Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 879/TY-DT
V/v chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm chủng vi rút Cúm gia cầm A/H5N8

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2021

 

Kính gửi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), từ năm 2014 đến nay, chủng vi rút Cúm gia cầm (CGC) thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm (giai đoạn đầu chủ yếu xảy ra ở trên chim hoang dã), sau đó lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng và gây ra dịch bệnh trên gia cầm nuôi. Tính đến tháng 5/2021, tổng cộng đã có 62 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng vi rút này; tính từ tháng 01/2019 đến tháng 5/2021, trên thế giới có tổng cộng 2.867 ổ dịch do chủng vi rút CGC A/H5N8 gây ra, chiếm hơn 72% trong tổng số các ổ dịch CGC do các chủng vi rút khác nhau gây ra tại 45 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có các quốc gia chung biên giới, gần Việt Nam); trong tháng 02/2021, có 07 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm vi rút cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ (theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay chưa có bằng chứng về vi rút CGC A/H5N8 lây từ người sang người).

Với đặc điểm có chung đường biên giới dài với các nước trong khu vực, các hoạt động giao lưu thương mại, phương tiện, con người qua lại giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt chim hoang dã có thể nhiễm mầm bệnh ở các nước, nên nguy cơ chủng vi rút CGC A/H5N8 xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao.

Để chủ động ngăn chặn nguy cơ chủng vi rút CGC A/H5N8 xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, Cục Thú y đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo cấp có thẩm quyền của địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện những nội dung sau:

1. Tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, nhất là biên giới phía Bắc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc theo quy định; lấy mẫu gửi đến các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm chủng vi rút CGC A/H5, bao gồm A/H5N8; đối với địa phương giáp biên giới cần thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

2. Tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao (địa phương giáp biên giới, các điểm, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ, cơ sở tiêu hủy gia cầm,...) và gửi phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.

3. Trường hợp phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với vi rút cúm A/H5N8, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng vi rút cúm A/H5, cần xử lý tiêu hủy gia cầm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

4. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, nhất là đối với những người thường xuyên qua lại khu vực biên giới, khách du lịch và người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của chủng vi rút CGC A/H5N8 để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ vi rút cúm A/H5N8 xâm nhiễm vào Việt Nam.

5. Hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc; tiêm vắc xin phòng bệnh CGC đầy đủ cho đàn gia cầm.

Cục Thú y đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện; thường xuyên thông báo về Cục Thú y để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (để b/c);
- Cục trưởng (để b/c);
- Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (để p/h);
- Các Phòng: KD, QLT, HTQT&TT (để t/h);
- Các Chi cục KDĐV vùng, CCTY vùng (để t/h);
- Trung tâm CĐTY Trung ương (để t/h);
- Trung tâm KNTTY Trung ương I (để t/h);
- Lưu: VT, DT.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG





Nguyễn Văn Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 879/TY-DT năm 2021 về chủ động triển khai biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm chủng vi rút Cúm gia cầm A/H5N8 do Cục Thú y ban hành

  • Số hiệu: 879/TY-DT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/05/2021
  • Nơi ban hành: Cục Thú y
  • Người ký: Nguyễn Văn Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/05/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản