Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9038/SYT-NVY
V/v hướng dẫn tạm thời Phương án kiểm soát dịch COVID-19 trong trường học

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi:

- Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và quận, huyện;
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố;
- Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và quận, huyện.

Căn cứ:

- Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;

- Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn sổ tay “Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới”;

- Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ,

- Quyết định số 3900/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Quy định tạm thời các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

- Quyết định số 3588/QĐ-BCĐ ngày 15 tháng 10 năm 2021 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm ngoại ngữ, tin học; cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá trên địa bàn TPHCM;

- Kế hoạch số 3997/KH-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,

Nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, đặc biệt thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo môi trường an toàn trong cơ sở giáo dục, Sở Y tế xây dựng Phương án kiểm soát dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, người lao động tại cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông (kèm các Phụ lục sau:

1. Phụ lục 1: Quy trình phát hiện và xử lý trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở giáo dục

2. Phụ lục 2: Hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19).

Sở Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần hỗ trợ, đề nghị gửi về Sở Y tế để phối hợp, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Y tế (để báo cáo);
- UBND TP (để b/cáo);
- Sở, ban, ngành (phối hợp);
- BGĐ Sở;
- Lưu: VT, NVY(ĐMS)

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Nguyễn Hữu Hưng

 

PHƯƠNG ÁN KIỂM SOÁT DỊCH COVID-19; ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO HỌC SINH, GIÁO VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CƠ SỞ GIAO DỤC MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG

(Ban hành kèm công văn số 9038/SYT-NVY ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Sở Y tế)

I. MỤC ĐÍCH

1. Chủ động phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục theo nguyên tắc: kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm ca nhiễm, cách ly, khoanh vùng kịp thời, không để dịch lây lan trong trường học.

2. Đảm bảo môi trường an toàn và thích ứng linh hoạt trong cơ sở giáo dục, hạn chế tối đa gián đoạn hoạt động dạy - học.

II. YÊU CẦU

1. Căn cứ hướng dẫn, quy định chung của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố về biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tương ứng từng cấp độ dịch cho từng lĩnh vực hoạt động, Ban giám hiệu trường chủ động xây dựng phương án tổ chức hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp phù hợp tình hình dịch bệnh và điều kiện của trường học.

2. Phương án phải đáp ứng các yêu cầu của phòng chống dịch, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

III. CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

1. Trước khi tổ chức lại hoạt động giáo dục trực tiếp

- Xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn, nêu rõ sự phối hợp với y tế địa phương (trạm y tế, trung tâm y tế);

- Rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục, bộ phận thường trực về công tác y tế trường học;

- Cử cán bộ phụ trách y tế trường học tham gia tập huấn kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm nhanh do Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức tập huấn;

- Rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định (nơi rửa tay, nhà vệ sinh có đủ xà phòng và nước sạch, thùng đựng chất thải sinh hoạt, chất thải y tế...). Cung cấp nước uống an toàn, ly uống nước riêng....

- Tăng cường các biện pháp thông khí cho phòng học, phòng làm việc.

- Bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế đảm bảo theo quy định. Trang bị cơ số sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

- Thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón học sinh (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

- Tổ chức phổ biến, hướng dẫn đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cơ sở giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, phụ huynh học sinh, học sinh trước khi trở lại hoạt động.

- Yêu cầu học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thường xuyên tự theo dõi sức khỏe tại nhà; trường hợp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 (sốt, ho, khó thở....) thì không đến trường và thông báo ngay cho cơ sở giáo dục và y tế địa phương nơi cư trú.

- Người làm việc trong cơ sở giáo dục (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phục vụ, bảo vệ, nhân viên căn tin, bếp ăn...) đảm bảo 01 trong các điều kiện sau:

Đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19;

Đã khỏi bệnh COVID-19;

Nếu thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì được xét nghiệm tầm soát định kỳ hàng tuần.

2. Khi tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp

- Yêu cầu phụ huynh hoặc người đưa đón học sinh không vào trong khuôn viên cơ sở giáo dục khi đưa đón học sinh.

- Kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, cho học sinh rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn trước khi vào lớp; người có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm COVID-19 (sốt, ho, khó thở...) hoặc có yếu tố dịch tễ nguy cơ thì không được vào trường, vào lớp.

- Theo dõi, ghi nhận kịp thời học sinh vắng mặt và lý do để xử lý nếu có liên quan đến dịch bệnh.

- Phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 (sốt, ho, khó thở...) để thực hiện quy trình xử lý.

- Đảm bảo các yêu cầu về giãn cách trong phòng học, phòng làm việc; hạn chế những hoạt động có giao tiếp gần trong lớp học; hạn chế tối đa việc giao tiếp giữa các lớp trong cùng khối (tầng), giữa các khối (tầng).

- Yêu cầu học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đeo khẩu trang (trừ khi ăn, uống); riêng học sinh mầm non không yêu cầu đeo khẩu trang.

- Yêu cầu thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn, đặc biệt trước khi vào lớp (đầu giờ học, sau giờ giải lao) và khi tan lớp.

- Tăng cường thông khí cho phòng học, phòng làm việc (ưu tiên việc mở cửa phòng để thông khí tự nhiên).

- Thực hiện vệ sinh khử khuẩn (lau chùi) những bề mặt thường xuyên tiếp xúc (theo hướng dẫn tại Phụ lục 2).

- Kiểm tra, bổ sung kịp thời phương tiện vệ sinh và các vật dụng cần thiết khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

3. Đối với các trường tổ chức đưa đón người lao động, học sinh

- Phương tiện phải được khử khuẩn sau mỗi lần đưa đón người lao động, học sinh;

- Lái xe và phụ xe phải tiêm đủ liều vắc xin và phải ghi nhật ký tiếp xúc hàng ngày;

- Kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu người lao động, học sinh khai báo y tế, rửa tay trước khi lên xe, đeo khẩu trang trong khi đi trên xe;

- Số người trên xe thực hiện theo yêu cầu cụ thể về giãn cách phòng chống dịch của từng giai đoạn dịch bệnh (Quyết định số 3900/QĐ-UBND ngày 16/11/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố).

4. Đối với các trường tổ chức bán trú

- Bố trí cho học sinh ngồi ăn theo khu vực riêng từng lớp, đảm bảo giãn cách phù hợp (khuyến khích tổ chức ăn tại phòng học);

- Nếu có tổ chức ngủ trưa cho học sinh, bố trí khoảng cách giữa 2 học sinh đảm bảo tối thiểu 1m;

- Theo dõi, nhắc nhở học sinh không tụ tập trong thời gian nghỉ trưa.

5. Đối với các trường tổ chức nội trú

- Tổ chức truyền thông, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 tại khu ký túc xá theo quy định;

- Phân công nhân sự thường xuyên kiểm tra, giám sát việc công tác phòng, chống dịch tại khu vực ký túc xá;

- Người vào ký túc xá phải khai báo y tế, được đo thân nhiệt và đeo khẩu trang;

- Phòng lưu trú phải thông thoáng, sạch sẽ; bố trí đầy đủ dung dịch khử khuẩn, các trang thiết bị phục vụ vệ sinh, thùng đựng chất thải có nắp đậy, đặt ở vị trí phù hợp, thuận tiện sử dụng.

6. Đối với các trường tổ chức căn tin/ bếp ăn

- Yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ ký cam kết tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với cơ sở giáo dục;

- Phối hợp thực hiện việc quản lý lịch trình, thời gian làm việc của người lao động

- Yêu cầu người lao động thực hiện 5K.

7. Các biện pháp khác

- Tổ chức khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay đối với người lao động, người đến liên hệ công việc trước khi vào trong trường;

- Đối với người đến liên hệ công việc: quy định rõ ràng phạm vi di chuyển bên trong trụ sở cơ sở giáo dục;

- Trong thời gian làm việc tại trường, người lao động tuân thủ 5K và các biện pháp vệ sinh cá nhân khác, thông báo ngay với bộ phận y tế nếu có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các cơ sở giáo dục triển khai Phương án kiểm soát dịch COVID-19; đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, người lao động và quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại cơ sở giáo dục;

- Phối hợp ngành y tế và địa phương giám sát, hỗ trợ việc tổ chức thực hiện của các cơ sở giáo dục.

2. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận, huyện, thành phố Thủ Đức

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định, đảm bảo an toàn về phòng chống dịch của các cơ sở giáo dục trên địa bàn; theo dõi sát tình hình dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục, đào tạo đóng trên địa bàn để can thiệp kịp thời;

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp Phòng Giáo dục quận, huyện, thành phố Thủ Đức hướng dẫn cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn triển khai thực hiện Phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 và Quy trình phát hiện và xử lý trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ thực hiện các bước xử lý khi phát hiện F0, đặc biệt là việc xét nghiệm kiểm tra COVID-19.

3. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố

- Hỗ trợ các địa phương về chuyên môn trong thực hiện Phương án kiểm soát dịch COVID-19; đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, người lao động và Quy trình phát hiện và xử lý trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở giáo dục;

- Theo dõi sát tình hình dịch bệnh trong cơ sở giáo dục để cảnh báo sớm nguy cơ dịch lây lan rộng; hỗ trợ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận, huyện, thành phố Thủ Đức khi cần xem xét hoạt động của cơ sở giáo dục.

4. Cơ sở giáo dục

- Trên cơ sở điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục, xây dựng Phương án triển khai các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, đảm bảo an toàn tại đơn vị theo hướng dẫn của ngành giáo dục và ngành y tế; phổ biến, hướng dẫn cho toàn bộ giáo viên, nhân viên và người lao động nắm vững để áp dụng khi xảy ra trên thực tế;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh và phụ huynh để đồng thuận thực hiện;

- Giữ liên lạc và nhắc nhở phụ huynh học sinh thông báo ngay cho nhà trường nếu phát hiện con, em mắc COVID-19;

- Cử cán bộ phụ trách thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên, được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hoặc Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức tập huấn;

- Chuẩn bị cơ số sinh phẩm xét nghiệm nhanh tại cơ sở giáo dục.

5. Giáo viên, người lao động

- Khai báo y tế trung thực, đầy đủ;

- Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ theo lịch;

- Chấp hành các quy định về phòng chống dịch tại nơi làm việc và nơi lưu trú.

 

Phụ lục 1

Quy trình phát hiện và xử lý trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở giáo dục

(Ban hành kèm công văn số 9038/SYT-NVY ngày 03 tháng 12 năm 2021 Sở Y tế)

I. Trường hợp phát hiện người nghi nhiễm COVID-19 tại cơ sở giáo dục

Khi phát hiện người có một trong các triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 (sốt, ho, khó thở,...):

- Thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Tổ An toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục.

- Chuyển người nghi ngờ mắc bệnh đến phòng cách ly tạm thời (không di chuyển bằng thang máy hoặc nếu sử dụng thang máy phải khử khuẩn theo quy định).

- Nếu người nghi ngờ mắc bệnh là học sinh, cơ sở giáo dục thông báo ngay cho phụ huynh, người giám hộ để phối hợp xử lý.

- Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19.

II. Trường hợp học sinh phát hiện nhiễm COVID-19 tại cơ sở giáo dục

Bước 1:

- Thông báo kết quả dương tính cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh;

- Tiếp tục cách ly tạm thời F0;

- Thông báo ngay đến trạm y tế, trung tâm y tế địa phương nơi cơ sở giáo dục trú đóng để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch;

- Phân công thực hiện:

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục tổ chức cách ly tạm thời F0.

Trạm Y tế, Trung tâm Y tế báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khi nhận thông tin F0 tại cơ sở giáo dục, hỗ trợ cơ sở xử lý trường hợp có ca bệnh; đồng thời báo trung tâm y tế địa phương nơi F0 cư trú để phối hợp xử lý khi F0 về nhà.

Bước 2:

- Đánh giá tình trạng sức khỏe của F0:

Nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96% thì liên hệ và chuyển F0 đến bệnh viện có khoa/đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 gần nhất bằng xe cấp cứu.

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: Tư vấn, hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương nơi cư trú tiếp cận xử lý theo quy định.

- Phân công thực hiện: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục phối hợp Trạm Y tế, Trung tâm Y tế quận, huyện nơi đơn vị hoạt động.

Bước 3:

- Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người).

- Các lớp học khác hoạt động bình thường.

- Phân công thực hiện: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn COVID-19, nhân viên y tế trường học của cơ sở giáo dục phối hợp Trạm Y tế, Trung tâm Y tế quận, huyện nơi đơn vị hoạt động

Bước 4:

- Theo dõi F1: tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học với F0 và đã có kết quả xét nghiệm âm tính

F1 đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều hoặc đã khỏi bệnh COVID-19: được đi học và làm việc bình thường nhưng tuân thủ 5K, xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.

F1 chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền: cách ly tại nhà theo quy định, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế địa phương nơi cư trú; xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng.

Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: nếu có 01 ca dương tính với SARS-CoV-2 thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.

Lưu ý: Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 02 trường hợp F0 trở lên ở 02 lớp học khác nhau, tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau:

02 lớp ở cùng tầng: xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng;

02 lớp ở khác tầng, cùng khối nhà: xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà;

02 lớp ở khác khối nhà: nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học.

- Phân công thực hiện: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục phối hợp với Trạm Y tế/ Trung tâm Y tế địa phương

III. Trường hợp học sinh phát hiện nhiễm COVID-19 tại nhà

Khi nhận thông tin từ gia đình, cơ sở giáo dục thực hiện quy trình từ bước 3.

IV. Trường hợp người lao động phát hiện nhiễm COVID-19 tại cơ sở giáo dục

Bước 1: Thực hiện như quy trình xử lý đối với học sinh nhiễm COVID-19

Bước 2:

- Đánh giá tình trạng sức khỏe của F0:

Nếu phát hiện F0 có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96%): liên hệ và chuyển F0 đến bệnh viện có khoa/đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 gần nhất bằng xe cấp cứu.

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: Tư vấn và hướng dẫn F0 tự đánh giá mức đạt các tiêu chí cách ly tại nhà (theo Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà”).

Nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà và đảm bảo phòng ngừa lây nhiễm cho người cùng hộ nhất là người có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, người trên 50 tuổi có bệnh nền, người béo phì có BMI >25, phụ nữ mang thai và sau sinh 2 tuần), bộ phận y tế tại cơ sở giáo dục liên hệ trung tâm y tế quận, huyện nơi đơn vị hoạt động để quản lý và hỗ trợ chuyển thông tin F0 đến trung tâm y tế quận, huyện nơi F0 cư trú để tiếp nhận chăm sóc, cung cấp gói thuốc điều trị (gói A-B và C) và quản lý trong thời gian F0 cách ly tại nhà theo quy định

Nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà: F0 tự đề nghị địa điểm cách ly phù hợp (cơ sở cách ly tập trung tại phường, xã, thị trấn, quận, huyện, cơ sở cách ly có thu phí…)

- Phân công thực hiện: Bộ phận y tế trường học phối hợp với trạm y tế nơi cơ sở giáo dục hoạt động.

Bước 3:

- Tạm ngưng hoạt động ở khu vực, bộ phận xảy ra F0 để vệ sinh khử khuẩn, xét nghiệm cho tất cả F1 bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người).

- Xác định F1 là những người tiếp xúc gần với F0 ở khoảng cách dưới 2m trong thời gian trên 15 phút như ngồi cùng bàn làm việc, ngồi cùng bàn ăn, kể cả đối với học sinh của các lớp do giáo viên là F0 trực tiếp giảng dạy.

- Phân công thực hiện: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn COVID-19, nhân viên y tế trường học của cơ sở giáo dục phối hợp Trạm Y tế, Trung tâm Y tế quận, huyện nơi đơn vị hoạt động

Bước 4:

- Theo dõi F1:

F1 đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều hoặc đã khỏi bệnh COVID-19: làm việc bình thường nhưng tuân thủ 5K, xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.

F1 chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền: cách ly tại nhà theo quy định, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế nơi cư trú; xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng.

Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: nếu giáo viên, người chăm sóc trực tiếp dương tính với SARS-CoV-2 thì cho toàn bộ học sinh trong lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.

- Phân công thực hiện: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục phối hợp với Trạm Y tế/ Trung tâm Y tế địa phương.

V. Trường hợp người lao động phát hiện nhiễm COVID-19 tại nhà

Khi nhận được thông tin, cơ sở giáo dục thực hiện quy trình từ bước 3.

♦ Lưu ý:

Dựa trên hướng dẫn này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của cơ sở giáo dục phối hợp đơn vị y tế địa phương (trạm y tế, trung tâm y tế) đánh giá tình hình thực tế để quyết định thu hẹp hoặc mở rộng quy mô xét nghiệm tầm soát trong cơ sở.

Tùy theo trường hợp cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức quyết định việc ngừng hoạt động của cơ sở giáo dục.

 

Phụ lục 2

Hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn phòng chống dịch COVID-19

(Ban hành kèm công văn số 9038/SYT-NVY ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Sở Y tế)

1. Cách pha dung dịch khử khuẩn từ hóa chất chứa clo

- Trong công tác phòng chống dịch, các dung dịch pha từ các hóa chất chứa clo với nồng độ 0,05 và 0,1% clo hoạt tính thường được sử dụng tùy theo mục đích và cách thức của việc khử trùng. Việc tính nồng độ dung dịch phải dựa vào clo hoạt tính;

- Vì các hóa chất khác nhau có hàm lượng clo hoạt tính khác nhau, cho nên phải tính toán đủ khối lượng hóa chất cần thiết để đạt được dung dịch có nồng độ clo hoạt tính muốn sử dụng;

- Lượng hóa chất chứa clo cần để pha số lít dung dịch với nồng độ clo hoạt tính theo yêu cầu được tính theo công thức sau:

Lượng hóa chất (gam) =

Nồng độ clo hoạt tính của dung dịch cần pha (%) X số lít

X 1000

Hàm lượng clo hoạt tính của hóa chất sử dụng (%)*

* Hàm lượng clo hoạt tính của hóa chất sử dụng luôn được nhà sản xuất ghi trên nhãn, bao bì hoặc bảng hướng dẫn sử dụng sản phẩm.

Bảng 1: Lượng hóa chất chứa clo để pha 10 lít dung dịch với các nồng độ clo hoạt tính thường sử dụng trong công tác phòng chống dịch

Tên hóa chất (hàm lượng clo hoạt tính)

Lượng hóa chất cần để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính

0,05%

0,1%

Cloramin B 25%

20g

40g

Canxi HypoCloride (70%)

7,2g

14,4g

Bột Natri dichloroisocianurate (60%)

8,4g

16,8g

- Hòa tan hoàn toàn lượng hóa chất cần thiết cho vừa đủ 10 lít nước sạch. Các hợp chất có chứa clo chỉ có tác dụng diệt trùng khi được hòa tan trong nước thành dạng dung dịch (lúc này các hóa chất chứa clo mới giải phóng ra clo hoạt tính có tác dụng diệt trùng), do vậy tuyệt đối không sử dụng các hợp chất có chứa clo ở dạng bột nguyên chất để xử lý diệt trùng

- Các dung dịch khử trùng có clo sẽ giảm tác dụng nhanh theo thời gian, cho nên chỉ pha đủ lượng cần sử dụng và phải sử dụng càng sớm càng tốt sau khi pha. Tốt nhất chỉ pha và sử dụng trong ngày, không nên pha sẵn để dự trữ. Dung dịch khử trùng chứa clo đã pha cần bảo quản ở nơi khô, mát, đậy kín, tránh ánh sáng.

2. Các vị trí khử khuẩn

- Phòng học, phòng làm việc, phòng họp, căn tin, khu vực vệ sinh chung và các khu vực dùng chung khác...

- Khu vực liền kề xung quanh: hành lang, lối đi chung, cầu thang, thang máy, sảnh chờ...

- Phương tiện chuyên chở học sinh, giáo viên, người lao động (nếu có).

3. Tần suất vệ sinh khử khuẩn

- Đối với nền nhà, bàn ghế, các đồ vật, các bề mặt có tiếp xúc trong phòng học, phòng ăn: khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày; khuyến khích thực hiện sau mỗi buổi học hoặc trước buổi học tiếp theo.

- Đối với các vị trí tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung...: khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày.

- Đối với khu vệ sinh chung: vệ sinh khử khuẩn ít nhất 02 Iần/01 buổi, hoặc sau giờ giải lao của học sinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 9038/SYT-NVY năm 2021 hướng dẫn tạm thời Phương án kiểm soát dịch COVID-19 trong trường học do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 9038/SYT-NVY
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/12/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản