Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 769/BGDĐT-GDTrH
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp bất thường lần thứ Nhất Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi tới kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022.

Nội dung kiến nghị:

Cử tri cho rằng, hiện nay chương trình học của học sinh phổ thông khá nặng, trong điều kiện dạy và học trực tuyến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, có giải pháp cải cách nhằm giảm tải chương trình học nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo đối với học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử trong các nhà trường; quan tâm kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh hợp lý mức lương cho giáo viên (Câu 05).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cảm ơn quan tâm của cử tri tỉnh Yên Bái. Về vấn đề này, Bộ GDĐT trả lời như sau:

1. Về chương trình giáo dục phổ thông

Năm học 2021-2022 do dịch COVID-19 nên Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2021 điều chỉnh nội dung dạy học thích ứng với dịch bệnh. Trong công văn này, các phụ lục kèm theo cơ bản là hướng dẫn giảm tải nội dung dạy học. Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học tại Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH, trong đó bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lí thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập; sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến. Thực hiện hiệu quả, chất lượng các hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đối với lớp 6 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng kế hoạch dạy học bám sát yêu cầu cần đạt theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Đến nay về cơ bản các cơ sở giáo dục trung học đã hoàn thành chương trình thuộc học kì 1 năm học 2021-2022.

2. Về nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử trong các nhà trường

Để nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử trong các nhà trường, Bộ GDĐT triển khai thực hiện những giải pháp đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá giúp cho học sinh hứng thú, yêu thích học môn Lịch sử hơn. Các giải pháp cụ thể như sau:

- Về nội dung dạy học: Bộ đã có Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH về điều chỉnh nội dung dạy học THCS, THPT thực hiện trong năm học 2021-2022, tập trung vào những nội dung cơ bản, cốt lõi của Chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử; hằng năm ban hành văn bản chỉ đạo chuyên môn sắp xếp các nội dung dạy học thành các chủ đề bảo đảm tinh gọn, khoa học và sự lôgic của các nội dung dạy học.

- Về phương pháp dạy học: Bộ chỉ đạo tích cực việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, tăng cường tổ chức các hoạt động thực hành bộ môn, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học: dạy học dự án, dạy học tại di sản, bảo tàng, làm cho việc học tập lịch sử sinh động, hấp dẫn hơn qua đó giúp các em yêu thích, say mê học tập bộ môn Lịch sử;

- Về kiểm tra đánh giá: Bộ tăng cường chỉ đạo việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, không ghi nhớ máy móc các nội dung ngày tháng, số liệu, sự kiện lịch sử, bảo đảm sự cân đối các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng và định hướng thái độ của học sinh, gắn kiểm tra kiến thức với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

- Bộ GDĐT sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học trong các nhà trường, trong đó có việc thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ của môn Lịch sử, hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện yêu cầu đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá môn học.

3. Về điều chỉnh hợp lý mức lương cho giáo viên

Bộ GDĐT đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Giáo dục 2019, trong đó quy định nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ xây dựng thang, bảng lương cho giáo viên. Đồng thời, xem xét đề xuất xây dựng chế độ lương và phụ cấp của đội ngũ nhà giáo cho tương xứng trong dự thảo Luật Nhà giáo đang soạn thảo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;
- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
- BT, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
- Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của QH;
- Vụ Tổng hợp, VPQH;
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, GDTrH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Kim Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 769/BGDĐT-GDTrH năm 2022 giải pháp cải cách giảm tải chương trình học vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo đối với học sinh phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 769/BGDĐT-GDTrH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/03/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Kim Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản