Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8942/BNN-TCTS
V/v trả lời kiến nghị của Hội Nghề cá Việt Nam về một số vướng mắc trong thực hiện Luật Thủy sản 2017

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2019

 

Kính gửi: Hội Nghề cá Việt Nam

Trả lời công văn số 78/HNC-VP ngày 29/7/2019 của Hội Nghề cá Việt Nam về một số vướng mắc trong thực hiện Luật Thủy sản 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu tiếp thu và có ý kiến như sau:

I. VỀ VƯỚNG MẮC TRONG THỰC HIỆN LUẬT THỦY SẢN:

1. Về nội dung “việc chuyển đổi phương thức quản lý tàu cá từ công suất (CV) sang chiều dài (m) và “cấp hạn ngạch khai thác cho tàu cá còn nhiều bất cập”:

- Về việc chuyển phương thức quản lý tàu cá từ công suất (CV) sang chiều dài (m) có một số vấn đề bất cập.

Trong quá trình xây dựng Luật Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nghiên cứu quy định về an toàn kỹ thuật tàu biển của FAO và quy định của một số nước về quản lý tàu cá và tham khảo ý kiến của Ủy ban Châu Âu (EC). Theo đó, việc quản lý tàu biển, tàu cá được quản lý theo một trong hai tiêu chí là chiều dài hoặc trọng tải của tàu. Để phù hợp với hiện trạng của Việt Nam, Luật Thủy sản đã quy định quản lý theo chiều dài tàu và quy định này đã nhận được sự đồng thuận của EC.

- Sau khi cấp hạn ngạch giấy phép tại vùng khơi, một số địa phương có ý kiến về tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 15 mét, công suất từ 90CV trở lên không được cấp hạn ngạch khai thác tại vùng khơi.

Để giải quyết vấn đề thực tiễn phát sinh nêu trên, Bộ đã tổ chức cuộc họp với các địa phương ven biển và thống nhất giải pháp thực hiện; Bộ đã ban hành Công văn số 5411/BNN-TCTS ngày 30/7/2019 đề nghị Ủy ban nhân dân 28 tỉnh ven biển rà soát, thông báo cho chủ tàu cá có công suất từ 90CV trở lên nhưng chiều dài lớn nhất dưới 15 mét đăng ký nhu cầu cải hoán tàu cá để đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, tiến hành cấp văn bản chấp thuận cải hoán cho chủ tàu có nhu cầu để tiến hành cải hoán tàu cá theo quy định; cấp giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu khi tàu cá đã đủ điều kiện theo quy định trong số hạn ngạch giấy phép đã được giao theo Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS. Các địa phương báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; thời hạn báo cáo đề nghị cấp bổ sung hạn ngạch trước ngày 31/12/2019. Đối với tàu cá thuộc trường hợp này nếu Giấy phép khai thác còn hạn thì tiếp tục được thực hiện đến khi hết thời hạn của Giấy phép (theo quy định tại khoản 2 Điều 105 Luật Thủy sản và khoản 4 Điều 73 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP). Việc này trước mắt đã xử lý được khó khăn, vướng mắc nêu trên.

- Đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn hơn 15m nhưng có công suất nhỏ dưới 90CV:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 105 Luật Thủy sản và khoản 4 Điều 73 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Đối với tàu cá thuộc trường hợp này nếu Giấy phép khai thác còn hạn thì tiếp tục được thực hiện đến khi hết thời hạn của Giấy phép. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu cải hoán để đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp văn bản chấp thuận cho cải hoán tàu cá theo hướng nâng cấp máy tàu để phù hợp hoạt động tại vùng khơi theo quy định. Trường hợp tổ chức, cá nhân không có nhu cầu khai thác tại vùng khơi thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét để cho phép thực hiện cải hoán để phù hợp với điều kiện hoạt động tại vùng lộng.

- Đối với khó khăn trong việc giao hạn ngạch khai thác tại vùng bờ và vùng lộng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương thực hiện theo hướng giao hạn ngạch khai thác tại vùng bờ và vùng lộng trên cơ sở thống kê số lượng tàu cá hiện có tại địa phương để đảm bảo ổn định hoạt động khai thác thủy sản của người dân trong 5 năm tới.

2. Về nội dung thiết bị quản lý giám sát hành trình tàu cá “kiến nghị sớm công bố danh mục chủng loại các thiết bị giám sát hành trình đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật,...; đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao năm đầu cho các tàu cá từ 15m trở lên”:

a) Về kiến nghị sớm công bố danh mục chủng loại các thiết bị giám sát hành trình đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật:

Triển khai Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) đã có Thông báo số 1008/TB-TCTS-TTTS ngày 04/5/2019 về việc cung cấp thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá, trong đó có nêu rõ về định dạng kết nối cơ sở dữ liệu và các quy định tại Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Như vậy, đơn vị nào có thiết bị đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và kết nối được với phần mềm được định dạng kết nối theo Thông báo số 1008/TB-TCTS-TTTS sẽ tham gia thực hiện thí điểm tại các địa phương. Đến nay đã có 07 đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình gồm Viettel, VNPT, Zunibal, Vishipel, Bình Anh, Elcom, Viện Hàn Lâm... cung cấp thiết bị cho người dân.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành các thủ tục thuê hạ tầng giám sát tàu cá. Trong quá trình thực hiện các thủ tục thuê hạ tầng giám sát tàu cá, để không gián đoạn trong quá trình thực hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với VNPT đề nghị VNPT cho mượn phần mềm để thực hiện giám sát tàu cá trong thời gian thực hiện thí điểm. Như vậy, các nhà cung cấp thiết bị nếu có thiết bị đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại Điều 44 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và kết nối được với phần mềm dùng chung này sẽ được cung cấp thiết bị cho người dân.

b) Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao năm đầu cho các tàu cá từ 15m trở lên:

Theo quy định tại điểm đ, khoản 3 Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP “đ) Chủ tàu ... trả chi phí mua, lắp đặt, bảo dưỡng và dịch vụ khác cho đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá”. Do đó, trước mắt để triển khai thực hiện quy định này chủ tàu phải tự trang bị thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao cho việc sử dụng thiết bị. Các địa phương cân đối được ngân sách có thể ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc kinh phí thuê bao cho chủ tàu cá tại phương theo quy định.

3. Về nội dung cảng cá “kiến nghị cần tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cảng cá, tổ chức nạo vét luồng lạch ra vào cảng để có nhiều cảng cá đủ khả năng cho tàu cập cảng, đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm; cần có biện pháp nâng cao năng lực quản lý cảng cá và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cảng cá,...; nghiên cứu mô hình xã hội hóa trong quản lý cảng cá như một số nước trong khu vực đã thực hiện và có kết quả tốt”:

a) Về việc tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống các cảng cá:

- Ngày 17/7/2019, Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Nghị quyết số 836-NQ/BCSĐ, theo đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do Bộ quản lý cho lĩnh vực thủy sản (trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng lĩnh vực khai thác hải sản) và ưu tiên bổ sung các nguồn vốn đầu tư khác cho lĩnh vực thủy sản trong giai đoạn 2021-2025 (vốn Trái phiếu Chính phủ; ODA...).

- Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục bố trí ngân sách của địa phương và chủ động xây dựng, thực hiện các chính sách thu hút vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu sửa chữa định kỳ các cảng cá theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng đảm bảo yêu cầu hoạt động theo công suất thiết kế và tuổi thọ công trình.

b) Về việc nâng cao năng lực quản lý, vận hành cảng cá và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ:

Thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật, trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) đã tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn hướng dẫn công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hội nghị bàn giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành cảng cá giữa các ban quản lý cảng cá trong cả nước.

Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý cảng cá và công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng nhằm khắc phục nội dung khuyến nghị của EC. Trên cơ sở đó đã có văn bản chấn chỉnh công tác quản lý cảng cá và đề nghị các tỉnh rà soát, kiện toàn Tổ chức quản lý cảng cá, bố trí nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ.

c) Nghiên cứu triển khai mô hình xã hội hóa trong quản lý cảng cá:

Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn Luật đã có quy định quản lý cảng cá theo hướng xã hội hóa, tổ chức, cá nhân có thể đầu tư xây dựng hoặc tham gia quản lý cảng cá do nhà nước đầu tư theo quy định hiện hành. Thực tế đã có một số cảng cá được quản lý và sử dụng theo hình thức doanh nghiệp như Cảng cá Cát Lở.

4. Một số vướng mắc trong quá trình thực thi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật

a) Về nội dung “Việc tổ chức quản lý, xác nhận nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác, quản lý tàu cá xuất nhập bến của Ban quản lý cảng cá còn nhiều khó khăn, vướng mắc,...”:

Hiện nay việc quản lý, xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, xuất nhập bến tại các cảng cá đã đi vào hoạt động và ổn định theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 về việc quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (được xây dựng kế thừa theo Thông tư số 50/2015/TT-BNNPTNT và tham vấn của EC). Trong quá trình thực hiện có gặp một số khó khăn vướng mắc về việc kiểm soát xuất, nhập bến của Bộ đội Biên phòng và xác nhận rời cảng của Văn phòng/Tổ kiểm tra kiểm soát. Nắm bắt được tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) đã kịp thời hướng dẫn cách xử lý tại các cuộc hội nghị, hội thảo triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật hoặc tại các đoàn công tác làm việc với các địa phương hoặc trao đổi trực tiếp qua điện thoại/mail của các cán bộ Tổng cục Thủy sản khi nhận được phản ánh từ cán bộ địa phương hoặc cán bộ biên phòng. Tổng cục Thủy sản đã thống nhất với Bộ đội Biên phòng hướng tháo gỡ khó khăn trong việc kiểm soát và xác nhận cho tàu cá rời, cập cảng và xuất, nhập Trạm kiểm soát Biên phòng.

b) Về nội dung “Một số nghề bị cấm khai thác theo Luật Thủy sản 2017, trước đây không cấm và đã được cấp phép nay cấm đột ngột như lưới kéo ven bờ, nghề lồng xếp, nghề khai thác kết hợp ánh sáng ven bờ,... không có lộ trình và chính sách hỗ trợ làm ảnh hưởng đến đời sống và tâm tư của ngư dân”.

Về vấn đề này, trong quá trình xây dựng văn bản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nghiên cứu, tổ chức một số cuộc họp đánh giá tác hại của các nghề này và thấy rằng các nghề này là những nghề có khả năng gây hại cho nguồn lợi thủy sản, nếu tiếp tục cho hoạt động sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Trước đây cũng đã quy định về kích cỡ đối với các loại ngư cụ này, tuy nhiên việc chấp hành của người dân còn rất hạn chế trong khi cơ quan quản lý về thủy sản không đủ lực lượng để thực hiện thanh tra, kiểm soát vì vậy nguồn lợi thủy sản không được bảo vệ và ngày càng có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, qua phản ánh của Quý Hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ghi nhận và sẽ nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định để phù hợp với tình hình thực tiễn.

c) Về nội dung “Quy định chức danh, định biên trên tàu cá từ 15m trở lên phải có 01 thợ máy, nhưng từ trước đến nay chưa có quy định đào tạo thợ máy (trừ đào tạo máy trưởng) cho tàu cá vì vậy hầu hết các tàu cá từ 15m trở lên thiếu chức danh này, cần có hướng dẫn, lộ trình để thực hiện”:

Về nội dung này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được một số phản ánh từ địa phương, hiện Bộ đang nghiên cứu, rà soát để xử lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân trong giai đoạn hiện nay để người dân chuẩn bị điều kiện để thực hiện theo quy định. Hiện nay, các cơ sở đào tạo đang phối hợp với địa phương để tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho người dân, theo thống kê từ các địa phương kể từ ngày Thông tư số 22/2019/TT-BNN&PTNT có hiệu lực đến nay đã có khoảng 4.000 thợ máy được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thợ máy. Để góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển chủ tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên khẩn trương cử người tham dự lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ thợ máy theo quy định.

d) Về nội dung “Việc xử phạt đối với tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP với mức phạt cao và chế tài tạm giữ phương tiện, tài sản trên tàu rất khó thực hiện, do mức phạt quá cao so với giá trị sản phẩm, hàng hóa bị vi phạm, cơ sở để tạm giữ phương tiện và tài sản vi phạm không có”:

- Về mức xử phạt: Theo khuyến nghị của EC mức xử phạt phải được quy định để đảm bảo tính răn đe, người dân khi nhìn thấy mức phạt như vậy sẽ từ bỏ ý định vi phạm. Hiện tại, mặc dù mức phạt tiền trong Nghị định đã được quy định cao so với trước, tuy nhiên EC vẫn bảo lưu ý kiến và cho rằng một số hành vi khai thác IUU mức phạt vẫn rất thấp không đảm bảo yêu cầu để răn đe tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi khai thác IUU.

- Về nội dung không có cơ sở để tạm giữ phương tiện, tài sản vi phạm:

Cơ sở để tạm giữ phương tiện, tài sản vi phạm căn cứ vào Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các điều khoản cụ thể quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.

đ) Về nội dung “Việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh đối với cơ sở ương dưỡng giống thủy sản, cơ sở nuôi lồng bè thủy sản, cơ sở đóng, sửa tàu thuyền, đăng kiểm tàu cá,... còn nhiều vướng mắc do quy mô nhiều cơ sở quá nhỏ, thậm chí chưa có quy hoạch, chưa được giao đất, mặt nước sử dụng lâu dài”:

Luật Đầu tư, Luật Thủy sản quy định hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, đóng mới, cải hoán tàu cá, đăng kiểm tàu cá...là ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì các ngành nghề này có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường hoặc an toàn, tính mạng con người. Vì vậy, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, đóng mới, cải hoán tàu cá, đăng kiểm tàu cá dù lớn hay nhỏ vẫn phải pháp ứng các điều kiện và được chứng nhận đủ điều kiện theo quy định. Nếu không đáp ứng đủ điều kiện sẽ không được hoạt động.

Đối với cơ sở nuôi nuôi lồng bè thủy sản không bắt buộc chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản mà việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho cơ sở chỉ thực hiện khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

Lường trước những khó khăn trong quá trình thực hiện và để người dân có thời gian chuẩn bị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất lộ trình thực hiện và lộ trình cụ thể đã được quy định tại Điều 73 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

e) Về nội dung “đề nghị tăng cường chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tuyên truyền thực hiện Luật”:

- Ngay sau khi Luật Thủy sản được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 03 văn bản chỉ đạo địa phương tăng cường tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn (công văn số 1891/BNN-TCTS, công văn số 2034/BNN-TCTS ngày 25/3/2019, công văn số 3850/BNN-TCTS ngày 03/6/2019 gửi UBND các tỉnh).

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức 11 hội nghị phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp, cán bộ địa phương và nhiều lớp tập huấn chuyên sâu cho các cán bộ làm công tác thủy sản quản lý tại địa phương.

- In 5000 cuốn sách Luật Thủy sản để phát cho các địa phương và nhiều tờ rơi, tờ gấp phát cho người dân để tuyên truyền các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật.

- Phối hợp với các cơ quan báo, đài để giải đáp các vướng mắc trong quá trình thi hành Luật và tuyên truyền các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật.

- Nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn; một số tỉnh đã mời cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tại các buổi hội nghị triển khai văn bản do địa phương tổ chức.

- Hiện nay và trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật và văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bộ sẽ tổ chức một số đoàn theo dõi thi hành pháp luật đối với các địa phương và tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản.

d) Về nội dung “đề nghị nghiên cứu giao cho Hội Nghề cá Việt Nam tham gia hoặc chủ trì thực hiện một số hoạt động trong tuyên truyền, phổ biến Luật”:

Trong thời gian qua, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã chủ động phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy luôn sẵn sàng phối hợp với các Hội, Hiệp hội và các tổ chức nghề nghiệp khác trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn Luật.

II. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT THỦY SẢN:

1. Về việc ngư dân hoạt động khai thác trên biển “kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp tăng cường hơn nữa sự hiện diện thường xuyên của lực lượng chức năng trên biển để kịp thời hỗ trợ cho ngư dân hoạt động sản xuất; đồng thời khuyến khích ngư dân khi tham gia hoạt động đánh bắt trên biển theo tổ, đội để hỗ trợ nhau,…”:

a) Về nội dung cần có biện pháp tăng cường hơn nữa sự hiện diện thường xuyên của lực lượng chức năng trên biển để kịp thời hỗ trợ cho ngư dân ta hoạt động sản xuất; đồng thời khuyến khích ngư dân khi tham gia hoạt động đánh bắt trên biển cần tổ chức theo tổ, đội để hỗ trợ nhau:

Hàng năm, lực lượng Kiểm ngư đã phối hợp với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản trên vùng biển xa bờ nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Đồng thời hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khai thác thủy sản trên biển và tham gia bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Thời gian qua, tình hình biển Đông có diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác thủy sản trên biển của ngư dân ta, nhiều vụ việc tàu cá và tàu chấp pháp nước ngoài đối xử thô bạo với ngư dân ta làm bị thương, làm chết người và cản trở hoạt động khai thác bình thường trên ngư trường truyền thống, gây thiệt hại về người và tài sản.

Trước thực trạng trên, để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân và tham gia bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, trong nhiều năm qua các lực lượng chức năng như: Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Biên phòng, Hải quân đã tăng cường thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển tích cực. Để góp phần thực hiện tốt công tác hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khai thác thủy sản trên biển và tham gia bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư:

- Tăng cường triển khai công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển thuộc chủ quyền nước ta, đặc biệt là trên các ngư trường truyền thống, ngư trường có nhiều tàu cá nước ta hoạt động khai thác thủy sản. Trên ngư trường trọng điểm như Hoàng Sa, Trường Sa thường xuyên có tàu Kiểm ngư trực tại ngư trường nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài của tàu cá trong nước và ngăn chặn hành vi vi phạm tàu cá nước ngoài đồng thời hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khi cần thiết.

- Phối hợp các lực lượng chức năng trong nước như: Kiểm ngư, Hải quân, Cảnh sát biển, Chi cục Thủy sản địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển.

- Tổ chức xây dựng và hỗ trợ phát triển các mô hình tổ đội, nghiệp đoàn và Hợp tác xã sản xuất trên biển để ngư dân hỗ trợ nhau khi gặp sự cố nghề cá trên biển (cả nước đã có trên 3500 tổ/đội sản xuất trên biển được thành lập và đi vào hoạt động với sự tham gia của khoảng trên 28 nghìn tàu cá và 158 nghìn ngư dân).

- Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường tuyên truyền và kiểm tra tàu cá trước khi ra khơi đánh bắt phải đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị an toàn hàng hải, đảm bảo an toàn cho tàu cá, ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản trên biển; tiến hành tuyên truyền, phổ biến tới ngư dân về pháp luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành để ngư dân nắm bắt và thực hiện.

b) Về nội dung phía Trung Quốc ngang nhiên vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam (như vụ giàn khoan 981 năm 2014, nay là vụ tàu Hải Dương 8 vào gần bãi Tư chính của Việt Nam), làm ảnh hưởng và cản trở hoạt động khai thác trên vùng biển chủ quyền của ngư dân ta; cần lên án, phản đối mạnh mẽ hơn nữa và có biện pháp cứng rắn xua đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi chủ quyền biển Việt Nam:

Trước hành động xâm phạm đến chủ quyền biển, đảo nước ta của tàu cá và tàu chấp pháp các nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, đấu tranh trên thực địa theo đúng chỉ đạo (đặc biệt vụ việc giàn khoan 981 năm 2014) nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm. Bên cạnh đó chỉ đạo tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và ký kết quy chế phối hợp giữa nước ta với một số nước như Trung Quốc, Philippin, Thailan, Campuchia, Bruney để góp phần giảm thiểu tình trạng khai thác thủy sản trái phép trên các vùng biển.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã kiên quyết tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 146 tàu cá Trung Quốc, đồng thời xua đuổi trên 1.000 lượt tàu cá Trung Quốc khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta để giữ ngư trường, giúp ngư dân Việt Nam yên tâm khai thác thủy sản trên biển.

2. Về sản xuất cá tra “kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chiến lược quy hoạch thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường tiêu thụ cá tra, quy hoạch lại vùng nuôi, nghiên cứu nâng cao chất lượng giống, giảm giá thành thức ăn, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền tiêu thụ nội địa”:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thực hiện một số giải pháp liên quan đến xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục quản lý về thủy sản các tỉnh nuôi cá tra, bàn một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng cá tra. Trong đó, ưu tiên tập trung thực hiện tốt số nhiệm vụ trọng tâm gồm: triển khai các quy định mới của Luật Thủy sản 2017, Đề án cá tra 3 cấp, Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn, Chương trình giống 2194 và dự án Tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản (trong đó có cá tra); quản lý chất lượng, điều kiện sản xuất, kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, rà soát hoạt động nuôi cá tra; chỉ đạo địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng giống, thức ăn cá tra và đẩy mạnh tuyên truyền tiêu thụ nội địa; tăng cường công tác kiểm tra điều kiện cơ sở, xác nhận đăng ký nuôi phục vụ cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định.

Về kiến nghị quy hoạch thị trường, quy hoạch lại vùng nuôi: Theo Luật Quy hoạch không quy định về quy hoạch thị trường, quy hoạch vùng nuôi.

3. Về nuôi tôm “Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch làm việc với ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân vay vốn sản xuất; hỗ trợ đầu tư điện hạ thế vùng nuôi; nghiên cứu để có con giống tốt, giảm giá giống, thức ăn”:

a) Về vấn đề tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân vay vốn sản xuất:

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp, và Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu xây dựng hoặc phối hợp xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân. Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có thủy sản, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cụ thể:

- Ngày 09/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều ưu đãi; nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân vay vốn sản xuất, ngày 07/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân như: (i) Nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm để phù hợp với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp thực tế hiện nay của một số khách hàng cá nhân, hộ gia đình; (ii) Bổ sung các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được vay không có tài sản bảo đảm 70% giá trị dự án, phương án; (iii) Khách hàng được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại tổ chức tín dụng; (iv) Bổ sung quy định về cho vay chuỗi liên kết và quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp,..

Như vậy, người dân và doanh nghiệp vay vốn đã được hưởng ưu đãi, đặc biệt là quy định về cho vay không cần tài sản bảo đảm nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn tín dụng.

Căn cứ vào các quy định nêu trên người dân có thể liên hệ trực tiếp với ngân hàng và các tổ chức tín dụng để được hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục vay vốn theo quy định.

b) Việc đầu tư xây dựng hệ thống điện hạ thế tại vùng nuôi:

Tại Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện “Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng điện 3 pha cho các vùng sản xuất tôm tập trung”, thời gian triển khai chương trình từ năm 2018-2025, nguồn kinh phí vốn ngân sách hỗ trợ lãi suất vốn vay và vốn từ nguồn xã hội hóa, trên phạm vi cả nước (đã đưa vào Danh mục các chương trình, đề án, dự án đầu tư).

Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan cùng các địa phương xây dựng và triển khai “Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng điện ba pha cho các vùng sản xuất tôm tập trung”.

c) Về vấn đề nâng cao chất lượng tôm giống, giảm giá thành con giống và thức ăn:

- Sau khi Luật Thủy sản 2017 được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn và tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất ương dưỡng giống thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, nghiệp vụ lấy mẫu thức ăn thủy sản cho cán bộ quản lý thủy sản tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn thủy sản.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) đã phối hợp với Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) tổ chức các Đoàn thanh tra liên ngành của các địa phương kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển tôm giống không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; Tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống tại các địa phương, qua đó đã phát hiện và xử lý các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống không tuân thủ các quy định về sản xuất, dương dưỡng giống thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng giống, thức ăn thủy sản (công văn số 645/TCTS-PCTTr ngày 15/3/2019, công văn số 1345/TCTS-PCTTr ngày 12/6/2019). Đến nay số lượng phương tiện vận chuyển tôm giống vi phạm bị phát hiện giảm đáng kể, chất lượng con giống được nâng lên rõ rệt.

Trong kế hoạch công tác các tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng tôm giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

4. Về phát triển cá nước lạnh “đề nghị đẩy mạnh mô hình phát triển cá nước lạnh ở những địa phương có điều kiện”:

Cá nước lạnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng phát triển. Năm 2015, Bộ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến 2020 tầm nhìn 2030 (Quyết định số 3195/QĐ-BNN-TCTS ngày 11/8/2015). Đồng thời để chủ động con giống, phục vụ sản xuất, từ năm 2018, Bộ đã giao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá tầm” qua đó đã kép kín được quy trình sản xuất giống nhân tạo 03 loài cho sinh sản gồm cá tầm Nga, Xi-bê-ri và Stertet, bước đầu cho kết quả tốt.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận nhiều đối tượng thủy sản có khả năng phát triển nuôi tại các vùng nước lạnh (cá hồi, 04 loài cá tầm, cá trắng và cá mú Úc).

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo để phát triển đối tượng cá nước lạnh đúng với tiềm năng, lợi thế và sẽ nhân rộng mô hình nuôi cá nước lạnh tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp.

5. Về tiêu thụ sản phẩm “Hiện nay, tình hình nhập khẩu tôm nguyên liệu khá lớn ảnh hưởng đến sản phẩm sản xuất trong nước, cần có biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu tôm nguyên liệu ồ ạt theo hình thức tạm nhập tái xuất. Trung Quốc chủ trương ngừng nhập khẩu các mặt hàng thủy sản theo đường tiểu ngạch, mặt khác việc xuất khẩu theo đường chính ngạch qua cửa khẩu Quảng Ninh có khó khăn, phía Trung Quốc luôn đưa ra nhiều điều kiện và liên tục thay đổi, dẫn tới nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị thua thiệt. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để hỗ trợ cho xuất khẩu sang thị trường này cũng như một số thị trường khác như Braxin, Mỹ, EU…”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận ý kiến và đánh giá cao sự quan tâm của Quý Hội đối với tình hình xuất, nhập khẩu thủy sản trong thời gian qua. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tìm hiểu thông tin thực tiễn về phản ánh này để phối hợp với các bộ ngành liên quan có những giải pháp xử lý phù hợp. Đối với việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc và các thị trường khác như Châu Âu, Mỹ... Hiện nay, các thị trường này có những yêu cầu chặt chẽ sản xuất các mặt hàng thủy sản, cần quản lý hoạt động sản xuất theo hệ thống (các quy định này cơ bản đã được thể hiện trong Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật), Do đó, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức các Đoàn công tác để đàm phán, xúc tiến thương mại để các mặt hàng thủy sản thuận lợi khi xuất khẩu vào các thị trường nêu trên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng cảm ơn những ý kiến kiến nghị của Hội nghề cá Việt Nam, mong tiếp tục được sự phối hợp của Quý Hội./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để biết);
- Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (để biết);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (để đăng tải);
- Văn phòng Bộ;
- Vụ Pháp chế Bộ;
- Lưu: VT, TCTS (10b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phùng Đức Tiến