Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 869/TCT-CS
V/v dự phòng rủi ro tín dụng

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2013

 

Kính gửi: Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam

Trả lời công văn số 95/CV-HHQTD ngày 31/8/2012 của Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam về dự phòng rủi ro tín dụng, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Điểm 2.17 Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN như sau: “2.17. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng.”.

- Điều 1 Thông tư số 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp quy định đối tượng áp dụng như sau:

“Các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam (sau đây gọi là doanh nghiệp).

1. Đối với các doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở các Hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài, nếu Hiệp định có các quy định về trích lập và sử dụng các khoản dự phòng khác với hướng dẫn tại Thông tư này, thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.

2. Việc trích lập dự phòng của các Tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định tại văn bản hướng dẫn chế độ tài chính đối với các Tổ chức tín dụng.”.

- Điều 1 Thông tư số 34/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 228/2009/TT-BTC như sau: “Bãi bỏ khoản 2 Điều 1 Thông tư số 228/2009/TT-BTC.”.

- Điểm 5.5 mục I chương II Thông tư số 62/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính đối với quỹ tín dụng nhân dân cơ sở quy định:

“5.5. Được hạch toán vào chi phí khoản dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động và sử dụng khoản dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.”.

- Điều 1 quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc ngân hàng nhà nước quy định:

“1. Tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng), trừ Ngân hàng Chính sách Xã hội, phải thực hiện việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng theo Quy định này.

2. Việc trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá chứng khoán, quỹ dự phòng tài chính thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng.”

Căn cứ quy định nêu trên, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản trích lập dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về trích lập dự phòng và các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN.

Tổng cục Thuế thông báo Hiệp hội biết, đề nghị Hiệp hội căn cứ tình hình cụ thể của từng quỹ tín dụng nhân dân liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn thực hiện theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC-BTC;
- Vụ PC-TCT;
- Lưu VT, CS (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 869/TCT-CS dự phòng rủi ro tín dụng do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 869/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/03/2013
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản