Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7440/BNN-TCLN
V/v triển khai lập Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2020

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Quyết định số 536/QĐ-TTg ngày 17/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để đảm bảo sự thống nhất giữa Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia với quy hoạch tỉnh, sát với thực tế, đảm bảo tính kế thừa các quy hoạch liên quan đến lâm nghiệp đã có để tránh biến động lớn, xáo trộn, ngắt quãng; sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong quá trình lập quy hoạch và đảm bảo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Tổng cục Lâm nghiệp quản lý lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia phối hợp với Viện Điều tra, Quy hoạch rừng đến làm việc với các địa phương rà soát, thống nhất các nội dung sau:

- Thu thập, đánh giá các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình phát triển lâm nghiệp, trong đó có tình hình quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, tổ chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2011-2020.

- Thu thập, đánh giá hiện trạng tài nguyên rừng, tác động của việc khai thác, sử dụng tài nguyên rừng, kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Thu thập, đánh giá chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan đến hoạt động lâm nghiệp, bảo vệ môi trường quốc gia; nghiên cứu bối cảnh, các mối liên kết ngành; xác định yêu cầu, tác động của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành lâm nghiệp.

- Dự báo về nhu cầu và thị trường lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, phát triển của khoa học, công nghệ trong lâm nghiệp và tác động đối với ngành lâm nghiệp; tác động của thị trường, dịch vụ du lịch sinh thái, biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa đến ngành lâm nghiệp trong thời kỳ quy hoạch.

- Quan điểm và mục tiêu khai thác, sử dụng tài nguyên rừng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội:

+ Xác định các quan điểm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng tài nguyên rừng, phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp xét về hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái rừng, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu;

+ Xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu phát triển lâm nghiệp trong thời kỳ quy hoạch.

- Định hướng phát triển lâm nghiệp:

+ Định hướng phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; gắn quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học với khai thác, sử dụng bền vững dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái;

+ Định hướng phát triển giống lâm nghiệp và lâm sản ngoài gỗ;

+ Định hướng phát triển thị trường, vùng nguyên liệu, chế biến lâm sản;

+ Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp.

- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch: Giải pháp về cơ chế, chính sách; tài chính, đầu tư; khoa học và công nghệ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch.

(Chi tiết các nội dung theo Đề cương đính kèm)

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm và phối hợp trong quá trình làm việc./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Tổng cục Lâm nghiệp (để t/h);
- Viện Điều tra QH rừng (để t/h);
- Sở NN & PTNT các tỉnh (để t/h);
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 7440/BNN-TCLN năm 2020 về triển khai lập Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 7440/BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/10/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản