Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO -
SỞ TÀI CHÍNH - SỞ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 744/HDLN
V/v hướng dẫn triển khai thực hiện thông tư số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV

Lâm Đồng, ngày 27 tháng 05 năm 2013

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Thực hiện Thông tư Liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015 (dưới đây gọi tắt là Thông tư 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV);

Ngoài những quy định cụ thể tại Thông tư số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV, Liên ngành Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Nội vụ hướng dẫn và lưu ý thêm một số nội dung như sau:

1. Chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa trẻ em.

1.1. Đối tượng được hỗ trợ ăn trưa:

Thực hiện theo Thông tư số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV. Đồng thời để thuận tiện trong việc theo dõi đối tượng thụ hưởng chế độ, cần lưu ý thêm một số nội dung như sau:

a- Đối tượng là trẻ em mẫu giáo 5 tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non: Đây là đối tượng đang được hỗ trợ tiền ăn trưa theo quy định tại Thông tư số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/7/2011 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, cũng chính là đối tượng hưởng chế độ tiền ăn trưa theo Thông tư số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV. Vì vậy chỉ được hưởng một chế độ.

b- Đối tượng là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành (không bao gồm địa bàn phường và thị trấn): Do các địa bàn nói trên trùng hợp với các địa bàn được quy định theo Thông tư số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC, vì vậy các địa phương căn cứ vào địa bàn những xã đang áp dụng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa trẻ em mẫu giáo 5 tuổi để triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ cho trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi.

c- Đối tượng là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non không thuộc đối tượng quy định tại điểm b nêu trên có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước; Trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế: Được áp dụng cho các cơ sở giáo dục mầm non cấp xã (bao gồm cả phường và thị trấn).

1.2. Về nguồn kinh phí và phương thức chi trả:

a. Về nguồn kinh phí chi trả:

Kể từ năm học 2013-2014 trở đi, nhu cầu kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi sẽ được tổng hợp chung cùng với kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi để bố trí vào dự toán chi ngân sách hàng năm của các địa phương.

Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non nêu trên được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2012 trở đi (trùng với năm học 2012-2013). Tuy nhiên do đến ngày 25/4/2013 Thông tư số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV mới có hiệu lực thi hành, nên sau khi danh sách chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đã được tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê chuẩn, ngân sách tỉnh sẽ cấp bổ sung cho các huyện để thực hiện cấp hỗ trợ cho trẻ em một lần cho cả năm học 2012-2013.

b. Phương thức chi trả:

Khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện theo phương thức giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức nấu tập trung bữa ăn trưa cho trẻ. Riêng đối với những cơ sở giáo dục mầm non cơ sở vật chất thiếu thốn, không có điều kiện về thời gian, con người để tổ chức nấu tập trung bữa ăn trưa cho trẻ; các trường hợp hỗ trợ cho trẻ thuộc diện hộ nghèo, trẻ mồ côi, trẻ bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế thì thực hiện theo phương thức chi trả trực tiếp cho cha mẹ (hoặc người giám hộ, người nhận nuôi trẻ).

2. Đối tượng, nội dung và trình tự hỗ trợ đối với giáo viên:

2.1. Đối tượng được hỗ trợ:

Giáo viên làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập bao gồm cả Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp, làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao, có tham gia bảo hiểm xã hội.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục mầm non công lập trực thuộc rà soát lại những trường hợp chưa được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định để thực hiện xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, hoặc đã được xếp lương nhưng chưa được nâng lương theo niên hạn thì tính nâng lương theo niên hạn.

2.2. Nội dung hỗ trợ:

Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV. Trong đó lưu ý:

- Thời gian hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên thì không được tính để xếp ngạch, nâng lương;

- Thời gian để xét chuyển xếp lương được tính trên cơ sở trừ thời gian tập sự từ ngày có bằng tốt nghiệp (trường hợp có Quyết định công nhận tốt nghiệp hoặc trên bằng tốt nghiệp có ghi ngày của Quyết định công nhận tốt nghiệp thì tính từ ngày quyết định công nhận tốt nghiệp), cụ thể trừ 06 tháng đối với ngạch 15115; trừ 12 tháng đối với ngạch 15a205 và 15a206. Thời gian tập sự không bao gồm thời gian nghỉ hè, nghỉ thai sản và nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên (từ tháng 6/2012 trở đi thời gian ốm đau từ 03 ngày trở lên không được tính).

Ví dụ: Giáo viên Trần Thị B hợp đồng lao động lương khoán có đóng bảo hiểm xã hội tại trường mầm non C từ tháng 9/2004, tháng 12/2005 có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non, trên bằng có ghi Quyết định tốt nghiệp ngày 10/9/2005; việc xếp ngạch, nâng lương thực hiện như sau:

a- Thời gian từ tháng 9/2004 - 8/2005: không tính (do chưa có bằng cấp chuyên môn)

b- Xác định ngạch và nâng lương theo niên hạn:

Theo trình độ chuyên môn đào tạo, từ tháng 9/2005 cô B được xếp vào ngạch Giáo viên mầm non chính - mã ngạch 15a206 - bậc 1/10 - hệ số 2,10. Sau khi trừ thời gian tập sự (12 tháng), thời điểm để tính xét nâng bậc lương tiếp theo bắt đầu từ tháng 12/2006 trở đi.

- Nâng lương theo niên hạn (3 năm 1 lần):

+ Đến tháng 12/2009: cô B được nâng lương lên bậc 2/10; hệ số: 2,41

c - Xếp ngạch, bậc lương theo Thông tư 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV:

- Xếp vào ngạch Giáo viên mầm non chính - mã ngạch 15a206; bậc 2/10; hệ số: 2,41, thời điểm hưởng từ ngày 01/01/2012 (Khoản 2 Điều 11 Thông tư 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV), thời điểm xét nâng bậc lương tiếp theo tính từ tháng 12/2009.

- Nâng lương theo niên hạn: lên bậc 3/10; hệ số: 2,72, thời điểm hưởng và xét nâng bậc lương tiếp theo tính từ tháng 12/2012.

Lưu ý: Từ tháng 01/2012 đến tháng 11/2012: hưởng bậc 2/10; hệ số: 2,41

- Đối với trường hợp kéo dài thời gian nâng lương thường xuyên do không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật (nếu có) thực hiện như sau:

+ Trước ngày 01/01/2010 trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hàng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bị bãi nhiệm thì bị kéo dài thêm 12 tháng so với thời gian quy định.

+ Từ ngày 01/01/2010 đến ngày 01/01/2012 trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hàng năm hoặc bị kỷ luật hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo bị thì kéo dài thêm 06 tháng so với thời gian quy định; bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức bị thì kéo dài thêm 12 tháng so với thời gian quy định.

+ Từ ngày 01/01/2012 (Luật viên chức có hiệu lực) trường hợp bị khiển trách thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 03 tháng; bị cảnh cáo thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 06 tháng; bị cách chức thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 12 tháng.

2.3. Trình tự thời gian xét duyệt chuyển xếp lương đối với Giáo viên mầm non đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 7 của Thông tư số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV.

2.4. Chế độ hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non dân lập và cơ sở giáo dục mầm non tư thục thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 6 Thông tư số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV.

Kể từ năm 2014 trở đi, nhu cầu kinh phí hỗ trợ cho giáo viên mầm non, các trường mầm non sẽ được tổng hợp để bố trí vào dự toán chi ngân sách hàng năm của các địa phương. Riêng đối với số kinh phí phát sinh năm 2012-2013, UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tổng hợp nhu cầu và báo cáo gởi về Sở Tài chính để phối hợp các ngành thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cấp bổ sung cho các huyện trong năm 2013.

2.5. Tổng hợp nhu cầu kinh phí:

Phòng Tài chính Kế hoạch phối hợp với Giáo dục và Đào tạo và Phòng Nội vụ tiến hành kiểm tra, tổng hợp báo cáo gởi về Sở Tài chính để phối hợp các ngành thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non như sau:

- Kinh phí tăng thêm để thực hiện chi trả chế độ (tiền lương, kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ chính sách khác) cho giáo viên theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ sở giáo dục mầm non công lập như giáo viên theo chế độ hợp đồng làm việc trong trường hợp cơ sở giáo dục mầm non công lập không cân đối được nguồn thu để thực hiện.

- Kinh phí tăng thêm để thực hiện chi lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non dân lập đảm bảo bằng mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

- Kinh phí thực hiện hỗ trợ tài liệu, thiết bị và chi phí tập huấn khác (nếu có) cho giáo viên cơ sở giáo dục mầm non tư thục khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập, dân lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong đó xác định rõ số kinh phí hỗ trợ năm 2012, năm 2013. Đồng thời trên cơ sở kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng của Phòng Giáo dục và Đào tạo, nguồn thu chi của các cơ sở giáo dục mầm non dự kiến năm 2014 để xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách địa phương năm 2014.

Trên đây là một số nội dung hướng dẫn của liên ngành, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ảnh về Liên ngành để có hướng dẫn bổ sung./-

 

SỞ NỘI VỤ
GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Hùng

SỞ TÀI CHÍNH
GIÁM ĐỐC




Phùng Thị Hiền

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO
GIÁM ĐỐC




Nguyễn Xuân Ngọc

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND tỉnh (Báo cáo);
- KBNN tỉnh
- Phòng: GD&ĐT; Nội vụ; TCKH các huyện, TP (T/hiện);
- Phòng Nghiệp vụ các Sở: GD&ĐT, Nội vụ, Tài chính;
- Lưu STC (2), Sở GĐĐT (2), Sở NV (2)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 744/HDLN năm 2013 thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 744/HDLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Văn Hùng, Phùng Thị Hiền, Nguyễn Xuân Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản