Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 816/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 1611/BDN ngày 23/11/2023, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh: Hiện nay, tình trạng xuất hiện nhiều vụ lừa đảo có tổ chức, một số vụ việc có yếu tố nước ngoài thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu “xã hội đen”, giả danh cơ quan chức năng hoạt động trên không gian mạng một cách tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân... Mặc dù có sự vào cuộc của các bộ, ngành để xử lý tội phạm công nghệ cao nhưng đến nay tình trạng này vẫn diễn ra, không có chiều hướng giảm, gây hoang mang trong đời sống của người dân. Cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để xử lý dứt điểm tình trạng trên nhằm giúp người dân an tâm trong cuộc sống; việc các tin nhắn rác có thông tin không phù hợp được gửi đến các số điện thoại của người sử dụng cần được cơ quan có thẩm quyền giải quyết triệt để hơn.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng của Bộ TTTT cũng liên tục giám sát, cảnh báo và tổ chức điều phối các doanh nghiệp ISP ngăn chặn các tên miền giả mạo, lừa đảo ngay khi phát hiện. Cùng với đó đã tích cực đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, qua đó tình hình diễn biến lừa đảo trực tuyến đã có một số biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn.

Trong đó, việc các đối tượng lừa đảo tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn. Các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện nay không còn chỉ giới hạn tại Việt Nam mà phần lớn đã hình thành các tổ chức lừa đảo ở các nước lân cận như Campuchia, Lào, Philippines. Những nhóm này cũng tập hợp được nhiều người Việt tham gia, tập trung tại các cơ sở ở các nước.

Phòng chống lừa đảo trực tuyến là câu chuyện diễn ra lâu dài và trường kỳ, bên cạnh các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và xử lý đang và sẽ tiếp tục triển khai, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai tuyên truyền các nội dung mới, phối hợp thực hiện các hoạt động, hình thức khác nhằm nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về an toàn thông tin nói chung và lừa đảo trực tuyến nói riêng.

Đối với vấn đề ngăn chặn các cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Bộ TTTT đã triển khai thực hiện các biện pháp sau:

- Chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm.

- Trong năm 2023, mỗi tháng các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thuê bao có giấy tờ tùy thân đăng ký, sở hữu ≥ 10 SIM/01 giấy tờ tùy thân, góp phần ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

- Ngày 24/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), các điều, khoản trong Luật đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký sử dụng.

- Vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156 và website: thongbaorac.ais.gov.vn. Ngoài ra, người dùng có thể đăng ký vào Danh sách không quảng cáo theo cú pháp "DK DNC: gửi 5656. Sau khi đăng ký, không cá nhân, doanh nghiệp quảng cáo nào được phép gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện quảng cáo vào các số điện thoại đã đăng ký trong danh sách này.

- Triển khai hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) để đánh giá, xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng, đánh giá và gán nhãn tín nhiệm mạng cho 4770 website; trong đó có 3823 website của cơ quan nhà nước. Tại đây, cũng công bố danh sách các website không an toàn, vi phạm pháp luật và các tài khoản ngân hàng có liên quan đến các cuộc lừa đảo trực tuyến.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube... xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm trên không gian mạng.

- Từ 01/01/2023 đến nay, Bộ TTTT đã triển khai 180 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thông tin trên mạng, xử phạt vi phạm hành chính đối với 135 trường hợp vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội với số tiền 2.141.500.000 đồng.

Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ:

- Triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM; phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định chính chủ.

- Chỉ đạo các nhà mạng khóa 02 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan.

- Xây dựng và phát hành các bộ cẩm nang về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, cẩm nang An toàn trực tuyến giúp bảo vệ mọi đối tượng người dân trên không gian mạng.

- Thực hiện các chiến dịch tuyên truyền trên diện rộng, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, các cơ quan báo chí truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân.

- Triển khai xây dựng chuỗi series Điểm tin tuần với các thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để đưa ra cảnh báo cũng như các khuyến cáo kịp thời giúp người dân tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

- Xây dựng, phát triển kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn) trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về các cuộc gọi lừa đảo trên hệ thống thông tin đại chúng.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 816/BTTTT-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 816/BTTTT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/03/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/03/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản