Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 820/BHXH-VP
V/v tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid 19), thời gian qua hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid 19 của các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có hệ thống BHXH các cấp, đã được triển khai tích cực, có hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới, tại Việt Nam cũng tiếp tục phát sinh những trường hợp lây nhiễm mới và chưa có dấu hiệu dừng lại; đặc thù của ngành BHXH trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ là thường xuyên phải tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch tại bộ phận "Một cửa" của BHXH tỉnh, huyện. Trung tâm Dịch vụ hành chính công các cấp, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, hồ sơ KCB BHYT..., là môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.

Để tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid 19; tiếp theo Công văn số 320/BHXH-VP ngày 06/02/2020, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid 19; Bộ Y tế, cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn và BHXH Việt Nam về phòng, chống dịch bệnh Covid 19. Đồng thời, khẩn trương thực hiện một số biện pháp khẩn cấp tại cơ quan, đơn vị, như sau:

1. Không tập trung đông người; rà soát, cân nhắc chỉ tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo thật sự cần thiết (kể cả hình thức trực tuyến); tạm thời không tổ chức các đoàn công tác nước ngoài; hạn chế tối đa việc tổ chức, tham gia các đoàn công tác tại địa phương, cơ sở; đối với những đơn vị phải làm việc với khách quốc tế cần có biện pháp tăng cường phòng dịch, hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc với khách nước ngoài, đặc biệt là khách đến từ vùng dịch; trường hợp cần thiết gặp gỡ, phải bảo đảm đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp phải tổ chức cuộc họp quan trọng, cần vệ sinh, khử trùng phòng họp trước khi họp, bố trí phòng họp, chỗ ngồi giãn cách hợp lý, đảm bảo các đại biểu dự họp được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát trùng bàn tay trước khi vào họp, không bắt tay trong cuộc họp, giảm thiểu các thủ tục lễ tân, tiếp xúc xã giao không cần thiết...

2. Tại trụ sở cơ quan BHXH các cấp: Triển khai việc kiểm tra thân nhiệt đối với cán bộ, công chức, người lao động và khách ra vào cơ quan, trường hợp cần thiết có thể áp dụng tờ khai y tế; bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn tại các phòng họp, cổng ra vào cơ quan; thực hiện phun thuốc khử trùng; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn cơ quan (nếu có) ... Trường hợp phát sinh công chức, viên chức, người lao động bị lây nhiễm, tiếp xúc với người bị lây nhiễm (F1, F2, F3...), phải thực hiện ngay các biện pháp cách ly theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế, chính quyền địa phương.

3. Công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức về phòng chống dịch bệnh; chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế; khuyến khích thực hiện khai báo y tế trên hệ thống phần mềm phòng chống Covid-19; thực hiện đeo khẩu trang khi tiếp xúc, giải quyết công việc với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch, làm việc với cơ quan BHXH; nếu có triệu chứng hoặc nguy cơ bị lây nhiễm (F1, F2, F3...) cần thông tin ngay cho Thủ trưởng đơn vị và các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn kịp thời; thường xuyên theo dõi, cập nhật những thông tin chính xác về diễn biến của tình hình dịch bệnh, tuyệt đối không truyền bá, đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, các cấp, các ngành.

4. Đối với Cơ quan BHXH Việt Nam, ngoài thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các trụ sở cơ quan (số 7, số 33 Tràng Thi, số 150 phố Vọng) nêu tại Điểm 1, Điểm 2, như: đo thân nhiệt đối với 100% công chức, viên chức, người lao động và khách khi vào cơ quan; bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn rửa tay hoặc chỗ rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; tổ chức an toàn các cuộc họp...; cần chủ động, tăng cường kiểm tra vệ sinh bếp ăn, nguồn thực phẩm, nguồn nước... đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: thường xuyên vệ sinh trụ sở cơ quan bằng dung dịch sát khuẩn trên sàn nhà, mặt bàn làm việc, tay nắm cửa, cầu thang bộ, cầu thang máy, nhà vệ sinh, nội thất xe ô tô cơ quan...

Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc. Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện theo các nội dung trên; trường hợp có phát sinh dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị, kịp thời thông tin về Văn phòng BHXH Việt Nam (Phòng Tổng hợp; số điện thoại: (024)39344.235) để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Ngành./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- BCĐ Quốc gia PCDB Corona (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ Y tế (để b/c);
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó TGĐ;
- Đảng ủy CQ, Công đoàn CQ, VP HĐQL;
- Lưu: VT, VP.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Lê Hùng Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 820/BHXH-VP năm 2020 về tiếp tục tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 820/BHXH-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/03/2020
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
  • Người ký: Lê Hùng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản