Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8062/BTC-QLKT
V/v Hướng dẫn kế toán

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Công ty TNHH Flow Trading Vietnam

Trả lời công văn số 01/CV/BTC ngày 21/7/2022 của Quý Công ty về việc hướng dẫn hạch toán kế toán với hoạt động kinh doanh mua bán nợ, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về hạch toán nghiệp vụ mua khoản nợ

Theo quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp (Thông tư 200):

- Điều 15 quy định các loại chứng khoán và công cụ tài chính nắm giữ vì mục đích kinh doanh (mua đi bán lại nhằm mục đích kiếm lời) sẽ được theo dõi và phản ánh vào Tài khoản 121 - Chứng khoán kinh doanh;

- Điều 16 quy định các khoản đầu tư mua với mục đích nắm giữ đến ngày đáo hạn (nắm giữ đến thời hạn đế thu lãi) sẽ được theo dõi và phản ánh trên Tài khoản 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Như vậy, trường hợp Công ty có giao dịch mua nợ theo Hợp đồng thì tại thời điểm mua khoản nợ, Công ty phải xác định mục đích mua khoản nợ đó để kinh doanh (với mục đích mua đi bán lại để kiếm lời theo Điều 15 Thông tư 200) hay là nắm giữ đến ngày đáo hạn (với mục đích nắm giữ khoản nợ cho đến khi được khách hàng thanh toán theo hợp đồng nợ vay theo Điều 16 Thông tư 200). Tùy vào mục đích của việc mua lại khoản nợ, kế toán sẽ hạch toán như sau:

(1) Trường hợp mua khoản nợ với mục đích kinh doanh, thì khi mua khoản nợ doanh nghiệp ghi tăng giá trị chứng khoán kinh doanh và hạch toán vào Tài khoản 121- Chứng khoán kinh doanh. Khi bán khoản nợ cho các đơn vị khác, doanh nghiệp ghi nhận lãi vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc ghi nhận lỗ vào chi phí tài chính.

(2) Trường hợp mua khoản nợ với mục đích nắm giữ đến ngày đáo hạn thì doanh nghiệp sẽ ghi tăng giá trị khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và hạch toán vào Tài khoản 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Định kỳ khi thu lãi cho vay doanh nghiệp hạch toán là doanh thu tài chính. Khi đáo hạn khoản vay, doanh nghiệp được nhận lại gốc cho vay (theo hợp đồng gốc) và phản ánh số chênh lệch giữa số tiền nhận được với giá trị ghi sổ của khoản đầu tư (theo giá mua) là doanh thu tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ).

2. Về hạch toán chi phí phát sinh từ việc mua khoản nợ

Đối với các chi phí liên quan trực tiếp đến việc mua khoản nợ (như phí môi giới, phí giao dịch...), kế toán ghi nhận và giá gốc khoản nợ đã mua.

3. Về trích lập dự phòng theo quy định của kế toán

- Trường hợp khoản đầu tư được phân loại là nắm giữ đến ngày đáo hạn: Theo điểm 3.6 Điều 16 Thông tư 200 thì không lập dự phòng cho khoản này mà khi có bằng chứng cho thấy một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có thể không thu hồi được, doanh nghiệp phải đánh giá khả năng, xác định giá trị khoản đầu tư có thể thu hồi. Nếu khoản tổn thất được xác định một cách đáng tin cậy, doanh nghiệp phải ghi nhận khoản tổn thất (là phần chênh lệch giữa giá trị có thể thu hồi nhỏ hơn giá trị ghi sổ của khoản đầu tư) vào chi phí tài chính.

- Trường hợp khoản đầu tư được phân loại là nắm giữ cho mục đích kinh doanh: Theo quy định tại khoản 1.2 Điều 45 Thông tư 200 thì nếu doanh nghiệp có bằng chứng chắc chắn cho thấy giá trị thị trường của các loại chứng khoán kinh doanh bị giảm so với giá trị ghi sổ thì doanh nghiệp được trích lập dự phòng và tính vào chi phí tài chính.

Như vậy cả 2 trường hợp đều ghi nhận khoản tổn thất vào chi phí tài chính, chỉ khác cách thức trình bày trên báo cáo tài chính (lập dự phòng thi không ghi trực tiếp khoản tổn thất làm giảm giá gốc của khoản đầu tư).

4. Về kế toán giảm khoản đầu tư

Trường hợp Công ty không có khả năng thanh toán cho bên bán khoản nợ thì căn cứ vào giá trị khoản nợ đã trả lại cho bên bán, kế toán ghi giảm giá trị khoản đầu tư, giảm khoản phải trả người bán tương ứng với giá trị khoản nợ đã trả lại.

5. Việc xác định doanh thu, chi phí được trừ để tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.

Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ Tài chính, đề nghị Quý Công ty nghiên cứu, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- Vụ Pháp chế:
- Lưu: VT, Cục QLKT.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ
GIÁM SÁT KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Lưu Đức Tuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 8062/BTC-QLKT năm 2022 về hướng dẫn hạch toán kế toán với hoạt động kinh doanh mua bán nợ do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 8062/BTC-QLKT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/08/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lưu Đức Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản