Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 757/CSLĐ-VL
Về việc hướng dẫn thực hiện chính sách theo Bộ luật Lao động

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 1995

 

Kính gửi : Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh

Sau khi nghiên cứu công văn số 111/LĐTBXH ngày 10-02-1995 của Sở hỏi về một số Điều của Bộ luật Lao động và Nghị định số 196/CP, 198/CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

I. VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

1. Điểm 1 mục IV của Công văn số 111/LĐTBXH:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Bộ luật Lao độngĐiều 12 của Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ: nếu công việc có tính chất thường xuyên từ 01 năm trở lên mà doanh nghiệp ký nhiều hợp đồng lao động liên tiếp theo mùa vụ, có thời hạn dưới 01 năm thì phải chuyển sang ký hợp đồng không xác định thời hạn trong vòng 06 tháng kể từ ngày 01/01/1995.

Trường hợp, doanh nghiệp có nhiều công việc không thường xuyên xảy ra theo mùa mà phải ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 năm liên tiếp, thì quyền lợi của người lao động được hưởng như loại hợp đồng lao động khác (trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội ...) đã quy định trong các chương của Bộ luật Lao động và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động.

2. Điểm 2 mục IV của Công văn số 111/LĐTBXH:

Tại khoản 3 Điều 41 của Bộ luật Lao động quy định: “Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi dưỡng phí đào tạo (nếu có) theo quy định của Chính phủ sẽ ban hành văn bản quy định cụ thể.

3. Điểm 3 mục VI của Công văn số 111/LĐTBXH:

Nếu người lao động gần đến tuổi hưu (thiếu 01 tuổi) mà người đó chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật, thì đương nhiên được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 2 Điều 42 của Bộ luật Lao độngĐiều 10 của Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động. Sau đó họ đủ điều kiện nghỉ hưu thì hưởng chế độ hưu theo quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội.

4. Điểm 4 mục IV của Công văn số 111/LĐTBXH:

Nếu người lao động là công nhân, viên chức biên chế trong doanh nghiệp Nhà nước chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 của Bộ luật lao động.

II. VỀ THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

1. Điểm 1 mục II của Công văn số 111/LĐTBXH:

Theo khoản 1 điều 44 và khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Lao động thì thỏa ước lao động tập thể không phải là biện pháp bắt buộc về hành chính, mà chỉ bắt buộc khi 1 trong 2 bên có yêu cầu; khi tổ chức Công đoàn có yêu cầu thì bắt buộc bên người sử dụng lao động phải chấp thuận thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo đúng luật định.

2. Điểm 2 mục II của Công văn số 111/LĐTBXH:

Theo khoản 2 Điều 47 và khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Lao động thì việc quyết định thừa nhận thỏa ước lao động tập thể là thuộc thẩm quyền của cơ quan lao động cấp tỉnh mà người đứng đầu là Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc Ủy quyền cho người khác là thuộc phạm vi pháp luật cho phép. Do đó, đồng chí Giám đốc Sở căn cứ vào những quy định về Uỷ quyền để thực hiện cho đúng.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM




Lê Văn Tô

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 757/CSLĐ-VL năm 1995 hướng dẫn thực hiện chính sách theo Bộ luật Lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 757/CSLĐ-VL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/03/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Văn Tô
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản