự án kinh doanh gây giống, ươm trồng giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao.

Dự án phát triển ươm trồng giống cây lâm nghiệp tập trung.

Dự án xây dựng cơ sở ươm trồng giống cây lâm nghiệp.

Dự án phát triển các cơ sở ươm trồng, lai tạo, cung cấp các giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao phù hợp cho các loại rừng tại địa phương.

Dự án phát triển các cơ sở ươm trồng, lai tạo, cung cấp các giống cây công nghiệp có sinh khối lớn và giá trị kinh tế cao phù hợp cho các loại đất lâm nghiệp tại các địa phương.

Dự án phát triển các mô hình ươm trồng, lai tạo, cung cấp các giống cây ngập mặn phù hợp cho các loại rừng tại các địa phương.

- Luật số 29/2004/QH11 ngày 03/12/2004 về bảo vệ và phát triển rừng.

- Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

- Quyết định số 08/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020.

- Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp”.

- Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.

- Luật số 50/2010/QH12 ngày 17/6/2010 về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015 quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

- Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT ngày 15/03/2013 hướng dẫn biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

- Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN ngày 27/12/2007 ban hanh Quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp và dịch vụ rừng

Dự án xây dựng và vận hành các cơ sở khai thác và chế biến lâm sản từ gỗ của rừng trồng được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững thay cho gỗ từ rừng tự nhiên.

Dự án xây dựng và vận hành các cơ sở khai thác và chế biến lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao (sâm Ngọc Linh, thảo quả, Mắc ca,...).

Dự án phát triển các doanh nghiệp đổi mới và đổi mới công nghệ chế tạo các sản phẩm đồ gỗ gia dụng sử dụng từ dăm gỗ thay cho gỗ tấm.

Dự án phát triển các hoạt động dán nhãn sản phẩm đồ gỗ có nguồn gốc (cac-bon footprint).

Dự án phát triển sản xuất, kết hợp trồng trọt và chăn nuôi trong môi trường sinh thái rừng.

Phát triển kinh tế du lịch sinh thái rừng

Dự án phát triển lâm nghiệp sinh thái hiệu quả cao

Dự án phát triển các loại hình du lịch sinh thái rừng phù hợp với từng loại rừng tại các địa phương.

Dự án xây dựng vành đai rừng sinh thái.

Bảo tồn và phát triển rừng

Dự án trồng rừng

Dự án cải tạo đất rừng

Dự án cải tạo đất rừng từ hiệu quả thấp thành hiệu quả cao

Dự án bảo tồn và quản lý các khu rừng nhập mặn theo cơ chế đồng lợi ích.

Dự án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

3. Công nghiệp xanh

Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp

Dự án cải tạo công nghệ cho dây chuyền sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng.

Dự án cải tạo công nghệ giảm tiêu hao năng lượng.

Dự án cải tạo tổng hợp tăng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải.

Dự án cải tạo nâng cấp sử dụng lò đốt hiệu suất cao thay thế lò đốt hiệu suất thấp.

- Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

- Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”.

- Luật số 50/2010/QH12 ngày 17/6/2010 về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015 quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

- Thông tư số 02/2014/TT-BCT ngày 16/01/2014 của Bộ Công thương quy định các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các ngành công nghiệp.

- Quyết định số 13443/QĐ-BCT ngày 08/12/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành công thương giai đoạn 2015 - 2020.

- Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Giảm thiểu phát thải trong sản xuất công nghiệp

Dự án cải tạo tách lưu huỳnh ở nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, nhà máy xi măng.

Dự án tách lưu huỳnh trong khói thải của lò hơi.

Dự án cải tạo lọc bụi ở nhà máy điện, nhà máy thép, nhà máy xi măng.

Dự án cải tạo công nghệ lọc bụi tại khu nhà xưởng.

Tận dụng dư nhiệt, dư áp

Dự án tận dụng dư nhiệt từ phát điện.

Dự án cấp nhiệt tận dụng dư nhiệt công nghiệp.

Dự án phát điện tận dụng dư nhiệt của lò đốt, lò nung, lò hơi.

Dự án phát điện tận dụng dư nhiệt trong quá trình sản xuất xi măng.

Dự án phát điện từ dư nhiệt luyện thép.

Giải pháp tổng hợp để cải thiện môi trường trong sản xuất công nghiệp

Dự án cải tạo hệ thống, thiết bị bảo vệ môi trường đồng bộ.

Dự án cải tạo, xây dựng khu làm việc, nhà xưởng đảm bảo an toàn lao động, hợp vệ sinh.

Dự án cải tạo, xây dựng khuôn viên các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất,...xanh, sạch, cải thiện môi trường xung quanh.

Dự án cải tạo tổng hợp môi trường công nghiệp.

4. Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Năng lượng gió

Dự án nhà máy/trang trại sản xuất năng lượng/điện gió

Dự án sản xuất các thiết bị, linh kiện phục vụ sản xuất/tiêu dùng năng lượng/điện gió.

- Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).

- Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

- Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/06/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

- Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

- Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.

- Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

- Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện.

Năng lượng mặt trời

Dự án nhà máy/trang trại sản xuất năng lượng/điện mặt trời

Dự án sản xuất các thiết bị, linh kiện phục vụ sản xuất/tiêu dùng năng lượng/điện mặt trời.

Dự án đầu tư, xây dựng công trình điện mặt trời sử dụng cho hộ gia đình.

Dự án sản xuất thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời với quy mô và công nghệ phù hợp với Việt Nam.

Năng lượng sinh khối

Dự án xây dựng và vận hành nhà máy năng lượng sinh khối.

Dự án xây dựng và vận hành nhà máy chế tạo các thiết bị phục vụ cho nhà máy phát điện sinh khối.

Dự án kết hợp tổng hợp giữa nhà máy chế biến nông lâm sản và tái sử dụng các phụ phẩm để tạo ra năng lượng sinh khối.

Dự án kết hợp tổng hợp giữa nhà máy mía đường và tái sử dụng bã mía để tạo ra năng lượng sinh khối.

Dự án đầu tư vùng nguyên liệu cung cấp các phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp và các loại cây trồng khác có thể sử dụng làm nhiên liệu cho sản xuất điện sinh khối như gỗ tạp, bã mía, trấu, rơm rạ,...

Thủy điện nhỏ

Dự án quản lý quy hoạch và hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án thủy điện nhỏ

Dự án vận hành và khai thác dự án thủy điện nhỏ.

Năng lượng mới, năng lượng sạch khác

Xây dựng và vận hành nhà máy điện địa nhiệt, bơm địa nhiệt, sản xuất điện trực tiếp từ nước (phân tách phân tử nước, dòng hải lưu).

Xây dựng và vận hành nhà máy chế tạo các thiết bị phục vụ cho nhà máy phát điện từ các dạng năng lượng tái tạo khác.

Xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất năng lượng/điện từ rác thải; xây dựng và vận hành nhà máy chế tạo máy phát tạo ra điện từ rác, chế tạo các thiết bị phục vụ cho nhà máy điện từ rác.

Dự án phát điện từ khí thiên nhiên.

Lưới điện thông minh

Dự án xây dựng và vận hành hệ thống lưới điện thông minh.

5. Tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên

Tái sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản

Dự án tận dụng nguồn dầu cặn.

Dự án tận dụng tổng hợp nguồn magie, natri.

Dự án tận dụng quặng vụn, thừa.

Dự án tận dụng tài nguyên đồng.

Dự án tận dụng than bùn.

- Luật số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014 về bảo vệ môi trường.

- Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu.

- Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

- Quyết định số 76/QĐ-CP ngày 11/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

- Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Tái chế, tái sử dụng chất thải rắn thông thường

Dự án sản xuất bột khoáng từ cặn nước.

Dự án thu hồi tận dụng chất thải từ khoáng phốt pho.

Dự án tận dụng xi than để sản xuất gạch nén.

Dự án công trình tận dụng tổng hợp công nghiệp hóa chất phốt pho và bã thạch cao.

Tái chế, tái sử dụng chất thải trong xây dựng và làm đường

Dự án sản xuất hỗn hợp từ nhựa đường tái sinh.

Dự án tận dụng tài nguyên từ rác thải xây dựng.

Tái chế, tái sử dụng tài nguyên rác

Dự án thu hồi và tận dụng rác thải; tái chế tái sử dụng rác thải..

Tái chế, tái sử dụng vật liệu tháo dỡ và chế tạo

Dự án tận dụng kim loại từ việc tháo dỡ thiết bị điện.

Dự án tận dụng dây điện, cáp điện phế liệu.

Dự án tận dụng điện cơ phế liệu.

Dự án tái chế phụ tùng ô tô.

Dự án tái chế máy công trình.

Dự án tái chế động cơ điện và linh phụ kiện.

Dự án tái chế thiết bị máy móc văn phòng.

Dự án tái chế phụ tùng máy móc dùng trong ngành luyện kim.

Tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, phế thải trong nông nghiệp, lâm nghiệp

Dự án tái chế rơm rạ, vụn gỗ dùng để sản xuất đồ dùng.

Dự án chế biến tận dụng nguồn củi vụn trong lâm nghiệp.

Dự án sản xuất than hoạt tính từ tro củi phế liệu.

Dự án tận dụng phân trong chăn nuôi sản xuất phân bón và khí metan.

Tái sử dụng tài nguyên tái sinh

Dự án sản xuất sợi nylon từ chai nhựa polyester.

Dự án tận dụng giấy phế liệu.

Dự án chế tạo cao su tái sinh.

Dự án tái chế nhựa, túi nylon.

Dự án thu hồi và tận dụng chai thủy tinh và mảnh thủy tinh.

Khác

Dự án tận dụng rác thải trong công nghiệp.

Dự án tận dụng nguồn dầu nặng, chua.

Dự án tận dụng phế thải công nghiệp.

Dự án tận dụng khí metan từ chôn lấp rác.

6. Xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm

Xử lý nước thải

Dự án xây dựng và vận hành cơ sở thu gom, xử lý nước thải.

Dự án xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học; cơ học; hóa học.

Dự án xây dựng, cải tạo, mở rộng và xử lý và hệ thống ống trong xử lý nước thải.

Dự án trạm xử lý nước thải sinh hoạt.

Dự án xử lý nước thải công nghiệp.

Dự án công trình xử lý nước thải tổng hợp.

Dự án nâng cấp trạm xử lý nước thải.

Dự án công trình mương máng tập trung nước thải.

- Luật số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014 về bảo vệ môi trường.

- Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

- Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 về thoát nước và xử lý nước thải.

- Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

- Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

- Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

- Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Xử lý rác thải

Dự án xây dựng và vận hành cơ sở thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp.

Dự án xử lý chất thải rắn nguy hại.

Dự án xây dựng bãi xử lý chất thải rắn.

Dự án đầu tư các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (chế biến phân hữu cơ, đốt, chôn lấp hợp vệ sinh,...) phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy xử lý rác thải.

Dự án xử lý phế liệu, rác thải y tế.

Dự án nhà máy xử lý bùn thải.

Dự án xây dựng công trình xử lý chất thải tập trung trong công nghiệp.

Phòng chống ô nhiễm

Dự án xây dựng công trình xử lý và ngăn chặn ô nhiễm các dòng chảy.

Dự án đầu tư công nghệ cải thiện chất lượng môi trường nước.

Dự án xây dựng các công trình nạo vét và phòng chống ô nhiễm.

Dự án xử lý những nguồn gây ô nhiễm khuếch tán ở nông thôn.

Dự án giảm thiểu và phòng chống ô nhiễm không khí (bụi, khí).

Dự án xử lý khí thải công nghiệp.

Dự án xử lý tổng hợp ô nhiễm trong doanh nghiệp.

7. Bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục sinh thái và phòng chống thiên tai

Bảo vệ môi trường tự nhiên

Dự án xây dựng khu cứu hộ, nuôi dưỡng động vật hoang dã tập trung.

Dự án xây dựng các công trình bảo vệ vùng đất ngập nước; phát triển các loại hình kinh tế dựa vào cộng đồng để bảo vệ các khu vực đất ngập nước; khai thác và sử dụng nguồn than bùn bền vững tại các khu vực đất ngập nước có bể than bùn; quản lý và ngăn chặn các hoạt động gây cháy khu vực đất ngập nước có bể than bùn.

Dự án công trình sinh thái vùng đất ngập nước.

Dự án công trình sinh thái vùng đất ngập mặn.

Dự án bảo vệ tổng hợp các khu Ramsar.

- Luật số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008 về đa dạng sinh học.

- Luật số 29/2004/QH11 ngày 03/12/2004 về bảo vệ và phát triển rừng.

- Luật số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012 về tài nguyên nước.

- Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

- Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học.

- Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.

- Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 07/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 06/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN ngày 27/12/2007 ban hành Quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

Khôi phục sinh thái

Dự án khôi phục sinh thái vùng đất ngập nước.

Dự án khôi phục, bảo vệ sinh thái.

Dự án cải tạo tổng hợp môi trường vùng đất ngập nước.

Dự án công trình cải tạo sa mạc.

Dự án khôi phục hệ sinh thái vùng đất ngập mặn.

Dự án xây dựng môi trường sinh thái cải tạo đất canh tác thành đất rừng.

Phòng chống thiên tai

Các công trình phòng, chống bão lụt.

Các công trình sinh thái thủy lợi chống lũ lụt.

Dự án chống hạn, bảo vệ nguồn nước.

Dự án gia cố đê điều.

Dự án công trình xử lý tổng hợp chống xói mòn đất.

8. Quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn

Quản lý nước bền vững tại thành phố

Dự án cải tạo hệ thống cấp nước sinh hoạt ở thành phố nhằm giảm tỷ lệ thất thoát nước, rò rỉ nước.

Dự án xây dựng và cải tạo hệ thống cấp nước sinh hoạt tại thành phố đảm bảo hợp vệ sinh, cấp nước hiệu quả cho các hộ dân.

Dự án đầu tư hệ thống thu thập, xử lý và tái sử dụng nguồn nước mưa tại khu vực đô thị.

Công trình tái sử dụng nước thải sinh hoạt đã qua xử lý.

Dự án tiết kiệm nước khác.

- Luật số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012 về tài nguyên nước.

- Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015 quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

- Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Chiến lược Phát triển thủy lợi Việt Nam.

- Quyết định 2147/QĐ-TTg ngày 24/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến 2025.

- Quyết định 2502/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Quản lý nước bền vững tại nông thôn

Các chương trình, dự án nước sạch nông thôn.

Xây dựng hệ thống cấp nước cho sinh hoạt tại khu vực nông thôn.

Xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi dành cho sản xuất nông nghiệp

Công trình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Công trình hệ thống tưới tiêu.

Xử lý, nạo vét sông hồ, kênh rạch ở nông thôn đảm bảo cấp nước cho trồng trọt.

Dự án công trình xử lý nước tưới tiêu thủy lợi.

Công trình cung cấp và dẫn nước tưới tiêu.

9. Công trình xây dựng xanh

Xây dựng, cải tạo các công trình dân dụng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, nước, tài nguyên

Dự án xây dựng tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

Thiết kế tòa nhà thông minh, tận dụng ánh sáng và khí tự nhiên, giảm mức tiêu hao điện năng, nước và tài nguyên khác.

Xây dựng và quản lý các công trình xanh trong thành phố (công viên, vườn hoa, quảng trường,...).

Dự án đầu tư phát triển hệ thống cây xanh điều hòa khí hậu đô thị (nghiên cứu, ươm trồng và cung cấp các loại cây xanh đô thị phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam; cung cấp máy công cụ và dịch vụ duy trì, bảo tồn cây xanh đô thị).

- Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 26/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 - 2020.

- Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

- Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

- Thông tư số 15/2013/TT-BXD ngày 26/9/2013 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD).

- Các hệ thống chứng chỉ, chứng nhận công trình xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng như: Hệ thống chứng chỉ thiết kế tối ưu nâng cao hiệu quả công trình-EDGE của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC); hệ thống chứng nhận công trình xanh của LOTUS của Hội đồng công trình xanh Việt Nam; hệ thống LEED của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ; hệ thống Green Mark của Singapore và các chứng chỉ quốc tế khác được đánh giá, cấp chứng nhận cho các công trình xây dựng ở Việt Nam.

Sản xuất, quản lý vật liệu xây dựng bền vững, thân thiện với môi trường

Sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng như Panel và lá năng lượng mặt trời, vật liệu cách nhiệt sinh thái như gạch khối bê tông, vật liệu cách nhiệt xốp cứng polyurethane, đèn tiết kiệm năng lượng, sơn sinh thái thân thiện với hàm lượng VOC thấp, ngói đất sét.

Đổi mới và hiện đại hóa cơ sở chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.

Loại bỏ công nghệ dùng lò nung vôi, tôi vôi lộ thiên.

Sử dụng chất thải tro xỉ các nhà máy nhiệt điện than cho sản xuất vật liệu xây dựng nhằm giảm diện tích bãi thải cho các dự án nhà máy nhiệt điện bảo đảm theo đúng quy định.

Trong sản xuất xi măng: các dự án đầu tư công nghệ tái chế nhiệt thải, cải tạo tăng công suất quạt hút, cải tạo hệ thống thiết bị tách bụi, điều chỉnh đủ lượng không khí cấp vào lò, bố trí cửa cấp gió thông lò, xây dựng kho có bao che để chứa nguyên liệu, tận dụng tiềm năng nhiệt khói lò để sấy sơ bộ nguyên liệu, sử dụng phế thải của ngành luyện kim ít độc hại...

Đối với ngành sản xuất gạch nung: các dự án đầu tư cải tạo lắp hệ thống hút xử lý bụi tại khu phơi, cải tạo đường ống thu hồi nhiệt lò nung cấp cho lò sấy, lắp đặt hệ thống khử bụi, dùng quạt thổi ngược ở đầu lò ra gạch để thu hồi nhiệt, giảm nhiệt độ và bụi gạch ra lò...

10. Giao thông bền vững

Phát triển hạ tầng giao thông bền vững

Đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, mạng lưới giao thông (đường thủy, cao tốc, đường sắt) tiết kiệm năng lượng.

Dự án xây dựng, cải tạo công trình giao thông có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Xây dựng và lắp đặt, cải tạo hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh trong đô thị.

Xây dựng và lắp đặt các hệ thống đèn đường thông minh sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời.

Phát triển hệ thống kết nối bằng xe buýt, xe điện trung chuyển giữa các cảng vụ, bến bãi bằng các loại hình vận tải công cộng thông minh.

Xây dựng và vận hành hệ thống giao thông có tính kết nối (liên vùng, liên quốc gia).

Dự án lắp đặt hệ thống đèn đường LED.

Dự án tiết kiệm nước, năng lượng ở khu dịch vụ, bến xe

- Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Thông tư số 64/2011/TT-BGTVT ngày 26/12/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải.

- Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2013 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Giảm phát thải của các phương tiện giao thông

Đầu tư, sản xuất và sử dụng các phương tiện giao thông vận tải công cộng; các loại hình vận tải sử dụng nhiên liệu ít phát thải (hàng không, tàu điện...).

Sử dụng nhiên liệu sạch (khí dầu mỏ hóa lỏng, khí tự nhiên nén,...) trong vận hành các phương tiện giao thông.

Đầu tư ứng dụng năng lượng mới cho các phương tiện giao thông vận tải bằng đường bộ: phương tiện sử dụng điện, hydro, xăng sinh học (E5, E10), diesel sinh học (B5),...

Đầu tư các công nghệ mới, hiện đại nhằm giảm phát thải, lọc khí thải,...của các phương tiện giao thông.

Cải tạo thay mới xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa lỏng khí tự nhiên (LNG) và khí gas thiên nhiên (CNG).

Dự án mua sắm thay mới xe buýt sử dụng năng lượng mới.

11. Cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên

Cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng

Dự án của các doanh nghiệp Esco.

Dịch vụ tư vấn về thử nghiệm, nhân rộng ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Thiết kế kiến trúc, công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Dịch vụ đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng.

- Luật số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014 về bảo vệ môi trường.

- Luật số 50/2010/QH12 ngày 17/6/2010 về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

- Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”.

- Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường

Dịch vụ điều tra, đánh giá rủi ro môi trường ở khu vực ô nhiễm.

Vận hành và duy trì cơ sở, thiết bị tư vấn, đánh giá an toàn môi trường.

Dịch vụ dự báo và đánh giá hiệu quả xử lý ô nhiễm.

Đào tạo nhân viên điều tra môi trường.

12. Các lĩnh vực xanh khác

 

Lĩnh vực xanh khác theo đánh giá của các TCTD không thuộc 11 lĩnh vực trên.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 9050/NHNN-TD năm 2017 về báo cáo tình hình cấp tính dụng đối với lĩnh vực xanh và đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 9050/NHNN-TD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/11/2017
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • Người ký: Hà Thu Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản