Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8297/BCT-XNK
V/v hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 18 tháng 12 năm 2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9249/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xin trao đổi với quý Ủy ban và kiến nghị một số nội dung như sau:

I. TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU, THÔNG QUAN HÀNG HÓA QUA CÁC CỬA KHẨU BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

Từ năm 2020 đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản, trái cây tươi qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do tác động của dịch Covid-19. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã cùng các Bộ, ngành và các tỉnh biên giới tích cực vào cuộc, triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, ách tắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó cơ bản bảo đảm được hoạt động giao thương, nhất là xuất khẩu nông sản, qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc trong 2 năm qua. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế 11 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đạt 1,69 tỷ USD, tăng 18,3% so với 11 tháng năm 2020; trong đó, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn đạt 478,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ; qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đạt 379,1 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, bước vào tháng 12/2021, do dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, phía Trung Quốc đã tăng cường thêm các biện pháp quản lý khiến năng lực thông quan tại các cửa khẩu giảm mạnh và không đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa tăng cao từ cả 2 phía. Tuy Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản khuyến cáo[1] nhưng do Việt Nam vào chính vụ thu hoạch một số nông sản xuất khẩu nên lượng nông sản đưa lên khu vực biên giới phía Bắc vẫn rất lớn, dẫn đến phát sinh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại nhiều cửa khẩu biên giới, đặc biệt là các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày 11 tháng 12 năm 2021, Trung Quốc đã ra công điện số 14/2021 gửi các Bộ, ngành và địa phương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu. Công điện này đưa ra 09 yêu cầu cần thực hiện nghiêm, gồm: (i) hoàn thiện cơ chế phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu; (ii) kiện toàn hệ thống cảnh báo, giám sát dịch Covid-19; (iii) tăng cường phòng chống dịch tại khu vực biên giới; (iv) thực hiện phân tách nhân viên phòng chống dịch Covid-19; (v) nghiêm túc quản lý lịch trình di chuyển của cán bộ, công chức; (vi) tăng mức độ phòng chống dịch Covid-19 đối với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu; (vii) nâng cao năng lực ứng biến, phân phối nguồn lực trong công tác phòng chống dịch Covid-19; (viii) làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội; (ix) tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức thực hiện phòng chống dịch Covid-19.

Nội dung công điện cho thấy Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách “Zero Covid”, trong đó có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh. Lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất nhập khẩu và nhân viên phòng chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón Tết. Vì vậy, không loại trừ khả năng việc thông quan hàng hóa (đặc biệt là hàng đông lạnh) qua các cửa khẩu biên giới sẽ không diễn ra như thường lệ hàng năm do lái xe chuyên trách và nhân viên lực lượng chức năng cửa khẩu xin nghỉ sớm để kịp cách ly về quê đón Tết.

Những yếu tố trên sẽ là áp lực rất lớn đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới đây.

II. KIẾN NGHỊ

Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trân trọng đề nghị quý Ủy ban phối hợp triển khai một số nội dung như sau:

1. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1.1. Đề nghị quý Ủy ban chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; văn bản số 9249/VPCP-KTTH ngày 18 tháng 12 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, khuyến cáo của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan thời gian qua, đặc biệt là văn bản số 2926/BCT-XNK ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Bộ Công Thương về xuất khẩu nông sản qua biên giới.

1.2. Đề nghị quý Ủy ban tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn các nội dung sau:

- Thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong đó đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

- Trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để (i) giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (thí dụ như Cao Bằng) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; hoặc (ii) chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác, thí dụ như đường biển mà hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang làm rất tốt.

- Tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,...).

- Đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã hướng dẫn; đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,... cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.

1.3. Đề nghị quý Ủy ban đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu:

- Chỉ đạo các Sở, ban ngành chức năng điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.

- Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.

- Chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các Sở, ban ngành khẩn trương thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”.

Kinh nghiệm của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Sơn La cho thấy sự quan tâm và tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, nhất là vào thời điểm trước vụ thu hoạch, là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp nông sản của tỉnh được tiêu thụ thông suốt và thuận lợi trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

2. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc

Đề nghị quý Ủy ban chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với đơn vị của các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các giải pháp sau:

- Trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng của cả 02 nước tại các cửa khẩu (như hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải, bốc xếp hàng hóa,...) nhằm tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

- Tiếp tục cập nhật, đưa tin thường xuyên về diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan; kịp thời trao đổi, phản ánh với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh để cùng phối hợp xử lý.

Trước mắt, để tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp quản lý, đề nghị quý Ủy ban chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn cung cấp, đăng thông tin trước 12h00 hàng ngày trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu, vận chuyển, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới; hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, lưu thông hàng hóa qua địa bàn tỉnh.

Bộ Công Thương trân trọng cảm ơn sự phối hợp của quý Ủy ban./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các đ/c Phó TTgCP (để b/c);
- Ban CĐQG phòng, chống dịch Covid-19;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: NN&PTNT, TC, YT, QP, CA;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Các hiệp hội xuất khẩu hàng hóa sang
thị trường Trung Quốc;
- Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam;
- Sở Công Thương các tỉnh/thành phố;
- Các đơn vị: AP, TTTN, XTTM, KH;
- Lưu: VT, XNK (02).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Khánh

 



[1] Văn bản số 2407/BCT-XNK ngày 05 tháng 4 năm 2020 của Bộ Công Thương gửi UBND các tỉnh biên giới phía Bắc về xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới Việt - Trung; văn bản số 2532/BCT-XNK ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Bộ Công Thương gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19; văn bản số 569/BCT-XNK ngày 30 tháng 01 năm 2021 của Bộ Công Thương gửi UBND các tỉnh biên giới về xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới; văn bản số 2926/BCT-XNK ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Bộ Công Thương gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xuất khẩu nông sản qua biên giới; văn bản số 3083/BCT-XNK ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Bộ Công Thương gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 8297/BCT-XNK năm 2021 về hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 8297/BCT-XNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/12/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản