Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 835/BGDĐT-GDTC
V/v trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ Hai và kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 10 tháng 03 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị cử tri Thành phố Đà Nẵng gửi tới sau kỳ họp thứ Hai và kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV tại công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022 của Ban Dân nguyện.

Nội dung kiến nghị:

Nội dung thứ nhất: Cử tri kiến nghị cần sớm nghiên cứu, ban hành tiêu chí trường học an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 để áp dụng chung cho cả nước, nhằm giúp cho phụ huynh và học sinh an tâm khi trở trường học.

Nội dung thứ hai: Cử tri kiến nghị, sớm có giải pháp cho học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở đi học trở lại khi xác định sống chung với dịch bệnh Covid-19. (2) Đồng thời, quan tâm đến chất lượng dạy học trực tuyến và tính đại trà của hoạt động này để tránh thiệt thòi cho học sinh các cấp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cảm ơn sự quan tâm của cử tri Thành phố Đà Nẵng. Về vấn đề này, Bộ GDĐT xin được trả lời cụ thể như sau:

Nội dung thứ nhất:

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa trường học đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 19/10/2021 và Công văn số 283/BGDĐT-GDTC ngày 24/01/2022 về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trong đó đã quy định cụ thể các tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp; Công văn số 5969/BGDĐT-GDMN ngày 20/12/2021 về đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học (sửa đổi, bổ sung lần 2) ban hành kèm theo Quyết định số 543/QĐ-BGDĐT ngày 23/02/2022; tổ chức tập huấn trực tuyến về việc xử trí các trường hợp F0 và điều trị bệnh nhân COVID-19 là trẻ em, học sinh cho ngành Y tế và ngành Giáo dục trên toàn quốc. Phối hợp triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng cho học sinh từ 12-17 tuổi. Hiện nay đã có 98,4% học sinh được tiêm mũi 1, 93,2% học sinh đã tiêm mũi 2 và đang tiếp tục được triển khai tại các địa phương. Đối với việc tiêm vắc xin cho trẻ em độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi, Bộ Y tế đã có kế hoạch phối hợp với Bộ GDĐT triển khai ngay sau khi nhập khẩu được nguồn vắc xin phù hợp.

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để đánh giá tình hình dịch bệnh trong trường học, rà soát, bổ sung hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch và chỉ đạo đối với các tình huống phức tạp xảy ra.Tăng cường công tác truyền thông về chủ trương mở cửa trường học của Chính phủ, Bộ GDĐT để tạo sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của phụ huynh học sinh trong việc sẵn sàng cùng với ngành Giáo dục đưa con em trở lại trường học an toàn.

Nội dung thứ hai:

1. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa trường học đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 283/BGDĐT-GDTC ngày 24/01/2022 về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trong đó đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc mở cửa trường học, trong đó, căn cứ tình hình dịch tại địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên trước ngày 14/02/2022, đồng thời triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi mở cửa trường học.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mở cửa trường học an toàn. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh trở lại trường học trực tiếp trước 21/02/2022.

2. Trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm học sinh không ngừng học tập ngay cả khi các địa phương phải thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch bệnh: (1) linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, trên truyền hình; (2) xây dựng nguồn học liệu trực tuyến phong phú hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong điều kiện học tập trực tuyến và trực tiếp; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng trên truyền hình cho lớp 1, 2 để phát sóng trên các kênh VTV1, VTV2, VTV7 và Đài truyền hình nhân dân; chỉ đạo các Sở GDĐT tổ chức xây dựng video bài giảng để tổ chức dạy học trên truyền hình1; tăng cường phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình địa phương xây dựng video bài giảng, có phương án để phát sóng, tiếp sóng trên truyền hình; huy động các nguồn lực, hạ tầng công nghệ thông tin hiệu quả trong dạy học trực tuyến, trên truyền hình; (3) biên soạn tài liệu tập huấn tăng cường năng lực dạy học trực tuyến gửi đến tất cả giáo viên để thực hiện đúng quy định tại Thông tư 092; (4) tập huấn và nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình cho đội ngũ giáo viên cốt cán nhằm nâng cao năng lực giáo viên về tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình hiệu quả, chất lượng đáp ứng được mục tiêu đề ra trong năm học3; (5) hàng triệu thiết bị học tập trực tuyến được chuyển đến tận tay học sinh thông qua Chương trình Sóng và máy tính cho em; (6) tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học ở một số địa phương và nhấn mạnh các chỉ đạo của Bộ GDĐT về việc củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập.

Bộ GDĐT đã ban hành các Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-194 trong đó đã rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định nội dung cốt lõi cần đạt được của chương trình để hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh. Thực hiện dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học/hoạt động giáo dục; ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới; sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến; bố trí thời gian thực hiện chương trình phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, trao đổi về dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp thực tế địa phương. Thông qua chỉ đạo của ngành, các cơ sở giáo dục đã hoàn thành chương trình theo kế hoạch và kiên trì mục tiêu với chất lượng giáo dục ở các bậc học.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Công điện gửi Giám đốc các Sở GDĐT để chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện tình hình mới. Trong đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp trong những ngày đầu học sinh quay lại học tập tại cơ sở giáo dục; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT không gây áp lực, quá tải đối với học sinh; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là với học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội trong thời gian tới Bộ GDĐT tiếp tục triển khai phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương để chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ và có các biện pháp cụ thể trong dạy và học để vừa hoàn thành được Chương trình giáo dục phổ thông vừa bảo đảm chất lượng giáo dục.

Bộ GDĐT trân trọng báo cáo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Văn phòng (TH);
- Lưu: VT, GDTC.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Kim Sơn

 



1 Công văn số 4029/BGDĐT-GDTrH ngày 15/9/202; Công văn số 3639/BGDĐT-GDTH ngày 10/9/2021 gửi các sở GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19.

2 Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ GDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

3 Kế hoạch số 884/KH-BGDĐT ngày 07/09/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tập huấn nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đối với cấp tiểu học.

4 Công văn số 4808/BGDĐT-GDTrH ngày 21/10/2021 của Bộ GDĐT về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập. Công văn số 3969/BGDĐT-GDTH ngày 10/9/202 của Bộ GDĐT về việc Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 835/BGDĐT-GDTC năm 2022 về tiêu chí trường học an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 835/BGDĐT-GDTC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/03/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Kim Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản