Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8135/BTC-NSNN
V/v tham gia ý kiến đối với Đề án phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện.

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2013

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Trả lời văn bản số 480/UBND-KTN ngày 27/05/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đề nghị tham gia ý kiến đối với Đề án giảm nghèo của huyện Bình Gia và Đình Lập giai đoạn 2013-2017 theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

I. Về những vấn đề chung đối với hai huyện Bình Gia và Đình Lập:

Để đảm bảo cho huyện Bình Gia và huyện Đình Lập giảm nghèo nhanh và bền vững; căn cứ cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2012 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo và các văn bản hướng dẫn, Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, đề nghị Tỉnh xây dựng các Đề án bao gồm các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và Quyết định số 293/QĐ-TTg, trong đó: ngân sách trung ương hỗ trợ 70% vốn đầu tư xây dựng cơ bản; các nhiệm vụ chính sách khác sử dụng ngân sách địa phương, lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để thực hiện.

II. Về những nội dung cụ thể:

1- Về đánh giá thực trạng:

Tại khoản 2 - mục II - Đề án: Thực trạng kinh tế - xã hội và nghèo đói của hai huyện Bình Gia và Đình Lập đến năm 2012:

Đề nghị bổ sung:

+ Đánh giá kết quả đạt được từ các chương trình, dự án và một số chính sách đầu tư xóa đói giảm nghèo theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã và đang thực hiện trên địa bàn huyện, cụ thể: Theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (thay Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 4/3/2007 và Quyết định số 126/2008/QĐ-TTg ngày 15/9/2008 trước đây), Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015, Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc chương trình 135 giai đoạn II, Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020, Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 về việc ban hành một số chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân, Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, vốn trái phiếu Chính phủ về giao thông, thủy lợi, nhà ở giáo viên, y tế tỉnh, huyện, kết quả thực hiện bảo hiểm y tế người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi theo Luật Bảo hiểm y tế… Từ đó rút ra những tồn tại và hạn chế cần khắc phục.

+ Đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện.

2- Về mục tiêu:

Tại khoản 1, khoản 2 - mục III - Đề án: Mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể:

Đề nghị Tỉnh xem xét lại một số chỉ tiêu cơ bản: ví dụ đến năm 2020 chỉ tiêu lao động qua đào tạo ước đạt 36-40%, trong khi chỉ tiêu theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đến năm 2015 đạt trên 40%; năm 2017 đạt trên 50%; chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người (huyện Bình Gia) năm 2012 là 11,3 triệu đồng/người/năm, năm 2015: 19,8 triệu đồng/người/năm, năm 2017: 31 triệu đồng/ người/năm, chỉ tiêu này khó thực hiện và đề nghị bổ sung chỉ tiêu lao động nông nghiệp.

3- Nội dung hỗ trợ giảm nghèo:

a. Đối với huyện Bình Gia:

- Tại khoản 1 - Mục IV - Đề án: Tổng nhu cầu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng đến năm 2017:

Tổng kinh phí là 998,88 tỷ đồng, trong đó:

+ Vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo Quyết định số 293/QĐ-TTg là 228 tỷ đồng cho 31 công trình, bình quân mỗi năm 45,6 tỷ đồng, căn cứ khả năng ngân sách Trung ương đầu tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trong 4 năm qua (2009-2012), bình quân mỗi huyện là 49 tỷ đồng/năm (trong đó vốn đầu tư bình quân 37 tỷ đồng/năm, vốn sự nghiệp bình quân 12 tỷ đồng/năm). Theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì huyện Bình Gia được hưởng chính sách hỗ trợ vốn đầu tư bằng 70% mức bình quân của các huyện theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP tương đương khoảng 26 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch vốn xây dựng của Tỉnh nêu trong Đề án là vượt so khả năng hỗ trợ ngân sách Trung ương. Vì vậy, đề nghị Tỉnh cần lựa chọn các dự án, công trình theo thứ tự ưu tiên và tính toán nhu cầu kinh phí của từng dự án, công trình và đảm bảo bố trí nguồn lực được tập trung, hiệu quả.

+ Nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn huy động tài chính khác: Tổng số vốn đầu tư Đề án xây dựng 5 năm (2013-2017) là 770,88 tỷ đồng, đề nghị Tỉnh căn cứ khả năng ngân sách địa phương, khả năng huy động các nguồn vốn khác để tính toán để đảm bảo nguồn vốn đầu tư theo khả năng huy động và có phân kỳ đầu tư.

b. Đối với huyện Đình Lập:

- Tại khoản 1 - Mục IV - Đề án: Tổng nhu cầu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng đến năm 2017:

Tổng kinh phí là 647,1 tỷ đồng, trong đó:

+ Vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo Quyết định số 293/QĐ-TTg là 236,2 tỷ đồng cho 48 công trình, bình quân mỗi năm 47,2 tỷ đồng, cũng như ý kiến tham gia đối với huyện Bình Gia nêu trên, đề nghị Tỉnh cần lựa chọn các dự án, công trình theo thứ tự ưu tiên và tính toán nhu cầu kinh phí của từng dự án, công trình và đảm bảo bố trí nguồn lực được tập trung, hiệu quả.

+ Nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn huy động tài chính khác: Tổng số vốn đầu tư Đề án xây dựng 5 năm (2013-2017) là 410,9 tỷ đồng, đề nghị Tỉnh căn cứ khả năng ngân sách địa phương, khả năng huy động các nguồn vốn khác để cân nhắc, tính toán để đảm bảo nguồn vốn đầu tư theo khả năng huy động và có phân kỳ đầu tư.

c- Đối với kinh phí sự nghiệp: Các Đề án chưa xây dựng nội dung này. Vì vậy, trên cơ sở chế độ, chính sách hỗ trợ cho huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Quyết định số 293/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn (như chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập thông qua chính sách khoán cho các hộ chăm sóc, bảo vệ rừng, giao đất để trồng rừng sản xuất; chính sách hỗ trợ sản xuất, chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo), đề nghị Tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí sự nghiệp cho huyện Bình Gia và huyện Đình Lập. Về nguồn lực: sử dụng ngân sách địa phương, các chương trình, dự án và huy động nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện.

3- Về nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế, phương thức thực hiện:

- Tại khoản 2 - Mục VII - Đề án: Về giải pháp thực hiện:

Đề nghị nghiên cứu điều chỉnh lại, gắn việc đưa ra các giải pháp để khắc phục nguyên nhân, tồn tại dẫn đến đói nghèo đã phân tích trong Đề án.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xem xét và tổng hợp./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Sở TC tỉnh Lạng Sơn;
- Lưu: VT, Vụ NSNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Công Nghiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 8135/BTC-NSNN năm 2013 tham gia ý kiến đối với Đề án phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 8135/BTC-NSNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/06/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Công Nghiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản